13.
Vợ của chú Triệu nhà bên cạnh mất năm Trần Đăng mười tuổi, bị chú ấy đánh đến chết.
Chú Triệu nói với mọi người do bà ấy ngã dập đầu, nhưng cơ thể nhuốm đầy máu kia, tôi thấy, Trần Đăng cũng thấy.
Người phụ nữ bị người thân bán đi từ nhỏ như thím ấy, dù chết như thế nào cũng chẳng ai thèm tìm hiểu sâu hơn.
Những dải vải trắng bay phấp phới, trong thôn lại có thêm nhiều đề tài hơn để nói chuyện.
Không có thím, chú Triệu lập tức không cho Trần Đăng đi học.
“Nhìn tao đây này, một chữ cũng không biết nhưng vẫn sống tốt đấy thôi!”
Mẹ tôi nghe vậy thì lắc đầu, ban đêm tìm đủ hai suất học phí, nhét một phần vào ngực tiểu Trần Đăng.
Một vài sợi tóc trắng lơ thơ trên mái đầu của mẹ, tôi khó hiểu, bà ấy mới chỉ 30 tuổi thôi mà.
Lúc chú Triệu biết thì rất vui mừng: “Đông Chi à, dù sao đây cũng coi như là tiền bồi dưỡng con rể tương lai, không lỗ đâu!”
Mẹ tôi trừng mắt nhìn chú ấy, không nói nửa chữ.
Về sau nhà bên cạnh nồng nặc mùi rượu mỗi ngày, bẩn thỉu như cái chuồng lợn.
Trần Đăng dần trở thành đứa con trai của mẹ, anh từng bước cởi bỏ sự ngây thơ, vội vàng lớn lên với tốc độ ánh sáng.
Tháng năm đổi dời, luân chuyển không thôi.
Tôi dựa vào lan can cửa, gấp giấy làm ngôi sao với đủ mọi màu sắc, tôi mỉm cười bốc cho anh một nắm, anh tịch thu, ánh mắt bình thản, nói với tôi phải chăm chỉ học tập.
“Chăm chỉ học tập, Giang Chúc, chỉ có vậy chúng ta mới có thể rời khỏi nơi này.”
“Vậy mẹ thì sao?” Tôi ngẩng đầu hỏi anh.
“Chúng ta đưa cả bà ấy theo.”
Lời nói năm xưa giống như những viên gạch thủy tinh vỡ, mũi nhọn đâm thẳng vào tim tôi khiến tôi mỗi khi nghĩ đến lại đau đớn vô cùng.
Về sau Trần Đăng quả thật đã đi, đi đến thế giới xinh đẹp hơn, đầu cũng không ngoảnh lại.
Mẹ cũng đi rồi, là thực sự đi rồi, không thể trở về được nữa.
14.
Ngày tháng cứ thế trôi, cho đến khi chúng tôi mười sáu tuổi.
Dưới gốc cây đa có khá nhiều người đứng, Sỏa Xuân trong thôn cười khà khà bên cạnh tôi: “Anh cậu phải đi rồi!”
Tôi mắng cậu ta đừng có nói bậy, nhưng trong lòng vẫn bồn chồn.
Trước khi anh ngồi lên chiếc xe màu đen, tôi dùng hết sức lực chạy về nhà, xé tờ giấy có ghi số điện thoại dưới đáy lọ sao, nhét chiếc lọ vào tay anh.
Anh cười với tôi, lại chạy đi tìm người đàn ông kia nói gì đó.
Người đàn ông lắc đầu, vẻ mặt Trần Đăng chán nản đi đến chỗ tôi.
“Giang Chúc, chờ anh tới đón em.”
Lòng bàn tay đang nắm chặt tờ giấy của tôi đổ đầy mồ hôi, người đàn ông trung niên dẫn anh đi liếc nhìn tôi, ý nghĩ khó hiểu.
Tôi cũng ngẩng đầu nhìn chằm chằm ông ta.
Đó là bố Trần Đăng, người đàn ông điều hành một công ty rất lớn, thường xuất hiện trên các bảng quảng cáo lớn.
Khuôn mặt của họ rất giống nhau, chỉ có điều nét mặt của Trần Đăng nhiều nét trẻ con hơn, thiếu chút khôn khéo.
Nhiều năm trước, trong lúc vô tình tôi nhìn thấy bảng quảng cáo lớn ở nơi khác đã có suy đoán như vậy.
Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng tôi cũng tìm thấy dãy số này.
Ba năm trước, tôi gọi điện cho họ nói rằng Trần Đăng đang ở thôn Bắc Tề.
Khi đó họ không tới, tôi có chút mất mát, nhưng lại mừng thầm.
Đám đông dưới gốc cây ngô đồng giải tán, chỉ còn lại Sỏa Ngu ngồi xổm trên mặt đất với tôi.
Tôi hỏi cậu ta: “Sỏa Xuân, liệu cậu
có nhớ anh Đại Lực không?”
Sỏa Xuân lắc đầu.
“Không phải anh Đại Lực, bọn họ đều nói anh ấy tên Trần Đăng.”
15.
Gió đêm bên hồ khẽ đung đưa hòa lẫn với tiếng cười của một đôi nam nữ cách đó không xa đồng loạt truyền tới.
“Cho nên, là do cuộc điện thoại đó.” Anh dùng giọng điệu khẳng định.
Đúng vậy.
Sớm biết anh sẽ không trở về, lẽ ra tôi đã cắt đứt những suy nghĩ trong lòng, vứt đi số điện thoại duy nhất có thể liên lạc được với anh mới đúng.
Nhưng lúc đó làm sao tôi có thể buông bỏ được.
Chú Triệu bị đánh gãy chân, nằm yên trong phòng không thể nhúc nhích.
Mẹ sốt cao, tôi thấy ông ta đáng thương bèn mang cơm sang.
Đặt cơm ở cửa sổ xong, tôi vốn định xoay người rời đi.
Không ngờ lại bị ông ta túm chặt tay, ông ta hỏi con trai ông ta đâu, hai con mắt trợn trừng, lực nắm như thể muốn bóp nát xương cổ tay tôi.
Tôi khóc lóc muốn tránh thoát, lại bị ông ta giật lấy chiếc áo khoác màu hồng.
Có một mảnh giấy trong chiếc áo của tôi.
Hôm đó mưa rất lớn, tôi vĩnh viễn nhớ rõ, đó là trận mưa cuối cùng tôi nhìn thấy trong cuộc đời.
Chú Triệu bò đến cổng sân nhà chúng tôi.
Mưa trộn lẫn với đất tạo thành lớp bùn trơn trượt.
Ông ta nói: “Đông Chi, mở cửa, là tôi đây.”
Mẹ tôi mệt lử, tôi bèn cầm ô đi ra cửa, nhìn thấy ông ta ngửa đầu quỳ rạp trên mặt đất, giọng nói run rẩy kêu ông ta mau về nhà.
Nhưng ông ta không nhúc nhích, chỉ cười.
“Chúc Nữu, chú Triệu trước kia không làm gì có lỗi với con đúng không.”
Giọng nói của ông ta không lớn lắm, tôi phải cúi người xuống nghe.
Nhưng ông ta đột nhiên lấy từ thắt lưng ra hai cái chai nhỏi, dùng hết sức ném vào mắt tôi.
Cơn đau đớn ập đến, ông ta cười điên dại.
“Đầu bên kia điện thoại là bố ruột của nó, Chúc Nữu, con bảo chú phải sống như thế nào!”
Trong chai là axít, trước đây ông ta làm việc ở nhà máy hóa chất nên còn giữ lại.
Trần Đăng đột nhiên dừng bước.
Anh nhẹ nhàng tháo kính râm của tôi xuống, thật lâu sau không nói gì.
“Chắc cũng không đến nỗi xấu lắm, có gắn tròng mắt giả rồi!”
Từ nơi xa truyền đến một tiếng chó sủa, át đi tiếng nức nở trầm thấp của Trần Đăng.
Nhưng tai tôi tốt như vậy, sao có thể không nghe thấy được.
Tôi đeo kính râm lại: “Đều đã qua rồi.”
“Nhưng mà Trần Đăng, vì sao anh không trở lại thăm em?”