Tháng năm, quân Kiển Trữ Vương bại tại Huy Châu, số nhỏ tàn quân chạy tới Tư Châu nương nhờ Thừa Huệ Vương, liên thủ với Khang Bình Quận Vương, Trữ An Hầu, Tín Viễn Hầu, Vũ Liệt Hầu, Thừa Đức Hầu, Tĩnh An Hầu. Đại quân Dự Chương Vương tiến ra Tam quan, đoạt được bốn thành, xuyên thẳng tới lòng Trung Nguyên.
Tháng sáu, quân Cần vương của Kiển Trữ Vương tập hợp được hai mươi lăm vạn binh mã, phân thành ba đường phản công, tạo thế gọng kìm, Sở Châu báo nguy. Dự Chương Vương bình định loạn Bành Trạch, chém đầu Thứ sử Bành Trạch, các châu quận đều kiêng dè uy nghi của Dự Chương Vương, nhất loạt quy hàng.
Ngày ba tháng bảy, vùng đất cuối cùng của Sở Châu thất thủ, quân tiên phong của Vũ Liệt Hầu tiến quân thần tốc, cắt đứt đường vào kinh thành. Ngày năm tháng bảy, cánh trái đại quân Dự Chương Vương bất ngờ tập kích đường Hoàng Nhưỡng*, ác chiến bốn ngày ba đêm, quân Vũ Liệt Hầu đại bại tử trận.
*Hoàng Nhưỡng: đất ba-dan, đất đỏ.
Ngày chín tháng bảy, cánh phải đại quân Dự Chương Vương đánh chiếm Tây Lộc quan, phục kích Qủy Vụ cốc – nơi đặt cơ quan đầu não của Khang Bình Quận Vương, Chinh Lỗ tướng quân bất ngờ tập kích phía sau đại doanh Kiển Trữ Vương, bắt sống Tĩnh An Hầu, Tín Viễn Hầu, Khang Bình Quận Vương trọng thương.
Ngày mười một tháng bảy, Dự Chương Vương đích thân dẫn trung quân tiến sát tới quận Tân đối đầu với đại quân Thừa Huệ Vương, huyết chiến Nộ Phong cốc. Kiển Trữ Vương chia binh lực thoát ra, đóng quân trong Lâm Lương quan. Thừa Huệ Vương bại trận, bỏ thành mà chạy, tàn quân quy hàng, Dự Chương Vương chỉ huy truy kích.
Ngày mười lăm tháng bảy, hai quân Kiển Trữ Vương và Dự Chương Vương đối mặt tại nơi hiểm yếu của kinh thành – Lâm Lương quan.
Lâm Lương quan chỉ cách kinh thành hơn ba trăm dặm, là tuyến phòng vệ cuối cùng của kinh thành.
Ngày đầu tiên sau khi tới Lâm Lương quan, có thám tử phi ngựa tới đưa tin.
Nhị điện hạ Tử Luật phóng hỏa đốt cung, phục kích Vũ Vệ tướng quân ở cửa cung, cải trang thành Cấm vệ quân ra khỏi Hoàng thành, suốt đêm mang theo mật chiếu tới tìm nơi nương tựa trong quân Kiển Trữ Vương. Mật chiếu nói họ Vương và Dự Chương Vương âm mưu làm phản, giả mạo thánh chỉ bức vua thoái vị, Đế vương gặp nguy, ra lệnh phế Hoàng hậu họ Vương làm thứ dân, phong Tử Đạm làm Thái tử. Võ Vệ tướng quân bị thương bỏ mình.
Lúc tin được đưa đến, tôi đang bận rộn sửa sang lại đống văn thư, quân thiếp chất đống thành núi trên bàn làm việc của Tiêu Kỳ.
Nghe tin Tử Luật đốt cung, tôi kinh ngạc xoay người lại, quên cả đặt tấm mật thư trong tay xuống.
Một câu “Võ Vệ tướng quân bị thương bỏ mình”, tôi nghe mà cảm giác không giống thật… Hắn nói gì cơ? Thúc phụ, Thống lĩnh Cấm quân đã mất rồi? Tôi hoang mang đưa mắt nhìn Tiêu Kỳ, chàng cũng bình tĩnh nhìn lại tôi.
Quân sĩ đưa tin kia vẫn còn quỳ trên mặt đất, Tiêu Kỳ cũng không nhìn hắn, chỉ khẽ nhếch khóe môi, nhạt giọng nói, “Đã biết, lui ra đi”.
Cứng nhắc đặt mật thư kia xuống bàn, lại vô tình làm rơi một cuốn sách, tôi chậm rãi cúi người nhặt lên. Vừa mới giương tay đã bị Tiêu Kỳ nắm lấy. Chàng đứng dậy ôm tôi, hai cánh tay có sức lực rất kiên định, không cho tôi vùng vẫy thoát khỏi.
Tôi bần thần nhìn chàng, lẩm bẩm nói, “Không phải thật, bọn họ chắc chắn sai rồi, thúc phụ sao có thể chết… Thúc phụ…”. Bóng người với nụ cười sang sảng, chòm râu phất phơ xẹt qua trước mắt. Thúc phụ ôm tôi trong khuỷu tay, dạy tôi cưỡi ngựa, dạy tôi bắn tên lúc nhỏ sao có thể chết vào lúc này chứ? Chúng tôi đã tới, chỉ cách kinh thành có mấy trăm dặm, chỉ còn một bước cuối cùng!
“Là thật, Võ Vệ tướng quân hy sinh vì nước”. Tiêu Kỳ nhìn tôi, ánh mắt xác xơ tiêu điều ẩn chứa vẻ áy náy, đau lòng, “Ta vẫn đến chậm một bước”.
Tôi đứng không vững, toàn thân không chút sức lực dựa vào chàng, lại bị trượt xuống, nhưng một tiếng nấc nghẹn cũng không thốt ra được.
Tiêu Kỳ ôm chặt tôi không nói một lời, thân thể cứng ngắc.
Qua một lúc lâu, chàng nói từng chữ bên tai tôi, “A Vũ, ta hứa với nàng, nhất định sẽ lấy đầu Tử Luật tế Võ Vệ tướng quân”.
Tử Luật – tôi chấn động, thân thể như thể bị băng tuyết xâm nhập. Sao lại là Tử Luật?
Thái tử ca ca Tử Long, Nhị điện hạ Tử Luật, Tam điện hạ Tử Đạm… Ba thiếu niên hoàn toàn bất đồng này từng cùng tôi trải qua những năm tháng tốt đẹp nhất thời thơ ấu tại chốn cung đình. Bàn về huyết thống, Thái tử ca ca gần với tôi nhất; bàn về tình cảm, Tử Đạm thân với tôi nhất; duy chỉ có Tử Luật, một thiếu niên cô độc trầm mặc, là không thân với ai cả.
Thái tử thân phận tôn quý, mẫu thân Tử Đạm lại là sủng phi, duy có Tử Luật là do một Tiệp dư thấp kém sinh ra. Mẫu thân vì bệnh mà mất sớm, từ nhỏ đã do Thái hậu dưỡng dục. Khi còn nhỏ không hiểu chuyện, tôi chỉ cảm thấy Tử Luật ca ca không chịu chơi với mình… Một năm kia, rất nhiều chuyện bi thương xảy ra… tẩu tẩu vừa gả được nửa năm đã mắc bệnh qua đời, đến mùa thu lại mất đi bà ngoại, ca ca rời kinh đi Giang Nam.
Sau khi Thái hậu hoăng, Tử Luật càng lúc càng trầm mặc lãnh đạm, cả ngày vùi đầu vào sách vở, chân không bước ra khỏi nhà, thân thể cũng dần suy nhược.
Tôi không còn nhớ rõ dung nhan của huynh ấy. Lần cuối cùng gặp huynh ấy hình như là một đêm trước khi thành thân – huynh ấy bước ra từ cửa phụ Đông Hoa điện, tay cầm một cuốn sách cổ, mặc thanh sam dài, đầu vấn khăn, đứng bên cây phù dung tím cười nhạt với tôi, phảng phất như mặt nước nổi làn sóng nhẹ rồi lập tức quay trở về vẻ yên lặng.
Suốt cả đêm, tay chân tôi lạnh như băng, không ngừng run rẩy, cho dù Tiêu Kỳ đã ôm tôi rất chặt, thân thể vẫn không ấm lên được.
Tiêu Kỳ đứng dậy mặc ngoại bào định truyền y sư.
Tôi nắm lấy tay chàng không chịu buông, ảm nhiên cười, lắc đầu, “Ta không sao, chàng ở bên cạnh ta là được”.
Ánh mắt chàng xuyên thấu qua đôi mắt tôi tới tận đáy lòng, dường như thấy rõ hết thảy, “Lúc đau lòng thì khóc lên, không cần cười”.
Nhưng tôi không khóc, chỉ cảm thấy bản thân vô lực, từ đáy lòng tới ngoài thân duy có cảm giác rét lạnh.
Thúc phụ đã không còn, tôi mất đi một thân nhân, ngay cả cơ hội nhìn người lần cuối cũng không có.
Thúc phụ, thúc phụ luôn yêu chiều tôi.
Trong trướng, đèn đã tắt, phía ngoài vẫn có tiếng quạ kêu gào khiến lòng người kinh hãi.
Tôi lẳng lặng nằm trong lòng Tiêu Kỳ, đón nhận hơi ấm của chàng.
“Sao lại là Tử Luật…”. Trong bóng tối, tôi mơ màng mở to hai mắt, nắm chặt tay chàng.
Chàng không đáp lại, tựa như đã ngủ.
Tôi không tin là Tử Luật đã hại chết thúc phụ, không thể tin tưởng thiếu niên nho nhã cô tuyệt kia cũng sẽ bị cuốn vào trận tranh sinh tử đoạt hoàng quyền này. Có lẽ nên sớm nghĩ tới kết quả như vậy, chẳng qua là do chưa từng nghĩ tới nên bây giờ đối mặt mới thê thảm nhường này.
Ngay cả Tử Luật cũng đã thế, vậy còn huynh ấy? Người tôi không mong muốn nhớ tới nhất, hiện giờ sao rồi?
Quanh thân bỗng thêm lạnh, tôi không dám nhắm mắt, chỉ sợ vừa nhắm mắt sẽ thấy Tử Đạm, thấy thúc phụ quanh thân đẫm máu đen.
Tôi mặc kệ Tiêu Kỳ đã ngủ hay chưa, không ngừng lẩm bẩm chuyện ngày xưa với chàng, nói tới thúc phụ, nói tới Tử Luật trong trí nhớ.
Chàng bỗng nhiên tung mình áp tôi dưới thân thể, ánh mắt sâu thẳm, “Người xưa đã xưa rồi, Hoàng tử, Công chúa gì gì đó không còn liên quan đến nàng nữa!”.
Chưa chờ tôi đáp lại, chàng đã cúi người hôn xuống… Răng môi quấn quýt si mê, hô hấp dần ấm áp, dần xua tan hắc ám trước mắt.
Về đêm, tôi thi thoảng lại thức giấc, mỗi lần tỉnh lại đều thấy chàng đang ôm chặt mình.
Trong bóng tối, chúng tôi lẳng lặng ở bên nhau, sự tĩnh mịch này còn đáng quý hơn cả ngàn lời nói.
Tử Luật trốn đi, mật chiếu của Hoàng thượng càng giúp Kiển Trữ Vương có lợi thế, cũng là một đòn phản kích mà chúng tôi không kịp ứng phó.
Song với tình trạng binh đao giao đấu trước mắt, một thánh chỉ há có thể ngăn trở Tiêu Kỳ tiến bước? Thắng làm vua, thua làm giặc mới là chí lý.
Nói thì rất hùng hồn, rằng “Hiệu lệnh thiên hạ, cần vương dẹp loạn” – nhưng hơn nửa binh mã trong thiên hạ đều nằm trong tay Tiêu Kỳ, những châu, quận có can đảm ủng hộ hoàng thất, đối kháng với Tiêu Kỳ đều đã đại bại, lần lượt đầu hàng, chỉ còn lại hai lão tướng Thừa Huệ Vương và Kiển Trữ Vương ngoan cố, liều chết đối đầu. Họ còn lại lác đác binh mã của vài trấn, trong lòng biết đại thế của hoàng thất đã mất, châu chấu không thể đá xe, nên kiên quyết bo bo giữ mình, những kẻ khác thì ‘sống chết mặc bay’.
Thái tử ở Hoàng lăng xa xôi, bị người khác khống chế, nên truyền ngôi cho Tử Đạm cũng chỉ là câu nói suông. Hoặc nói cách khác, đây là sự phản kháng cuối cùng của Hoàng thượng – dùng hết khả năng của mình, nhất quyết không để cô cô vừa ý, không để Tử Long thuận lợi ngồi lên ngai vàng.
Thê tử kết tóc, đứa con ruột thịt, nhà Đế vương một khi đã bất hòa thì kết quả cuối cùng chính là như vậy.
Cô cô tính toán kỹ lưỡng, lại không tính đến giữa đường bị Tử Luật phá. Mật chiếu này truyền ra ngoài, sau này Tử Long lên ngôi ắt không thể rửa sạch được vết nhơ, cho dù có thành bậc thánh minh trị thế cũng không thể nào hoàn mỹ không tỳ vết.
Nhưng dù có mật chiếu cũng không vãn hồi được thế cục Kiển Trữ Vương binh bại như núi đổ.
Ngày ba tháng tám, mười ngày trước sinh nhật mười chín tuổi của tôi, Tiêu Kỳ đại phá Lâm Lương quan.
Kiển Trữ Vương thân chịu bảy vết trọng thương, liều mình chiến đấu, kiệt sức mà chết.
Tử Luật và tàn quân của Thừa Huệ Vương, chưa đầy năm vạn người bỏ chạy dọc theo ven sông, xuôi nam tìm Kiến Chương Vương nương tựa.
Tiêu Kỳ khâm liệm thi thể Kiển Trữ Vương, lệnh cho các tướng lĩnh khiêng linh cữu, ba quân khóc tang.
Vị thân vương trung dũng này đã lấy tính mạng của mình để bảo vệ chút tôn nghiêm cuối cùng của Hoàng tộc.
Tiêu Kỳ nói, có thể có được sự tôn kính của kẻ thù chính là vinh quang lớn nhất của người ra trận.
Tôi không hiểu được sự vinh quang ấy, nhưng tôi hiểu được, có thể kính trọng tướng quân của kẻ địch thì tất sẽ có được sự kính trọng của thiên hạ.
Ngày hôm sau, đại quân tiến bước thần tốc, đóng quân bên ngoài kinh thành bốn mươi dặm.
Cô cô truyền chỉ tới, lệnh cho Tiêu Kỳ lui quân về sau ba trăm dặm, không được mang theo binh mã vào triều bái kiến.
Tiêu Kỳ lấy cớ ‘hậu cung không được tham chính, ý chỉ không thuận lòng quân’, kháng chỉ.
Sau hai ngày căng thẳng, rốt cuộc phụ thân cũng ra mặt hòa giải, thuyết phục cô cô cúi đầu thỏa hiệp với Tiêu Kỳ.
Đầu tháng tám, con đường dài bốn mươi dặm từ Triêu Dương môn tới đại doanh quân Dự Chương Vương được rửa sạch, mặt đất đầy cát vàng; dọc theo hai bên đường, cấm vệ quân đứng trang nghiêm thành hàng chờ sẵn, người dân không dám lại gần. Thái tử Tử Long đích thân dẫn văn võ bá quan ra Triêu Dương môn nghênh đón Dự Chương Vương vào thành, quan viên từ hàng Vương công trở xuống đều phải quỳ bái.
Ba ngàn tinh vệ thiết kỵ lại một lần nữa cuồn cuộn bước vào Triêu Dương môn.
Cờ soái hai bên đường dâng cao, bay phấp phới, nơi nơi đi qua, đủ loại quan lại cúi đầu.
Tiêu Kỳ cởi bỏ chiến giáp nhuộm đầy bụi đường, mặc triều phục thân vương. Tôi tự tay mặc cho chàng bộ triều phục lụa thêu bàn long vàng, đội quan mão hoa văn rồng, đeo Thất Tinh Huy Nguyệt Kiếm thay cho thanh trường kiếm cổ lạnh lẽo khiếp người của chàng. Từ sau ngày đại hôn, tôi lần đầu tiên thay triều phục Vương phi, một bộ lụa tím, đeo chín điền*, song bội*, ngồi loan giá, dẫn nghi trượng* theo ngựa chàng tiến vào cung.
*Điền: Vật trang sức hình hoa khắc hoặc khảm bằng vàng bạc châu báu.
*Bội: đồ trang sức đeo ở đai áo thời xưa.
*Nghi trượng: đội bảo vệ mang vũ khí khi cử hành đại lễ của quốc gia hoặc đón tiếp khách nước ngoài.
Một thân chiến giáp, một thân triều phục, từ chốn biên cương lồng lộng tới cung điện nguy nga, chàng cuối cùng cũng đã đến được. Ngắm nhìn thân ảnh cao ngạo của chàng từ trong xe loan, tôi biết, vị Đại tướng quân anh hùng cái thế kia, bắt đầu từ ngày hôm nay mới thực sự trở thành Dự Chương Vương quyền khuynh thiên hạ.
Ngày hôm đó tôi đứng trên lầu cao nhìn tư thế oai hùng của chàng, khiếp sợ trước quân uy hiển hách của chàng, thậm chí không dám đưa mắt nhìn thẳng.
Ngày hôm nay, tôi trở thành Dự Chương Vương phi, xa giá cùng chàng sóng vai, cùng nhau bước tới cung điện cao quý kia.
Hoàng thành cao cao tại thượng này là nơi tôi sinh ra, tại cung điện tôn quý phía trước, tôi từng vô số lần đứng đưa mắt nhìn ra xa, tò mò sự phồn hoa của trần thế. Không ngờ tới, cuối cùng có một ngày tôi trở thành người chinh phục cửa cung này, đứng trên cao nhìn xuống chúng sinh.
Thái tử đội kim quan, mặc áo vàng, thần thái khoa trương như thường ngày; phía sau là phụ thân mặc tử bào đeo đai ngọc, phong độ hiên ngang, ngay cả ca ca cũng một thân áo quan xanh, càng làm nổi bật vẻ tuấn lãng, sáng ngời như ngọc.
Trong thời khắc hình thức là trên hết này, những người thân nhất của tôi gặp tôi một cách long trọng như vậy.
Khoảnh khắc khi ánh mắt phụ thân chạm tới, tôi nhìn thấy nụ cười nhạt, sợi tóc bạc khẽ lóe sáng dưới ánh mặt trời. Thời gian qua, tóc người bạc đi đã nhiều.
Tới cách ngự giá mười trượng, Tiêu Kỳ xuống ngựa, tôi cũng bước xuống xe loan, chậm rãi đi về phía sau chàng. Mỗi một bước chân tựa như càng gần phụ thân hơn, nhưng lại có cảm giác giống như càng xa hơn.
Tháng tám kinh thành sáng rực rỡ, làm mắt tôi thoáng đau, nhìn lại vầng sáng hào nhoáng kia, chợt thấy mọi thứ quanh mình đều tựa như phù phiếm.
“Vi thần cứu giá chậm, khiến điện hạ chấn kinh, thỉnh điện hạ ban tội!”, giọng Tiêu Kỳ sang sảng, chàng quỳ một gối, thần thái hiên ngang, không hề cúi đầu.
Tôi cũng theo đó mà quỳ xuống, cũng là quỳ trước phụ thân, ca ca.
“Vất vả cho Dự Chương Vương rồi!”, Thái tử tiến nhanh tới đỡ Tiêu Kỳ dậy.
Từng lời khách sáo khoan dung độ lượng của Thái tử ca ca vang lên thật trang trọng mà cứng nhắc. Tôi cúi đầu thấp mắt, thầm mỉm cười, trong lòng chợt ấm áp… Những lời này không biết Thái tử đã phải học bao lâu mới thuộc được, bởi huynh ấy vốn ghét nhất là những lời sáo rỗng đó. Lúc này Thái tử ca ca mặc dù có uy nghi của Thái tử nhưng trong đáy mắt vẫn là vẻ ngạo mạn thờ ơ ngày nào.
Vạt áo tím chợt lọt vào tầm mắt, tôi vội vã ngẩng đầu, nhìn thấy phụ thân đã tới trước mình.
Đau thương ẩn nhẫn đã lâu giống như thủy triều làm vỡ đê, khiến tôi hỗn loạn không kịp chuẩn bị.
“Phụ thân…”, tôi thấp giọng thốt lên, lại thấy