Phục Thăng gật đầu, anh cất giọng đều đều kể:
-Đất Sài Gòn này ban đầu chỉ là các điểm thu thuế của Đàng Trong.
Sau khi dân tứ xứ tự ý đổ về sinh sống quá nhiều lên đến hơn bốn mươi ngàn hộ...
-Giai đoạn đó em biết, vô cùng rối ren, những kẻ trốn lính, tội phạm trốn án, dân giang hồ cùng dân nghèo mạt hạng đều dạt về đó.
Tuy nguy hiểm vì vào đó chẳng khác nào đến long đàm hổ huyệt, nhưng có thể đổi đời được nên rất nhiều người bất chấp nguy hiểm đổ xô vào nam.
Phục Thăng ngạc nhiên nhìn Ngọc Phương, chợt nhớ ra cô bé này đến từ 400 năm trước, nên đối với việc này cũng chỉ như anh xem tin tức hằng ngày.
Anh kể tiếp:
-...!Để kiểm soát nhằm áp đặt sự cai trị của mình, Chúa Nguyễn đã sai ông Nguyễn Hữu Cảnh vào đây để lập phủ Gia Định.
Tuy nhiên số quân lính mang theo lúc đó không thể đáp ứng được nhu cầu vừa giữ gìn trị an, vừa khẩn hoang nên ông ấy đã nghĩ ra một cách.
Đó là chiêu an những tay giang hồ, trốn án bằng cách xóa hết xét án tích cũ để họ giúp một tay cho quân đội.
Tuy có giúp ích được, nhưng họ cũng vì lợi ích riêng mà đấu đá chém giết lẫn nhau, nên khá hỗn loạn.
Ngọc Phương chép miệng:
-Những chuyện này dĩ nhiên nằm trong dự tính của "Hắc Hổ" Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh rồi, bọn họ có vùng vẫy quậy phá đến mấy thì vẫn nằm trong mọi dự tính của ông ấy mà thôi.
Phục Thăng cười ha hả:
-Kể chuyện người xưa với cô bé đến từ quá khứ quả thật dễ dàng ha, em có gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh chưa?
-Làm sao em gặp được, khi em sinh ra thì ông đã mất lâu rồi, chỉ còn được nghe danh tiếng của ông ấy.
- Ngọc Phương lắc đầu.
Phục Thăng tò mò:
-Kể cho anh nghe thử, có lẽ nhiều chuyện em rõ mà các sử gia ngày nay lại không biết đến lắm.
Ngọc Phương cười:
-Lễ Thành Hầu là người cao lớn, da đen, giọng như sấm rền, lại dũng mãnh và có trí tuệ hơn người nên được người đời xưng tụng là "Hắc Hổ".
Mới 20 tuổi đã được phong chức Cai Cơ.
-Cai Cơ là chức to không?
-Cai Cơ là chức tước khá lớn của võ quan, một người mới 20 tuổi như Lễ Thành Hầu đã được phong chức đó thật sự rất đáng kinh ngạc.
Nói cho anh dễ hiểu thì Cai Cơ có thể quản đến hơn 3000 binh sĩ.
Phục Thăng nhẩm tính:
-Nếu so với ngày nay thì ông ấy sẽ đeo lon Trung Tá hoặc Đại Tá, chỉ huy cả một trung đoàn.
Đúng là trẻ tuổi mà chức cao thật, chứng tỏ tài năng của ông Nguyễn Hữu Cảnh quả nhiên kiệt xuất.
Ngọc Phương thè lưỡi:
-Đại nhân diệt cả Chân Lạp và Chiêm Thành, rồi mở rộng một vùng bờ cõi phía nam.
Với võ công ấy mà anh dùng chữ "kiệt xuất" vẫn chưa xứng với ông đâu.
-Ừ, chính vì giỏi như vậy mới có thể điều khiển Thất Gia chứ.
- Phục Thăng nói.
-Có phải đại nhân chọn ra Thất Gia để hỗ trợ triều đình không?
Phục Thăng lắc đầu:
-Ông ấy không chọn mà âm thầm hỗ trợ tài lực cho bảy dòng họ mạnh nhất trong đám giang hồ lục lâm đó.
Mỗi người cát cứ một vùng, phụ giúp triều đình giữ gìn trị an, chống thú dữ và các thế lực chống đối.
Đổi lại họ được làm ngơ cho một số hoạt động kinh doanh phi pháp của mình, miễn là không gây xáo trộn đến xã hội là được.
Ngọc Phương nói:
-Bảy nhà thì dù có chia thế nào cũng phát sinh va chạm lợi ích, chuyện chung sống hoà bình, san sẻ lợi ích cho nhau chỉ có trong truyện cổ tích.
Họ chắc chắn sẽ đánh nhau, cho nên mới có Đặng Gia xuất hiện để đóng vai trò giải quyết những mâu thuẫn của Thất Gia phải không anh?
Phục Thăng giơ ngón tay cái lên trước mặt Ngọc Phương rồi đáp:
-Em nghĩ đúng rồi đó, tổ của họ Đặng nhà anh đã đi theo ông Nguyễn Hữu Cảnh vào đây.
Do tính cách công minh chính trực và khả năng phân xử đặc biệt của mình, nên được ông ấy giao việc làm trọng tài cho Thất Gia khi bọn họ muốn hoà đàm hoặc cần phân xử.
-Theo lời anh nói thì bọn họ vẫn đánh nhau, nhưng khi cảm thấy càng đánh càng lâm vào ngõ cụt, muốn thoát khỏi tình thế