Dịch: Anh Đào.
Đầu tháng 5, cách hôn lễ ba ngày Bùi Ninh và Diệp Tây Thành đến trấn trước.
Bà Diệp, Thiệu Chi Quân còn có Diệp Nhuế cùng ngày đó cũng đến quê của Bùi Ninh, bọn họ không đến thị trấn mà đến thẳng nông trại để giúp đỡ bố trí hiện trường hôn lễ.
Sau khi nhận phòng, Thiệu Chi Quân thay quần áo nói muốn ra ngoài đi dạo một vòng.
Diệp Nhuế hỏi anh ta: “Có phải đến nông trại không? Em đi cùng với anh, nếu như vườn rau nhỏ chơi vui em cũng bảo Tây Thành để cho mình một mảnh đất, không có việc gì thì đưa bọn nhỏ đến chơi.”
Thiệu Chi Quân: “Không phải đến vườn rau nhỏ, anh có việc.”
Diệp Nhuế thuận miệng hỏi: “Đã đến đây rồi còn có chuyện gì chứ?”
Thiệu Chi Quân nói dối: “Đi giúp Tây Thành, bên này có mấy người họ hàng xa của Bùi Ninh đến, đi thăm họ chút.”
Nghe chuyện liên quan đến hôn lễ Diệp Nhuế bảo anh ta bận trước.
Thiệu Chi Quân không đi thăm họ hàng xa của Bùi Ninh mà đến thôn tìm một người họ hàng của Bùi Ninh đưa anh ta đến một nơi.
Xe dừng, Thiệu Chi Quân không để người họ hàng đó đi cùng. Người họ hàng đó nói cho anh ta vị trí đại khái, Thiệu Chi Quân cầm một bó hoa đi vào.
Anh ta đặt hoa lên trước mộ của ông bà Bùi Ninh, sau đó lại đứng trước mộ một lúc.
Lúc anh ta biết ông Bùi Ninh mang theo tiếc nuối rời đi, trong lòng anh ta không nói rõ cảm giác gì, sự tiếc nuối đó ít hay nhiều cũng liên quan đến anh ta.
Một người đàn ông, nên có một chút tín ngưỡng.
Nhưng anh ta… dường như sớm đã không biết tín ngưỡng là gì nữa.
“Ông bà, cháu là Thiệu Chi Quân, rất nhiều năm trước cậu và mợ có đưa ông bà đến Hải Nam du lịch, cháu cùng Diệp Nhuế và ông bà qua đó chơi mấy ngày. Ông và ông nội còn nói cháu là một đứa trẻ tốt…”
Anh ta thở dài, không biết nên nói tiếp như nào.
Lại đứng im ở đó một lúc rồi mới rời đi.
Diệp Tây Thành và Bùi Ninh cũng không qua đêm ở trên thị trấn, mua chút đồ rồi về thẳng nhà bên này.
Đã ba năm rồi Bùi Ninh không đến nông trại, lần cuối cùng lúc qua khi đó ông bà vẫn còn. Lúc đó cô còn đặt tên cho vườn rau nhỏ, “Lá nhỏ của Ninh Ninh”.
Mấy
năm này mỗi lần về quê đều là đi thăm ông bà và bố mẹ, Diệp Tây Thành nói với cô nông trại vẫn đang thi công, đợi khi nào xây dựng xong rồi để cô qua đó.
Một lần đợi này tận 3 năm.
Lúc họ đến nông trại sắp chập tối, ráng chiều đầy trời, gió thổi hiu hiu.
Khách sạn bên khu nghỉ dưỡng đã bắt đầu đi vào hoạt động, Diệp Tây Thành gửi tất cả các hành lý lên phòng, đưa Đại Bảo và Nhị Bảo đến bên nông trại chơi.
Nhị Bảo phấn khích chỉ phía trước khách sạn: “Bố ơi, con chưa bao giờ nhìn thấy trái cây lớn như vậy ạ.”
Diệp Tây Thành: “Đó là phòng bao của khách sạn.”
Đại Bảo: “Phòng bao là gì vậy ạ?”
“Chính là nơi để ăn cơm đó.”
“Ồ, vậy vì sao lại là trái cây ạ?”
“Thú vị.”
Nhà hàng tư nhân của An Văn là những ngôi nhà gỗ phong cách đặc biệt, mỗi một nhà gỗ là một phòng bao, mỗi một phòng bao lại có hình dáng giống như một loại trái cây. Mặt tiền bên ngoài cũng được sơn màu như trái cây, từ trên cao nhìn xuống giống như một trái cây khổng lồ.
Nhà gỗ trước mặt là vườn hoa, ao cá.
Đại Bảo và Nhị Bảo ôm lấy đùi Diệp Tây Thành, vừa đi vừa chơi. Diệp Tây Thành đi rất chậm, phối hợp với bước đi của hai bé con, Nhị Bảo ngẩng cái đầu nhỏ xíu của mình hỏi: “Bố ơi, mẹ đâu rồi ạ?”
Diệp Tây Thành chỉ về phía xa: “Mẹ đang ở vườn rau nhỏ bên kia.”
Bùi Ninh đến nông trại là đi thẳng đến vườn rau nhỏ của mình, vườn rau của người khác trồng rực rỡ đủ loại rau và trái cây, chỉ có vườn rau của họ là một màu xanh xanh của dưa chuột bao tử.
Mùa này, những giàn dây leo đã bò lên giàn, những chiếc lá xanh mướt đang đung đưa trong gió.
Cô đang ở trong vườn rau nhỏ, cứ như thể là một giấc mơ không chân thật.
Khung cảnh ba năm trước cứ ngỡ như mới ngày hôm qua.
.....