Tôi vừa định đi ra chào, chân bỗng khựng lại.
Đây là lần đầu Nhan Quân về trường sau khi đậu Đại học, hai người họ đã không gặp nhau khá lâu, có khi nào Niệm Từ sẽ muốn nói gì với anh ấy không? Tôi ngoan ngoãn đứng tìm đồ trên giá tiếp, không ra nữa.
Tiếng động bên ngoài lúc vang lúc im. Hai người lâu rồi chưa gặp lại, tuy không đến nỗi ngượng ngùng, nhưng vẫn có chút xa cách.
Niệm Từ chừng như phụ Nhan Quân tìm ống kính, hai người nói vài câu vu vơ, cuộc sống sinh viên có gì mới, ôn thi Đại học có vấn đề gì không, Nhan Quân hỏi: "Anh nghe các bạn nói em muốn học tài chính?"
"Vâng, hè năm ngoái em có nghe một buổi diễn giảng, thấy khá là hay." "Anh còn tưởng em sẽ chọn bên nhánh nghệ thuật."
Niệm Từ cười: "Em vẽ chỉ vì thích thôi."
Nhan Quân cũng cười: "Đã quyết được thi trường nào chưa?"
Niệm Từ do dự một thoáng, cuối cùng vẫn nói: "Chắc là nhằm trường ở Bắc Kinh." Nhan Quân không tiếp lời, không khí tự nhiên trống hết một khoảng, thời gian đứng lại.
Tim tôi như bị bóp chặt, không kềm được quay lại nhìn lén qua khe cửa. Dưới ánh đèn sáng dịu, nét mặt Niệm Từ bình tĩnh, kiên định.
Cậu ấy nói rõ ràng từng chữ: "Học trưởng, anh thấy Bắc Kinh thế nào?"
Câu hỏi này rất nhẹ nhàng, nhưng lại giấu ý khác phía sau.
Học trưởng, anh thấy Bắc Kinh thế nào?
Học trưởng, anh thấy, em cũng tới Bắc Kinh tìm anh, thế nào?
Nét mặt nghiêng của Nhan Quân trông gãy gọn. Anh ấy hơi sụp mắt, nói: "Bắc Kinh tất nhiên là tốt." Nhưng...
Cả tôi còn nhìn ra Nhan Quân còn câu sau nữa, nhưng anh ấy không nói mà lại đổi chủ đề: "Đúng rồi, Niệm Từ, cái này cho em?"
"Là gì thế ạ?"
Nhan Quân đưa bìa hồ sơ trong suốt nãy giờ vẫn cầm trên tay ra: "Đây là đồ anh dùng lúc thi Đại học năm ngoái, bút chì 2B anh gọt sẵn rồi, bút máy cũng dùng tốt. Đến lúc đi thi em chỉ cần bỏ phiếu báo danh vào chung là được."
Tôi thấy hơi lạ kỳ, cái người này hình như không phải đến tìm ống kính, mà giống như cố ý đến gặp Niệm Từ. Nhưng anh ấy đi mất bao nhiêu quãng đường chỉ để đưa túi đồ dụng cụ làm bài này cho Niệm Từ thôi á?
"Cảm ơn sư huynh." Niệm Từ có vẻ cũng bất ngờ, cầm lấy, từ bìa hồ sơ lấy ra hai tờ giấy: "Trong này là gì đấy ạ? Hai tờ phiếu báo danh?" "Ừ, bìa hồ sơ này là học trưởng khoá trước đưa cho anh, trong đó có phiếu báo danh của hai bọn anh, em nhớ lúc thi đừng mang theo nhé." Niệm Từ nhìn tên và hình chụp trên phiếu báo danh, tròn mắt: "Đây là phiếu báo danh của Diệp Diệc ạ?
Nhan Quân bật cười: "Đúng rồi, em biết anh ấy đúng không, truyền thuyết của trường mình, kỳ tích của kì thi đại học năm đó." Đương nhiên phải biết chứ. Câu chuyện về vị sư huynh họ Diệp này hơi bị ly kỳ.
Hồi xưa vị ấy thi cấp 2 đậu vào Trung học số 9 điểm số lọt top 10, còn biết thổi saxophone, mặt mũi lại xịn xò, đúng kiểu trời sinh ra để nổi bật. Ai ngờ đâu năm lớp 10, ba mẹ Diệp Diệc vì chia rẽ trong kinh doanh lôi nhau ra toà ly hôn phân chia tài sản. Diệp Diệc vì chuyện này bị sốc tinh thần, bỏ tiết đánh nhau, suốt một năm rưỡi chỉ lo cắm mặt chơi game. Mãi đến kì thi cuối học kì một năm lớp 12, cậu trai nổi loạn bấy giờ nuôi cả cái đầu dài thượt bị ông cụ Từ lôi từ tiệm game tới phòng thi.
Nghe bảo Diệp Diệc bị nhét vào ghế, ngồi đối diện tờ đề thi mặt mày trống rỗng, im lìm hết một tiếng rưỡi không viết một chữ, chuông vừa reng lên thì nộp giấy trắng rồi vung tay vung chân đi ra. Thế mà, vào lúc mọi người đều lắc đầu tiếc công khó của ông cụ Từ, cho là cậu học trò này đã vô phương cứu chữa, thì đến học kỳ cuối lại phát hiện Diệp Diệc cắt tóc ngắn, đúng giờ nghiêm chỉnh đến lớp. Từ đấy Diệp Diệc lấy lại phong độ cũ, vùi đầu học, lần kiểm tra tháng đầu tiên đã vào lại top 100, sau đó cứ đà ấy mà vượt lên, thế như chẻ tre, về sau đậu vào đúng mục tiêu mong muốn là học viện chính trị pháp luật Trung Quốc.
Nhan Quân khá thân với Diệp Diệc, chỉ là Niệm Từ không ngờ rằng Nhan Quân sẽ đem dụng cụ làm bài thi của đàn anh tặng mình.
Chừng như nhìn ra sự nghi hoặc của cậu ấy, Nhan Quân nói: "Chuyện về Diệp Diệc chắc các em đều có nghe, nhưng anh ấy siêu nhất không phải là vụ học hành trồi sụt đâu, anh nói nhỏ em nghe nhé, cái người này hơi bị thần kỳ."
Niệm Từ chừng cũng tò mò.
"Chắc em không biết đâu nhỉ, anh ấy có một cái tên ở nhà tên là Diệp Kháp Kháp (Kháp Kháp = vừa khéo)."
Hai người đồng thời bật cười, con người nổi loạn, ngầu ơi là ngầu như vị sư huynh họ Diệp lại có một cái tên ở nhà ý nhị như vậy, thật là khó mà ngờ. "Nghe kể, hàm nghĩa là anh ấy muốn gì thì vừa khéo đều đạt được. Là bà của anh ấy đặt, hy vọng anh ấy mọi sự đều vừa khéo." Thật là một cái tên thú vị. "Thật có tác dụng ạ?"
"Em có tin không, chuyện anh ấy đã định chưa bao giờ làm không xong."
Câu nệ đã tan đi, Niệm Từ cũng cười
lên, người bình thường đàng hoàng một cây như Nhan Quân đi kể mấy chuyện mê tín này lại càng buồn cười.
"Em đừng cười, là thật đấy." Nhan Quân y như đang kể chuyện cho trẻ con nghe: "Ví dụ có lần thành phố tổ chức cuộc thi saxophone, thời gian đăng kí đã hết từ lâu lắc rồi, anh ấy bèn ôm saxophone tới cơ quan của ban tổ chức đứng thổi cho họ nghe, thế mà cũng kiếm được một vé tham gia thật, còn đạt giải nhất."
"Ồ?" Niệm Từ có vẻ hứng thú hơn.
"Còn nữa, gầy sòng mà anh ấy muốn ăn bài thì không có chuyện bài xấu bao giờ." "Chuyện này cũng kể được ạ..."
Nhan Quân cười ha ha, sau đó mới nghiêm túc lại: "Thực ra đợt thi Đại học năm đó, anh ấy để nhãng mất quá lâu, tuy điểm số có tăng không ít nhưng vẫn còn cách điểm chuẩn của Đại học chính trị pháp luật một quãng xa. Mà năm trước đó điểm của bên ấy cứ phải nói là cao phát hãi, lúc đăng kí nguyện vọng mọi người đều khuyên anh ấy hạ chuẩn xuống chọn một trường khác cho an toàn. Nhưng chắc em cũng đoán được thôi tính của anh ấy thì làm gì chịu nghe ai. Dè đâu được đến lúc thi lại ăn may, anh ấy làm bài vượt trên phong độ, điểm cao vọt hơn hẳn, lại gặp trúng năm bên ấy đồng ý hạ điểm cất nhắc, thế là ăn được suất chót để vào đúng trường đúng ngành yêu thích nhất."
Chuyện này bọn tôi cũng có nghe.
"Anh với anh Diệp Diệc từ nhỏ đến lớn đều học cùng trường, cực kì phục anh ấy. Cái người này làm gì cũng tới nơi tới chốn, quyết không bỏ mục tiêu để chọn cái dễ hơn, tài nhất là bắt tay làm thì đều thành công cả. Bộ dụng cụ làm bài thi này là anh ấy tặng anh." Nhan Quân mỉm cười, chừng nhớ lại những kỉ niệm với Diệp Diệc, "Hôm thi Đại học, anh ấy đang tới trường thi thì bị đám giang hồ có thù oán chặn giữa đường, chật vật mới đến được chỗ thi nhưng trừ phiếu báo danh với thẻ công dân còn giữ được, đồ khác đều rớt hết. May mắn là bạn nữ thi bàn bên lại đem dư một túi dụng cụ làm bài, trong có đủ các món, đưa anh ấy xong sau cũng không lấy lại. Anh ấy nói cả năm lớp 12 anh ấy thật sự may mắn đến tận cùng. Tới năm anh thi, anh ấy bèn đem bộ dụng cụ này đưa cho anh, là cho anh cả phần may mắn đó. Cũng không biết có phải nhờ phần may mắn này mà số đỏ hơn không, hai ngày thi Đại học của anh cũng vô cùng suôn sẻ. Niệm Từ, giờ anh tặng bộ dụng cụ làm bài này cho em, cũng hy vọng em mọi việc đều suôn sẻ!"
Niệm Từ yên lặng không nói, Nhan Quân nhìn vào mắt cậu ấy, thoáng chốc sau, chừng đã hạ quyết tâm, nói: "Niệm Từ, học kỳ sau anh sẽ đi Mỹ theo chương trình trao đổi. Sau này có thể ít gặp được nhau, trước khi đi, anh muốn gửi tặng em phần may mắn này."
Tôi sững sờ, anh ấy sắp đi Mỹ. Vậy là lần này anh ấy về là để chào từ biệt bọn tôi? Niệm Từ bỗng ngẩng đầu lên, cứ thế nhìn anh ấy.
Nhan Quân nhìn lại cậu ấy, im lặng một chốc khá lâu, nói rành mạch: "Niệm Từ, lúc tốt nghiệp cấp ba anh đã muốn nói lời cảm ơn với em. Hai năm cùng học, em đã giúp đỡ và ủng hộ anh quá nhiều. Lần này bọn mình có thể phải xa nhau thật lâu, trước khi đi, anh muốn nói, hy vọng em khoẻ mạnh, hy vọng trên bước đường đời sau này, những gì em sẽ gặp, sẽ trải qua đều là điều em muốn, hết thảy đều là vừa khéo."
Đôi mắt của Niệm Từ cụp xuống. Lòng tôi nhói lên, lo cậu ấy sẽ khóc. Nhan Quân cũng im lặng không nói tiếp.
Giữa trưa mùa đông, ánh nắng nhợt nhạt, những thổ lộ còn chưa nói ra đã nghẹn lại trước lời chào tạm biệt bất ngờ, thảm đạm đến khó thở. Lúc Niệm Từ ngước đầu lên, tôi nhìn thấy mi mắt cậu ấy rung rung, nhưng không ướt nước.
Cậu ấy không khóc, chỉ đứng sững đó thật lâu, rất lâu.
Đến khi cậu ấy cất tiếng, thì giọng nói đã trở về vẻ bình lặng yên tĩnh, hệt như hồ nước lặng trông được đến đáy, "Em biết rồi, cám ơn sư huynh."
Mối tình đầu của Niệm Từ là cánh hoa đào trắng tháng ba, còn chưa gặp mùa xuân nắng ấm thì đã theo gió bay đi.
Nhan Quân là một người ấm áp, lời mà anh ấy đã chẳng nói là: "Anh không thể trao tình cảm cho em, nhưng anh muốn trao may mắn cho em." Niệm Từ là một cô nhỏ thông minh, hai năm yêu mến đã trả qua bao chông gai, cậu ấy biết, tới đây mình đã không còn đường bước tiếp.
Cậu ấy của tuổi mười bảy chắc chắn, mà cũng chỉ đành, nhận lấy phần may mắn gởi trao này.
Sau đó, mối tình đầu trong lòng cũng đi đến kết thúc.
=======