Chương 203 : Kế sinh nhai khó khăn
Hai người về phủ. Lâm Nhữ nghĩ, Phương Du Phong ra ngoài lâu rồi mới về, dù thế nào cũng phải cho gã được sĩ diện. Liễu thị bị giam lỏng một thời gian rồi, cũng nên thả ra. Vì thế, nàng truyền lệnh không cấm túc Liễu thị nữa, lại cho mở tiệc tối gia đình ở gian Hồng Xuân, cả nhà đoàn tụ.
Phương Du Phong ủ rũ chẳng hứng thú, sau khi đi cùng Lâm Nhữ đến gian Phù Dung chào hỏi Phương Khương thị thì từ biệt để đi thăm Liễu thị.
Bao nhiêu chuyện liên tiếp xảy ra, mỗi lần đều chứng thực Lâm Nhữ làm đúng, Phương Khương thị vì vậy rất nể mặt Lâm Nhữ, nên không phản đối việc nàng muốn mở tiệc vì Phương Du Phong, chỉ nói: “Tuy sức khỏe Phong nương đã khá hơn, nhưng Liễu muội vẫn không hề khiến người ta bớt lo. Để tránh việc Liễu thị nhìn ra Phong nương là con trai vẫn nên không cho nó tham dự.”
Lâm Nhữ im lặng đồng ý, nhớ đến Phương Hương Văn nên tâm trạng có hơi hậm hực.
Con cháu nhà họ Phương vốn không nhiều, phụ thân đã qua đời, giờ lại thiếu một Phương Hương Văn, thành ra tiệc gia đình chẳng được mấy người.
Nàng ngẫm nghĩ, chờ hết kỳ giữ đạo hiếu, nếu Phương Hương Văn thành thân với Hà Dư, nàng vẫn đưa của hồi môn cho Phương Hương Văn, dù sao vẫn là con gái nhà họ Phương, không nể mặt tăng cũng phải nể mặt Phật, chỉ vì tôn trọng phụ thân mà thôi.
“Tố Tâm và Tố Vấn đã mang thai hơn bảy tháng, cả người càng thêm nặng nề, không thể chịu đựng chút uất ức nào. Con cho thả Liễu muội muội ra không cấm túc nữa, lỡ như cô ta nhào đến rêu rao làm ầm lên khiến Tố Tâm và Tố Vấn muộn phiền gây động thai thì biết làm sao cho phải?” Phương Khương thị cau mày nói.
“Cửa nhà trong núi Trừng Y được canh giữ cẩn thận, bà ta không vào được đâu.” Lâm Nhữ cũng vô cùng bất đắc dĩ, không biết lúc phụ thân còn sống đã dùng cách gì để khiến Liễu thị ngoan ngoãn: “Nếu bà ta còn sinh sự thì lại hạ lệnh giam lỏng cũng không muộn. Dù sao bà ta vẫn là mẫu thân ruột của huynh trưởng với Khởi nương, không thể cứ cấm túc mãi được.”
“Trong lòng con hiểu rõ là được.” Phương Khương thị thở dài nói.
Năm ngoái khi Phương Đức Thanh còn sống, buổi tiệc gia đình có thêm Hà Khương thị với huynh đệ nhà họ Hà cùng tham dự. Đã thông báo Hà Lịch rồi. Lâm Nhữ nhìn trái nhìn phải không thấy Hà Khương thị đâu. Lúc sáng sau khi Hà Khương thị đưa quạt giả rồi trở về, nên nhân đó hỏi: “Di mẫu đâu?”
Phương Khương thị chỉ vào bên trong, nhỏ giọng nói: “Tinh thần tỷ ấy không tốt, sau khi từ phường Cát An trở về cứ nằm mãi trên giường, bữa trưa chỉ ăn nửa cái bánh hấp, đừng gọi tỷ ấy.”
Lâm Nhữ muốn vào xem thử thế nào nhưng sợ làm phiền Hà Khương thị nghỉ ngơi nên đành thôi.
Chỉ cách một bức tường, cửa không khóa, ở bên trong nghe rõ cuộc đối thoại bên ngoài, Hà Khương thị co người rúc vào chăn, run lẩy bẩy.
Sáng nay đi đưa cây quạt, bà cầu xin Hà Dư, đã có được quạt rồi thì đưa chìa khóa phường quạt đây cho bà phá hủy, đừng làm chuyện có lỗi với nhà họ Phương nữa. Vài ba câu qua lại thì lộ ra, đột ngột biết được, người kêu bà làm khuôn mẫu chìa khóa không phải Hà Dư, bà kinh ngạc tại chỗ suýt ngất đi.
Hà Dư nghe nói bà có thể trộm khuôn mẫu làm chìa khóa thì hai mắt sáng ngời, lập tức ép bà giúp trộm lần nữa.
Bà lật đật vội trốn đi, may mà Hà Dư vội đi giao quạt nên không quấy rầy bà thêm.
Trước mắt bà sợ hãi kinh hoàng, sợ Hà Dư ép bà trộm chìa khóa, sợ người ép bà làm khuôn mẫu chìa khóa cũng chính là người yêu cầu Hà Dư trộm quạt, có được chìa khóa sẽ gây bất lợi với nhà họ Phương.
Bà muốn thẳng thắn với Lâm Nhữ nhưng lại sợ nàng nổi giận.
Phương Khương thị và Lâm Nhữ đối tốt với bà không có chỗ chê, thế mà bà hết lần này đến lần khác làm ra chuyện gây tổn hại đến nhà họ Phương.
Bà cũng không còn mặt mũi để thẳng thắn.
Lâm Nhữ nói chuyện một lúc với Phương Khương thị, sắc trời cũng nhá nhem tối, Lâm Nhữ đích thân vào phòng lấy áo khoác ngoài cho Phương Khương thị. Xiêm áo đáng tiền chẳng có bao nhiêu, cũng chẳng có thể lựa chọn, trong tủ quần áo trống rỗng, chỉ còn một chiếc áo khoác bằng lụa hoa nhuộm phẩm xanh may viền mép bằng lông chồn trắng. Lâm Nhữ hơi áy náy. Phương Khương thị nhìn thấu, kêu Bạch Chỉ tiến lên chải đầu búi tóc, chỉ cài một cây trâm ngọc xanh rồi thôi, đỡ lấy tay Lâm Nhữ, Bạch Chỉ và Hồng Diệp theo sát sau lưng đến gian Hồng Xuân.
Thư cửu nương mang theo nô tỳ đứng bên ngoài gian, vẻ mặt khó xử. Trong tay các nô tỳ bưng lồng gấp, hơi nóng thức ăn tạo thành khói trắng trong khí trời mùa đông, thoang thoảng mùi hương. Nhìn thấy Lâm Nhữ, Thư cửu nương vội chào đón, nhỏ giọng nói: “Liễu di nương không cho bày biện thức ăn, bảo rằng có lời muốn hỏi ngài. Nếu thuận theo ý bà ta thì sẽ ăn chung bữa tiệc gia đình này, còn nếu không hợp ý bà ta chi bằng tách ra dùng bữa.”
Cấm túc lâu như vậy vẫn không chịu tỉnh hồn.
Lâm Nhữ chẳng thèm suy nghĩ cách lấy lệ qua loa, nhàn nhạt phân phó: “Bày đồ ăn ra.”
Tất cả mọi người đã đến, thiếp thất theo quy củ không được ngồi chung bàn ăn. Có điều Phương Đức Thanh chỉ có một người thiếp, lại sinh được con trai trưởng cho nhà họ Phương nên được phá lệ. Liễu thị luôn được ngồi ăn cơm chung không theo quy củ. Bàn ăn hình chữ nhật, vị trí chính giữa cho gia chủ để trống, bên trái là địa vị tôn quý, vị trí bên trên của Phương Khương thị trống không, phía dưới là Hà Lịch với Sùng Huy, ở bên phải vị trí bên trên là Liễu thị, theo thứ tự xuống dưới là Phương Du Phong và Phương Tú Khởi.
Cả người Liễu thị bao trùm một màu sắc rực rỡ chói mắt. Trên đầu là bộ diêu khảm vàng, thoa ngọc màu xanh cánh trả, khoác xiêm áo màu đỏ lựu chạm đất lồng một bộ áo choàng đơn phượng xuyên hoa, bên ngoài là một chiếc áo tay hẹp bằng lụa hoa màu đỏ thẫm, váy bằng lụa màu xanh, kễnh chân lộ ra nửa đoạn khố ống rộng bằng lụa mỏng. Ngọc ánh phủ, đỏ thẫm lay. (1) Hay cho một mỹ nhân tuyệt sắc. Bà ngẩng cao đầu, dưới mắt không dính bụi trần, dáng điệu nghênh ngang.
Phương Tú Khởi mặc áo bối tử (2) bằng gấm màu tím khói, bên trong là áo Lĩnh mỏng màu trắng với quần bông cùng màu trông rất tao nhã đoan trang. Chân mày nàng hơi cau, cách một Phương Du Phong ở giữa nói chuyện với Liễu thị.
(1) 笼浅碧,荡深红: “Ngọc ánh phủ, đỏ thẫm lay” là một cách hình dung sự hài hòa giữa trang phục màu đỏ tía với trang sức màu ngọc bích nhạt, tạo cảm giác dễ chịu mượt mà từ thị giác cho đến xúc giác. Cách hình dung này có vào thời Minh do Cao Liêm viết trong “Phượng Chỉ thê từ”.
(2) Bối tử là kiểu áo có hai vạt trước đặt song song nhau, thường để buông lỏng, bên hông dùng vải lụa trắng buộc lại.
Phương Du Phong rụt vai buồn bã, như không nghe thấy muội muội nói chuyện với mẫu thân của mình.
Sùng Huy và Hà Lịch dựa đầu sát nhau, nhỏ giọng nói chuyện.
Nhìn qua tình hình phe cánh dòng chính và dòng thứ phân rõ, Lâm Nhữ thầm than. Môi Phương Khương thị khẽ nhếch, đáy mắt hiện lên sự giễu cợt.
Vừa đến gần, liền nghe giọng nói cay nghiệt của Liễu thị: “Giờ mi đã trèo cành cao vào nhà trong núi Trừng Y ở rồi, còn ngồi bên phía này với ta làm gì?”
“Đều là người một nhà, sao mẫu thân phải nói nặng như vậy.” Hốc mắt Phương Tú Khởi đỏ bừng.
Sùng Huy đang nói chuyện với Hà Lịch thì đột ngột đứng dậy: “Tam nương, muội ngồi bên này.” Hắn đi đến muốn đổi chỗ với Phương Tú Khởi.
Nếu hắn đổi chỗ với Phương Tú Khởi thì Phương Tú Khởi sẽ ngồi cạnh Hà Lịch, nhìn qua như một đôi phu thê vậy, sao có thể được!
Lâm Nhữ muốn Sùng Huy và Phương Du Phong đổi chỗ, lại băn khoăn Phương Khương thị nên nhất thời không nói gì.
Hà Lịch ngẩng đầu nhìn đối diện rồi nói: “Phong lang, huynh qua đây.”
Trước mắt thân phận của Sùng Huy là vị hôn thê của nàng, nên có thể ngồi bên Phương Tú Khởi, Lâm Nhữ thầm khen.
Sắc mặt Phương Khương thị thoáng đổi, mím môi nhưng không nổi giận.
Sùng Huy sợ run, không hỏi gì, kéo Phương Du Phong lên. Phương Du Phong cứ như không có xương sống, uể oải ngồi phía đối diện.
“Ôi chao!” Liễu thị tặc lưỡi luôn miệng, môi dặm lớp son dày giễu cợt: “Hà đại lang, Khởi nương còn chưa phải người của mi mà mi đã biết đau lòng cho nó rồi. Tiếc thay di mẫu của mi còn muốn mi cưới con gái…”
“Vào tiệc!” Lâm Nhữ trầm giọng nói, cắt đứt câu tiếp theo của Liễu thị.
Liễu thị cắn răng, cao giọng quát: “Vào tiệc gì chứ, ta có lời muốn hỏi.”
Lâm Nhữ không nói gì, đỡ Phương Khương thị ngồi xuống, lông mày anh tuấn nhếch lên, con ngươi trong đôi mắt phượng tối tăm thể hiện ý cảnh cáo ác liệt về phía Liễu thị. Cơ thể Liễu thị thoáng run lên, thoáng chốc câm miệng.
Đồ ăn được bày biện, món chính là bánh váng sữa và cơm thủy tinh, đồ ăn gồm thịt rừng và hải sản vô cùng bắt mắt. Liễu thị liếc nhìn rồi đập bàn ăn, vỗ ngực dậm chân khóc lóc: “Lang quân, chàng ở trên trời có thấy không, coi họ ngược đãi thiếp thế nào. Tự mình ăn sơn hào hải vị, còn đưa cho thiếp chỉ có một món mặn, một món chay và một món canh. Trong bếp chỉ có cơm gạo chưa xay kĩ thôi, thiếp biết sống thế nào…”