Mười Bảy Tuổi, Bạn Thích Ai?

Chương 51


trước sau

Hồi còn nhỏ tôi lần đầu xem "The sound of music" là khoảng đâu tầm bốn tuổi. Mùa đông, TV tiếp sóng các bộ phim dịch tiếng nước ngoài.

Nhà trẻ nghỉ lễ cuối năm, ba tôi đi công tác, mẹ nghỉ phép ở nhà chơi với tôi. Liền hai buổi chiều, kênh truyền hình của xí nghiệp phát cùng một bộ phim, tôi cuộn tròn trong vòng tay mẹ xem bộ phim liền hai ngày. Mẹ vừa ôm tôi, vừa phải giữ tôi né khỏi mũi cây đan áo len bằng trúc bà cầm, thế mà hầu như chẳng hề luống cuống chân tay.

Lúc đó chúng tôi chưa chuyển đến khu nhà số 13, vẫn ở tại căn hộ chưa tới 50m2 mà lúc ba mẹ vừa vào xí nghiệp được phân. Nhà tuy nhỏ, nhưng nhờ có hai cửa sổ mở về hướng Tây và Nam, thế nên cực kì ấm áp sáng sủa.

Chiều ngày mùa đông, cơn gió Bắc bị nhốt lại ở bên ngoài cửa, tiếng rít gào bặt tăm sau lớp thuỷ tinh dày, chỉ riêng có ấm áp cùng ánh sáng rải xuống khắp chốn.

Tôi là một đứa nhỏ có trí nhớ cực tốt, từ rất bé đã bắt đầu biết ghi nhớ, cho nên nhận nốt nhạc cũng tốt.

Xem bộ phim đến lần thứ hai tôi đã có thể bập bẹ hát theo "Đồ Rê Mí", đến khi bài nhạc cuối phim cất lên lần nữa, mẹ tôi rút cây đan ra khỏi cuộn len đỏ bông xù, ướm thử trước người tôi rồi nói: "Áo len mới, con mặc lên xem."

Mẹ tôi không phải là một người mẹ khéo tay, lúc ba tôi không đi công tác, bếp mẹ còn chẳng mấy khi vào. Áo len đương nhiên cũng không có kiểu cách gì đặc biệt, chỉ là mũi len cơ bản, nhưng được cái là không tiếc len, len chất lượng cũng tốt, thế nên đan ra đặc biệt dầy dạn.

Tôi đánh vật nhô được đầu ra khỏi cổ áo, đứng trên sàn quay một vòng rồi trèo lên đầu gối mẹ: "Mẹ ơi có sợi len chích con." Mẹ tôi lấy tay chà chà lên áo len, yên tâm nói: "Đồ len mới đều vậy, mặc mấy ngày là hết."

Chiếc áo len nọ tôi mặc đến khi lên cấp 1, sau đó vẫn cất tại chiếc rương bằng gỗ long não để ở lầu trên, tuy chỉ là một món đồ bé nhỏ nhưng mẹ lưu luyến giữ mãi. Nhưng bộ phim điện ảnh "The sound of music" thì rất lâu về sau không được phát lại trên TV.

Tôi rất thích lại cũng rất nhớ bộ phim, thế nên vẫn hay phàn nàn với bạn bè nói muốn xem lại lần nữa.

Sinh nhật mười sáu tuổi của tôi, Niệm Từ chạy khắp các tiệm băng đĩa trong thành phố mua tặng tôi chiếc đĩa phim này tiếng Anh gốc. Trời biết tôi vui đến cỡ nào, kéo theo một đám bạn cùng ngồi nhét chung trong chiếc ghế sofa ở nhà ôn lại ký ức vui vẻ tuổi nhỏ.

Bộ phim thật sự là hay, đến màn cuối cùng, lúc cả nhà đại tá bỏ trốn, cả đám con trai không chịu ngồi yên cũng phải chạy lại cùng chúng tôi nín thở xem cho hết đoạn kết cuối.

Khoảnh khắc đó thật sự quá diệu kỳ.

Tôi bỗng nhiên không đâu nghĩ đến: Có lẽ, những ký ức tốt đẹp của tuổi nhỏ giống như một gian phòng ấm áp, chính là gian phòng ẩn náu giúp chắn gió che mưa cho chúng ta ở tuổi trưởng thành.

Mà giây phút này đây, gian phòng ẩn náu lại một lần nữa được mở, chúng tôi quyết định sẽ dựng tại đây một vở ca kịch.

Kim Viên Viên vì mục đích gì lại đưa ra thêm một tiết mục múa hữu nghị nữa thay thế tiết mục của Diệc Phi, các bạn nhỏ vốn hồn hậu, trong sáng, được giáo dục tốt không võ đoán hay bàn luận quá nhiều. Các bạn nhanh chóng đem toàn bộ tinh lực dốc vào
việc làm ra một tiết mục thật hay.

Tất cả mọi người lần này đều trút tâm sức, bao gồm cả Minh Vũ, người hầu như không mấy khi tham gia hoạt động tập thể, và Tưởng Dực người xưa nay chưa bao giờ ưa vẽ theo yêu cầu. Tôi thì càng không cần phải nói, trước khi thi phần kịch bản cơ bản là đã hoàn thành. Thế nên, chẳng mấy ngạc nhiên khi thi cuối kỳ điểm toán với lý của tôi trượt dốc.

Ông cụ Từ từ Bắc Kinh mới chân trước trở về, chân sau đã lập tức lôi tôi và Tưởng Dực vào phòng dò lại bài thi, thở dài ngao ngán: "Mấy dạng bài này tôi đều giảng hết rồi mà, em không nhớ à hay sao?"

Tưởng Dực cười nhạt: "Thầy hỏi xem bạn ấy trong tiết có nghe giảng không đã?"

Thầy Từ làm mặt nghiêm: "Cứ thế này tiếp thì tôi phải mời phụ huynh thôi, em cũng không phải không học vào, tại sao cứ không chú tâm như thế?"

"Em có nghe giảng có nghe giảng mà!" Tôi cấp bách quá lấy tay nhéo chỗ da bụng của Tưởng Dực. Cậu ấy đau đến hít một hơi, cắn răng bảo đảm với ông cụ Từ: "Kì kiểm tra cuối tháng đầu học kỳ sau em đảm bảo điểm Lý cậu ấy trên 90, nếu không đạt thì thầy hãy mời phụ huynh."

"Không được đâu tớ làm sao thi nổi 90..." Tôi đâm hoảng định bưng miệng cậu ấy lại, thì đã không còn kịp nữa. Ông cụ Từ trịnh trọng đồng ý, nói: "Quân tử nhất ngôn."

Tưởng Dực túm tay tôi giằng ra giải thoát cho cái miệng, nói: "Tứ mã nan truy."

Thế đấy, kết quả thi của tôi cuối cùng lại thành cậu ấy quyết.

Tôi tức xì khói chạy ào khỏi phòng giáo viên, Tưởng Dực theo sau, nói: "Không phải là 90 điểm thôi sao, có gì mà sợ?" "Người thi là tớ biết không hả? Cậu không sợ nhưng tớ sợ!"

"Trước khi thi tớ bảo cho cậu là bài nào sẽ ra, cậu cứ học thuộc là được chứ gì?" Tôi đứng lại, "Cậu tủ được á."

"Tớ lừa cậu bao giờ?"

Cũng đúng, tôi đá mũi chân dưới đất, "Nhưng mà 90 điểm cũng khó lắm ấy..."

"Cậu đần đúng không." Tưởng Dực đập bụp cái vào đầu tôi: "Chỉ cần lần sau kết quả ổn một tí, đủ điểm đậu, thì thầy rảnh đâu mà mời phụ huynh. Thầy chỉ định hù cậu thôi."

Vậy à... Hình như vậy thiệt!

Sao tôi lại không nghĩ ra chứ.

Tưởng Dực ghét bỏ: "Cái đầu cậu không biết để làm gì?" "Lỡ thầy ấy nói sao làm vậy thì biết sao?" Tôi vẫn lo ngay ngáy.

"Vậy thì vẫn tốt hơn là mời cô chú tới bây giờ. Kế hoãn binh hiểu không hả? Lại nói biết đâu cậu thi được 90 thật thì sao?" Phát ghét, còn khoe khoang ta đây biết 36 kế.

Tôi cúi đầu: "Tớ không thi được như thế ấy..."

Tưởng Dực hiếm có lúc không bẻ lại tôi ngay, mất nửa buổi mới hỏi một câu từ trên đầu tôi: "Cậu cứ thi không đủ điểm Lý, đến khi tách ban Văn Lý thì sao, cậu định chọn Văn à?"

Tôi ngẩng phắt đầu lên, Tưởng Dực nhìn vào tôi, trên gương mặt cậu ấy, tất thảy cuộn trào đều giấu dưới đôi mắt đen thăm thẳm: "Tớ chắc chắn chọn ban Lý, nếu cậu học Văn, vậy bọn mình phải tách lớp à?"

============

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện