Có nhiều thứ tuy chẳng đáng tiền nhưng chúng ta không nỡ bỏ đi, nếu không tìm thấy chúng, chúng ta còn phát sốt không yên.
Nhưng, chúng ta ngày một già nua, cũ kỹ, đến một lúc nào đó chúng ta không dám ngắm nhìn chúng nữa. Chúng được cất trong hộp, bỏ nơi xó xỉnh, chúng
giống những thước phim điện ảnh. Bất cứ khi nào bạn muốn, bạn đều có thể bỏ ra để xem một cơn mưa, một lần chia tay, một tách cafe, một cái ôm
thật chặt...
1.Bức thư tình cũ.
Bà lão chống gậy, đứng trong quán bar chửi mắng thậm tệ đám trai trẻ. Rồi bà lôi ra một tờ giấy đã ố vàng và nói:
Đây là thư ông già viết cho bác đấy, để bác đọc tụi mày nghe. Ôi thôi, cầm nhầm giấy thông báo tiền điện mất rồi.
Bạn có phải người giỏi ăn nói?
Những người giỏi ăn nói chia thành hai loại. Một là những người có khả năng
phán đoán cục diện, biết phân định mọi thứ và vừa hay lại nói ra những
điều chạm vào cõi lòng người khác, như Thái Vĩnh Khang chẳng hạn (MC nổi tiếng của chương trình truyền hình Khang Hy đến rồi của Trung Quốc).
Loại người giỏi ăn nói thứ hai là những kẻ nói rất nhiều, nhưng chẳng
câu nào lọt tai, họ bắn liên thanh như khẩu AK47 vậy, ví như Nói Láo
chẳng hạn.
Nói Láo là người đặc biệt nhất, lập dị nhất trong đám
bạn của tôi. Bình thường không ai có cảm giác về sự tồn tại của cậu ta,
nhưng chỉ cần cậu ta mở miệng thì chẳng khác nào nổ bom hạt nhân, “bùm”
một tiếng đất cát văng đầy mặt người nghe.
Có lần, một người anh
em của chúng tôi bị thất tình, vì cô bạn gái cuỗm mất chiếc nhẫn cậu ta
mua tặng, bỏ trốn theo người tình. Nhóm chúng tôi mới hô hoán nhau tụ
tập ở quán KTV. Không một ai dám hé răng nhắc đến chuyện ấy. Có người
buồn bã thốt lên:
- Tình mình chỉ còn là kỷ niệm!
Tiếng Nói Láo vang trong góc phòng:
- Tình mình chỉ còn là kỷ niệm. Thằng ngốc đáng đời gặp ả điếm.
Cả căn phòng bỗng im phăng phắc. Tôi nhìn lên, thấy gương mặt mọi người
lạnh tanh không có bất cứ biểu cảm nào, nhưng tôi có thể đọc được tiếng
reo hò cổ vũ đang vang lên trong lòng bọn họ: Ha ha ha, chí lý, chí lý
quá, ha ha ha.
Một người anh em khác của chúng tôi kết hôn. Đoàn
rước dâu vất vả lắm mới chen được vào buồng cô dâu. Cửa ải cuối cùng chú rể phải vượt qua là phải tìm bằng được một chiếc giày của cô dâu. Cả
bọn gần như lục tung cả phòng lên mà không tìm thấy, ai nấy mồ hôi đầm
đìa lưng áo.
Lúc này, Nói Láo mới chầm chậm bước ra, chau mày nói:
- Giấu kỹ ra phết! Đồ Xấu Xí, nhìn thoáng qua cũng biết việc này do bàn
tay của Đồ Xấu Xí gây ra. Đồ Xấu Xí chẳng tài cán gì, nhưng giấu diếm
rất giỏi. Loài rái cá tuy xấu xí bẩm sinh, nhưng chúng ăn no thì lăn ra
ngủ, không gây phiền toái bao giờ. Loài hải cẩu thích giấu đồ, nhưng
chúng không bao giờ giở trò bắt nạt đám mực biển. Còn Đồ Xấu Xí thì
sao, ngày vui của người ta lại ra sức phá hoại. Chúng ta không thể lập
ra Bộ luật xử bắn Đồ Xấu Xí thì cũng sửa lại Luật bảo vệ hôn nhân.
Người ta bảo có rất nhiều phụ nữ ngoài mặt đối xử rất tốt với bạn, nhưng thực chất họ chỉ mong bạn cũng giống họ, ế sưng ế xỉa, không ai buồn
ngó đến. Xem ra câu nói này hôm nay được chứng thực.
Cậu ta vừa
dứt lời, một cô gái vóc người nhỏ nhắn bỗng òa khóc nức nở, sau đó lăn
vào gầm giường lôi ra một chiếc giày, rồi lại òa khóc nức nở chạy đi
mất.
Mọi người nhìn nhau, vỗ tay ầm ĩ. Chú rể lau mồ, mời Nói Láo một ly rượu và bảo:
- Đa tạ người anh em, may mà có cậu! Hãy nói gì đi!
Tôi đứng bên ngoài kêu la thảm thiết:
- Đừng!
Đã quá muộn, Nói Láo nâng cao ly rượu, xúc động nói:
- Bữa nay hân hoan cạn ly rượu mừng công. Ngày mai buồn bã giọt nước mắt ly tán.
Tôi khuyên cậu ta nên học tập Thái Vĩnh Khang nhiều hơn và cậu ta bắt đầu theo dõi mấy tập Khang Hy đến rồi. Sau đó nói với tôi:
- Ha ha ha, Tiểu S (*) thật thú vị, cô ta cứ như miếng sách bò nhảy tưng tưng trên màn hình, mặt dày hơn cả tôi.
(*) Tiểu S: biệt danh của nữ diễn viên Đài Loan – Từ Hy Đệ.
Đồ chết băm! Lá sách liên quan gì đến mặt dày?!
Cái miệng của Nói Láo rất đáng sợ, nhưng cậu ta sống có nghĩa có tình, lại
rất hiếu thuận với cha mẹ. Cha qua đời từ sớm, mẹ cậu ta đã gần bảy mươi tuổi, nhà chỉ còn hai mẹ con nương tựa vào nhau. Bác gái là người lạc
quan, vui vẻ, quê ở Gia Hưng, cách vài ba ngày bác lại gói bánh chưng
gửi lên cho chúng tôi. Trên mạng người ta kêu gào ầm ĩ, còn chia nhau
thành trường phái bánh chưng mặn và bánh chưng ngọt. Trường phái khỉ gì! Chỉ có bánh chưng Gia Hưng mới xứng đáng được gọi là bánh chưng. Những
loại bánh chưng khác chỉ được coi là bánh gạo bọc nhân mà thôi. Hôm nào
bác gái bảo sẽ gửi bánh chưng lên cho chúng tôi thì y như rằng tối hôm
đó, nhà ai còn lại vài chiếc bánh thì cả hội sẽ lập tức lao đến nhà
người đó, ăn cho bằng sạch.
Một chiều nọ, Nói Láo gọi cho tôi,
bảo có chuyện vô cùng gấp gáp, nhờ tôi thay cậu ta về nhà một chuyến,
cậu ta phải tăng ca, không về được, mà bác gái lại gọi điện giục giã
liên tục. Tôi hộc tốc chạy đến nhà cậu ta, thì thấy ba người phụ nữ lớn
tuổi đang ngồi bên bàn mạt chược, họ cùng hướng mắt nhìn tôi, đầy vẻ chờ đợi.
Thôi được, tôi đành ngồi xuống hầu họ vài ván. Có ai ngờ,
mấy phụ nữ đã lên lão mà sành sỏi đến thế, họ đánh chắc tay vô cùng, tôi thua đau, đỏ mặt tía tai, kêu la rên xiết. Chúng tôi chơi mạt chược đến tận mười một giờ. Tan hội, bác gái mới nói với tôi:
- Gia Giai, có phải Nói Láo chia tay bạn gái rồi không?
Tôi sững người:
- Cháu không biết gì hết.
- Bác sẽ cho cháu bánh chưng, mau nói đi.
- Cô gái là người Hồ Nam, nhưng đã về quê sinh sống rồi. Khoảng cách xa xôi như vậy, họ ở bên nhau sao được.
Bác gái liếc xéo tôi:
- Nói dối! Chắc chắn tại cái miệng thối của thằng Nói Láo chứ gì!
- Dạ, cũng không loại trừ khả năng này.
Bác gái vỗ đùi đánh “đét”:
- Bác còn chưa thấy mặt con dâu tương lai đã bay đi mất. Cái thằng súc sinh, chuyên bắt nạt con gái nhà lành!
Mồ hôi tôi đầm đìa.
Nói Láo đẩy cửa bước vào:
- Mẹ, mẹ nói linh tinh gì thế?
Bác gái:
- Con dâu của mẹ đâu?
Đến lượt Nói Láo mồ hôi đầm đìa:
- Cô ấy là con một, bố mẹ cô ấy đều đã già cả, cô ấy không muốn sống xa nhà nên đã về Hồ Nam rồi.
Bác gái nổi giận đùng đùng:
- Thế sao mày không theo nó về Hồ Nam?
- Con đi thì mẹ làm thế nào?
- Mẹ ở lại đây. Hàng ngày đã có thằng Gia Giai đến nhà quỳ lạy hầu hạ mẹ.
Chân tôi mềm nhũn.
Nói Láo kéo tôi bỏ đi. Bị cậu ta lôi kéo đi, tôi ngồi phịch xuống đất, vừa khóc vừa gào:
- Bánh chưng của tôi, bánh chưng của tôi!
Chúng tôi kéo đến quán bar của Quản Xuân. Thực ra tôi rất hiểu, bác gái đã
sống ở Nam Kinh hơn ba mươi năm. Những người bạn cùng chơi bài, tập thể
dục, đi loăng quăng, nói chuyện phiếm của bác ấy đều tập trung ở tiểu
khu đó. Người già gây dựng mối quan hệ bạn bè không dễ dàng như tụi trẻ
bọn tôi. Nếu bắt họ chuyển đến nơi ở mới, họ sẽ cô đơn lắm lắm.
Định gọi thêm rượu thì Quản Xuân đưa bác gái vào. Vẻ mặt Quản Xuân mới thê lương làm sao:
- Nói Láo, không phải là tôi không muốn giúp cậu nhưng bác gái tự tìm đến đây đấy.
Nói Láo nổi giận:
- Nói bậy, tay cậu còn cầm bánh chưng kia kìa! Chắc chắn cậu đã bán đứng tôi rồi!
Bác gái chống gậy đi tới, đập bàn quát:
- Im miệng!
Quán bar lập tức im phăng phắc, ai nấy khép chặt cả miệng lại, ca sỹ đang hát cũng phải lẳng lặng tắt loa.
Bác gái nói:
- Tôi coi thường đám thanh niên các cậu. Vài ba chục tuổi ranh mà đã gào
rống; “sống trong yên bình mới là cuộc sống đích thực”. Các cậu có xứng
không hả? Tôi đây từng lên núi, xuống biển, từng là thanh niên trí thức, từng chịu đói khổ, những trải nghiệm đó làm sao các cậu thấu hiểu được. Bây giờ, ngày nào tôi cũng lạc quan vui vẻ, rảnh rỗi thì làm ba ván mạt chược, ngủ sớm dậy sớm, các cậu cho rằng cuộc sống bình yên của tôi tự
nhiên mà có, từ trên trời rơi xuống, muốn là được chắc? Các nhà sư
thường nói, ở tận cùng của đời sống, người ta phải biết nhìn núi thành
núi, nhưng các cậu đã bao giờ nhìn núi không phải là núi chưa? Còn trẻ
mà không chịu xông pha, không chịu lăn lộn, chưa nhập thế đã đòi xuất
thế. Các cậu cho mình là Phật Tổ, Bồ Tát đến từ cõi Niết Bàn chắc? Cuộc
sống bình yên, giản dị mà tôi có là kết quả của những năm tháng lam lũ,
cơ cực mà ra đấy, biết không? Còn cái cuộc sống bình yên mà các cậu nói
đến chính là sự lười biếng, sự sợ hãi, sự hèn kém, giống như con chó quê hốt hoảng chạy ra phố. Bạn gái bỏ đi mà không biết đường đuổi theo! Lại còn đổ hết trách nhiệm lên đầu bà già này! Đồ đần!
Bác gái vung gậy, suýt nữa đập vào đầu Nói Láo.
- Tôi chưa được gặp mặt con bé, trong số các cậu, ai đã từng gặp nó rồi?
Phần lớn những người có mặt trong quán bar đều gật đầu như bổ củi.
Bác gái tiếp tục:
- Bản thân yếu hèn không chịu được áp lực, hiểu biết thì hạn hẹp, người
ta long đong, lận đận vẫn miệt mài tìm đường sống còn mình chỉ biết trốn vào một xó, nói lời xỏ xiên, xúc xiển, tôi khinh! Từ sáng đến tối chỉ
giỏi nghĩ mưu hèn kế bẩn. Tiền tiêu hết có thể kiếm thêm, bị thiệt một
lần vẫn có thể làm lại, nhưng tuổi trẻ không còn thì phải làm thế nào?
Đi lính thì mới có thể đào ngũ, đằng này chưa đánh trận nào mà đã đòi
khinh miệt sự hi sinh. Mày có biết nói không hả? Nếu biết nói thì mau
chạy đến Hồ Nam bảo với người ta, mày muốn lấy người ta!
Bác gái lôi ra một tờ giấy đã ố vàng, bảo:
- Đây là thư ông già viết cho bác đấy, để bác đọc tụi mày nghe. Ôi thôi
cầm nhầm tờ giấy thông báo tiền điện mất rồi. Gia Giai, cháu văn hay chữ tốt, tức khẩu thành chương đi xem nào!
Tôi tuân lệnh:
-
Bởi chúng ta tin ở tuổi trẻ, nên càng yêu càng sâu đậm, si mê, nhưng vẫn cần yêu. Bởi chúng ta không ngại hi sinh, nên sẵn sàng chết đi sống lại vì yêu, nhưng vẫn muốn yêu. Nếu ta không ngại trỗi lên đỉnh cao từ đáy
vực sâu, ta sẽ tìm được một nếp nhà bình yên, êm ấm.
Một ngày kia, dưới
chân ta sẽ là những thửa ruộng bậc thang nối dài tăm tắp, mồ hôi đầm đìa lưng áo, thánh thót trên những luống cày. Muốn có một mái nhà ấm êm,
phải không tiếc bỏ xác nơi đồng hoang, phải trải qua muôn vàn cảnh sắc.
Trước mặt bà lão bảy mươi tuổi mà dám nói chuyện bỏ xác nơi đồng hoang à, xéo!
Bác gái lặng nhìn Nói Láo, bảo:
- Mấy tháng trước lúc con nói chuyện ngoài ban công mẹ đã nghe thấy hết.
Con thuyết phục cô ấy ở lại Nam Kinh đừng về Hồ Nam. Lúc sau, mẹ thấy
con khóc, mẹ rất muốn xông ra nện cho con một trận. Khóc lóc nỗi gì, con bé hiếu thuận với cha mẹ là việc đáng khen, sao con không theo nó về
quê? Từ hôm ấy ngày nào con cũng làm thêm giờ. Con chưa bao giờ tích
cực, chăm chỉ như vậy. Rõ ràng con sợ phải về nhà một mình, sợ đối diện
với nỗi cô đơn, sợ phải nghĩ ngợi lung tung.
Mẹ có tuổi rồi, mẹ
chỉ mong các con sớm kết hôn để mẹ để mẹ được gói bánh chưng cho hai đứa ăn. Ăn đến khi nào chúng mày phát ngấy thì mẹ mới có thể thanh thản ra
đi. Con là con trai mẹ, con đi sai đường không sao cả, sai đường thì tìm về nhà với mẹ. Mẹ chưa chết được đâu, bất cứ khi nào con về, mẹ đều ở
nhà chờ con.
Bác gái nói xong thì lau nước mắt, ngẩng cao đầu ra về, Quản Xuân xăm xăm tiễn bác.
Tôi quay lại nhìn, thấy mọi người trong quán bar đã rưng rưng nước mắt. Tôi chợt hiểu khả năng ngôn ngữ của Nói Láo ra đâu mà có, chắc chắn nhờ di
truyền.
Về sau, Nói Láo không đi Hồ Nam. Bác gái tức đến nỗi
không thèm nhìn mặt con trai, cũng chẳng buồn rủ người chơi mạt chược,
mà gọi tôi đến chỉ cho bác cách sử dụng mạng xã hội Weibo. Vài ngày sau, bác đăng ký một chuyến du lịch cùng các ông lão, bà lão khác lập thành
đoàn đồng phục mũ đỏ, hào hứng lên đường tham quan sông nước Quế Lâm.
Nói Láo không yên tâm, đòi đi theo, nhưng năm giờ sáng hôm đó bác gái đã lẳng lặng ra khỏi nhà, bỏ Nói Láo ở lại một mình, nằm buồn ngó trần
nhà.
Bác gái đi du lịch về cũng không thèm làm lành với Nói Láo, chăm chỉ dưỡng sức để đi tiếp.
Nửa tháng sau, bác gái bị nhồi máu cơ tim, phải đưa đi cấp cứu, chờ phẫu
thuật động mạch vành. Anh em chúng tôi thay nhau túc trực trong bệnh
viện. Hai mắt nhắm nghiền, bác gái chẳng nói được lời nào. Một hôm, Nói
Láo trông bác gái thế nào mà buồn ngủ quá thiếp đi. Tôi xách đồ váo thay cho Nói Láo về nghỉ.
Bác gái gắng gượng nói:
- Duyệt Duyệt ơi, Nói Láo là chàng trai tốt.
Tôi khóc nấc lên.
Duyệt Duyệt là bạn gái của Nói Láo, cô ấy làm việc ở Hồ Nam. Chắc là bác gái vừa nói mơ.
Sao bác gái lại biết được tên cô ấy? Mà thực ra, có điều gì mẹ chúng ta không biết về con mình đâu!
Bác gái không chờ được đến lúc làm phẫu thuật, sau hai lần nhồi máu cơ tim vô cùng nghiêm trọng, bác đã không qua khỏi.
Nói Láo không nói nhiều như trước nữa, cậu ta trở nên thâm trầm và kiệm lời.
Chúng tôi tập trung ở nhà Nói Láo vào tuần đầu bác gái. Mười một giờ đêm, cửa nhà bật mở, một cô gái đeo khăn tang lao vào, gào gọi tôi:
- Sao anh không báo em sớm?
Cô ấy kêu khóc thảm thiết, quỳ trước bàn cờ bác gái:
Bác ơi cháu đã thưa chuyện với bố mẹ, bố mẹ bảo cháu cứ ở lại Nam Kinh, họ
rất yên tâm bởi vì Nói Láo có một người mẹ tuyệt vời như bác.
Chúng tôi ngớ người không hiểu đã xảy ra chuyện gì. Cô gái tên Duyệt Duyệt,
công tác ở Hồ Nam, nhưng bây giờ cô ấy sống ở Nam Kinh.
Duyệt Duyệt khóc lả đi. Trước mắt cô là di ảnh của bác gái, bác đang mỉm cười nhìn chúng tôi.
Trưa hôm đó, tôi nhận được điện thoại của Duyệt Duyệt. Cô ấy hỏi tôi mẹ Nói
Láo là người như thế nào? Tôi bảo, sao cô không đi mà hỏi Nói Láo? Cô ấy bảo không gọi được điện cho cậu ta. Tôi không dám nói bừa mới hỏi, cô
tìm bác ấy làm gì? Duyệt Duyệt bảo, thực ra lần đó bác gái không đi du
lịch mà một mình tìm đường đến Hồ Nam. Hôm ấy, Duyệt Duyệt đang làm việc thì bác gái đến quầy giao dịch bảo muốn gửi tiết kiệm hai trăm ngàn.
Theo đúng trình tự nghiệp vụ, Duyệt Duyệt phải hỏi bác gái muốn gửi thế
nào? Bác bảo, nghe nói nhân viên ngành ngân hàng rất vất vả, mỗi năm
phải đạt chỉ tiêu huy động vốn mới được thăng chức.
Duyệt Duyệt không hiểu ý bác, nhưng vẫn nói:
- Cháu cảm ơn bác!
Bác gái thẽ thọt:
- Duyệt Duyệt, cháu hãy mau thăng chức để cái thằng Nói Láo chết bằm kia phải hối hận!
Lúc đó cô ấy mới biết bác gái là mẹ của Nói Láo. Cô vội vàng xin nghỉ nửa ngày rồi đưa bác đi ăn.
Bác gái hỏi:
- Duyệt Duyệt cháu có yêu Nói Láo không?
Duyệt Duyệt bật khóc, bảo cháu rất yêu Nói Láo, nhưng sức khỏe của bố mẹ cháu không được tốt, cháu không yên tâm bỏ bố mẹ ở Hồ Nam. Cháu xin lỗi đã
khiến bác thất vọng.
Bác gái cười thật tươi nói:
- Thế thì cháu cứ yên tâm ở lại Hồ Nam, và cố gắng thăng chức đi, để thằng Nói Láo không bắt nạt được cháu.
Duyệt Duyệt ngạc nhiên:
- Anh ấy chịu đến Hồ Nam ư?
Bác gái gật đầu:
- Nó sẽ đến, bác đến trước làm quen với môi trường ở đây. Bác sẽ dọn đến ở một thời gian, khi nào hai đứa ổn định cuộc sống, bác sẽ quay về Nam
Kinh.
Bác gái ở lại Hồ Nam ba ngày, và đã kịp gói bánh chưng cho Duyệt Duyệt ăn.
Lúc tiễn bác gái về Nam Kinh, Duyệt Duyệt mới biết bác trọ ở một nhà trọ
bình dân, trên bàn vẫn bày đầy rau cỏ và gạo nước, còn cả một nồi cơm
điện đa năng giá rẻ nữa.
Lúc này tôi mới biết, thì ra bác gái học cách lên Weibo là để tìm Duyệt Duyệt. Tôi không cầm được nước mắt, nói:
- Duyệt Duyệt, cô mau đến Nam Kinh đi bác gái mất rồi.
Vượt ngàn dặm xa xôi, Duyệt Duyệ quỳ trước bàn thờ bác gái, lấy ra chiếc bánh chưng, vừa khóc vừa nói:
- Bác ơi bánh chưng ngon lắm ạ, cháu không nỡ ăn hết, vẫn để dành một
chiếc trong tủ lạnh. Hôm nay bỏ ra mới biết bánh hỏng mất rồi, cháu xin
lỗi bác, bác đừng trách cháu...
Chúng tôi khóc không thành tiếng.
Một năm sau, Nói Láo và Duyệt Duyệt kết hôn. Đám cưới không ồn ào, náo
nhiệt, chỉ có ba mâm cơm bạn bè thân thiết. Nhà gái cũng chỉ có bố mẹ
Duyệt Duyệt làm đại diện.
Duyệt Duyệt mặc áo cô dâu, vô cùng xinh đẹp. Nhưng từ lúc bước vào lễ đường cô ấy cứ khóc mãi không thôi.
Nói Láo trong bộ lễ phục chỉnh tề, nắm chặt tay Duyệt Duyệt, rồi cậu ta lôi ra một tờ giấy đã ố vàng, trịnh trọng đọc. Chỉ mấy câu ngắn ngủi, nhưng những tiếng nấc nghẹn khiến đoạn văn bị ngắt quãng nhiều lần:
Đồng chí Lưu Tuyết thân mến. Tôi rất cảm mến đồng chí. Tôi đã xin với lãnh
đạo cho tôi chuyển công tác đến Nam Kinh, nhưng họ không đồng ý. Vì vậy
tôi quyết định từ chức. Hiện tôi vẫn chưa biết bàn giao công việc như
thế nào cho thỏa đáng.
Xin đồng chí chuẩn bị tinh thần tiếp đón tôi ở Nam Kinh.
Đồng chí Lưu Tuyết thân mến, tôi không giỏi ăn nói, nhưng tôi có lời này
muốn bộc bạch cùng đồng chí. Tôi muốn được ở bên đồng chí mãi mãi.
Trong đầu tất cả chúng tôi đều hiện ra khung cảnh ấy:
Bà lão chống gậy đứng trong quán bar chửi mắng thậm tệ đám trai trẻ. Rồi bà lôi ra một tờ giấy đã ố vàng và nói:
- Đây là thư ông già viết cho bác đấy, để bác đọc tụi mày nghe. Ôi thôi, cầm nhầm giấy thông báo đóng tiền điện mất rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyện 5s