Sử viết, năm Cảnh Thọ thứ hai mươi mốt, trời rét đậm, Cảnh đế băng hà, truyền vị cho hoàng thái tôn Chu Thừa Dực.
Võ Chiêu đế Chu Thừa Dực là vị hoàng đế thứ bảy của Đại Nghiệp, đăng cơ vào năm Thành Đức thứ nhất.
Chiêu đế chính là con trai trưởng của vị thái tử vô năng Chu Thung, năm ông sinh ra Cảnh đế vừa đoạt quyền từ anh trai mình, tuyên bố cháu trai là trời giáng sứ mệnh, sắc phong là hoàng thái tôn.
Năm Cảnh Thọ thứ mười sáu, thái tử vô năng Chu Thung vì phạm tội mưu phản nên được ban tử, hoàng thái tôn Chu Thừa Dực hỏa thiêu tại Cung Trọng Hoa, sau không biết kết cục ra sao.
Năm Cảnh Thọ thứ hai mươi mốt, con trai thứ ba của Cảnh đế là tam hoàng tử Tấn Vương đăng vị tại Điện Thái Cực, hoàng thái tôn cầm di chiếu của tổ phụ trong tay, điều khiển hơn năm vạn cấm quân của hoàng thành và vệ quân của Kinh sở vệ, phát động chính biến, phế truất Tấn Vương thoái vị.
Sau hoàng thái tôn đăng cơ, đổi niên hiệu thành Thành Đức, xưng là Võ Chiêu đế.
Cả đời của Võ Chiêu đế cần chính yêu dân, chăm lo quản lý, từ khi ông đăng vị triều đình không còn chuyện vô dụng, ngày ngày thức khuya dậy sớm.
Nhưng một vị hoàng đế như vậy, ở sách sử hậu thế ghi chép lại khen chê không đồng nhất, bởi có vì hai lý do.
Năm Thành Đức thứ ba, Võ Chiêu đế nghi kị ngoại thích chuyên quyền, phế hoàng hậu Trần thị, giam cầm tại lãnh cung, sau đó treo cổ.
Mẫu tộc của hoàng hậu bị chém đầu cả nhà, Trần quốc cữu lăng trì xử tử, thủ cấp bị treo tại cổng thành phía nam.
Đến đây, Võ Chiêu đế hoàn toàn nắm giữ quyền lực trong tay.
Dòng dõi Trần thị, cũng chính là chi tộc của nhà ngoại Võ Chiêu đế bị đuổi tận giết tuyệt, thủ đoạn ngoan độc đến độ bị người người lên án.
Sau này Võ Chiêu đế cả đời không còn lập hậu, chuyên tâm triều chính.
Dưới gối có hai con trai, hoàng trưởng tử Chu Lộc Minh được sắc phong làm hoàng thái tử vào năm Thành Đức thứ năm.
Hoàng thứ tử Chu Hạc Minh được phong vương vào năm Thành Đức thứ bảy.
Năm Thành Đức thứ chín, Võ Chiêu đế chết bệnh.
Trong lúc tại vị ông tước bỏ phiên vương, chấn chỉnh quan lại, trọng dụng hiền thần, chấn hưng khoa cử, xây dựng cơ sở vững chắc cho thời đại hưng thịnh sau này.
Nhưng năm đó bệnh nặng, Võ Chiêu đế tính tình đại biến, ông trở nên đa nghi hay ngờ vực, cách chức rất nhiều bề tôi đắc lực.
Mãi cho đến khi hoàng thái tử Chu Lộc Minh đăng vị, phục chức chư thần.
Năm tân đế đăng cơ đã đổi niên hiệu thành Hưng Hoằng.
Bài vị của Võ Chiêu đế được đưa vào Đạo quán hoàng gia nơi Huyền điện Đại Nghiệp.
Hôm ấy trời nhiều mây và có mưa, tân đế chắp tay đứng trên đài cao của chùa miếu rất lâu, nghe chuông kêu ba tiếng rồi mới nói với em trai Thành Vương đang bung dù bên cạnh: "Đã hết khổ rồi, được như ước nguyện của ông ấy."
Hết khổ...
Sách sử sẽ không ghi chép, cũng sẽ không biết được rằng cả đời này của Võ Chiêu đế như một giấc mộng Nam Kha (bừng con mắt dậy thấy mình tay không).
Hoàng thái tôn Chu Thừa Dực, ba tuổi mất mẹ, được nuôi dưỡng ở Đông Cung.
Năm năm tuổi bởi vì bị bà vú đầu độc đã suýt chút nữa mất mạng.
Sau này được Hiếu Văn hoàng hậu đón tới bên người nuôi nấng.
Năm hắn tám tuổi, đế hậu đi tuần ở phía nam, gặp chuyện ở Dự Châu khiến Cảnh đế bị thương và cũng gây nên cái chết bệnh của Hiếu Văn hoàng hậu sau này.
Cơn thịnh nộ của thiên tử như sấm chớp mưa giông, tất cả quan lớn quan nhỏ ở Dự Châu đều bị cách chức lưu đày.
Hoàng thái tôn tám tuổi nhìn thấy bọn họ khoác gông đeo khóa, kêu gào khóc than.
Sau đó hắn nhìn thấy một cô bé ngồi trên mặt đất, trắng trẻo xinh đẹp, trông như đứa bé trên bức tranh tết, hai mắt em trợn to, trên người đeo đầy gông xiềng.
Em quá nhỏ, chiếc gông xiềng đó chẳng thế nào khóa cổ của em lại được, nó bị trượt thẳng xuống bả vai rồi kẹp luôn cả hai cánh tay của em lại.
Gông xiêng quá nặng, em không đứng dậy nổi nên cứ thế ngồi luôn trên mặt đất.
Có người đang khóc lóc gọi em ---
"Văn Sênh! Văn Sênh!"
Cô bé ấy muốn đứng lên, em liên tục trả lời: "Con đây! Con đây!"
Nhưng dù em làm thế nào cũng không đứng lên nổi, hết lần này đến lần khác ngã ngồi ra đất.
Khuôn mặt nhỏ kia đã đỏ bừng vì mỏi mệt, em thử suốt mấy chục lần và vẫn còn tiếp tục đang thử.
Cứ hệt như một kẻ ngốc.
Cảnh tượng lặp đi lặp lại này bỗng khiến hoàng thái tôn vô cùng bực bội, hắn chau mày chỉ vào đám người đó, nói với đại thái giám Phúc công công bên người hoàng tổ phụ rằng: "Mấy đứa bé kia, áp giải vào cung làm nô đi."
Về sau hắn cũng quên mất chuyện này.
Hoàng thái tôn ngụ ở Cung Trọng Hoa, từ thuở thơ bé đã quen với âm mưu quỷ kế.
Hắn sinh ra đã làm thái tử thái tôn, có quá nhiều đôi mắt đang nhìn chằm chằm vào hắn.
Suốt quãng đường này, hắn vượt qua mọi chông gai, cầu sinh nơi hiểm cảnh, thứ hắn dựa vào không chỉ là may mắn.
Đặt cược một cái mạng, nhìn chăm chú vào vực sâu, tính cách cũng ngày càng trở nên hung ác, ngày càng lạnh lùng thờ ơ.
Quân chủ đối xử với dân chúng, gặp nạn thì liều chết không sợ hy sinh, hòa bình thì dâng hết sức mình.
Hắn tự nhủ với bản thân mình rằng, trước khi ngồi được lên vị trí kia thì hắn có thể không từ bất cứ thủ đoạn nào.
Cậu thiếu niên mười hai tuổi đã nuôi dưỡng con tim mình thành một thứ cứng như sắt thép, cũng chẳng còn tin tưởng bất cứ ai.
Trên yến tiệc tế thần trong tết Thượng Tị, Thước Dương công chúa mỉm cười đưa cho hắn chén mỡ máu hươu, hắn kính cẩn có lễ ngoan ngoãn nghe theo, kỳ thực trong lòng đã có tính toán.
Cung nữ muốn dẫn hắn tới lối giữa của lãnh cung, hắn bị chó ngao cắn xé và cuối cùng nó sẽ bị thủ lĩnh của đội cấm quân là Trần Yến bắn chết.
Chỉ không ngờ rằng lại đột nhiên có một tiểu cung tỳ cầm gậy gỗ chạy ra, bất chấp nguy hiểm và cũng chẳng hề sợ hãi, nhắm thẳng đầu của con chó kia cứ thế mà đập.
A Ôn là bất ngờ duy nhất trong cuộc đời của hắn.
Trên răng của chó ngao có độc.
Hắn tự hỏi, không bằng tựu kế để mặc cung nữ đó bị độc tính giết chết, nếu thế hắn có thể mượn lực để làm to chuyện này, kéo Thước Dương đại trưởng công chúa xuống.
Trong giây phút đó, tính mạng của A Ôn treo lơ lửng trên tay hắn.
Ngay khi hắn muốn giết người, lại chợt nhớ tới dáng vẻ xông tới của cô bé kia, em nghĩa vô phản cố (*), hét lên thật to.
(*) làm việc nghĩa không được chùn bước; đạo nghĩa không cho phép chùn bước
Giống hệt như kẻ ngốc.
Mạng của kẻ ngốc không đáng giá, nhưng kẻ ngốc vô cùng đáng thương.
Sự mềm lòng duy nhất trong cuộc đời này của hắn đã để lại cho A Ôn.
Nhiều năm sau bất chợt nhớ lại, bỗng nhiên cả người toát đầy mồ hôi lạnh.
May mắn thay, nếu không A Ôn suýt chút nữa đã chết trong tay hắn.
Bé ngốc ngây ngô nhưng phải nói thật là em vô cùng xinh đẹp, mắt hạnh má đào, khuôn mặt mũm mĩm còn chưa nảy nở, mỗi khi bật cười sẽ có lúm đồng tiền đáng yêu.
Thái tôn nhớ tên cũ của em là Văn Sênh.
Từ những ngày còn bé hắn đã biết rằng lòng người hiểm ác, hết thảy đều hướng về ích lợi.
Chỉ có một bé ngốc A Ôn, không mưu mô, không tâm kế, ôm chân bàn của hắn ngủ gật, mở miệng xin hắn mấy miếng điểm tâm.
Đôi mắt của bé ngốc sạch sẽ trong veo, khi đôi mắt ấy nhìn về phía hắn, sẽ luôn tràn ngập ước ao mong đợi.
Hoàng thái tôn xưa nay đều cực kỳ nghiêm khắc lại chẳng đành lòng từ chối em.
Em ăn rất giỏi, chỉ một chiều thôi là có thể ăn hết sạch điểm tâm trong hộp.
Sau này em bị Ngọc Xuân cô cô quở mắng, em không dám công khai xin xỏ nữa, thế mà lại đổi thành ăn vụng.
Chắc em nghĩ mắt hắn mù rồi, vừa nhìn trước nhìn sau vừa lén lút duỗi bàn tay nhỏ đi mò.
Thái tôn cảm thấy rất thú vị, em cứ y như con chuột nhỏ, nhét đồ ăn vào miệng rồi quay lưng về phía hắn đến khi ăn hết mới chịu quay đầu lại, ấy mà trên khóe miệng vẫn còn lưu lại bằng chứng.
Bé ngốc tham ăn ngay cả mực viết của hắn cũng không tha.
Mực hắn viết tất nhiên là hàng cực tốt, được làm ra từ núi Y, là cống phẩm của hoàng gia.
Lần đầu tiên thấy em giơ ngón tay chấm mực ăn thử rồi mút nó một cách thích thú, hắn ngây ra như phỗng.
Sửng sốt xong lại đột nhiên rất muốn cười, và cũng khó mà không bật cười.
Thế là hắn hắng giọng một tiếng, từ đó về sau mỗi lần thấy em làm vậy khóe miệng hắn đều không khỏi nhếch lên một nụ cười tràn đầy hứng thú.
Từ khi A Ôn đến Cung Trọng Hoa, hoàng thái tôn phát hiện ra mình ngày càng thích ở lại thư phòng.
Em vô cùng yên tĩnh, sẽ rất ít khi tới quấy rầy hắn.
Hắn cũng vô cùng thoải mái, tâm trạng thực sự vui vẻ.
Năm mười ba tuổi, bé ngốc đáng yêu bất chợt hỏi hắn rằng con cua có mấy chân?
Em chưa từng ăn cua, cũng chưa từng nhìn thấy nó, nhưng em lại vô cùng muốn biết đáp án này, đôi mắt đầy tò mò ấy cứ nhìn chằm chằm chờ hắn trả lời.
Trái tim của thái tôn chợt mềm mại cực kỳ, cuối cùng hắn quyết định dẫn em tới yến tiệc trung thu.
Ngày hôm ấy em giật lấy chén sữa hạnh mà Thước Dương công chúa đưa tới rồi trực tiếp uống cạn.
Sau đó em nói thái tôn điện hạ không sao là được, mạng của A Ôn chẳng đáng mấy đồng cả.
Em còn nói, hết thảy những điều em làm đều đáng giá, bởi vì thái tôn đối xử với A Ôn rất tốt.
Giây phút ấy, cảm xúc của vị hoàng thái tôn lòng dạ sắt đá bỗng dâng trào như sóng cuộn.
Một bé ngốc.
Một bé ngốc toàn tâm toàn ý, sẵn lòng trả giá tính mạng vì hắn.
Chỉ chút ít ơn huệ thôi đã khiến em cảm động rơi nước mắt.
Hắn biết, A Ôn sẽ không bao giờ phản bội mình.
Càng về sau hắn đối xử với em càng ngày càng tốt, thái độ dịu dàng đến nỗi ngay cả cậu ruột Trần Yến của hắn đều cảm thấy kinh ngạc.
Lại sau nữa, hắn tìm khắp cả Cung Trọng Hoa và lãnh cung, tìm mãi rốt cuộc mới thấy được A Ôn vỡ đầu chảy máu, suýt chút nữa đã mất mạng trong hồ Thái Dịch.
Khoảnh khắc đó có một cơn thịnh nộ càn quét khắp thân thể hắn, ngọn lửa ấy nhen nhóm từ đáy lòng và bùng lên cháy rực cả người.
Tin đồn cô con gái Lâm Nhược Vi của Thước Dương công chúa âm thầm tư thông với người hầu là do hắn sai người thả ra.
Gã hầu tên là Phùng Thiếu Tiêu kia cũng là mỹ nam tử do hắn sai người chọn lựa tỉ mỉ cho Lâm tiểu thư.
Hắn hứa sẽ cho gã một đời vinh hoa phú quý, cho gã một bước lên mây.
Nhưng cuối cùng hắn lại giết người diệt khẩu, cô nhi quả phụ cũng chẳng hề buông tha.
Việc mà thái tôn đã làm sẽ không bao giờ để lại nhược điểm cho người khác nắm.
Thước Dương công chúa người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, nỗi uất hận chất chứa khó nguôi ngoai, đã hoàn toàn trở mặt với Tấn Vương và Trương quý phi.
Năm Cảnh Thọ thứ mười bốn, hoàng thái tôn tới Giang Bắc điều tra vụ án thuế thu của tôn thất Quảng Vương.
Lúc vào nghỉ ở Vạn hộ phủ, cô tỳ nữ tên Vân Đài kia đêm nào cũng bị hắn gọi vào phòng, hắn lệnh nàng ngủ ở trên giường của hắn.
Thái tôn đi tới một gian phòng khác, châm đèn đọc sách, sau đó lại tắt đèn chìm vào giấc ngủ.
Mấy hôm sau, Vân Đài bị ám sát.
Tiếc nuối sao? Không hề.
Cô tỳ nữ đó là do phi tần của thái tử sắp xếp đến bên cạnh hắn, ỷ có vài phần nhan sắc nên ngay từ lúc hắn chưa hiểu sự đời đã dụ dỗ hắn lên giường.
Cũng may thái tôn luôn bình tĩnh tự chủ, nghiêm khắc cứng nhắc.
Sau khi về kinh hắn bắt đầu có chỗ đứng trong