Chương 10 : Đau thương thầm lặng
"Mẫu thân!” Phương Du Phong vội kêu, lúng túng nhìn mọi người, nhỏ giọng: “Di mệnh lúc lâm chung của phụ thân là để Nhữ lang kế vị gia chủ.”
“Cái gì?” Liễu thị hét lớn, trừng mắt kinh ngạc. “Con là con trai trưởng, thì sao không phải con nhậm chức gia chủ?”
Phương Du Phong lúng túng vò tay áo, nhỏ giọng: “Con không làm được.”
“Sao lại làm không được? Cũng không cần con đích thân xử lý, họ Phương nuôi nhiều người như vậy để ngồi chơi xơi nước sao?” Liễu thị hét lớn.
Phương Hiếu đã làm quản sự Phương phủ từ thời ông nội của Lâm Nhữ. Đến Phương Đức Thanh thấy ông cũng phải tôn kính gọi một tiếng huynh, cả phủ đều kính trọng rất mực. Từ việc lớn như đãi khách tặng lễ, đến việc nhỏ nhặt như xông hương pha trà cho chủ, có việc nào không phải ông đích thân lo liệu. Bị ám chỉ ăn không ngồi rồi nên ông không khỏi nổi giận, chòm râu nửa bạc run run, lớn tiếng quát: “Liễu di nương, lão có ngồi chơi xơi nước hay không đã có gia chủ suy xét, không đến lượt ngươi lắm miệng.”
“Ta không được phép nói ngươi ư?” Liễu thị cao giọng hỏi ngược lại, đẩy Phương Du Phong đến cạnh Phương Hiếu, hai tay chống nạnh, gân giọng: “Ta không những sinh được con trai trưởng, mà còn thêm hai đứa con gái. Sao lại không có quyền quở trách một hạ nô như ngươi, cái thứ ăn xin!”
Phương Hiếu giận muốn ứa nước mắt. Ông đúng là hạ nô, nhưng không có chủ tử họ Phương nào đối xử ông như hạ nô. Đây là lần đầu bị mắng là thứ ăn xin, rất muốn đến đánh Liễu thị nhưng đối phương là di nương, thiếp thất của gia chủ mới từ trần, cho nên không tiện ra tay. Cơn tức làm gương mặt ông tím tái, trán nổi gân xanh.
“Đủ rồi!” Lâm Nhữ quát, ngoắc tỳ nữ đỡ Phương Hiếu ngồi xuống. Liễu thị đã hầu hạ Phương Đức Thanh lâu nay, luôn bày ra bộ dáng ân cần chu đáo, nhưng ở trước mặt người khác lại kiêu ngạo hống hách. Lúc trước Lâm Nhữ luôn nể mặt Phương Đức Thanh mà bỏ qua cho bà, hôm nay tâm trạng bực bội nên không cho phép bà ngang ngược. Nàng liếc mắt nhìn quần là áo lụa trên người bà, căn dặn nô tỳ: “Đổi đồ tang cho Liễu di nương.”
Mọi người sớm đã không vừa mắt Liễu thị, giờ có người đi lấy đồ tang, có người lại đến đè Liễu thị, có người cởi đồ bà, có người lột trang sức xuống. Khi người lấy đồ tang quay lại, mọi người nhanh nhẹn sửa soạn êm xuôi.
Mất mặt trước nhiều hạ nhân như vậy, Liễu thị giận đến tái cả mặt mày, một lúc lâu không nói ra lời. Khi trong ngoài sửa soạn xong cả rồi mới hít một hơi, nổi giận đùng đùng, nhào đến trước mặt Lâm Nhữ vung tay muốn cho nàng một bạt tai.
“Không được đâu mẫu thân!” Phương Du Phong sợ hãi nói, xông lên muốn ngăn cản nhưng có người nhanh hơn gã. Như một cơn gió cuốn, tay của Liễu thị bị Hà Lịch nắm chặt, hắn hất bà ngã nhào xuống đất. Gương mặt Hà Lịch phủ đầy sương giá, nói với mọi người xung quanh: “Gia chủ qua đời, Liễu di nương vì thương tâm quá độ nên thần trí không ổn định, còn không mau đỡ người về vườn Chí Thiện?”
Tác phong của hắn luôn chín chắn, chưa bao giờ cau mày lớn tiếng, nên một đám hạ nhân sợ hãi. Qua một hồi, cũng không ai nhớ ra hắn chỉ là kẻ ở tạm chứ không phải gia chủ họ Phương, chỉ biết nghe theo lệnh, vội vàng tiến lên đỡ lấy Liễu thị lui xuống.
“Hài cốt của lang quân chưa lạnh mà các ngươi dám đối xử với ta như vậy, trời sẽ giáng sấm sét đánh chết các ngươi…” Liễu thị khóc lớn.
Thường ngày được Phương Đức Thanh chiều chuộng, Phương Khương thị hiền hậu bao dung, nên Liễu thị muốn làm gì thì làm, kiêu ngạo không thèm để ai vào mắt, không hề hành xử đúng phận thiếp mà tự cho mình là chủ. Khi nghe Phương Đức Thanh qua đời, dù có đau lòng nhưng bà vẫn thầm mừng vì con bà sẽ kế vị gia chủ, rồi bà nghiễm nhiên thành người đứng đầu họ Phương. Giờ hay tình thế thay đổi nên đau lòng sống không bằng chết.
Tiếng khóc xa dần, Phương Khương thị thở dài, nhìn Lâm Nhữ và Hà Lịch, nhỏ giọng: “Vẫn là người mà lang quân sủng ái, nên đừng làm quá mức.”
Lâm Nhữ không nói gì.
Chỉ là thiếp thất lại dám ra tay với Lâm Nhữ. Nếu không phải nghĩ cho hài cốt còn chưa lạnh của Phương Đức Thanh thì không đơn giản chỉ lôi bà về giam lỏng.
Hà Lịch mấp máy môi, nhìn thoáng qua người đầy trong sảnh. Nếu phản bác lại sẽ thành không nể mặt Phương Khương thị, nên nuốt lại lời muốn nói. Hắn nhìn gương mặt mệt mỏi của Lâm Nhữ, vội sai nô tỳ giục Phương Hương Văn và Phương Tú Khởi mau đến.
Phương Hương Văn và Phương Tú Khởi qua một khắc ngắn mới đến, trên đầu cả hai buộc lụa trắng, mặc đồ tang. Phương Tú Khởi mới mười lăm, gương mặt hơi tròn trịa, mắt tròn xoe, môi anh đào, buộc đai lưng trắng, hốc mắt đỏ hoe ngập nước. Phương Hương Văn không hề lộ ra đau lòng. Vẻ mặt không kiên nhẫn, vừa đi vừa kéo tay áo cổ áo, nhưng không phải muốn buộc chặt lại mà là nới lỏng để lộ ra bộ ngực nõn nà rung lắc như
muốn nhảy ra ngoài.
Hai người bước vào. Phương Tú Khởi đến trước mặt Phương Khương thị gọi một tiếng mẫu thân, rồi nhìn Lâm Nhữ nghẹn ngào gọi nhị huynh.
Ngày thường Lâm Nhữ phụ giúp việc làm ăn cho Phương Đức Thanh, những khi rảnh rỗi lại đau lòng thay Cẩm Phong hết bảy tám phần mười thời gian phải nằm trên giường, nên đến lầu Thuật Hương bầu bạn với Cẩm Phong. Vốn không hay lui tới hai muội muội khác thân mẫu là Phương Hương Văn cùng Phương Tú Khởi, bây giờ âm thầm quan sát, cảm thấy muội muội này cũng không tệ.
Phương Tú Khởi nhỏ giọng: “Muội đến trễ, mong nhị huynh thứ lỗi.”
“Không phải lỗi của tam nương.” Hai nô tỳ theo sát sau đó tiến vào, một trong hai là nô tỳ Bích Kỳ của Phương Tú Khởi tức giận nói.
Phương Hương Văn bỗng quay đầu, hung dữ trừng Bích Kỳ: “Lẽ nào do ta sai?”
“Phải đó, nếu không phải do tam nương muốn đại nương tuân thủ lễ này lễ nọ thì đại nương sẽ không đến trễ.” Nô tỳ Thiên Nguyệt của Phương Hương Văn phụ họa.
“Gia chủ vừa mất, đại nương chẳng những không đau lòng còn ngại mặc đồ tang rộng thùng thình sẽ xấu xí nên nhất quyết không chịu mặc, phải sửa cho đồ tang vừa người mới ưng, cái này gọi là gì? Khóc tang cho cha mà còn phải đợi sửa đồ tang xong đã? Tam nương muốn đại nương đừng chậm trễ hơn nữa, mau chóng thay đồ lột trang sức xuống, lẽ nào tam nương làm sai?” Giọng của Bích Kỳ cao lên, ánh mắt đỏ bừng, rõ ràng đã cãi nhau với Thiên Nguyệt cả đường từ vườn Chí Thiện đến đây.
“Đừng nói nữa.” Khóe mắt Phương Tú Khởi đỏ bừng trừng Bích Kỳ. “Ồn ào trước linh cữu của phụ thân còn ra thể thống gì?”
Bích Kỳ hậm hực im miệng.
Lâm Nhữ liếc nhìn Phương Hương Văn, âm thầm lắc đầu.
Phụ thân máu mủ mất lại ngại mặc đồ tang vào sẽ xấu xí nên không chịu mặc. Vị đại tỷ này không những tướng tá giống Liễu thị như đúc, mà đến tính tình cũng không hay ho hơn gì. Chua ngoa tùy hứng, thói xa hoa thích hưởng lạc, đã ương ngạnh lại ra oai, sớm muộn gì cũng có ngày ngã nhào.
Trước mắt không phải lúc truy cứu, Lâm Nhữ ra dấu tay cho quản sự tiến hành lễ liệm.
Quản sự trong ngoài của Phương phủ đều là người có năng lực. Phương Hiếu đã từng lo liệu tang sự cho Phương lão thái gia, nên phải làm những gì không cần Lâm Nhữ phải bận lòng.
Tìm danh nhân ở thành Nhuận Châu viết điếu văn và hành trạng (1) cho Phương Đức Thanh, sai người đi báo tin buồn cho các bạn bè, thân hữu gần xa. Mấy chuyện dâng nước canh, đưa lộ phí, rước hồn đưa hồn (2) đều tiến hành đâu ra đó.
(1) Hành trạng: bài văn tự thuật những việc làm lúc bình sinh của người chết.
(2) 接三送三: “tiếp tam” là tục tụng kinh nghênh hồn vào ngày thứ ba của tang lễ, “tống tam” là tục vào hoàng hôn cuối ngày thứ ba thì đốt tiền vàng để tiễn hồn đến Quỷ Môn quan.
Với việc nàng kế nhiệm chức gia chủ, hạ nhân ở nhà họ Phương không thấy bất ngờ, chỉ nghe theo lệnh.
Liễu thị bị Hà Lịch sai người canh chừng không cho phép ra ngoài làm loạn nên Lâm Nhữ được yên tĩnh. Phương Khương thị đau lòng quá độ khiến sức khỏe suy yếu. Mỗi ngày Cẩm Phong được tỳ nữ dìu đến trước linh cữu khóc tang khiến bệnh nặng thêm, phát sốt mấy hôm khiến Lâm Nhữ rất lo lắng. Nàng không cần lo lắng tang sự nên toàn bộ tinh lực đều đặt lên người Cẩm Phong. Thời gian nàng ở lầu Thuật Hương còn lâu hơn cả nhà đài Sấu Thạch.
Sau khi hòa thượng đọc kinh siêu độ vong hồn thì phải đi an táng. Từ ngày thứ ba Lâm Nhữ đã giả bệnh, khi xuất hiện trước mặt mọi người đều lộ ra vẻ yếu ớt như thể bất cứ lúc nào cũng có thể ngã xuống đất.
Hôm an táng con trai trưởng phải phất cờ đập chậu (3), con trai thứ ôm bài vị. Nàng là con gái nên việc ôm bài vị phải do Cẩm Phong làm. Lâm Nhữ định hôm đó mình sẽ mặc đồ tang nữ đứng lẫn trong đám nữ nhân, để Cẩm Phong mặc đồ tang nam ôm bài vị.
(3) Ở một số vùng nông thôn ở Trung Quốc có tập tục cho con trai trưởng phất cờ đập chậu, đây là hai việc rất quan trọng trong việc mai táng, chọn con trưởng vì đây là người thân cận nhất của người chết, phất cờ để triệu hồi cho người chết biết đây chính là vị trí họ được an táng, còn đập chậu để người chết xem nó như cái nồi tiện mang theo xuống suối vàng.