Thứ hai, Thẩm Kình Vũ và đội ngũ họp trong phòng hội nghị.
Sáu người ngồi lần lượt hai bên bàn lớn, máy chiếu trên tường đang chiếu một video thi đấu võ thuật.
Một tay đấm châu Á và một tay đấm châu Âu di chuyển nhanh nhẹn trong lồng, đột nhiên, võ sĩ châu Âu tung ra một cú đấm móc về phía đối thủ.
Võ sĩ mặc quần đấu màu đỏ lập tức di chuyển thân trên, đong đưa né tránh.
Động tác của hai người vô cùng nhanh, nắm đấm gần như dán vào mặt.
Thoạt nhìn, tay đấm châu Á dường như bị đánh trúng, nhưng đối thủ vừa thu tay, gã đã dứt ra và đứng vững vàng.
Có thể thấy, việc di chuyển tránh né của gã đã thành công trong việc tiêu hao phần lớn lực của đối thủ, cú đấm ấy không tạo thành bao nhiêu thương tổn đối với gã.
Video chiếu đến đây thì bị ấn tạm dừng.
Sau đó, thanh tiến độ bị kéo đến ba phút sau, nhảy qua hiệp tiếp theo.
Tay đấm châu Âu dùng vài cú chọc để thăm dò rồi vung nắm đấm, võ sĩ châu Á lại nghiêng đầu về bên phải để né.
Cùng lúc ấy, gã nâng tay trái lên, vung lại một cú vòng qua tay phải của đối thủ để hướng đến phần cằm.
Cú tấn công của hai người trúng mặt của đối thủ gần như cùng lúc, dường như đây là cục diện năm mươi – năm mươi, tay đấm châu Âu là người vung tay trước có vẻ chiếm thế thượng phong.
Nhưng Thẩm Kình Vũ và đội huấn luyện viên chuyên nghiệp cùng đổ mồ hôi lạnh thay võ sĩ châu Âu ấy.
Trong nháy mắt sau đó, cơ thể tay đấm châu Âu cứng còng, lảo đảo bước như một con rối mất kiểm soát rồi ngã nhào xuống đất.
Còn võ sĩ châu Á phấn khích nhảy lên vài lần, vung hai tay ra hiệu với khán giả ngoài sân để bọn họ hét lên vì mình.
– Tuyển thủ châu Á dành chiến thắng này chính là đối thủ tiếp theo của Thẩm Kình Vũ, Noguchi Oosawa đến từ Nhật Bản.
Video lại bị ấn dừng.
Đèn trong phòng họp sáng lên, chuyên viên phân tích số liệu của câu lạc bộ đứng dậy, bước đến cái bảng trắng bên cạnh máy chiếu di động, bắt đầu chia sẻ số liệu mình tổng hợp.
“Từ những đoạn video vừa rồi có thể thấy, Noguchi Oosawa có một thói quen không giống những người khác – khi đối diện với những đòn tấn công từ cánh trái, hay nói cách khác là các nắm đấm bằng tay phải của đối thủ, cậu ta rất thích né sang bên phải của mình.
Chúng tôi đã tổng kết tất cả trận đấu công khai trong bốn năm trở lại, ở 28 cuộc tranh tài, có 72 lần đối thủ ra quyền từ bên phải, trong đó có 48 lần cậu ta né sang phải, 18 lần dùng đòn đỡ, chỉ có 6 lần né sang trái…”
Thẩm Kình Vũ ghi lại số liệu vào sổ, thầm tính toán trong lòng.
48 trên 72 là tỉ lệ hai phần ba.
Đây là một thói quen rất mạnh mẽ.
Với đa số tuyển thủ, khi đối mặt với đòn tấn công từ bên trái đều biết mà né sang trái; còn đối diện đòn công kích từ bên phải mới có thể tránh sang phải.
Việc ấy không phải nhận đòn tấn công của đối thủ mà cần khả năng phán đoán nhất định, hơi ngửa ra sau, thoát khỏi phạm vi công kích của đối thủ rồi né tránh.
Chỉ có số ít người sẽ dùng chiến thuật tránh sang cùng bên với đòn tấn công của đối thủ, nguyên nhân rất đơn giản – nếu tránh cùng một hướng, cơ thể phải chuyển động trên phạm vi rộng, hơn nữa nhất định phải nhanh hơn đòn tấn công của đối thủ mới có thể tránh được hoàn toàn.
Động tác càng rộng, sơ hở càng nhiều, cũng khó đạt được tốc độ mong muốn.
Bởi vậy, đa số các trường hợp né tránh cùng phía chỉ có thể giảm bớt được lực tác động.
Ví dụ như nắm đấm của đối thủ nặng một trăm cân, bản thân chuyển động cùng hướng để phân tán bớt lực thì cuối cùng chỉ phải nhận một đòn tấn công hai mươi cân.
Giữa “tránh được hoàn toàn” và “phân tán lực”, tất nhiên người ta sẽ mong mình có thể “tránh được hoàn toàn”.
Như Thẩm Kình Vũ đối mặt với đòn tấn công hoàn toàn ngoài dự đoán, chỉ khi không còn kịp né tránh mới có thể dùng cách phân tán lực để bảo đảm.
Như vậy, tại sao Noguchi Oosawa lại hình thành thói quen không chính thống này?
“Đòn đặc biệt của cậu ta là vung tay trái.
Như trong video vừa rồi, cậu ta rất thích đối mặt với những đòn tấn công từ bên phải, cơ thể cậu ta sẽ né sang phải, đồng thời vung nắm đấm.
Chúng tôi đã thống kê trên những trận đấu trước, đòn vung tay này được sử dụng tổng cộng 11 lần, trúng đòn 9, hạ đo ván cả 9, hiệu suất đạt KO cao đến 100%!”
Thẩm Kình Vũ khẽ nhướn mày, hiệu suất KO 100%!
Nếu vậy, rất dễ để giải thích thói quen của Noguchi Osawa: cùng lúc gã né sang phải, gã sẽ lợi dụng quán tính của cơ thể để vung tay trái, nói trắng ra là một chiến thuật đổi đòn.
Khi đối thủ dùng nắm đấm bên phải, nửa mặt bên phải sẽ không ở trạng thái phòng ngự, cú vung tay trái của gã có thể khóa chặt vào cằm đối thủ, còn bản thân gã chỉ nhận tổn thương sau khi đã giảm lực.
Chiến thuật đổi đòn này chỉ cần thành công là cực kỳ lời!
Thẩm Kình Vũ thử đặt bản thân vào sàn đấu trong video.
Đặt tay lên ngực tự hỏi, nếu anh là đối thủ của Noguchi Oosawa, anh có thể thoát được đòn chí mạng này không?
– Sợ rằng anh chẳng làm được.
Chuyên gia phân tích số liệu tổng kết xong, những huấn luyện viên trên bàn bắt đầu thảo luận.
Nếu đã biết sở trường của đối thủ, tất nhiên bọn họ phải giúp Thẩm Kình Vũ lập ra kế hoạch huấn luyện để chặn lại ưu thế của đối phương.
“Đúng là đòn này của cậu ta rất khó phòng.
Tôi cho rằng khi thi đấu, Tiểu Vũ có thể cố gắng không cho cậu ta cơ hội ra chiêu.” Thầy hướng dẫn đấm bốc của Thẩm Kình Vũ nói.
“Đối phó với đối thủ như vậy, trừ lúc chọc để khống chế khoảng cách thì cố gắng hạn chế việc vung đòn tay phải.
Hoặc có thể đá nhiều hơn, đòn chân của Tiểu Vũ có ưu thế so với đối thủ.”
Trên lý thuyết, đây là một lối suy nghĩ rất hay, tránh đi lĩnh vực mà đối thủ am hiểu để đối thủ không có cơ hội sử dụng đòn đặc biệt.
Nhưng lời đề xuất này lập tức bị Tả Phong Duệ phản đối: “Tôi không đồng ý! Ngược lại, tôi cảm thấy Tiểu Vũ nên tấn công bằng tay phải nhiều hơn.
Với cách né đòn này của cậu ta, xác suất ra tay sẽ cao hơn nhiều so với né tránh!”
Thầy hướng dẫn đấm bốc nhìn Tả Phong Duệ đầy ngạc nhiên.
Không tránh mũi nhọn mà còn đánh thêm vào?
Tả Phong Duệ quay đầu, hỏi chuyên gia phân tích số liệu: “Mấy ông có xác suất né tránh thành công của cậu ta không?”
Đối phương vội vàng gật đầu, lật