Ngang Qua Thế Giới Của Em

Chị Gái.


trước sau

Họ nói bốn mùa rồi cũng sẽ tàn phai, kết quả bao mùa đã tàn phai.

Yêu nhau rồi sẽ có lúc xa nhau, kết quả là đã bao lần xa nhau.

Mãi đến khi học đại học tôi mới phát hiện ra, không ngờ trên đời có cả những bộ quần áo trị giá hơn năm trăm đồng. Tốt nghiệp đại học tôi mới biết trên đời có cả những loại quần sịp gắn mác thương hiệu.

Hồi học cấp hai, có lần tôi lén đi mua một chiếc quần sooc giá hai mươi đồng, thế là bị cả nhà đưa vào diện “song quy” (*).

(*) Thuật ngữ “song quy” chỉ biện pháp chống tham nhũng đặc biệt của nhà nước Trung Quốc, là hệ thống điều tra vi phạm ngoài luật pháp, nhằm duy trì kỷ cương trong hàng ngũ cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc.

Những tưởng mấy thương hiệu như Jeanswest đã “khủng” lắm rồi, ai ngờ tình cờ dạo phố lại phát hiện thêm Adidas, Nike mới thất kinh: Cái này làm từ sợi vàng à?

Kể từ hôm đó ngày nào trong đầu tôi cũng lóe lên ý tưởng giết người, phóng hỏa.

Không gì địch nổi thời gian.

Từ ngày đi làm tôi luôn luôn có thể khẳng định rằng, đã là phụ nữ thì đều nên mua mỹ phẩm cao cấp, trang sức đắt tiền, dù tốn kém đến đâu cũng xứng đáng.

Vì thế, tôi vẫn chịu khó mặc quần áo dưới năm trăm đồng, mặc quần sịp không gắn mác thương hiệu vì tôi muốn tiết kiệm tiền để người phụ nữ của tôi được sử dụng loại mỹ phẩm tốt nhất và những đồ trang sức quý giá nhất.

Nhưng về sau tôi nhận ra một thực tế: phụ nữ có thể tìm được những loại mỹ phẩm đẳng cấp, những trang sức sành điệu nhưng không tìm được cho mình người đàn ông tử tế.

Bởi vì hầu hết đàn ông tử tế đều không mua được mỹ phẩm xa xỉ và trang sức đắt tiền.

Một người bạn của tôi tỏ ra chán nản với những người phụ nữ xung quanh. Cậu ta cứ mãi kén cá chọn canh.

Tôi bảo:

- Này, cậu có phải chó ngoan đâu mà đòi kén thịt thơm?

Bạn tôi:

- Đàn ông không phải loài chó, đàn bà không phải miếng thịt.

- Đàn bà không phải miếng thịt, nhưng cậu chắc chắn là loài cẩu.

- Sao lại nói thế?

- Sao tôi biết được, tôi cứ thích xỉ nhục cậu đấy!

Thế rồi bạn tôi kết hôn.

Gucci thuộc về em dâu và toàn bộ quần áo, tất vớ, khăn quàng, ga trải giường, cây lau nhà phơi đầy ngoài ban công cũng là của cô ấy.

Tôi nói với bạn:

- Sau này cô ấy muốn mua gì ráng mà chiều. Dù cô ấy bảo không cần cũng cứ lén mua về cho cô ấy.

Bạn tôi hỏi:

- Tại sao?

- Bởi vì ban công nhà cậu phơi đầy quần áo, tất vớ, khăn quàng, ga trải giường và cây lau nhà! Cậu phải có trách nhiệm đền bù cho mỗi phút cô ấy tiêu phí tuổi thanh xuân của mình ngoài ban công nhà cậu.

Nửa năm sau, bạn tôi ly hôn. Lúc say khướt, bạn tôi nằm bò ra sàn lẩm bẩm:

- Sao lại ly hôn?

Tôi bảo:

- Có kết hôn thì mới có ly hôn, ai bảo cậu kết hôn làm gì?

- Có phải chúng ta đã nhầm không?

- Chắc là vậy.

Đàn ông không phải loài chó, đàn bà không phải miếng thịt.

Cuộc sống của chúng ta ngoài Gucci và một ban công phơi đầy quần áo, tất vớ, khăn quàng, ga trải giường, cây lau nhà thì còn nhiều thứ quan trọng khác.

Đó là thứ gì?

Nhiều lắm. Ví như game Đấu địa chủ, game Bài ba cây hay đi ăn đêm chẳng hạn.

Khi còn làm việc cho một chuyên mục của đài truyền hình, có một nữ đạo diễn.

Tôi hỏi cô ấy:

- Một người đàn ông có mười tỷ, cho cô một tỷ và một người đàn ông có một trăm triệu cho cô cả một trăm triệu, ai quan trọng hơn?

Cô đáp liền:

- Một tỷ.

Tôi bảo:

- Ơ thế một phần mười hơn đứt tất cả, toàn bộ à?

Cô gật đầu quả quyết.

Hôm sau, cô vội vã gặp tôi và bảo:

- Tôi đã suy nghĩ suốt đêm không ngủ và quyết định rằng người đàn ông một trăm triệu quan trọng hơn.

Tôi ngạc nhiên:

- Trằn trọc cả đêm thật à?

Cô gật đầu:

- Ừ.

Nếu quả thật bạn đã trằn trọc suốt đêm không ngủ, chứng tỏ bạn có rất nhiều tâm sự.

Bạn hà tất phải nghĩ nhiều về chuyện này làm gì.

Một tỷ hay một trăm triệu cũng không bằng mười triệu bạn tự mình kiếm được.

Nếu bạn có một tỷ, bạn chính là miếng thịt.

Nếu bạn có một trăm triệu, bạn không thể ăn miếng thịt kia.

Nếu bạn có mười triệu bạn không cần mất ngủ cả đêm.

Từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã hỏi chị tôi về chuyện nam nữ.

Tôi hỏi thế này:

- Chị ơi, dâm đãng là gì?

Chị tôi:

- ...Nhiệt tình cởi mở, hoạt bát vui vẻ.

- Chị ơi, chị thật dâm đãng.

Bốp. Má trái tôi sưng vù.

Tôi lại hỏi tiếp:

- Chị ơi, đê tiện là gì?

Chị tôi:

- ...Ngoan ngoãn lễ phép, cần cù tiết kiệm.

- Chị ơi, chị thật đê tiện!

Bốp. Má phải tôi sưng húp.

Tôi hỏi tiếp:

- Chị ơi, tình yêu là gì?

Chị tôi:

- ...Là dâm đãng cộng với đê tiện.

Chị ơi, chị chẳng biết yêu gì cả.

Rất lâu sau, chị tôi mới “ừ” một tiếng.

Mười năm sau, tôi mới hiểu vì sao khi ấy chị tôi lại rưng rưng nước mắt.

Mười năm sau.

Tôi ngồi bên bàn làm việc, nước mắt rưng rưng, cõi lòng trống trải, hoảng hốt, đầu óc hoàn toàn trống rỗng, tôi đau đến không sao thở nổi.

Chị đến, động viên tôi:

- Đàn ông phải mạnh mẽ, ưỡn cao ngực lên!

- Em lấy đâu ra ngực mà ưỡn, nói linh tinh!

Lần này, thật lạ, chị tôi không nổi giận lôi đình như mọi khi, chỉ bảo:

- Đi nấu bát mỳ cho chị, bận rộn là quên hết ấy mà.

Tôi buồn thúi ruột:

- Mì miếc gì, dùng cái lưỡi đưa đẩy, liếm láp bộ nhá một lúc là xong.

Bốp bốp, tôi bị mấy bạt tai.

Thôi thôi, nấu thì nấu.

Một lúc sau, tôi mang mì lên cho chị. Chị cười tươi như hoa, đón lấy bát mì. Chị chỉ ăn vài miếng, rồi bỏ về phòng mình.

Ba năm sau, tôi đọc được nhật ký của chị.

Em trai quên bỏ muối vào mì. Mình nghĩ, chắc nó phải buồn lắm, đau lòng lắm mới nấu ra cái thứ mì khó nuốt như thế. Mình cũng buồn lắm!

Tôi chợt thấy khóe môi mằn mặn.

Tôi nghĩ, nếu giọt mặn này có thể vượt thời gian trở về ba năm trước, rơi vào bát mì của chị, chắc chị sẽ không thấy nó nhạt thếch nữa, và cũng sẽ không vì thế mà buồn bã.



- Có trộm, bắt lấy nó!

Tiếng ai đó hét thất thanh trên phố.

Tôi và chị gái đùn đẩy nhau.

- Em trai, lên đi! Có biết thế nào là “Ngũ giảng, tứ mỹ” (*) không?

(*) Ngũ giảng gồm: văn minh, lịch sự, vệ sinh, nền nếp và đạo đức. Tứ mỹ gồm: Tâm hồn đẹp, lời nói đẹp, cử chỉ đẹp và hành động đẹp. Đây là tiêu chuẩn để Hoàng đế Trung Quốc thời xưa lựa chọn hiền thần để trọng dụng.

- Chị, chị lên đi! Chị có hiểu thế nào là “Tam tòng, tứ đức” không?

- Đùn đẩy làm gì, bắt trộm chứ có phải mời cơm đâu. Xông lên!

- Được, lên nào!

Thế là hai chị em hùng dũng xông lên. Được nửa đường thì tôi rẽ sang trái, chị rẽ sang phải.

Hai chị em trốn trong ngõ nhỏ, nhìn nhau mắt tròn mắt dẹt. Tên ăn trộm vọt qua chúng tôi.

Phù suýt nữa thì đụng phải hắn. Hai chị em cùng vuốt ngực. Lúc này mới để ý, ai đó đang truy đuổi tên trộm không buông. Nhìn kỹ mới nhận ra là mẹ tôi.

Mẹ tôi vừa chạy vừa hô hoán:

- Bắt lấy nó!!!

Hai chị em ra sức giữ chặt mẹ lại, thế là thằng ăn trộm trốn thoát...

Về đến nhà, hai chị em mỗi người phải đền cho mẹ năm trăm đồng.

Hôm sau tỉnh giấc, chị gái phát hiện năm trăm đồng dưới gối.

Tôi thấy dưới gối mình có năm trăm đồng, và dưới đồng hồ báo thức có thêm năm trăm đồng nữa. Tôi lấy làm khó hiểu, vì sao để sổng mất một thằng ăn trộm mà nghiễm nhiên tôi kiếm được năm trăm đồng.

Khi đã thành thạo phương pháp giải toán hỗn hợp cộng trừ nhân chia, tôi mới hiểu ra.

Sau này tôi nghĩ, nếu tôi còn cơ hội nhét trả chị năm trăm đồng xuống dưới gối chị ấy, thì dù trong tay tên trộm kia có dao có súng, tôi quyết không ngần ngại mà xông tới.

Ừ, như vậy đấy.

Hồi tôi còn nhỏ, trong nhà chỉ có độc chiếc xe đạp Vĩnh Cửu (*) đời cũ.

(*) Vĩnh Cửu (Forever) là một thương hiệu xe đạp đình đám một thời của Trung Quốc. Vĩnh Cửu cũng là hãng sản xuất dòng xe Phượng Hoàng rất nổi tiếng ở Việt Nam.

Bố tôi bảo, tôi sẽ được cưỡi nó vào ngày sinh nhật.

Tôi cười ha ha sung sướng:

- Bố ơi, cuối cùng bố cũng không thèm yêu chị nữa, chỉ yêu mình con.

Bố tôi bảo:

- Chị con cưỡi mòn cái xe này rồi.

Vài năm sau, chị gái được bố mẹ mua cho một chiếc xe đạp. Ngày nào chị cũng đèo tôi đi học trên chiếc xe ấy.

Tôi bảo:

- Chị để em đèo.

Chị bảo:

- Biến!

- Mẹ kiếp, ông đây thừa sức chẳng biết để làm gì.

- Biến!

Tôi tức lắm, cứ ngọ ngoạy mãi ở ghế sau.

“A a a a!!!”

“Uỳnh!”

Hai chị em ngã ở chân cầu.

Chị tức giận:

- Mày mày mày... Từ giờ không thèm trở mày đi học nữa!

- Chị chị chị...Chị đi xe chẳng khác gì con A Hoàng ấy.

- A Hoàng là ai?

- Là con chó ở nhà cậu.

- Đồ khốn!

- Chị còn là chị của đồ khốn!

Chúng tôi cứ cãi nhau chí chóe như thế suốt trên đường đi, kết quả là đi học muộn.

Vài năm sau đó, chúng tôi đến chơi nhà cậu ở thành phố lớn.

Chị lại chở tôi bằng xe đạp. Có người quát:

- Xuống xe!

Trời ơi, cảnh sát giao thông.

Tôi:

- Chú ơi chú bắt chị ấy đi, chị ấy là người đèo cháu, cháu còn bé, chú đừng bắt cháu.

Chị:

- Chú ơi chú bắt nó đi, nó cứ đòi ngồi xe cháu, cháu là học sinh cấp hai, chú đừng bắt cháu!

Chú cảnh sát toát mồ hôi.

Tôi:

- Chú ơi, chú bắt chị ấy đi, cháu không quen chị ấy.

Chị:

- Chú ơi chú bắt nó đi, cháu nhặt được nó ở bên đường đấy.

Tôi:

- Nhặt được cái đầu chị ấy, đồ không biết ngượng!

Chị:

- Ngượng cái đầu em ấy! Sắp bị phạt rồi còn ngượng ngùng cái nỗi gì!

Chú cảnh sát:

- Hai cháu đi đi... Từ nay về sau không được đèo ai bằng xe đạp nữa.

Cuối cùng cũng đến ngày chị tôi phải đi học đại học xa nhà, chiếc xe ấy thuộc về tôi. Tôi vui mừng hết biết. Suốt đêm không ngủ.

Cả nhà tiễn chị lên đường.

Chị lên tàu.

Nước mắt tôi bỗng tuôn như mưa, tôi vừa khóc vừa đuổi theo tàu hỏa.

Chị ơi, em trả xe cho chị, chị đừng đi.

Chị gào gọi tôi qua cửa sổ tàu hỏa.

Tôi không nghe thấy, nhưng có thể đoán qua khẩu hình của chị: Đừng khóc!

Nhưng tôi vẫn cuống quýt chạy đuổi theo, vừa gạt nước mắt vừa gào gọi:

- Chó mới khóc, em không thèm khóc!

Kể từ giây phút đó, tôi rất sợ khi nghe thấy tiếng tàu hỏa.

Bởi vì nghe thấy tiếng còi tàu, tức là lúc phải chia ly.

Chị đi rồi, một mình tôi cưỡi xe đạp đi học, bị chúng bạn cười chê. Bởi vì đó là xe đạp dành cho nữ.

Mọi người bảo tôi là yêu nữ, bảo tôi là thằng pê-đê.

Nhưng tôi mặc kệ, tôi vẫn cưỡi chiếc xe đạp ấy, vì như thế tôi sẽ có cảm giác chị tôi vẫn ở bên tôi.

Đến tận bây giờ, mỗi khi vào phòng chứa đồ và nhìn thấy chiếc xe đạp ấy, nước mắt tôi vẫn không ngừng tuôn rơi. Tôi thầm mắng mình: rơi gì mà rơi, rơi gì mà rơi!

Năm 1988, cậu tôi tặng tôi một bộ sưu tập tem mà tôi không hiểu gì về nó. Tôi tức giận, bảo:

- Chị ơi, cậu thật kẹt xỉn, cho em đống giấy lộn này làm gì kia chứ!

Chị bảo:

- Thế bán lại cho chị mười đồng đi!

- Chị thật gian xảo. Chị nghĩ em là thằng đần chắc? Đằng sau tập giấy in giá bìa là một trăm chín mươi tám đồng.

- Mấy thứ này càng ngày càng mất giá, bây giờ không chịu bán, để sang năm sẽ chỉ còn một đồng thôi biết chưa.

- Vì sao?

- Em không đọc người ta ghi rất rõ đây à: Có giá trị theo năm, mau sưu tầm hàng hiếm. Thế nào là có giá trị theo năm? Tức là để càng lâu sẽ càng mất giá. Nào có bán không thì bảo?

- ...Hai mươi đồng.

- Đồng ý!

Thế là, bộ sưu tập tem mỗi năm tôi đều bán cho chị tôi với giá hai mươi đồng.

Lũy kế đến năm 1992, tôi bán được tổng cộng bốn cuốn, tám mươi đồng. Hằng năm tôi đều phải nộp lại tiền mừng tuổi cho bố mẹ, nên món tiền tám mươi đồng này là sở hữu vô cùng quý giá đối với tôi. Hơn nữa, kể từ năm đó, cậu tôi không tặng tem sưu tập cho tôi nữa, đồ kẹt xỉn!

Năm đó, chị tôi đi học đại học xa nhà.

Hôm sau chị phải lên đường rồi, tôi nằm trên giường lăn qua lăn lại, mười sáu tờ năm đồng, chị một tờ, em một tờ, tôi cứ thế nhẩm tính cả đêm. Tôi miên man nghĩ: Chị ấy đi học xa nhà liệu có bị người ta bắt nạt không? Trước đây mỗi lần bị ai đó bắt nạt, chị lại cho mình hai hào để mình chửi cho kẻ kia một trận.

Chị ấy đến nơi xa xôi như vậy, chắc sẽ cần đến tiền.

Ừ, thế thì cho chị ấy mười đồng. Mười đồng mà thuê người chửi hộ...thì có mà thuê được năm mươi lần.

Nhưng nếu bị người ta đánh thì sao? Lần trước chị ấy bị thím đánh, cho tôi những năm hào bảo đi đánh hộ, tôi còn chả thèm. Người ngoài chắc chắn sẽ đòi nhiều hơn.

Thôi cứ coi như mỗi lần thuê người đánh mất hẳn một đồng đi, cho chị ấy hai mươi đồng.

Tôi đau lòng khi phải chia khoản tiền bảo bối của mình thành hai nửa, mà cái nửa của chị ấy càng lúc càng nhiều hơn cái nửa của tôi.

Tôi mải tính toán, chia chác đến nỗi buồn ngủ quá, thiếp đi lúc nào không hay.

Cuối cùng, tôi nhét vào túi của chị ấy cả tám mươi đồng.

Tiễn bà chị “ôn thần” lên đường, tôi hoàn toàn trắng tay. Về đến nhà, tôi buồn lắm, trốn trong chăn ngủ.

Tôi phát hiện trong chăn có bốn bộ sưu tập tem theo năm.

Trong mỗi bộ kẹp hai mươi đồng.

Tôi trốn trong chăn, vừa khóc vừa chửi. Chị và cậu đều kẹt xỉ như nhau, mỗi bộ chỉ kẹp có hai mươi đồng. Đi khỏi nhà thì chí ít phải kẹp năm mươi đồng cho tôi chứ.

Đến tận bây giờ, bốn bộ sưu tập tem theo năm có kẹp hai mươi đồng ấy vẫn nằm gọn gàng trên giá sách của tôi.

Một hôm, tôi giở ra lau chùi giá sách, vô tình lật mở bộ sưu tập năm 1988, bìa sách có một vuông chữ màu vàng, đề giá bìa một trăm chín mươi tám đồng.



- Bán lại cho chị mười đồng đi.

- Chị thật gian xảo. Chị nghĩ em là thằng đần chắc? Đằng sau tập giấy in giá bìa là một trăm chín mươi tám đồng.

- Mấy thứ này càng ngày càng mất giá, bây giờ không chịu bán, để sang năm sẽ chỉ còn một đồng thôi biết chưa.

- Vì sao?

- Em không đọc người ta ghi rất rõ đây à: Có giá trị theo năm, mau sưu tầm hàng hiếm. Thế nào là có giá trị theo năm? Tức là để càng lâu sẽ càng mất giá. Nào có bán không thì bảo?



Nước mắt tôi nhỏ xuống tí tách, hoen mờ cả dòng giá bìa một trăm chín mươi tám đồng ấy.



Chị:

- Người xấu mới hút thuốc.

Tôi:

- Thế cậu là người xấu à?

- Trở thành giáo sư rồi mới hút thuốc thì là người tốt.

- Chẳng logic gì cả. Chị giải được hàm số Log, chị am hiểu “Phong, nhã, tụng” một bộ tổng tập thơ ca vô danh của một trong (*). Hôm
qua chị nhầm Hegel thành Helen. Chị là Vua logic.

(*) Là ba phần chính của Kinh thi, một tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc, và là một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.

Mới cãi nhau được vài ngày chị đã lại phải quay về trường đại học.

Tôi tìm thấy trong ngăn kéo bọc giấy báo gói một cây thuốc hiệu Trung Hoa.

Trên mẩu giấy để bên, chị tôi viết:

Nếu nhất định phải hút thì hút loại nào tốt tốt một chút, ít ra nó sẽ không gây hại nhiều cho sức khỏe.

Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là tờ báo Buổi tối Dương Tử, phát hành ngày 22 tháng 5 năm 1997.

Sau này, tôi gặp cô gái tên Khương Vi.

Khương Vi hỏi:

- Anh có thích hút thuốc không?

Tôi đáp:

- Anh thích hút loại tốt tốt một chút.

- Tại sao?

- Thì nó ít gây hại cho sức khỏe.

Kết thúc kỳ nghỉ đông cô ấy mang cho tôi một bao thuốc, hiệu Trung Hoa, bao thuốc chỉ có mười một điếu. Bốn điếu Trung Hoa, bốn điếu Ngọc Khê, ba điếu Tô Yên.

Có còn hơn không.

Tôi:

- Em lấy đâu ra thế?

Khương Vi:

- Nhà em có lệ cứ đến Tết là đi biếu họ hàng thuốc lá, em lén rút mỗi bao vài điếu.

- Nghỉ đông hai mươi ngày, sao em sưu tầm được có mười một điếu?

- Bảy điếu kia bị bố em phát hiện và tịch thu rồi.

Về sau, Khương Vi biến mất. Tờ Buổi tối Dương Tử vẫn nằm yên trên giá sách của tôi. Tôi kẹp vỏ bao thuốc hiệu Trung Hoa trong tờ báo ấy.

Chỉ có hai người phụ nữ ấy cho rằng hút loại thuốc tốt một chút sẽ ít gây hại hơn cho cơ thể.

Máy nghe nhạc Winamp bỗng vang lên ca khúc Bài tình ca trên Radio.

Một cô gái đẹp muốn với tay lên trời che kín mặt trăng. Một cô gái nức nở thương nhớ cây cầu bắc đến trái tim người tình. Từ đây, mộng vỡ, duyên tan chỉ còn nỗi bơ vơ thảm sầu và cơn đau quặn thắt.

Nơi đây chìm trong những giai điệu nhói buốt.

Chị tôi đã không còn biết đau đớn là gì nữa, Khương Vi cũng bặt âm vô tín. Cầu mong em được vui vẻ hơn tôi, cầu mong em mãi mãi hạnh phúc.



Chị bỏ ra nửa năm để dạy tôi đánh máy. Bắt đầu từ 27 tháng 8 năm 1998, đến ngày 1 tháng 9, khi mà chị phải trở lại trường đại học thì giáo trình dạy đánh máy tự động chuyển thành tài liệu tự học.

Tôi:

- Đằng sau A là B kia mà, sao họ lại xếp S vào vị trí đó? Đằng sau B là C kia mà, sao lại là N?

Chị:

- Christopher Lathan Sholes (cha đẻ của máy tính chữ) là người phát minh ra nó, không phải chị?

- Cách sắp xếp chứ cái của ông ta thật loạn luân, dì và cậu nằm chung một chỗ. Gia phổ của chúng chẳng khác gì thần thoại Hy Lạp.

- Đồ điên! Có học không thì bảo?

- Chữ cái loạn luân như thế, em không học.

- Chị dạy em thứ tự chữ cái trên bàn phím, có gì mà loạn luân?

- Thứ mình không muốn đừng bắt người khác phải làm.

- Học đánh máy chữ có nhiều lợi ích lắm. Nhìn đây, cái này gọi là QQ, lên QQ em có thể kiếm nhiều bạn gái xinh.

Thế là chị lập giúp tôi một tài khoản QQ, sau đó hai chúng tôi cùng tìm kiếm các em xinh tươi ở khắp mọi nơi. Dưới sự hướng dẫn của chị, tôi kết bạn với một em xinh tươi ở Bắc Kinh, nick name của em là Quả Không Hoa.

Tôi rất hưng phấn liền gửi cho cô ấy một loạt tin nhắn.

Chị tôi quát:

- Không nhìn thấy hình đại diện của người ta tối thui à?

- Không lên mạng mà đòi dùng QQ, đúng là đồ thần kinh!

Chị lại mồi chài tôi, nếu biết đánh máy chữ, có thể dụ dỗ “cô ả” kia bằng những câu chữ lưu loát. Tôi từ chối thẳng thừng. Những chàng trai chính trực như tôi đây chắc chắn không chấp nhận điều này.

Bảng chữ cái ấy rõ ràng chẳng có gì tốt đẹp cả.

Ngày 1 tháng 9 năm 1998, chị tôi trở lại trường đại học và mang theo máy vi tính.

Điều khiến tôi nuối tiếc nhất là tôi vẫn chưa thăng bậc trong trò chơi điện tử Tiên kiếm kỳ hiệp truyện. Nguyệt Như vừa mới chết trong tháp Trấn Yêu.

Sao chị có thể ích kỷ, hẹp hòi như thế chứ. Nghĩ vậy tôi liền lục lọi phòng chị ấy.

Tôi tìm thấy những thứ sau trong phòng chị: tiểu thuyết Tình yêu vượt thời gian của Tịch Quyên, Tuyển tập tiểu thuyết của Thẩm Á, Vu Tình,... Cái khỉ gì thể này? Chòm sao là cái quái quỷ gì kia chứ?

Tôi lật tung mọi thứ lên và phát hiện dưới đáy hòm một tờ bàn phím bằng giấy.

Trên bàn phím có mảnh giấy ghi: Chị biết em sẽ lục ra thứ này. Vậy phiền em hãy học thuộc thứ tự các chữ cái trên bàn phím.

Tôi thất kinh, chị gái trên khắp thế giới này đều xảo quyệt như vậy sao?

Kết quả là, tôi trải qua một học kỳ với cái bàn phím bằng giấy đó và những cuộc điện thoại thúc giục.

Tôi:

- Vì sao sau A không phải B?

Chị:

- Sau A là S, sau B là N.

- Phức tạp chết đi được.

Suốt nửa năm trời tôi không hiểu nổi vì sao chữ cái trên bàn phím lại loạn luân như vậy. Một người chính trực như tôi sẽ không bao giờ thèm học mấy thứ đó.

11 giờ 47 phút đêm ngày 7 tháng 2 năm 1999.

Tôi vẫn đứng chờ ở ga tàu.

Vì chị tôi bảo sẽ về nhà đúng giờ đó.

4 giờ 30 phút phát sáng ngày 8 tháng 2 năm 1999.

Chị tôi và một chiếc xe hơi lao vào nhau, chỉ trong tích tắc sự sống đã rời bỏ chị.

5 giờ 48 phút chiều ngày 8 tháng 2 năm 1999, tôi chạy lên Bắc Kinh.

Căn phòng một màu trắng như tuyết .

Đôi cánh của sứ giả màu trắng tuyết, không gian Thiên đường màu trắng tuyết, ga trải giường phòng bệnh màu trắng tuyết, gương mặt của chị tôi cũng trắng như tuyết.

Người ta cắm vô số những cái ống lên người chị.

Người ta chụp máy thở trong suốt lên mặt chị.

Tôi hớn hở chạy vào:

- Ha ha, không động đậy được nữa hả?

Gương mặt chị tôi không chút biểu cảm, hai mắt nhắm nghiền, nhưng sao tôi thấy chị như đang mỉm cười. Có thể tại tôi hoa mắt, cũng có thể vì chị đã xem trộm thư tình của tôi viết cho cô bé hoa khôi lớp bên cạnh.

Một người mặc áo blouse trắng đứng bên giường chị nói:

- Cô ấy không thể nói chuyện, mong rằng cô ấy đủ sức viết cho cậu đọc.

Nhưng chị tôi không cầm nổi bút.

Bà chị tôi xưa nay vẫn yếu ớt như vậy.

Chị đèo tôi trên xe đạp nhưng không đủ sức lên dốc. Lúc chúng tôi đánh nhau chị cũng không đủ sức đánh trả. Lúc chúng tôi giằng nhau điều khiển ti vi để chuyển kênh, chị cũng không lại được với tôi.

Vì chị không thể viết nên tôi không biết chị muốn nói gì. Tôi nghĩ bụng, chị phải đủ sức để viết chứ!

Chị từng giả mạo chữ ký của mẹ khi ký vào bài kiểm tra của tôi. Chị từng viết bài Tổng kết sau kỳ nghỉ đông giúp tôi. Chị từng giúp tôi viết tên vào vở bài tập.

Tôi ngẩn ngơ nhìn chị, sao tự dưng không đủ sức cầm bút? Tôi siết chặt tay chị.

Chị gõ ngón tay vào lòng bàn tay tôi.

1,2,3,4,5,6.

Gõ sáu cái liền.

Để làm gì?

Lục lục, tứ lục, chúc tôi chóng phát tài à? Tháng Sáu tuyết rơi? Chị ấy gặp phải thiên cổ kỳ oan? Hay lục thần vô chủ? Hay chị bị gã nào đá đít? Hay lục đạo luân hồi? Hay chị ấy muốn đọc truyện tranh Áo giáp vàng phần về Minh vương Hades?

Trong lúc tôi vắt óc suy đoán thì một đám người ập vào phòng và đưa chị tôi đi.

Còn lại một mình trong căn phòng trắng như tuyết, vẫn còn đang nỗ lực gõ gõ vào tay mình.

1,2,3,4,5,6.

Gõ sáu cái liền.

Bên trên một cái, bên phải một cái, lại lên trên một cái nữa rồi xuống dưới một cái, lại lên trên một cái nữa, lại một cái nữa.

Tôi cố nhớ lại những kỷ niệm vế chiếc bàn phím.

Một chiếc bàn phím bằng giấy, nhìn suốt nửa năm, cuối cùng nó cúng in được một chút vào đầu tôi. Sau A là S, sau B là N, sau C là V, ...Tôi nhớ lại từng chi tiết nhờ chiếc bàn phím ấy.

1,2,3,4,5,6, hình ảnh chiếc bàn phím càng lúc càng trở nên rõ rệt.

Cuối cùng tôi cũng hiểu ra sáu lần gõ ấy có ý nghĩa gì.

I LOVE YOU (Chị yêu em).

Nước mắt tôi trào ra, từng giọt từng giọt rồi ào ạt dữ dội như mưa bão.

7 giờ 10 phút ngày 8 tháng 2 năm 1999, cuối cùng tôi đã học được cách sử dụng bàn phím, tôi đã có thể gõ chữ và khắc sâu nó vào tâm trí, không bao giờ quên.

I LOVE YOU (Em yêu chị)

Tôi thu mình trên lối đi.

Rất lâu, rất lâu sau tôi mới gạn đủ dũng khí để lắp ráp chiếc máy vi tính chị để lại cho tôi.

Và cũng rất lâu rất lâu sau tôi mới đăng nhập vào nick QQ ấy. Trong danh sách bạn bè chỉ có duy nhất một người, nick name là Quả Không Hoa.

Hình đại diện màu tối, nghe nói nếu nó tối chứng tỏ người ấy không lên mạng. Nhưng hình đại diện đó đang nhấp nháy sáng.

Tôi kích đúp vào thì nhận được tin nhắn của Quả Không Hoa: Đồ ngốc, chị của em đây!

Tôi nức nở như một đứa trẻ, nhưng dù có khóc hết nước mắt cũng không thể khiến cho Quả Không Hoa nhấp nháy được nữa.

Quả Không Hoa mãi mãi không online.

Nếu còn có ngày mai, chú bé muốn ở lại với hôm qua, vì ngày mai không còn chị nữa, hôm qua chị dùng Window 98.

Ngày nay MSN đã rút lui khỏi đường đua, giới trẻ đang thịnh hành trào lưu nhảy thoát y vũ trước webcam. Trong phòng làm việc của tôi, trên màn hình máy tính vẫn sáng nick QQ gồm năm chữ số và trong danh sách bạn bè của nick QQ ấy vẫn chỉ có một người duy nhất, hình đại diện của người đó màu tối, người đó không online, nick name của người đó là Quả Không Hoa.

Khi quan hệ sẽ bị đau đớn, kết quả là bao nhiêu lần người ta đã phải đau đớn.

Yêu nhau rồi có lúc phải chia xa, kết quả là bao nhiêu lần xa nhau.

Bốn mùa rồi có lúc sẽ tàn phai, kết quả là bao nhiêu mùa đã tàn phai.

Trái đất cứ quay vòng rồi cũng đến lúc mặt trời lặn, kết quả là mặt trời đã lặn không biết bao nhiêu lần.

Nhưng Quả Không Hoa thì mãi mãi không sáng nick.

Buồn quá nên phải mỉm cười, đau quá nên phải vờ nhìn ra ngoài, nước mắt không còn nơi để giấu diếm. Trên đời, điều bi ai nhất là đau đớn muốn chết mà không chết được!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyện 5s


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện