Sau lễ Giáng sinh vài ngày là đến năm mới, nhưng những lễ lạt này đối với Phương Đăng chẳng có ý nghĩa gì, cùng lắm chỉ có vụ phát thức ăn miễn phí của cô nhi viện Thánh Ân gần đó là hay ho.
Hôm đó A Chiếu bảo con bé đến nhận cơm Thánh, chẳng mấy khi có cơ hội tốt như vậy, thằng bé hớn hở như thể chính mình làm chủ bữa tiệc linh đình không bằng. Phương Đăng dĩ nhiên không bỏ qua. Đáng nhẽ mọi chuyện rất thuận lợi, nó và A Chiếu xếp hàng hai lượt, nhận được đầy một túi cá rán và đậu phụ, cứ tưởng bớt được hai ngày tiền thức ăn, ai ngờ giữa đường lại nhảy ra một tên Phó Chí Thời. Cái thằng đáng gét, vừa trông thấy Phương Đăng, mắt nó sáng lên như mèo thấy mỡ, om sòm tố cáo con bé không đủ tư cách ăn cươm Thánh. Phương Đăng chẳng thích lằng nhằng với Phó Chí Thời, bèn kéo A Chiếu bỏ chạy. Ai ngờ Phó Chí Thời kéo ở đâu ra một đám lâu la đuổi theo, nếu không nhờ người lạ mặt đứng bên tu nữ viện trưởng cản giúp, sợ rằng nó đã bị con rùa khốn kia cho một trận nên thân rồi.
Phương Đăng leo tường trốn ra, về đến nhà, nhớ lại vẻ mặt khó ưa của Phó Chí Thời khi đuổi bắt mình, càng nghĩ càng thấy bực. Dĩ nhiên, nó sẽ chẳng thèm rình đánh thằng ranh ấy lần nữa, Phó Thất lại trách nó manh động, rước phiền phức vào người. Nhưng mà không thế, liệu còn cách nào dạy cái con rùa khốn kiếp kia một bài học?
Phương Đăng nhớ lại mấy hôm trước xuống hàng lão Đỗ mua muối, đúng lúc gặp Phó Chí Thời mua quà đi ra. Nó ngoái nhìn theo. Cái thằng, mồm cứ như đít vịt, không ăn mấy cái linh tinh vớ vẩn kia thì nó chết đói không bằng.
Lão đỗ lúc này đang đứng sau tủ kính, tay cầm mấy tờ tiền trông lạ hoắc soi lên soi xuống. Thấy Phương Đăng, lão bèn chìa ra khoe, hỏi nó thấy mấy món “đồ chơi” này liệu có đáng tiền không.
Phương Đăng vốn chẳng muốn phí lời với lão, nhưng nghĩ lại, biết đâu mấy tờ tiền kỳ quái kia có liên quan đến con rùa Phó Chí Thời, bèn liếc nhìn thêm mấy cái. Lão Đỗ tỏ vẻ thần bí bảo rằng, Phó Chí Thời thường xuyên đến tiệm lão mua quà, ăn chịu không ít. Bị lão đòi gắt quá, mới mang hai đồng tiền cố đến gán. Trong lòng Phương Đăng hiểu ra mấy phần, nó cứ tưởng cha mẹ con rùa đó chiều con đến tận giời, ngày nào cũng cúng cho con một mớ tiền để nó ăn linh tinh. Té ra thằng này ăn chịu, lại không dám xin bố mẹ tiền để trả, hai đồng tiền trong tay lão Đỗ chắc do Phó Chí Thời trộm trong nhà mang đến.
Phương Đăng ngấm ngầm ghi nhớ chuyện này, vậy là nó nắm được thóp Phó Chí Thời rồi. Nước sông chẳng phạm nước giếng thì thôi, ngộ nhỡ hôm nào Phó Chí Thời cắn càn, nó có chiêu đâm lại Phó Chí Thời một nhát. Quả nhiên, chẳng yên ổn được mấy hôm, Phó Chí Thời lại bày trò trêu ngươi chọc tiết.
Bắt cướp phải có tang vật, lý lẽ này Phương Đăng hiểu rõ. Bỏ túi cá đậu xuống, Phương Đăng tức tốc đi tìm lão đỗ, hỏi mượn lão hai đồng tiền cổ, dùng xong sẽ trả ngay. Lão Đỗ là chúa keo kiệt, vốn dĩ không chịu, nhưng Phương Đăng cứ cười tươi như hoa, ngọt giọng xin xỏ, lão cầm lòng sao đặng. Hiếm khi mới được con bé xinh xắn nó nịnh nọt, cả người lão cứ gọi là mềm nhũn, đưa hai đồng tiền ra mà lòng lão rạo rực.
Phương Đăng nắm được chứng cứ trong tay, như mở cờ trong bụng. Phó Chí Thời gọi nó là “Đồ trộm ranh”, thế thì bố mẹ con rùa cũng nên biết, ai mới thực sự là “Bàn tay vàng”. Nhằm khiến cho kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời cũng chuẩn bị lời lẽ sao cho thuyết phục được vợ chồng Phó Kính Thuần, Phương Đăng bèn tìm đến Phó Thất, định cùng cậu ta bàn mưu tính kế, tiện mang cá rán sang cho cậu ăn thử. Ai ngờ phản ứng của Phó Thất làm nó cụt cả hứng, hắn gảy gảy mấy đồng tiền xem một chập, sau đó thờ ơ bảo, đây là tiền đồng từ thời cái gì chính phủ Bắc Dương, hiện nay trong thành phố không lưu hành nhiều, Phó Chí Thời chẳng biết tốt xấu, mới đem đi đổi lấy mấy món quà vặt quèn. Phương Đăng không quan tâm lão Đỗ vớ bở hay không, chỉ hỏi Phó Thất hai đồng xu này có phải do cha của con rùa kia cất giấu. Phó Thất cau mày hỏi ngược lại, người như lão đỗ, có miếng mồi đưa đến miệng sao dễ dàng nhả ra trao cho người khác.
Phương Đăng định chối cho qua chuyện, thấy nó né tránh, mặt Phó Thất càng xị ra. Cậu không thích nó dùng ưu thế chẳng có được cái gì từ nó cả. Phương Đăng thấy cậu ta có vẻ không chịu giúp, liền đòi hai đồng xu về, trong lòng nghĩ, đã thế tự mình nghĩ cách lật tẩy Phó Chí Thời cũng chả sao.
Phó Thất chẳng những không ủng hộ, lại còn khuyên nó đừng để bụng những việc làm của Phó Chí Thời. Phương Đăng bị giội cho một gáo nước lạnh, bực không kể xiết. Rõ ràng Phó Chí Thời hết lần này đến lần khác khiêu khích trước, tại sao trước mặt Phó Thất, nó muốn mắng nhiếc xả giận lại thành ra xấu xa. Công khai trả thù không được, âm thầm ám toán cũng chẳng xong. Lấy đá chọi lại đá thì bảo thô bỉ, ngấm ngầm bày mưu lại nói không nên. Ừ nó là đứa tiểu nhân thích thù vặt đấy, cái thế giới khốc liệt mạnh được yếu thua này đã dạy nó nguyên tắc ấy, nguyên tắc đơn giản và hiệu quả nhất, để có thể tồn tại. Chỉ có thể làm như thế, mới khiến những kẻ quen thói ỷ mạnh hiếp yếu khiếp sợ. Nó ghét cay ghét đáng cái kiểu trù trừ tính trước ngó sau của cậu ta. Nói trắng ra đó là hèn.
Phương Đăng giậm chân bình bịch, hậm hực nói với Phó Thất: anh cũng là họ Phó cả thôi. Phó Thất chỉ lạnh lùng nói, em đừng tưởng mình bao giờ cũng đúng. Kể cả em có đích thân đánh Phó Chí Thời, hay bày mưu khiến nó bị cha mẹ đánh đi nữa, ngoại trừ ngay lúc đó em thấy hả giận, kỳ thực chẳng giải quyết được điều gì. Nắm đấm và mưu hèn kế bẩn không thể thuần phục của con người. Cách báo thù tốt nhất là đừng vội manh động, phải biết nhẫn nại chờ thời, khi sức lực em vượt xa kẻ thù, nó sẽ phải ngoan ngoãn quỳ xuống liếm chân cho em.
Phương Đăng không thèm tiếp thu, nó cảm thấy toàn là viện cớ. Hai đứa nói qua nói lại một lúc giận dỗi giải tán, Phương Đăng cầm đồng xu về, buồn bực không yên. Hôm sau nó đem trả tiền xu cho lão Đỗ. Mất hai ngày liền, nó chẳng để ý đến Phó Thất, Phó Thất cũng không đến tìm nó.
Chẳng mấy chốc kỳ nghỉ tết tây đã tới. Chập tối đêm Giao thừa, Phương Đăng nhặt viên đá vụn chọi vào cửa sổ Bách Diệp, định gọi Phó Thất đi ra giáo đường chơi. Nó biết hôm nay già Thôi vào thành phố mua đồ, chắc phải tối hẳn mới về đến nhà, có một mình, chẳng biết Phó Thất đã ăn cơm chưa.
Viên đá nhỏ đập vào cửa sổ Bách Diệp phát ra tiếng va đập khe khẽ. Trước đây mỗi lần như vậy, cậu ta sẽ bực mình mở cửa bảo nó cứ đứng đấy đợi đi, nhưng rồi chỉ chốc lát đã xuống nhà gặp nó. Vậy mà mấy hôm nay, Phương Đăng ném hết mấy viên sỏi trong tay, mà cửa sổ Bách Diệp vẫn im lìm.
Phương Đăng bắt đầu thấy là lạ, cái tên Phó Thất này vốn sợ lạnh, đông đến chỉ thích rúc trong nhà. Đảo hôm nay gặp trận đại hàn, chẳng lý do gì cậu ta lại lang thang bên ngoài. Nó chợt để ý, chậu hoa chuối tây trước ban công chẳng hiểu sao không thấy đâu, hay là hắn giận nó thật rồi?
Nó lại gân cổ về phía cửa sổ gọi tên cậu thêm vài lần, không thấy ai trả lời, đành ỉu xìu quay về. Ngẫm đi nghĩ lại, nó vẫn thấy kỳ lạ: Phó Thất không phải người ưa chuyện, nhưng cũng tuyệt đối không phải kẻ nhỏ nhen, dẫu có muốn làm mình làm mẩy, không đồng tình những lời nó nói, những việc nó làm, cũng không đến mức như thế. Bây giờ nó chủ động đến tìm, chẳng lý do gì cậu cố ý làm ngơ, có giận mấy cũng sẽ không vứt cây chuối tây đi đâu!
Tối hẳn, A Chiếu đến giục Phương Đăng xuất hành, muộn thêm chút nữa, trong giáo đường chật ních người, không cách nào lên vào được. Phương Đăng thật sự không còn hứng thú chơi bời, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi suông ở nhà mà nghĩ cho nát óc. Xuống gác, nó gặp ngay già Thôi tay xách nách mang trở về, vội bảo già Thôi vào xem Phó Thất bị làm sao không.
Già Thôi không hiểu chuyện gì, nói ban sáng trước khi ra khỏi cửa, Tiểu Thất có dặn tối nay không cần nấu cơm, vì có thể sẽ cùng Phương Đăng đến giáo đường xem dàn đồng ca biểu diễn, tiện thể ghé đâu đó ăn hoành thánh. Phương Đăng càng thấy có điều bất ổn, theo lời già Thôi, Phó Thất vốn dĩ không giận nó, mời nó ăn hoành thánh lại là hành động cậu ta thường làm khi muốn dỗ ngọt. Con bé giục già Thôi mau chóng mở cửa, tự mình theo vào, chỉ sợ cậu ta lại đổ bệnh. Tới bên dưới khung cửa sổ, bỗng một chậu hoa vỡ nát xuất hiện trong tầm mắt.
Chẳng phải gì lạ, chính là chậu hoa chuối tây vẫn đặt trước cửa sổ phòng Phó Thất. Lúc này cái chậu bị vỡ làm bốn năm mảnh, đất bên trong rơi ra tung tóe. Chắc bị ai đó ném từ tầng hai xuống mới tan tành đến vậy. Đang lúc Phương Đăng vừa kinh ngạc vừa hoài nghi, già Thôi xăm xăm chạy xuống lầu, nói không thấy Tiểu Thất đâu, lạ là chìa khóa cậu không mang theo, đến áo khoác cũng không thèm mặc.
“Hay là Thất ca ra ngoài chơi một mình?” A Chiếu và Phương Đăng lúc này đứng đối diện nhau.
Phương Đăng lắc đầu. Chưa nói Phó Thất không phải người ham chơi, nếu có việc gì ra ngoài, cậu ấy cũng không vội vã đến thế. Mà chậu hoa chuối tây bị rơi thật là kỳ quặc.
Già Thôi không kìm được, vừa xoa tay vừa nói: “Đứa trẻ này rốt cuộc đã đi đâu? Chẳng nói chẳng rằng… Phương Đăng, cậu chủ không đến tìm cháu thật à?”
“Nếu cậu ta đến tìm cháu, cháu còn đứng đây làm gì?”
“Không xong rồi, phải đi tìm xem sao”, già Thôi nói xong đi ngay.
“Cháu cũng đi”, A Chiếu chạy theo.
Đảo Qua Âm bé bằng hạt tiêu, hai người chia nhau đi tìm đã là đủ. Phương Đăng lo biết đâu Phó Thất chỉ ra ngoài đạo, một lúc nữa sẽ về, liền trở lại căn gác xép của mình, ngồi bên cửa sổ chờ đợi, chỉ cần thấy cậu ló dạng nơi đầu ngõ, nó sẽ trông thấy liền.
Ông Phương Học Nông lại đi đâu không rõ. Gần đây ông thường đàn đúm ở bên ngoài, chưa khuya hẳn hiếm khi có mặt ở nhà. Phương Đăng có khi buột miệng hỏi cha đi đâu, ông chỉ đáp không cần mày lo. Mấy con cá
rán lẫn đậu phụ Phương Đăng nhận hôm Giáng Sinh để phần cho cha vẫn còn nguyên xi. Nếu là trước kia, ông đã mang ra vừa ngấu nghiến vừa tợp rượu như ma đói đầu thai. Đang lúc nóng ruột, Phương Đăng chẳng còn tâm trí đâu nghĩ xem con ma men nhà mình đã đi đâu, vứt bừa chỗ cá và đậu phụ sắp hỏng vào thùng rác.
Phó Kính Thù không xuất hiện trước mắt Phương Đăng như nó mong đợi, mà lại là già Thôi và A Chiếu người trước người sau trở về Phó gia viện. Phương Đăng chạy xuống, quả nhiên, họ đi khắp những nơi Phó Thất có thể đến, mà không thấy bóng dáng cậu ta đâu.
“Chắc không xảy ra chuyện gì thật chứ?” Phương Đăng lòng nóng như lửa đốt.
“Chẳng có nhẽ, giữa thanh thiên bạch nhật… Ta mới rời đảo một ngày, ban sáng cậu chủ vẫn bình thường mà.” Già Thôi ngoài miệng nói thế, nhưng sắc mặt dần trắng bệch, do dự nói: “Hay là đến sở cảnh sát một chuyến?”
“Phải mất tích bốn mươi tám tiếng cảnh sát mới thụ lý vụ án ông ơi.”
A Chiếu, cái đồ con nít quỷ.
“Thất ca thông minh như thế, làm sao xảy ra chuyện được ? Chắc là anh ý chán quá, ra ngoài dạo mát thôi. Ơ, chị đi đâu đấy ?”
A Chiếu ngơ ngác nhìn theo bóng Phương Đăng đi khỏi.
Phương Đăng không hiểu sao cảm thấy không thể đứng đó chờ thêm một nữa, nó chỉ muốn tìm một nơi bình tĩnh suy nghĩ lại. Có một dự cảm không lành đang đeo bám nó. Chuyện này mới phát hiện tức thì, sở cảnh sát sẽ không can thiệp. A Chiếu và gìa Thôi vẫn nuôi hy vọng Phó Kính Thù ra ngoài vì việc gì đó, sẽ mau chóng quay về. Nhưng nó lờ mờ nhận thấy không phải, một kẻ thận trọng quy củ như cậu ta, cái lần bị cảm vì dầm mưa trốn trong nhà không chịu gặp ai đã là hành động nổi loạn nhất có thể rồi. Trực giác mách bảo nó rằng, chậu hoa chuối tây rơi vỡ ở dưới hiên là ám hiệu Phó Thất để lại. Đột nhiên cậu ta mất tích, nhất định không phải đơn giản.
Cả tối Phó Kính Thù vẫn chưa về, Phương Đăng trằn trọc mãi không ngủ được. Quá nửa đêm, ông Phương Học Nông mở cửa bước vào, ư ử nhân nga hát. Gần đây lần nào về nhà trông lão cũng ngất ngưởng, cơm no rượu say.
Phương Đăng vén tấm màn ngăn lên, ngồi dậy hỏi : “Bố đi đâu giờ này mới về ?”
“Có người mời ông mày ăn cơm.” Ông Phương Học Nông đáp ngay tắp lự.
Ai lại mời cha ăn cơm ? Mà còn liên tiếp mấy ngày. Phương Đăng không tin ông có mối quan hệ nào như thế. Lúc này nó mới để ý, bình rượu còn phân nửa bố nó tiện tay quẳng lên bàn trông khác hẳn trước đây, không còn là loại rượu rẻ tiền được lão đỗ mua theo lố rồi chia ra bán lẻ nữa. Rượu này giá bao nhiêu một bình nó không rõ, nhưng chắc chắn không phải thứ con ma men kia mua nổi.
“Ai mà hào phóng thế ạ ?”
Lão Phương Học Nông có chút mất kiên nhẫn, “Mấy anh em công nhân mời tao đi uống rượu không được à ?”
Nhằm phát triển dịch vụ du lịch trên đảo, gần đây người ta cho xây một quán rượu khá lớn. Làm trong công trường đa phần là người nơi khác đến, sao ông đánh bạn nhanh thế ? Phương Đăng chợt nhớ ra, hai ngày trước, nó bỗng thấy Thôi Mẫn Hành xuất hiện trên đảo, đi cùng với ông Phương Học Nông. Lúc ấy Phương Đăng thấy lợm giọng, chỉ nghĩ hai người này là cá mè một lứa, đi với nhau mùi tanh hôi hóa ra lại hòa hợp, là chuyện thường tình thôi. Có thể nó nghĩ nhiều, có thể chuyện Phó Thất mất tích làm tinh thần nó bất ổn chăng… ? Phương Đăng cảm giác dường như có gì đó bất ổn, mà nhất thời không nói ra được.
Phương Học Nông thấy mắt con gái trợn trừng trừng, tưởng nó vẫn soi mói bình rượu của mình, tỏ vẻ đắc ý nói : “Mày có biết rượu này bao nhiêu tiền một bình không ? Sợ nói ra mày sẽ chết khiếp đấy con ạ.”
Trái tim Phương Đăng quả thực đang đập dồn không ngừng, nhưng chẳng phải vì bình rượu của cha. Nó dần sáng tỏ nỗi bất an trong lòng đến từ đâu. Thôi Mẫn Hành đột nhiên xuất hiện trên đảo, lại đi cùng với người cha vô sỉ vốn ghét cay ghét đắng nhà họ Phó của nó, bỗng đâu lại có người mang thịt rượu ngon lành đến chăm sóc lão… Chuyện này liệu có liên quan đến Phó Thất ? Chẳng lẽ trùng hợp đến thế ? Phương Đăng càng nghĩ càng thấy lạ lùng, câu chuyện này đâu đâu cũng có điểm đáng nghi. Một giả thuyết đen tối đằng sau sự trùng hợp kia khiến nó không dám nghĩ thêm.
“Thôi Mẫn Hành mua rượu cho bố à ?”, nó thử thăm dò.
Lão Phương Học Nông đang cởi áo ngoài, bỗng nhiên chậm tay lai. Đèn đã tắt, nhưng lão vẫn cảm nhận được con gái mình lặng thinh ngồi đó, ánh mắt lạnh lùng dõi theo mình. Lão cảnh giác hơn, đồng thời cảm thấy gượng gạo.
“Con nít con nôi biết nhiều để làm gì ?” Một lát, lão nói thêm, ”Sao tự nhiên mày lại nhắc đến người đó ?”
Tuy không thừa nhận, nhưng phản ứng của cha khiến Phương Đăng càng thêm nghi hoặc. Nó lại sợ cha đề phòng, liền đổi giọng lấp liếm cho qua.
“Tiện miệng thì con hỏi, cũng chỉ thấy mỗi anh ta từng mời cha uống rượu.” Nó lại giả vờ nói bằng giọng mỉa mai như thường ngày, “Nhưng nghĩ lại cũng vô lý. Tiền bố không có, bản lĩnh cũng không, ai người ta dư hơi thiết rượu bố cả ngày. Hay bố lại đi lừa được ở đâu về ?”
Ông Phương Học Nông quả nhiên không nén được giận. Lão ghét nhất con gái dùng giọng điệu như thế đáp trả mình. Ở ngoài người khác xem thường lão thì được, nhưng về nhà thì không.
“Mày thì biết cái gì, đồ thối thây, cứ coi thường bố mày đi, sớm muộn tao cho chúng mày biết tao ‘ra trò’ hơn chúng mày tưởng nhiều đấy.”
“Bố ‘ra trò’ thế nào nào, nói con biết với ?”, Phương Đăng thôi cười.
Ông Phương Học Nông không đáp, tùy tiện quăng mấy tờ giấy bạc sang giường nó : “Việc của ông đây mày đừng nhúng tay vào, đấy, tiền mua thức ăn tuần này đấy.”
Phương Đăng sán lại xem, nhiều hơn thường ngày một chút. Cha nó lại nghĩ ra điều gì, thọc tay vào túi lôi ra mười đồng bạc, “Còn cái này cầm lấy mà mua sách bút gì gì thì mua.”
Bỗng dưng lão cho nó tiền tiêu vặt, đây là chuyện hiếm có. Phương Đăng nặn ra một nụ cười, ngạc nhiên đón lấy tiền rồi hỏi : “Dạo này bố đi đâu nhặt được tiền, hay là đánh bạc được tiền thế ?”
Lão Phương Học Nông ngã ra giường, cứ như nhắm mắt lại là chực ngủ ngay được. Lão rủ rỉ đáp một câu, “Mày cứ đợi đi, đừng tưởng bố đây vô dụng cả đời.’’
Phương Đăng lặng lẽ cất tiền xuống dưới gối. Tiếng kéo bễ của Phương Học Nông chẳng mấy chốc đã vang lên. Nó cảm thấy bất an, cứ trở mình liên tục, như thể dưới gối có một đống lửa đang cháy rực.
Ông Phương Học Nông đánh một giấc đến tận giữa trưa ngày hôm sau, được dịp Phương Đăng bèn lẻn ra ngoài, mới biết Phó Kính Thù vẫn chưa có tin tức gì, già Thôi tiếp tục đi tìm kiếm khắp nơi. Khi Phương Đăng trở về căn gác nhỏ của mình, lão Phương Học Nông đang đứng bên cửa sổ, vừa ngáp ngắn ngáp dài vừa mặc quần áo, không ngừng ngó về phía đối diện. Thấy con gái bước vào, lão bèn quay đi chỗ khác nói : “Chốc nữa tao phải ra ngoài, ông già nhà họ Đổng nghẻo rồi, tao đến giúp việc tang, tối nay không về đâu.”
Phương Đăng thờ ơ gật gật đầu.
“Mày gục gặc đầu cái gì, cứ ỉu xìu như bún thiu.” Phương Học Nông đặt tay lên cửa, quay lại liếc con gái một cái. Thường ngày hiếm khi lão để ý con gái vui hay không, hoặc trong lòng đang nghĩ gì.
Phương Đăng buồn bã trả lời : “Cái tên Phó Kính Thù kia một ngày một đêm không thấy mặt mũi đâu cả, chẳng biết chạy đâu rồi ?”
Phương Học Nông quay đi, lầu bầu đáp : “Tao đã bảo mày cẩn thận đừng để nó lừa, lũ con hoang vô gốc vô gác, biết đâu một ngày nó trở mặt không nhận ai, tự mình cao chạy xa bay, giống như thằng bố vong ân phụ nghĩa của nó ấy.”
Phương Đăng lắng nghe tiếng bước chân của cha xuống nhà, đợi đến khi ông đi xa, nó mau lẹ xông lên giường lão, kéo mạnh cái chăn ra, thò tay dò dẫm dưới gối và trên tấm khăn trải giường. Cuối cùng, nó tìm thấy một vật được bọc bằng giấy dầu trong lỗ thủng trên bức tường phía sau gối. Lỗ thủng này chỉ to bằng nửa viên gạch, phủ sau lớp giấy báo y như những phần tường khác, lại ẩn phía sau gối, nếu không nhờ Phương Đăng dò kỹ từng tấc một, lại phát hiện ra chỗ này có vết hồ mới, e rằng khó mà phát hiện ra.
Lúc đang tìm nó cứ như điên lên, nhưng đến khi cầm trong tay bao giấy nó lại do dự, thở ra một hơi dài mới dám mở ra, lòng gợn nỗi lo, cứ như đang mở chiếc hộp Pandora huyền thoại.
Thứ trong bao giấy hóa ra bình thường vô cùng. Ngoại trừ mấy trăm đồng bạc, có thêm một chiếc lược cũ, giống cây lược trước đây cô Chu Nhan hay dùng, bên trên còn dính vài sợi tóc. MẶt dưới lược là một tấm gương nhỏ nhắn tinh xảo. Phương Đăng run rẩy gấp nó lại. Vật này quá đỗi quen thuộc, có người từng hứa sẽ luôn mang theo bên mình dùm nó. Không cần phí công tốn sức, nó cũng có thể độc trôi chảy hai hàng chữ khắc sau gương : “Quyết không rời xa, thật lòng thật dạ.”
Phương Đăng thấy trước mắt tối sầm, ngã ngồi xuống mép giường. Chiếc giường trúc cũ kĩ phát ra một âm thanh kẽo kẹt kỳ quái, cứ như tiếng rên, gấp gáp chói tai. Nó dùng tay ôm chặt khuôn mặt, giữa bóng tối đang bao vây, toàn thân nó lạnh toát.