Trên đường trở về, trong lòng Dương Hỉ tràn đầy sự suy nghĩ, hắn không ngừng tính toán suốt dọc đường đi. Với thân phận của đại tiểu thư, chỉ có thể gả cho sáu trong bảy đại gia tộc còn lại, mà nhất định phải là vị công tử chính tông. Thế nhưng các vị công tử nhà họ Vương ở Lang Nha đều đã thành gia thất hoặc còn quá nhỏ. Song trái lại họ nhà Thạch ở Bột Hải có thể phù hợp, tuy nhiên ngài Dương Huyền Chi nhận thấy ông không có thói quen nuông chiều lối sống xa hoa lãng phí của Thạch Sùng và Vương Khải, nên đối với nhà họ Thạch xưa nay ông đều thờ ơ lạnh nhạt. Còn nhà họ Đỗ ở Tấn Lăng thì vài năm qua quyền lực trong triều cũng đã suy yếu dần, nếu đại tiểu thư gả cho họ chỉ sợ rằng phải chịu khổ rồi. Với nhà họ Vương ở Thái Nguyên thì lại quá huênh hoang, phần lớn nam nhân nhà họ Vương đó đều lấy thê tử là công chúa, sợ rằng họ sẽ khinh thường cô nàng họ Dương này. Còn lại là các công tử chính tông nhà họ Trần, Hà, Dương, Hạ và họ Tạ đều chưa thành thân, có điều hắn nghe nói các vị công tử đó đều không phải người có tài, chỉ e rằng lão gia sẽ coi thường bọn họ.
Tiếp theo đó lại có tới vô số người họ Tư Mã gồm: Tư Mã Ý, Tư Mã Chiêu, Tư Mã Viêm. Chưa kể đến công trạng và thành tích của ba đời tổ tiên nhà này ra sao, khả năng sinh con trai của họ cũng không phải người thường có thể so sánh được.
Tư Mã Ý có tám vị huynh đệ và chín người con trai. Tư Mã Chiêu yếu hơn, chỉ có ba người con trai sống đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, người con trai của Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm, ông sinh được hai mươi lăm người con trai, và tám người trong số họ cũng sống đến khi trưởng thành. Duy chỉ có Hoàng đế hiện nay, chính là vị Hoàng đế ngớ ngẩn Tư Mã Trung, bởi vì Hoàng hậu Giả Nam Phong của hắn quá dũng mãnh cho nên đến bây giờ hắn chỉ có một thái tử Tư Mã Duật, nhưng vị thái tử này cũng không phải do Hoàng hậu Giả Nam Phong sinh ra.
Với rất nhiều họ Tư Mã như thế, con cháu được thêm vào từ thế hệ này sang thế hệ khác, kết quả là không dưới một trăm Thế tử họ Tư Mã. Để thu phục các đại gia tộc thế phiệt, những hoàng tộc Tư Mã này thường thỉnh cầu được thành thân với các tiểu thư con nhà thế gia.
Dương Hỉ nhanh chóng tính lại những vị Tư Mã Vương chưa thành thân ở thành Lạc Dương đang có ý định muốn kết thông gia với nhà họ Dương.
Người mạnh nhất là vị tông thất Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh, được mọi người đặt cho biệt hiệu là "Vương Công". Hắn là em trai cùng cha khác mẹ với Hoàng đế Tư Mã Trung hiện thời, là con trai thứ mười sáu của Tiên đế Tư Mã Viêm.
Đối với những người trẻ tuổi ở thành Lạc Dương, người nam nhân tên Tư Mã Dĩnh này là kiểu người mang đủ tiêu chuẩn thời thượng, dáng người đi đứng của hắn luôn linh hoạt, hắn là người luôn thu hút mọi ánh nhìn của người khác không kém phần giống với Phan An* cách đây ba mươi năm về trước. Và dĩ nhiên, Tư Mã Dĩnh cũng có sự kiêu ngạo vốn có của mình. Trong số rất nhiều người con trai của Tiên đế Tấn Vũ Đế, thì Tư Mã Dĩnh là người có nhiều đất phong, nhiều uy thế và quyền lực lớn nhất. Mặc dù vẻ mặt của hắn không phải xuất sắc nhất trong gia tộc Tư Mã, nhưng hắn lại có ba điểm về ăn mặc cộng thêm bảy điểm thân thế hiển hách; chỉ cần hắn nở nụ cười gần gũi với dân chúng, thì đi đến đâu hắn cũng có thể mang theo hào quang của chính mình khiến vô số người hâm mộ.
Khi "Vương Công" còn là người mạnh nhất ở Lạc Dương, hắn không thích thành thân với cô nàng họ Dương này. Hắn muốn kết thông gia với gia tộc Vương ở Thái Nguyên vì họ quyền lực hơn. Thế nhưng vào năm ngoái đã xảy ra một sự tình khiến cho những mộng tưởng tốt đẹp của Tư Mã Dĩnh hoàn toàn tan vỡ.
Đó là khi cháu trai của Giả Hoàng hậu là Giả Mật giảng dạy cho Thái tử Tư Mã Duật với một thái độ vô cùng kiêu ngạo. Tư Mã Dĩnh có mặt ngay lúc đó đã nghiêm khắc mắng mỏ Giả Mật. Thế là Giả Mật không dám mạo phạm với Thái tử, nên hắn lùi về sau ngấm ngầm mách lẻo lại với dì của mình là Giả Nam Phong. Ngay sau đó vị Hoàng hậu béo mập xấu xí ấy đã lấy danh nghĩa Hoàng thượng để đưa ra chiếu chỉ, phong cho Tư Mã Dĩnh làm Bình Bắc tướng quân, đi trấn giữ Nghiệp Thành, nơi tiếp giáp với bộ tộc Hung Nô.
Nghiệp Thành cách hơn năm trăm dặm về phía bắc của Lạc Dương và là một thị trấn quan trọng ở phía Bắc cùng với Tấn Dương. Vì vậy, nhà họ Vương từ chối để con gái mình gả đi xa, thế là hôn sự này trở nên vô nghĩa. Tư Mã Dĩnh đến Nghiệp Thành hơn nửa năm thì hắn bắt đầu ân cần gửi thư cho Dương Huyền Chi, giữa những hàng chữ trong thư luôn có chút gợi ý bóng gió rằng hắn sẽ vui lòng chiếu cố lấy con gái ông làm thê tử.
Kết duyên cùng Thành Đô Vương thì nhà họ Dương chắc chắn sẽ có của ăn của để, người khác sẽ sớm vui mừng không ngớt mà tranh thủ thay nhau dựa vào, thế nên trước sau gì Dương gia cũng sẽ vội vàng xác định hôn sự mà thôi. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao Dương Huyền Chi không đáp lại những gợi ý bóng gió đó của Vương Công, ông làm như không trông thấy những dòng chữ đó và Tư Mã Dĩnh đã nhiều lần viết thư cho rằng Dương Huyền Chi đang cố giả ngốc mà không chịu nói thật lòng mình.
Liệu rằng vị công tử bí ẩn này có phải là người định đoạt đường lối tương lai cho thê tử của mình, có
khả năng sẽ là Tư Mã Dĩnh không?
Ngoài ra, gần đây nhất còn có Tư Mã Duệ, tập tước là Lang Nha Vương, hắn là người hay ân cần chạy qua chạy lại với Dương gia. Vị này có huyết thống cách xa với Hoàng đế hiện giờ, hắn chỉ có tước vị Vương và đất phong thì chỉ có một mảnh rất nhỏ ở Sơn Đông, có thể coi hắn là người quyền quý cuối cùng trong kinh thành.
Chà, với những điều đó chắc chắn cũng không thể nào ngăn cản được vẻ đẹp của người khác đâu, Tư Mã Dĩnh là người luôn cố gắng chạy theo những bộ trang phục thời thượng và lộng lẫy. Phần lớn những người thiếu nữ trạc tuổi như đại tiểu thư đều là người "mê sắc đẹp". Một khi bản thân tiểu thư đã động lòng thì lão phu nhân cũng phải để ý đến những tâm tư của cô ấy.
Có điều là, Tư Mã Duệ là người luôn đi theo đường lối chính phái, hắn thường đến thăm lão gia một cách thật tình, song không ngờ có một ngày, hắn lại dùng một vạn tiền để hối lộ quản gia, đúng vậy đấy và điều này thì không giống với tác phong khi làm việc của hắn cho lắm.
Sau khi nắm được một vài người trong họ hàng nhà Tư Mã Vương, Dương Hỉ đột nhiên nghĩ đến một cái tên hiếm khi được nhắc đến trong giới quý tộc Lạc Dương, đó chính là Tề Vương Tư Mã Quýnh. Vị Vương tử bị lạnh nhạt này thực sự có một mối quan hệ sâu sắc với đại tiểu thư của hắn, nhắc đến điều này phải nói đến một sự việc trong quá khứ.
Tề Vương Tư Mã Quýnh là Hoàng đệ của Hoàng đế Tư Mã Trung. Cha của Tư Mã Quýnh là Tề Vương Tư Mã Du - ông chính là Hoàng đệ ruột thịt của Tiên đế Tư Mã Viêm. Tư Mã Du là người xứng đáng được đưa vào sử sách, vì thân phận của ông ấy tương đối tế nhị.
Ai đã từng đọc sử sách đều biết rằng Tư Mã Ý, một chiến lược gia tài ba, đã truyền ngôi vị của mình cho con trai cả là Tư Mã Sư.
Tư Mã Sư kế thừa tài thao lược và dũng khí của cha mình, ông là người đã bóp chết không gian sinh tồn của gia tộc Tào Ngụy. Có thể nói, nếu không có Tư Mã Sư thì Tư Mã Viêm khó có thể thành lập triều đại nhà Tấn một cách suôn sẻ như vậy.
Thiên hạ lẽ ra đã thuộc về Tư Mã Sư, nhưng vì Tư Mã Sư không có con trai nối dõi. Thế là sau đó, Tư Mã Chiêu đã tự mình nhường con trai Tư Mã Du cho huynh của mình, để ông nhận làm con thừa tự.
Tư Mã Sư có một người thê tử xuất thân từ Dương gia, sau này bà được Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm phong làm Cảnh Hiến Hoàng Thái hậu Dương Huy Du. Bà là mẹ nuôi của Tư Mã Du, về già bà được Tư Mã Du tôn thờ, coi bà như mẹ ruột và vô cùng hiếu thuận với bà.
Chẳng bao lâu, sau khi Dương Hiến Dung được sinh ra, Hoàng Thái hậu Dương Diễm và cháu trai của bà là Dương Huyền Chi đã đề ra hôn ước để Tư Mã Quýnh thành thân với Dương Hiến Dung. Đối với lão Thái hậu mà nói, cháu trai cưới cháu gái trong gia quyến sẽ là sự kết hợp hài hòa do trời đất tạo nên. Đương nhiên, Dương Huyền Chi không thể nào từ chối được tấm lòng của lão Thái hậu, thế là ngay sau đó hai bên gia đình đã trao đổi thiếp canh ngày giờ của đôi trẻ để xác định việc hôn sự.
Nhưng không ngờ, vào lúc này Tiên đế Tư Mã Viêm biết được sự tình, ông nói rằng trước đây đã chọn ra được vị tiểu thư thứ sáu của nhà họ Đỗ ở Tấn Lăng cho cháu trai của ông rồi và sắc lệnh thành hôn được ban hành ngay vào hôm sau. Hoàng đế đã làm cho qua loa như vậy đấy và thật lỗ mãng khi ông lại can thiệp vào hôn sự giữa hai gia đình, đối với Tư Mã Du và Dương Huyền Chi sẽ cắn răng lo liệu thế nào? Họ đành phải trả lại thiếp canh mà thôi, và không bao giờ đề cập đến vấn đề này nữa. Khoảng thời gian sau, Tư Mã Du sinh bệnh mà chết, Tư Mã Quýnh kế thừa tước vị Tề Vương của phụ thân và chỉ mới mười tuổi đã bị Tư Mã Viêm phong tước ở nơi khác. Trong mười năm qua ngoài việc thỉnh thoảng đến thành Lạc Dương để cúng tế, thì y hiếm khi đặt chân lên mảnh đất kinh đô phồn hoa sầm uất này.
Dương Hỉ biết rõ Tề Vương Tư Mã Quýnh và lão gia có qua lại thư từ với nhau, mỗi khi y trở về Lạc Dương thì đều đến Dương phủ thăm viếng. Tư Mã Quýnh bây giờ đã hai mươi lăm tuổi, tuy rằng nhan sắc không bằng Tư Mã Duệ và vẻ thời thượng cũng không bằng Tư Mã Dĩnh, thế nhưng y lại có sức hấp dẫn riêng của mình. Có lẽ do Tư Mã Quýnh đã nhiều năm gửi gắm lòng mình cho núi non sông nước, ngâm thơ vẽ tranh và đàn hát, y là một văn sĩ tài năng chính trực, giống như Kê Khang là người đứng đầu trong bảy nhà hiền triết của Trúc Lâm (gọi là Trúc Lâm thất hiền).
Dương Hỉ cũng từng nghe nói Tư Mã Quýnh và Vương phi, chính là vị tiểu thư nhà họ Đỗ từng được Tiên đế ban hôn năm đó, nàng ta luôn có mâu thuẫn với Tư Mã Quýnh và đã chết vì bệnh cách đây ít lâu. Tề Vương đã ở tuổi này rồi mà lại không có con, vị trí chính phi thì trống không còn đang treo đó, chính điều này đã làm cho các nhà quý tộc ở Lạc Dương động lòng.
Thật ra địa vị của Tề Vương trong triều đình tương đối khó xử, một khi gặp lại Dương Hiến Dung, hai người sẽ tiếp nối đoạn tiền duyên kia ư?
*****
*Chú thích:
- Phan An (247-300), vốn tên là Phan Nhạc, tự An Nhơn, người Trung Mưu, Huỳnh Dương, là một nhà văn thời Tây Tấn. Nhờ nhan sắc lấn át cả phái đẹp, Phan An được ngợi ca là đệ nhất mỹ nam thời cổ đại, đứng trên cả Lan Lăng Vương, Tống Ngọc và Vệ Giới.