Chương 161 : Phường quạt bốc cháy
Đêm trung thu, trăng sáng như chiếc mâm tròn treo thật cao trên bầu trời, tỏa màu trắng bạc rực rỡ như dòng nước chảy xuôi. Khắp đầu đường cuối ngõ thành Nhuận Châu múa hát đuổi tà, biểu diễn tạp kĩ, các loại nhạc khí vang lên, đủ mọi trai thanh gái lịch vang tiếng cười nói rôm rả.
Pháo hoa đủ màu sắc được bắn lên trời, trong không trung nghe một tiếng nổ lớn.
Cuối giờ Tuất, khi biển người rút đi, ở phía tây thành, ánh lửa đỏ bừng phóng lên cao.
Lúc Hà Lịch mang theo hạ nhân nhà họ Phương chạy đến, không ít thợ trong phường quạt nhà họ Phương hay tin đã đến trước.
Hơi nóng như hòa tan cả đường lớn Tân An. Cửa sổ khung gỗ, xà nhà rui(1) nhà, trúc tía chất đống trong phòng kho, từng bó quạt hợp hoan lớn với mặt quạt bằng tơ lụa bén lửa. Gió đêm rét căm, ánh lửa vặn vẹo trong gió, muôn nghìn con rồng lửa màu máu tàn phá bừa bãi, lửa cao ngất trời ánh đỏ cả không trung. Mây lửa tối tăm như bể cả sóng lớn sôi sục trên trời. Trong không khí đều là mùi gỗ cháy cùng đất khô cằn, hơi nóng sôi sục ập thẳng vào mặt.
(1) Dui hay rui là các dầm phụ trung gian, đặt dọc theo chiều dốc mái.
Hà Lịch siết chặt nắm tay, ngón tay bóp sâu vào lòng bàn tay hắn.
“Nên dập lửa không?” Gương mặt Phương Vị phờ phạc, gã cất tiếng hỏi.
Nhiều thợ quạt chạy đến trước lẫn sau đã vội đến chỗ dân cư bên ngoài hỏi xin nước muốn dập lửa, nhưng bị ánh lửa đe dọa không thể đến gần được.
Hà Lịch lắc đầu khó khăn, giọng khàn khàn: “Không dập được, đừng dập, chớ uổng công tăng thêm thương vong.”
Một người bị cháy chạy ra từ trong đống lửa, là Phương Sơn. Sắc mặt Hà Lịch đột ngột thay đổi, hắn cởi áo khoác lao đến, vội vàng ghìm Phương Sơn lại, cao giọng hỏi: “Bên trong có người ư?”
“Có người, lúc Thành quản sự đến lửa còn chưa cháy mạnh, ngài ấy dẫn bọn tôi vào muốn cứu chuôi ngọc ra ngoài…” Phương Sơn nói ngắt quãng, dứt lời, gã cũng sức cùng lực kiệt, đột ngột ngã quỵ trên đất.
Con ngươi Hà Lịch co rút lại, giật lấy thùng nước trong tay một người thợ trút từ đầu mình xuống. Hắn ném thùng gỗ đi, lao vào trong đám cháy.
“Lửa lớn như vậy, không thể vào đâu!” Phương Vị kêu lên sợ hãi.
Hà Lịch không nghe thấy, mà dù có nghe thấy đi nữa hắn cũng sẽ không dừng bước. Trong tai hắn chỉ có tiếng lửa thiêu đốt, gạch xanh dưới chân nóng hừng hực, xiêm áo ướt đẫm cũng nhanh chóng bị lửa hong khô ráo, làn da lộ ra bị cháy đau đớn, nhưng hắn hoàn toàn không cảm giác được cơn đau.
Hắn chạy đến phòng kho cất chuôi ngọc, trong ánh lửa đỏ rực là những người khổ sở hô hào dập lửa.
Cặp mắt Hà Lịch đỏ như máu, đoạn đường từ cổng chính đến đây thế lửa càng lớn, không thể chạy ra được. Một mặt tường của phòng kho cất chuôi ngọc dọc với phố, nếu có thể đẩy ngã tường sẽ xông ra được đường cái Tân An, trực tiếp thoát khỏi biển lửa.
Hắn nhìn xung quanh, giữa sân có băng đá. Hơn hai mươi mạng người đang ở ngưỡng sống chết ngay trước mắt, hắn ôm lấy băng đá nặng trên trăm cân, mặt đá nóng bừng trong lửa tiếp xúc với da thịt vang tiếng xèo xèo, mùi thịt cháy bốc lên. Hà Lịch như không cảm giác được đau đớn, không nghĩ gì hết, cất bước chạy như điên vọt vào trong phòng kho cất chuôi ngọc, xông vào biển lửa, mượn tốc độ chạy nhanh làm trợ lực, nhắm ngay vào bức tường đối diện, dùng hết sức đụng vào.
Tiếng “ầm” chấn động vang dội, bức tường sụp đổ ầm ầm, kế đến là vang “đùng” một tiếng, xà nhà rơi xuống đập thẳng vào Hà Lịch.
Hà Lịch như không còn biết đau đớn, hắn rống lên: “Mau ra từ lỗ hổng trên vách tường!”
Mười mấy người bị cháy xông ra ngoài.
“Hà đại lang!” Phương Thành ở trong ánh lửa kêu lên, không đi mà nhấc xà nhà muốn kéo Hà Lịch ra ngoài.
“Đừng để ý đến ta, đi mau lên!” Hà Lịch mạnh mẽ đẩy Phương Thành đi.
Lửa bén đến, ngọn lửa bùng lên đoạt đi thị giác, chấn động muốn long trời lở đất, móng vuốt của ác ma chìa ra, kéo hắn vào trong bóng tối vô hạn.
“Không được! Ta không thể bất tỉnh! Ta phải gắng gượng đến khi Nhữ lang trở về!”
Lâm Nhữ vội vã lên kinh thành, đi đường bộ quá chậm, sau khi rời Nhuận Châu thì nàng chạy thẳng đến Dương Châu, muốn ngồi thuyền từ Dương Châu đến kinh thành. Qua giờ Ngọ ngày hôm sau nàng đến Dương Châu, người chủ thuyền không giong thuyền, bảo rằng đến tết trung thu rồi muốn nghỉ ngơi hai ngày.
Lâm Nhữ ủ ê nhưng chẳng còn cách nào, đành phải cùng Sùng Huy tìm khách xá để ở.
Sáng sớm ngày mười bảy, Lâm Nhữ đến bờ sông theo hẹn của chủ thuyền, Phương Kính đã chờ nàng ở bến thuyền.
Hơn hai mươi người đi vào với Phương Thành đã bị thiêu chết năm người, mười người may mắn thoát ra được đã bị thương nặng, sau đó người theo Phương Vị xông vào nâng xà nhà lên cứu Hà Lịch ra phỏng hết mười mấy người. Phương Vị nâng xà nhà lên để mọi người lôi Hà Lịch ra nên không lui kịp, một xà ngang khác rơi xuống đập gãy tay trái của Phương Vị. Toàn thân Phương Thành lẫn mặt hắn đều bị phỏng nặng. Hà Lịch gãy cột xương sống, tuy giữ được tính mạng nhưng chẳng khác gì phế nhân. Sau khi Phương Hiếu nghe được tin dữ thì tức giận,
ngã xuống không dậy được, cuối cùng cứ thế mà đi.
Mọi thứ trong phường quạt đều hóa thành tro bụi. Vật liệu làm quạt hợp hoan, tơ lụa, chuôi ngọc, trúc tía, còn có công cụ làm quạt và mấy trăm nghìn chiếc quạt thành phẩm đều mất sạch, cả đại viện đều đã thành phế tích.
Lúc Phương Kính ra khỏi phủ muốn hướng bên này đuổi theo, nhưng ngoài cổng phủ hơn mười hiệu buôn phái người áp sát không đi, la hét đòi tiền. Mấy đại quản sự người chết người bị thương, chừng mười nhị quản sự nhẹ nhất cũng bị đốt hết nửa người. Đêm đó gã nghe tin muốn đi theo hướng đến phường quạt lại bị Bạch Chỉ theo lời Phương Khương thị phái đến hỏi thăm chuyện gì xảy ra nên trễ một bước, gã mới bình yên vô sự.
“Sao có thể như vậy được?” Sùng Huy lẩm bẩm, mắt nhìn Phương Kính chằm chằm, muốn nhìn ra dấu hiệu lừa gạt trên gương mặt Phương Kính.
Cơ thể Lâm Nhữ mềm oặt, trước mắt biến thành màu đen. Nàng nhắm mắt, như bị ma quỷ ám trong hỗn loạn, tình hình ngày hôm ấy phụ thân bị bắt, gian Ngọc Lan bị lật tung lại thoáng hiện ra.
Ngọn lửa! Giết hại! Cái chết! Địa ngục! Vách đá dựng đứng!
Lâm Nhữ siết chặt nắm tay, nhờ vào đau đớn do móng tay bóp sâu vào lòng bàn tay để cưỡng ép bản thân bình tĩnh lại.
Nàng là gia chủ, không thể hoảng loạn được, nếu nàng luốn cuống rối loạn mất đi phương hướng, nhà họ Phương thật sự tiêu tùng.
Trận hỏa hoạn lần này không chỉ thiêu rụi của cải nhà họ Phương mà ba bốn mươi nghìn lượng vàng thiếu nợ các hiệu buôn cung ứng vật liệu làm quạt hợp hoan cũng có nguy cơ, các hiệu buôn mắt thấy nhà họ Phương núi lớn nghiêng đổ, không thể trông cậy bàn bạc ân huệ, nên phải mau sớm trả tiền cho họ, bằng không, các hiệu buôn gấp gáp vọt vào nhà họ Phương cướp bóc tài sản gán nợ thay thì phiền phức rồi.
Nhà họ Phương có thể bán rừng trúc tía, nhưng rừng trúc tía là một tòa lâu đài, dù bán hết hay bán một phần thì tòa lâu đài đều đã có ngoại địch xâm phạm, lộ ra vườn trúc tía sẽ bị người ta phát hiện bên trong nuôi dưỡng mỹ nhân làm mặt quạt, không thể bưng bít được chuyện quạt báu gia truyền nhà họ Phương chỉ là trò bịp bợm. Huống chi nhìn khắp thành Nhuận Châu, có thể mua vườn trúc tía nhà họ Phương chỉ có nhà họ Quách. Quách Thành An xảo trá nham hiểm, xem nhà họ Phương như cái đinh trong mắt cái gai trong thịt, chẳng biết sẽ ép giá đến cỡ nào, không thể bán được.
Trước mắt thứ bán được chỉ có ruộng đồng, nhưng ruộng đồng không phải muốn bán là bán, khách hàng muốn xem xét và khảo sát nữa, cho dù có chịu giá thấp cũng không thể bán ngay được.
Cầm cố Phương phủ là cách lấy tiền nhanh nhất, nhưng lỡ có xảy ra bất trắc gì, người nhà họ Phương sẽ không còn chỗ nương thân.
Con cháu nhà họ Phương không nhiều vì thế mới không cấm con cháu trước khi cưới chính thất có thể nạp thiếp sinh con đẻ cái, gia tộc không có chi họ gần, có thể mượn ít tiền lẻ với chi họ xa nhưng không thể mượn con số lớn.
Lâm Nhữ gấp gáp nghĩ cách, sau một lúc hỗn loạn thì nàng cắn chặt răng nhìn Sùng Huy: “Huynh đừng theo ta về Nhuận Châu, lập tức đến Hàng Châu và Minh Châu tìm Triệu Ngô Hàng với Giang Sở Trạch, kể lại đúng sự thật chuyện đã xảy ra với nhà họ Phương rồi hỏi mượn tiền hai người họ.”
Không biết có thể mượn được hay không, chỉ có thể dốc sức thử một lần. Giang Sở Trạch là người trượng nghĩa, Triệu Ngô Hàng từng nhận ân huệ của nàng. Nếu có thể mượn được tiền xoay sở, sẽ không phải vội vàng bán giá thấp ruộng đồng và cầm cố nhà cửa. Nàng áng chừng theo tình huống của nhà họ Phương mà nói với Sùng Huy, cần bốn mươi nghìn lượng vàng, mượn được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhà họ Phương chịu trả một phần lợi tức.
Lần trước Sùng Huy đã ra mắt Triệu Ngô Hàng với Giang Sở Trạch cùng nàng, có điều số tiền cần mượn quá lớn, không có nàng ra mặt e là không được. Chuyến này vào kinh vốn bàn chuyện làm ăn, nên trên người có mang theo con dấu của phường quạt và con dấu cá nhân, Lâm Nhữ lấy ra giao cả cho Sùng Huy xem như tín vật.