Đêm nay An Lai ngủ không tốt lắm, không chỉ vì hưng phấn mà còn vì một tác nhân khác người – muỗi.
Có lẽ là vì gần sông, nên buổi tối muỗi rất nhiều.
Lúc đầu không chú ý nên trên người An Lai mọc thêm mấy nốt đỏ.
Sau Viên Thanh Cử buông màn lụa xuống mới tốt hơn một chút.
Tuy không bị chích nhưng lại nghe tiếng ong ong vo ve bên ngoài không ngừng, chỗ bị chích hồi nãy giờ vô cùng ngứa, khiến người ta không cách nào ngủ được.
Viên Thanh Cử bọc An Lai vào chăn, giữ chặt tay chân cô: “Đừng gãi, nếu xướt da sẽ để lại dấu.”
An Lai sắp bị con vật nhỏ đó giày vò đến khóc rồi: “Sao chúng nó không chích anh chứ?”
Viên Thanh Cử đè cái tay lại muốn gãi của cô lại: “Chắc là vì nhìn em dễ ăn hiếp hơn.”
An Lai không thể nhìn được anh bị “miễn nhiễm”, cô há mồm cắn lên cổ anh: “Vậy em sẽ ăn hiếp anh!”
“Còn đợi phu nhân chỉ giáo.” Anh bày ra bộ dáng đợi làm thịt, để An Lai muốn làm gì cũng được, mặc An Lai nháo anh.
Thấy con mèo nhỏ thở phì phì, sắp bạo tẩu vì muỗi nhiều, anh cười nói: “Tính tình em thật là một chút cũng không tốt.”
“Tính tình anh tốt nên muỗi không chích anh sao, đứng nói chuyện không đau thắt lưng.” (ý nói chưa trải qua nên không biết khổ là gì)
“Hạ văn thành lôi, tư nghĩ tác quần hạc vũ vu không trung, tâm chi sở hướng, tắc hoặc thiên hoặc bách, quả nhiên hạc dã.” (Tạm dịch: Mùa hè muỗi kêu như tiếng sấm, thầm mô phỏng theo tiếng đàn hạc múa trên không trung, nhìn gần thì có cả ngàn cả trăm, quả nhiên như hạc vậy.)
Viên Thanh Cử đang đọc một đoạn trong Thẩm phục “Phù sinh lục ký”, nói đến người viết hồi nhỏ từng chơi đùa cùng muỗi.
An Lai than thở: “Em cũng không có định lực tốt như vậy.”
Thấy An Lai thật sự khó chịu, Viên Thanh Cử chui ra khỏi màn: “Anh ra ngoài một lát.”
Gần nửa giờ anh mới trở về, mang theo một hộp nhang muỗi và lọ thuốc bôi.
Nhang muỗi đúng là loại cổ xưa nhất, một vòng một vòng, vòng thành một mâm.
Sau khi châm khói nhẹ lượn lờ, còn có mùi thơm nhàn nhạt.
Lúc này đám muỗi phá giấc ngủ kia mới ngừng công kích.
Ngày hôm sau, lúc An Lai tỉnh thì Viên Thanh Cử đã không còn bên cạnh, chắc là đi tập thể dục buổi sáng.
Vết đỏ bị muỗi chích trên người đã hết sưng, chỉ để lại một màu đỏ thẫm.
May mà An Lai không bị chích trên mặt.
Thời gian còn sớm, nhưng trấn nhỏ đã thức từ lâu, tiếng động này kia vang lên.
Tiếng bước chân vội vàng của người đi đường, tiếng cười đùa của mấy bác hàng xóm, thậm chí cứ cách một lát là nghe tiếng rao hàng chợ sáng mơ hồ truyền đến từ đường cái: “Đậu hủ đây ~ Đậu hủ đây ~”
An Lai đẩy cửa sổ phòng ngủ ra, làn sương mỏng còn chưa tan đi.
Cô phóng mắt nhìn, bên kia bờ sông có một bóng màu nâu ngồi khoanh chân, như đang nhập định.
Bên cạnh còn đặt hai thùng gỗ và một cái đòn gánh.
Đầu người nọ trơn bóng, mặc đồ tăng, đúng là rất giống tăng nhân.
Ánh sáng chân trời dần dần hiện ra, thần quang độ lên người cậu một tầng màu vàng, như thật sự sắp thành Phật lên trời vậy.
Đường sông dưới lầu có một chàng trai da ngăm đen, đội mũ rơm đang chống thuyền lướt qua, sào trúc dài xẹt qua nước tạo thành từng đường sóng trắng.
Cách vách có một cô bé mười một mười hai tuổi, tóc rối bù đang rửa cải cúc ở bên sông, nhìn thấy thuyền tới, cô bé hắng giọng kêu to: “Mẹ, chú Thủy Tứ về rồi.” (*cải cúc còn có cái tên phổ biến ở Việt Nam là tần ô)
“Nghe rồi nghe rồi.” Một người phụ nữ cầm lược đi ra, tóc cũng rối bù, cười hề hề hỏi: “Thủy Tứ, có cá không?”
Thủy Tứ dừng thuyền, lấy trong khoang ra một con cá chép mập mạp, dùng lá cọ se thành dây xuyên qua mang cá xách lên: “Giữ lại cho nhà chị đó, tối hôm kia cha của Bố Bố đã báo rồi.
Hôm nay thu hoạch không tốt, vừa đến bến tàu đã bị cướp sạch.”
Thủy Tứ đứng trên thuyền tính: “Hai mươi ba đồng sáu, đưa hai mươi ba thôi.”
Người phụ nữ nhận cá đưa cho bé gái rửa cải cúc bên cạnh: “Bố Bố, mang cá vào nhà.” Còn mình thì ở lại trả tiền.
Hai bên đã mua bán xong, Thủy Tứ chống sào trúc định đi, An Lai đứng trên lầu chợt ma xủi quỷ khiến hỏi một câu: “Xin hỏi, anh còn cá không?”
Hỏi xong cô lại có chút hối hận, phòng bếp ở đây không biết đã bao lâu không dùng đến rồi.
Nhưng mà nhìn Bố Bố xách cá vui vẻ như thế, cô cũng rất động tâm với cá vừa bắt từ dưới sông lên.
Thủy Tứ còn chưa nói thì người phụ nữ kia đã ồ lên: “Em gái là nhà mới chuyển đến sao?”
An Lai cười cười: “Vâng, hôm qua vừa tới.”
“Còn một con cá trích, tôi định giữ lại cho mình ăn.” Thủy Tứ ngửa đầu nói: “Nhưng mà lần đầu tiên buôn bán với nhà cô, mới sáng sớm cũng không tiện từ chối khách, cô có lấy không?”
“Lấy, lấy.” An Lai cuống quít cầm tiền xuống lầu.
Thủy Tứ đã cân cá xong: “Vừa khéo ba cân, ba mươi sáu đồng.”
An Lai đưa tờ một trăm đồng qua, Thủy Tứ không đủ tiền trả lại liền hỏi: “Chỗ chị Lâm có năm mươi đồng lẻ không? Đổi cho em đi.”
Chị Lâm, cũng chính là mẹ của Bố Bố cấp tóc lấy lược chải một bím tóc lớn, lấy tiến ra đếm nhưng cũng không đủ, chị trực tiếp đưa ba mươi sáu đồng cho Thủy Tứ: “Được rồi, em gái, chị trả giúp em trước, khi nào có tiền lẻ thì trả lại chị cũng được.”
An Lai vô cùng ngượng ngùng: “Cám ơn chị, em đổi tiền được sẽ trả chị ngay.”
“Có cái gì đâu, hàng xóm không mà.
Em gái họ gì?”
“Em họ An, tên là An Lai.”
Bên kia Thủy Tứ thu tiền, cầm sào trúc chuẩn bị đi, anh ta cười hề hề: “Em gái họ An, về sau nhớ mua nhiều nhiều nữa nha.”
“Nhất định nhất định!” An Lai có chút đỡ không được sự nhiệt tình của bọn họ.
Thủy Tứ đi rồi, An Lai nói thêm vài lời với chị Lâm, biết An Lai đã kết hôn, chị ta hô to thật nhìn không ra.
Cuối cùng trước khi đi An Lai còn được tặng một bó cải cúc to, nhánh lá dài rộng, xanh mượt.
An Lai không từ chối được, đành mang theo một con cá tươi, một bó cải cúc quay về.
Thật đúng là hối hận lúc nãy đã mua cá, vừa xuống một chuyến đã nợ người ta một nhân tình