Quận vương Tây Bình Tiêu A Thứ là con trai cả của Quốc cữu nước Liêu Tiêu Hiếu Mục, từ nhỏ đã được nuôi trong cung, được chúa Liêu rất yêu thương.
Lần này Tiêu A Thứ đi sứ tới Đại Tống chẳng qua là để giải trí và thưởng thức phong tục tập quán nơi đây, vì thế chỉ gã chỉ là một thành viên bình thường nhưng thân phận là cao quý nhất trong sứ đoàn.
Chính sứ của sứ đoàn nước Liêu là con thứ của Nam Viện đại vương đã qua đời, tiểu tướng quân Da Luật Đậu Nhi.
Một nhóm 5 người bao gồm cả quan lại và tôi tớ, đều là đàn ông.
Vấn đề của sứ đoàn nước Liêu mà lúc đầu Hàn Kỳ phải xử lý là vì Da Luật Đậu Nhi xảy ra chuyện.
Theo lời khai của nhân chứng, khoảng chừng nửa canh giờ trước có một nhóm tự xưng là người của phủ Khai Phong đến tư dinh của sứ đoàn để mời Da Luật Đậu Nhi, đi theo Da Luật Đậu Nhi còn có phó sứ và 3 tùy tùng nữa.
Vì đã sắp tới giờ cơm, Tiêu A Thứ không đợi được bọn Da Luật Đậu Nhi về nên nghĩ có lẽ phủ Khai Phong đã tổ chức tiệc khoản đãi Da Luật Đậu Nhi rồi.
Tiêu A Thứ có chút không vui, sao ăn đồ ngon của Đại Tống mà không mời gã chứ?
Lúc Tiêu A Thứ đang nổi giận thì bỗng tư dinh nhận được 1 bức thư uy hiếp, thông báo Da Luật Đậu Nhi đang ở trong tay họ, chỉ cần phủ Khai Phong bằng lòng giao dịch thì chúng sẽ giao ra bọn Da Luật Đậu Nhi hoàn hảo không chút tổn hại.
Người đưa thư là một cô bé 8 tuổi, nó được một người đàn ông lạ mặt cho 10 đồng nên ngoan ngoãn chạy tới đưa thư.
Tiêu A Thứ nghi ngờ cô bé này là cùng một giuộc với kẻ địch, dưới cơn thịnh nộ đã bắt người lại.
Giờ cha mẹ cô bé nghe tin, 2 vợ chồng đang quỳ trước cửa dinh thự, van lay quan phủ thả đứa con gái vô tội của mình ra.
Bọn Thôi Đào cưỡi ngựa tới dinh thự, nhìn thấy 2 vợ chồng đang quỳ trước cửa, khóc không thành tiếng.
Người vợ xụi lơ bên cạnh chồng, đôi mắt thẫn thờ như sắp ngất.
2 vợ chồng phát hiện Thôi Đào đến, người vợ ngẩn người ra, quan sát Thôi Đào một chút rồi chợt nhận ra gì đó nên liền kéo chồng.
“Cô ấy là Thôi nương tử của phủ Khai Phong, Thôi nương tử phá án như thần đấy!”
Người chồng cũng phản ứng lại.
2 vợ chồng chưa kịp đứng dậy đã vội vàng bò tới phía của Thôi Đào, cầu xin nàng giúp họ cứu đứa con gái đáng thương của mình ra.
“Đào Tử chỉ là một đứa trẻ thôi mà, nó chẳng biết gì hết, là kẻ xấu đã lừa nó!”
Hàn Tống vừa xuống ngựa, nghe người phụ nữ khóc lóc kể lể lập tức giật mình, nhíu mày hỏi: “Ngươi gọi con gái mình là gì?”
“Đào, Đào Tử ạ.” Người phụ nữ ngẩn người ra, “Con gái tôi tên chỉ có một chữ “Đào”, người trong nhà đều gọi nó là Đào Tử.”
Khuê danh của Thôi Đào hiếm khi truyền ra ngoài, người ngoài đều gọi nàng là “Thôi nương tử” hoặc “Thôi thất nương”, vì thế người phụ nữ này không hề biết Thôi Đào cũng tên là “Đào”.
Hàn Tống không thích cảm giác trùng hợp này, rõ ràng đây là một lời cảnh cáo và khiêu khích, có kẻ đang nhắm tới Thôi Đào.
“Họ là gì?” Thôi Đào hỏi.
“Họ Lý ạ.” Người phụ nữ ngơ ngác trả lời, tự hỏi không biết mình đã nói gì sai.
Thôi Đào thầm cười mỉa.
Tiếc thật đấy, không tìm được người trùng tên trùng họ, chẳng có gì đáng kể cả.
Chỉ bằng chuyện này mà muốn dọa nàng ư? Đúng là tấm chiếu mới.
Thôi Đào bảo Lý Tài đỡ 2 vợ chồng lên, nói họ đừng quỳ nữa, cũng chẳng cần đợi ngoài cửa.
Nếu cứu được đứa trẻ, nàng sẽ sai người đưa về nhà giúp.
“Mấy người ở đây khóc rống nhiều khi còn chọc giận sứ giả nước Liêu đấy, tính tình của mấy người này hiện tại không tốt lắm đâu, đừng có châm dầu vào lửa nữa.”
2 vợ chồng không nghĩ tới chuyện này, nghe Thôi Đào kiên nhẫn giải thích nguyên nhân với mình mới vội vàng gật đầu đồng ý.
Cả hai cùng rơm rớm nước mắt van cầu Thôi Đào, xin nàng nhất định phải cứu được con gái mình, duyên con cái của vợ chồng họ mỏng manh, chỉ có mỗi một đứa con gái, tương lai còn định bắt rể để nuôi họ dưỡng già.
Thôi Đào gật đầu, bảo Lý Tài đưa họ về.
Trương Xương đến đón Thôi Đào vào phủ, giải thích cho nàng biết những chuyện mà Tiêu A Thứ gặp phải.
“Sau khi Lục lang tới đây, biết tin chính sứ và phó sứ đã mất tích nên bèn điều động người để tiến hành điều tra.
Quận vương Tây Bình nổi giận, không chỉ liên tục thúc ép mà còn đưa thư vào cung để đòi lời giải thích, bắt phủ Khai Phong và Triều đình Đại Tống phải cho một câu trả lời.”
“Ngài ta chỉ nói thế thôi à?” Thôi Đào hỏi chen vào.
Trương Xương gật đầu, “Nguyên văn hơi khó nghe, giọng điệu rất hung hãn, nhưng nội dung chính là thế.”
Không hề thúc giục phủ Khai Phong nhanh chóng tìm ra Da Luật Đậu Nhi mà chỉ muốn trách móc.
Xem ra vị Quận vương Tây Bình này không thực sự quan tâm tới an nguy của đám Da Luật Đậu Nhi rồi.
“Sau khi ngài ta trút giận xong đã trở về phòng, đuổi tất cả tùy tùng đi, tự giam mình trong đó, bảo muốn yên tĩnh một chút.
Trong phòng đập phá một chút rồi yên lặng, qua 1 nén nhang, tùy tùng gõ cửa hỏi thì chẳng ai đáp lại, chúng lo có chuyện xảy ra nên xông vào xem xét, phát hiện trong phòng trống không, không hề có một ai.”
Trương Xương nói với Thôi Đào, phòng thủ ngoài phòng như lời Lý Viễn đã nói trước đó, 5 bước 1 chốt.
Vì sợ có kẻ địch nhằm vào sứ đoàn nước Liêu, mà Tiêu A Thứ là người có thân phận cao quý nhất trong đoàn, mọi người đều sợ gã xảy ra chuyện nên cực kỳ để ý tới việc bảo vệ gã, canh giữ cũng rất nghiêm ngặt.
Trương Xương nghĩ mãi mà không hiểu, trong tình huống đó mà sẽ Tiêu A Thứ có thể mất tích như một làn khói thế chứ.
“Bọn ta đã lục soát hết trong phòng rồi, không có chỗ nào để ẩn náu, cũng không hề có mật thất.”
“Thôi quan Hàn đâu rồi?” Thôi Đào hỏi.
“Ôi xem đầu óc ta này, quên báo lại chuyện quan trọng nhất cho Thôi nương tử rồi.
Quận vương Tây Bình đưa thư vấn trách vào cung, Lục lang phải tiến cung để tường thuật lại tình hình vụ án này.”
Chắc chắn phía trên sẽ chất vấn, tạo áp lực, mọi mặt đều phải xử lý hết, hơn nữa nếu không xử lý tốt chuyện lần này thì e là 2 nước sẽ trở mặt nhau, dẫn tới phiền phức rất lớn.
Tiên đế khó khăn lắm mới kết tình hữu nghị được với nước Liêu, chỉ vì vụ án này mà bị hủy thì không cần biết là ai, có vô tội hay không, phàm là có dính dáng vào chắc chắn đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm, chửi như tội nhân.
Phủ Khai Phong mà không giải quyết được vụ án này để kịp thời cứu người, không cho ra được một câu trả lời hợp lý thì sẽ bị chụp ngay cái mũ “bất tài vô dụng”, những người phụ trách như họ tất nhiên cũng chẳng được yên thân.
Vụ án này quá đột ngột và phức tạp, dù là ai cũng chẳng thể giải quyết hoặc đối phó nổi với rủi ro như thế.
Nhưng bên trên sẽ không suy xét tới việc công bằng, họ chỉ cần có người chịu trách nhiệm giải quyết, nếu không giải quyết được thì phải truy cứu, cần có người gánh vác trách nhiệm để giúp mọi chuyện lắng xuống.
Có trách thì cũng chỉ trách người đó xui xẻo, ngay lúc này, ở vị trí đó mà dính líu tới vụ án này.
Thôi Đào đến phòng của Quận vương Tây Bình dạo quanh một vòng, bắt gặp vài sứ thần nước Liêu chạy tới.
Những người này cùng phẩm cấp nên đều ăn mặc giống nhau, đội mũ lông màu xám.
Họ huyên thuyên một tràng tiếng Khiết Đan*, nghe giọng điệu và nhìn nét mặt có thể thấy họ đang rất tức giận, hình như đang trách cứ.
(*) Tiếng Khiết Đan hay tiếng Khất Đan, cũng gọi là tiếng Liêu, là một ngôn ngữ đã biến mất từng được nói bởi người Khiết Đan.
Nó là ngôn ngữ chính thức của nhà Liêu và Tây Liêu.
Thôi Đào nghe không hiểu họ nói gì nên cứ giả mắt điếc tai ngơ, tiếp tục đi trong phòng, kiểm tra bệ cửa sổ xem có dấu vết bị giẫm đạp, trên đất có thứ gì bị đổ vỡ không.
Nàng phát hiện trên mặt đất có một hộp bột màu bị quật đổ, bột màu vung vãi hơn nửa ra, nhưng trên đó lại có dấu vết như từng có bàn tay túm vào.
Thôi Đào xác nhận lại với Trương Xương và Lý Viễn, sau khi xảy ra chuyện, họ biết Quận vương Tây Bình mất tích đã tích cực bảo vệ hiện trường, cố gắng không phá hỏng bất cứ manh mối nào.
Vì thế không có ai động vào bột màu này, vết cào hẳn là do Quận vương Tây Bình hoặc kẻ bắt cóc gã đã để lại.
“Tôi thấy trong phòng này cũng không ít đồ đổ vỡ đâu, lúc mọi người điều tra phải chú ý dưới chân đấy nhé.” Thôi Đào thở dài.
Lý Viễn đáp, “Chỉ đành thế thôi.”
Đám sứ thần chạy tới trách móc thấy bọn Thôi Đào không để ý tới mình bèn tức giận hét lớn.
Trong đó có 1 người cố tình gọi phiên dịch viên tới dịch giúp họ, chất vấn bọn Thôi Đào và Trương Xương đã điều tra vụ án thế nào rồi, có tìm được người hay chưa.
“Chính sứ và phó sứ của bọn ta mất tích, các người không tra ra được gì, giờ đến cả Quận vương Tây Bình cũng mất tích dưới sự bảo vệ của các người nữa.
Ta thấy đây hẳn là âm mưu của Đại Tống các người rồi, định gài bẫy sứ đoàn nước Liêu bọn ta để khơi mào chiến tranh đúng không? Vậy bọn ta sẽ giúp các người toại nguyện, bẩm báo chuyện này tới Quốc chủ, mời người phái binh đến xử tội, đòi Đại Tống một lời giải thích vậy.” Phiên dịch viên trưởng Sở Minh Kiệt dịch lại.
Trong lúc Thôi Đào lắng nghe đã bị đám kia dùng thái độ phẫn nộ và khinh bỉ nhìn chăm chăm.
Nghe xong, trong ánh mắt mong chờ của một vài người, nàng bĩu môi, nhướng mày, khẽ gật đầu rồi quay lại tiếp tục kiểm tra điểm tâm trên bàn.
4 khay bánh ngọt vẫn được bày ra gọn gàng, có vẻ như chưa từng bị đụng tới, nhưng nhìn số lượng trong đĩa thì hẳn đã giảm đi một ít.
Cơm canh ở dinh thự đều do Đại Tống cung cấp, Đại Tống giàu có sao có thể ki bo vài ba khay điểm tâm được chứ? Sao bánh ngọt không đầy trong khay mà chỉ thiếu mất một vòng? Nhất là khay bánh quế, mất nhiều nhất.
“Điểm tâm này được đưa tới khi nào vậy?” Thôi Đào hỏi.
Nha hoàn phụ trách hầu hạ vội đáp lời, báo rằng điểm tâm trong phòng này được bày ra trước khi Quận vương Tây Bình trở về phòng.
“Chỉ có bấy nhiêu thôi à?” Thôi Đào vừa nói vừa chà lòng bàn tay vào cái bàn một chút, lập tức có vài vụn điểm tâm trắng dính vào tay nàng.
Nha hoàn thành thật nhìn điểm tâm trên bàn, “Hình như là hụt đi một ít ạ.”
Bọn Lý Viễn thấy thế có hơi sốt ruột.
Họ đều biết Thôi nương tử thích ăn uống, nhưng trong tình cảnh này mà nàng còn để ý Quận vương Tây Bình nước Liêu ăn gì để làm chi chứ? Chuyện quan trọng hàng đầu là phá án cơ mà!
Lý Viễn vừa nghĩ tới đây thì người trong sứ đoàn nước Liêu cũng hỏi ngay vấn đề này.
Phiên dịch viên dịch ra, thay lời “trách móc” Thôi Đào.
Thôi Đào vẫn không thèm để ý họ nói gì, bưng khay bánh quế lên mũi ngửi một chút, khen mùi hương này rất thơm.
“Không ngờ ở dinh thự các người lại có đầu bếp giỏi thế đấy!” Thôi Đào cảm khái với nha hoàn.
Nha hoàn đã phát hiện ra bầu không khí nguy hiểm trong phòng, lúng túng đáp lại rồi rụt cổ không dám lên tiếng nữa.
“Ngươi —” Một tên trong sứ đoàn là Tiêu Sa Câu đột nhiên vọt tới trước mặt Thôi Đào, trỏ vào mũi nàng rồi dùng tiếng Hán không mấy lưu loát mắng, “Ngươi dám xem thường bọn tau, to gan thật!”
“Bọn “ta”.” Thôi Đào sửa lại cách phát âm cho hắn.
Tiêu Sa Câu càng tức hơn, “Tau sẽ bắt ngươi phải hối hận!”
“Bắt tôi hối hận cái gì? Hối hận vì không cầu xin mấy người tha thứ à?” Thôi Đào hỏi.
Tiêu Sa Câu nhìn Thôi Đào, nét mặt đã bớt phẫn nộ đi, rõ ràng họ nghĩ rằng nàng nên làm thế, cầu xin họ tha thứ.
“Vậy nếu tôi xin thì mấy người có tha thứ không?” Thôi Đào mở to đôi mắt trong veo của mình, tò mò nhìn đám người đi theo.
Tiêu Sa Câu lập tức nói không thể nào.
“Vậy thì tại sao tôi phải hối hận? Khúm núm dỗ dành mấy người cũng đâu có được tha thứ, chi bằng tôi tiết kiệm sức lực, sống có mặt mũi một tí, tốn thời gian để tra án và giải quyết vấn đề thì hơn.”
Thôi Đào giải thích xong bèn hỏi bọn Tiêu Sa Câu còn định bô bô tới khi nào nữa.
“Đại Tống chúng tôi là một đất nước quy củ, có thể khoan dung cho các vị nói bậy nói bạ, nhưng nếu các người cản đường khiến tôi điều tra sai thì tôi sẽ nghĩ đó là nội bộ các người làm ra để cố tình kích động chiến tranh, trong ngoài phối hợp nhau để diễn trò vu oan cho chúng tôi đấy.”
Bọn Tiêu Sa Câu kinh ngạc, không ngờ Thôi Đào không biết tiếng Khiết Đan nhưng vẫn hiểu họ đã mắng mình.
Vì vừa nãy người phiên dịch chỉ dịch lại nhưng không nói những lời tục tĩu của họ.
“Ngươi ngậm máu phun người, bọn tau không có!” Tiêu Sa Câu giải thích rồi lại dùng tiếng Khiết Đan mắng nàng vô liêm sỉ, vì muốn trốn tránh trách nhiệm mà đổ lỗi cho họ, mắng người Tống là đám gà bẩn thỉu, cực kỳ rẻ mạt.
“Thật là không có sao?” Thôi Đào cười mỉa
“Tất nhiên là không, ngươi nói vậy có ý gì?” Tiêu Sa Câu nháy mắt, cao giọng chất vấn Thôi Đào, “Những