TRẺ CON NÚI TIỂU LINH.
Khí hậu ngọn Tiểu Linh rất đặc biệt, một mùa kéo dài bảy ngày, một tháng đủ bốn tiết xuân hạ thu đông.
Nơi đây cũng yên lặng lắm, bởi chẳng có ai ngoài Thanh Đăng, chàng lại là tôn Chân Phật chuyên tâm cảm ngộ đất trời, tham ngộ Phật pháp, hầu như dành toàn bộ thời gian vào việc tham thiền, thành thử Tiểu Linh còn im ắng hơn cả Đại Linh của Phật Tổ.
Song bầu không khí an tịnh ấy đã đi đến hồi kết từ lúc Thanh Đăng đem cây đào linh Chước Chước về nhà.
Y như tên mình, Chước Chước hoạt bát nhiệt tình, lúc nào cũng tràn đầy sức sống, sau khi được Thanh Đăng mang về Tiểu Linh rồi nặn thân thể cho, bé đã bắt đầu công cuộc xưng vương xưng bá, làm mưa làm gió trên ngọn núi này.
Chước Chước hoá thành một bé gái đáng yêu hơn cả đồng tử của Quan Thế Âm Bồ Tát.
Cây đào hoá linh, dung mạo vốn đã được trời cao ưu ái, lại thêm linh trí đạt thành nhờ cơ duyên, hoá hình rồi càng sực nức linh khí, tươi tắn lanh lợi ngay cả từ vóc dáng đến đôi mắt trong veo, rực rỡ hơn tất thảy sinh vật trên ngọn Tiểu Linh.
Gương mặt trẻ con phúng phính hồng hào, đôi môi không cười cũng cực kỳ đáng yêu, mái tóc dài phủ qua mông.
Chước Chước vừa hoá hình xong trần truồng bò lên người Thanh Đăng Chân Phật, được chàng kéo ra, dạy cho cách biến lá hoa thành quần áo.
Thế là Chước Chước được mặc cho bộ váy trắng, bên tai hãy giắt hai đoá hoa nhí.
Bé rất thông minh, mau mắn thuộc làu mọi điều Thanh Đăng dạy, nhưng lại ríu rít suốt ngày, chỉ ngoan ngoãn mỗi khi hấp thụ linh khí đất trời và tinh hoa nhật nguyệt.
Với Chước Chước, Tiểu Linh là một thế giới vô cùng rộng lớn, tất thảy đều khiến bé tò mò.
Bé sẽ bò từng chút một dưới đất xem kiến dời tổ từ bụi cỏ sang hốc cây, ngồi xổm trên cành say sưa ngắm sâu róm gặm lá, xộc vào ổ thỏ khiến chúng nháo nhào tháo chạy rồi mình thì ngủ luôn bên trong, sau rốt Thanh Đăng phải quét thần thức khắp núi mới tìm ra tung tích, moi được bé về.
Núi Tiểu Linh có cái ao, cá trong ao cũng có linh tính, Chước Chước thường lặn dưới lòng ao đuổi bắt cá, lôi cả cụ rùa tinh ngủ yên mấy ngàn năm ra làm gối đánh một giấc thật say.
Tướng mạo hoá hình của Thanh Đăng là một người đàn ông trưởng thành, chàng được Phật Tổ điểm hoá, hiểu chuyện từ khi chào đời, không cần ai kèm cặp, nhưng Chước Chước thì khác, lòng bé ngập tràn tò mò, không rõ những điều không được chỉ dẫn.
Thanh Đăng đã đưa Chước Chước về đây, thì phải chịu trách nhiệm rèn giũa bé.
Dạy trẻ từ thuở còn thơ không dễ dàng gì, thành thử Thanh Đăng không thể thi thoảng lại làm một chuyến cảm ngộ trăm năm ngàn năm nữa, mỗi ngày, chàng phải dành thời gian kể chuyện, hướng dẫn Chước Chước tu luyện, và phải học cách chăm sóc một đứa bé vừa hoá hình.
Chước Chước thường rất ngoan ngoãn, chịu chơi một mình, song cũng có lúc giở trò nghịch ngợm.
Ví như ngày nọ, Thanh Đăng hoá về bổn thể bồ đề, đưa thần thức lên núi Đại Linh nghe Phật Tổ giảng kinh, về rồi mới biết mình chẳng còn bao nhiêu chiếc lá… hoặc phải nói là, nửa tán cây đã trọc lông lốc rồi.
Nhìn kỹ mới thấy Chước Chước dưới tàng cây đang mở to đôi mắt vô tội, đôi tay chắp sau lưng hãy còn nắm vài chiếc lá, váy áo phồng lên, nhét đầy lá bồ đề.
Thanh Đăng Chân Phật hoá thành người mới thấy bộ đồ giản dị mình đang mặc nham nhở cả, lại còn ngắn mất phân nửa, chỉ phủ qua đùi, lông chân cũng mất sạch.
Nhấc tay gọi mây đến vá áo quần, Thanh Đăng ngồi trước mặt Chước Chước, chuẩn bị dạy bé rằng thừa dịp người ta không đề phòng để ngắt lá là một việc làm cực kỳ không tốt.
Song Chước Chước lại tươi cười rạng rỡ, nhảy cóc đến trước mặt Thanh Đăng rồi chồm lên đầu gối, ôm tay chàng, ngoan ngoãn non nớt mà rằng: “Thanh Đăng Thanh Đăng, người ngủ lâu quá, Chước Chước lo lắm đó!”
Trần đời hông còn đứa bé nào ngây thơ hiểu chuyện như Chước Chước hết – Thanh Đăng nghĩ, cứ thế bỏ qua chuyện này.
Cơ mà chuyện này không chỉ xảy ra một lần rồi thôi.
Chẳng rõ do đâu lại thành thói quen của Chước Chước, mỗi bận Thanh Đăng hoá chân thân, đưa nguyên thần đi dự thính chỗ Phật Tổ về sẽ phát hiện ra bổn thể mình khi thì thiếu, lúc lại thừa một số thứ gì đó.
Mất thì mất toàn lá.
May mà chàng không có tóc, bằng không bị Chước Chước giày vò thế này thì đã hói lỗ chỗ rồi.
Song các món dôi ra thì đa dạng vô cùng.
Ví như lụa đủ màu, hay con búp bê cầu phúc mà trông y như nguyền rủa, thi thoảng có cả lá hoa quả của các cây khác trên ngọn Tiểu Linh, có khi Chước Chước lại buộc cả một đàn bướm lên cây, muôn cách điểm tô cho gốc bồ đề bổn thể.
Thanh Đăng kể chuyện trần gian cho Chước Chước nghe, rằng con người thường sẽ thắp hương cúng dường mỗi khi muốn khấn cầu Thần Phật, nhiều vùng miền sẽ trồng cổ thụ linh thiêng rồi thắt lụa đỏ viết điều ước của mình lên, khi ấy trời cao sẽ biết được tâm nguyện của họ thông qua tiếng lòng giăng mắc trên cây.
Chước Chước nghe xong bèn nghiện thắt lụa cô bé dệt bằng sương đêm lên cành bồ đề của Thanh Đăng, tuy đẹp nhưng quá nhiều và buộc quá chặt, Thanh Đăng cứ hễ hoá người sau khi đi nghe giảng về sẽ lại ngập trong đống lụa.
Thanh Đăng muốn tháo ra, Chước Chước sẽ lại cười hỉ hả kéo lụa chạy loanh quanh, cột chàng lại.
Các sự vụ tương tự đều được Thanh Đăng quy vào nhóm “trò chơi của Chước Chước”, khoan dung với tất thảy hành động của cô bé.
Chước Chước lật tung ngọn Tiểu Linh dăm lần, bắt đầu tò mò về thế giới rộng lớn hơn ngoài kia.
Thứ khiến cô bé tò mò nhất chính là nơi Thanh Đăng thường đến để nghe Phật Tổ giảng kinh.
Cô bé ôm đùi Thanh Đăng, chớp chớp đôi mắt