Ngược Về Thời Minh

Lo Trước Tính Sau


trước sau



Mã Liên Nhi rất lúng túng, sợ bị người khác hiểu nhầm là anh em thì càng tệ hơn nên đành đỏ mặt đáp bừa:

- Đại thúc, xin lỗi thúc. Cháu và... tướng công đang rời nhà đi xa. Đại thúc hơi quá cẩn thận rồi!

Dương Lăng giật mình, lúc này y mà giải thích nữa thì không khỏi càng rối rắm hơn nên đành ngậm miệng làm thinh. Đại hán chợt nói:

- Ta biết rồi, năm mới về nhà mẹ phải không? Quân Thát gây khổ nhiều quá. Chúng ta cũng từ trong thành trốn tới đây, vậy cùng đi với nhau nhé!

Đại hán họ Hàn, gọi là Hàn Lâm, con trai trưởng là Hàn Uy, con trai thứ là Hàn Võ, còn cậu út có tên hơi tầm thường một chút, gọi là Mãn Thương (đầy kho). Người dân có hoàn cảnh thiếu hụt thường đặt cho con mình cái tên may mắn để lấy khướt. Dương Lăng đã từng biết mấy người có tên Mãn Thương rồi, đáng tiếc là đa số những người có tên như vậy đều nghèo rớt mùng tơi.

Hàn Lâm náu mình ở vùng núi hẻo lánh nơi biên thùy, dọc đường đã thu nhận khoảng một trăm người dân đang chạy giặc, tất cả đều phải dựa vào tay nghề săn bắn của cha con họ mới có thể sống sót. Cả nhà xem ra cũng khá chất phác, gió lạnh át tiếng không tiện chào hỏi nhiều nên họ chỉ cười cười khách khí rồi vác thú săn được lên lưng, đi nhanh về phía trước.

Chú bé Mãn Thương tới dắt con hoẵng đi, cười hì hì hết nhìn Dương Lăng lại nhìn Mã Liên nhi. Cậu tới sát Dương Lăng, líu lo:

- Dương đại ca, vợ của huynh đẹp thật đấy! Xinh hơn chị của đệ nhiều.

Mã Liên Nhi nghe được đỏ cả mặt, thoáng nét vui mừng. Được gọi là "vợ" khiến cô nàng mới biết yêu này ngây ngất mãi. Dương Lăng ngượng nghịu chẳng thể thừa nhận hay phủ nhận, đành ho khan giả điếc.

Hàn Võ nói với Hàn Uy:

- Đại ca, sau khi có tuyết lớn thì bầy thú kéo nhau đi kiếm ăn, quả thực là cơ hội săn bắn rất tốt. Xem ra cả trăm người đều có thể húp canh thịt rồi.

Hàn Uy đáp:

- Ừ, những người trẻ tuổi đều lập nhóm tới vùng lân cận hái hoa quả khô, thêm vào thú săn được của chúng ta thì có thể khiến mọi người đều được ăn no. Phỏng chừng chập tối là có thể đến Kê Minh rồi.

Hàn Võ liền cất tiếng chửi:

- Ngay cả ông già với trẻ con còn biết đi xung quanh nhặt củi khô để mọi người sưởi ấm đấy! Nhưng tên tam ca nhà họ Dương lại quá hèn hạ, chẳng chịu làm gì cả, lúc ăn cơm lại còn cố vơ vét, thật khiến người ta bực cả mình!

Hàn Uy huých hắn một cái:

- Đừng cằn nhằn nữa, cha mà nghe thấy lại đá vào mông đệ đấy! Dù sao đó cũng là bà con của em rể chúng ta, không nên so đo với gã làm gì.

Bên cạnh, Hàn Mãn Thương vừa ra sức kéo con hoẵng nhỏ vừa hào hển nói:

- Theo đệ thì chúng ta không nên chạy trốn nữa. Đám giặc Thát tới thôn ta chỉ hơn ba chục tên, bằng võ nghệ của cha và chúng ta thì sao không thể trừng trị được chúng chứ?

Hàn đại thúc đang đứng trên một mỏm đá, gằn giọng quát con:

- Cuồng vọng kiêu căng! Chúng ta có thể trừng trị được mấy chục tên giặc Thát kia, nhưng khi chúng quay lại sẽ dẫn theo vài trăm vài nghìn tên đến san bằng cả thôn. Một cá nhân võ nghệ cao cường so với vạn quân thì có tác dụng gì chứ?

Lão chống nạnh dạy bảo con trai:

- Lúc ta còn ở Thiếu Lâm học nghệ, đã từng nghe kể, lúc Tổ Tĩnh gặp nạn, Đạo Diễn đại sư mời ba trăm tăng binh của phái Thiếu Lâm tới trợ chiến. Cuối cùng chỉ có hơn một trăm người trở về, phân nửa đã tàn phế. Lúc đó, dẫn đầu là trưởng lão Hư Vân đại sư của La Hán đường, có công phu Kim Chung tráo và Thiết Bố sam đao thương bất nhập cũng chỉ chống đỡ được trong thời gian uống cạn chén trà rồi bị loạn tiễn bắn như con nhím.

Hàn Mãn Thương không phục nên hỏi lại:

- Vậy thì học võ cũng chẳng có tác dụng gì ư?

Hàn lão nhẹ giọng đáp:

- Cũng không hẳn như thế! Ba trăm tăng binh Thiếu Lâm kia cũng chiến đấu ngoan cường được trong vòng một canh giờ với hai nghìn quân địch. Nhưng khi đại quân giao chiến thì mấy trăm cao thủ võ thuật có tác dụng gì chứ?

Dương Lăng thấy tên nhóc con kia có vẻ chán nản liền phỉnh:

- Đừng nhụt chí! Đó là do người chỉ huy không biết cách thôi. Phái những cao thủ như thế đi xông pha chiến đấu thì tất nhiên không có tác dụng gì rồi. Nếu như giao cho họ cướp đốt lương thảo, ám sát tướng địch thì còn có tác dụng hơn mấy vạn đại quân đấy.

Dương Lăng nói tới đây chợt nghĩ đến một điều khiến y giật thót mình: ”Không phải chứ? Y họ Hàn, có ba đứa con trai, từng học nghệ ở Thiếu Lâm, bây giờ là một thợ săn....".

Dương Lăng hơi hoảng hốt: "Lẽ nào đây chính là cha vợ, anh vợ và em vợ mà mình chưa từng được gặp sao? Mình không biết họ đã đành, thế quái nào mà họ cũng không nhận ra mình như vậy nhỉ?”

Thực ra, nếu bây giờ mặt hắn không dính đầy bùn đất thì lão Hàn cũng không thể nhận ra ông con rể của mình được. Sau khi con gái mình lấy chồng, tuy lão Hàn cũng từng gặp con rể mình vài lần nhưng khí sắc hiện tại của hắn khác xa vẻ mặt vàng vọt, hơi thở thoi thóp trước kia.

Từ miệng của những người dân trong làng đang chạy nạn, Hàn Lâm biết được con rể đã bình phục và dọn vào Kê Minh ở rồi. Cho nên bây giờ dù có thấy Dương Lăng quen quen thì lão cũng không thể nghĩ tới cái tên mang vợ vào thành thăm người thân lại là con rể mình được.

Mà chính Dương Lăng cũng chưa từng gặp người nhà của Ấu Nương. Trước đây vì sợ Ấu Nương phát hiện sơ hở nên mỗi khi nàng tán gẫu nhắc tới người nhà, y cũng đều không dám dò la tên tuổi của họ là gì. Lúc này cảm thấy nghi nghi, Dương Lăng liền luống cuống.

Y thấp thỏm bất an, ngượng ngập bắt chuyện với lão
Hàn:

- Hàn đại thúc, các người từ đâu trốn tới đây vậy?

Hàn Lâm đáp:

- Từ dãy núi Bình Vân. Chúng ta đi săn trong núi khoảng mười ngày, vừa mới về làng thì đụng phải giặc Thát, phải vội vàng cùng dân làng chui vào khe núi. Còn hai người từ đâu tới đây thế?

Dương Lăng giật thót, dãy núi Bình Vân à? Không thể sai được rồi, người đàn ông vạm vỡ mặc đồ da thú, tướng người rắn rỏi bị mình lừa chính là .... cha vợ của mình!

Y khục khục cười gượng, vội vàng nói chữa:

- Đại thúc hiểu lầm rồi, vị tiểu thư này không phải vợ của cháu. Vì vừa rồi chưa biết rõ ngọn nguồn nên mới nói dối thúc.

- Ồ?

Hàn Lâm nhìn y ngờ vực, Dương Lăng vội giải thích:

- À ừm.. Thực ra chúng cháu chạy tới đây báo tin cho quân Đại Minh. Rút cuộc khi chiến sự xảy ra, bọn cháu bị quân Thát truy đuổi mà lạc vào khu rừng này. Còn việc... là do lúc đó nàng quá sợ hãi. Ngài là người từng trải, chắc ngài cũng hiểu phải không? He he he....

Hắn vênh mặt với ông bố vợ, cười đúng chất của một gã đàn ông đích thực.

Hàn Lâm hiểu ý cười hô hố rồi vuốt vuốt râu, xem ra chính lão cũng không biết mình hiểu cái gì nữa, tuy nhiên lão cũng không tiện hỏi lại. Dương Lăng thừa cơ kể sơ qua hàng loạt chuyện mình đã trải qua, bao gồm đưa tin, gặp mai phục, chạy trốn, gặp sói để ”gài hàng” với ông bố vợ.

Đám người trong khe núi lợi dụng địa thế tự nhiên, dùng thân cây dựng lên rất nhiều lều cỏ hình chóp, trên nóc được lợp lá cây để chắn tuyết, tạo thành những ngôi nhà tạm. Bây giờ, phía trước mỗi túp lều đều có một nồi sắt sứt miệng bắc trên những chiếc bếp xếp bằng đá, gỗ cháy tí tách, tuyết trong nồi đã được đun sôi, khói trắng bốc lên mịt mù.

Những người chạy nạn này dường như đã có kinh nghiệm chạy giặc nên chậu, nồi, bát, muỗng đều đủ cả. Thực ra, bình thường tất cả tài sản của họ cũng chỉ có mấy thứ này thôi. Thấy cha con Hàn Lâm mang về được nhiều thú như vậy, những người dân ăn mặc lam lũ, mặt mày ngây dại đều trở nên có sức sống hơn, nhao nhao tới giúp bọn họ khiêng thú vào giết mổ.

Mặc dù Hàn lão đại mang về hai người khách lạ, một người lại là một mỹ nhân xinh như hoa như ngọc, nhưng bọn họ, kể cả là những thanh niên khí huyết cương phương cũng không thèm nhìn lâu. Trên đường chạy nạn, họ đã nhìn thấy quá nhiều rồi. Mà bây giờ đối với bọn họ, sắc đẹp không có sức mê hoặc bằng một chiếc màn thầu.

Hàn Lâm mời Dương Lăng và Mã Liên Nhi tới trước lều của mình ngồi. Hàn Uy cắt vài miếng thịt sói, thịt hươu quẳng vào trong nồi. Có một bà già tóc bạc cẩn thận lấy ra một chiếc túi vải, thả vào từng chiếc nồi một ít gạo, rồi thêm một chút muối, cuối cùng thả vào rất nhiều quả khô do những người dân chạy giặc kiếm được. Trong không khí bắt đầu tỏa lên mùi thức ăn.

Lúc này, có một giọng nói già nua cất lên:

- Hàn Lão đệ, hôm nay có thể tới được Kê Minh không? Có một vài bà con bị trúng phong hàn, không thầy không thuốc, sợ rằng không chịu nổi nữa rồi.

Nhìn về phía tiếng nói, Dương Lăng thấy một ông lão chống gậy lảo đảo bước tới. Ông có gương mặt chữ điền, khuôn mặt đỏ au, đôi lông mày dài bạc phơ. Vừa nhìn thấy Dương Lăng, ông lão liền ngẩn người, Dương Lăng cũng giật mình nhìn kỹ lại ông ta. Y đã nhận ra ông lão này, ngày thứ hai sau khi sống lại chính ông lão này còn lên núi thăm hắn. Vị này chính là tộc trưởng họ Dương, Dương lão thái gia.

Ông lão ngẩn người một lúc rồi đột nhiên tức giận, quơ gậy nhằm đánh Dương Lăng, miệng thì chửi:

- Cái thằng chẳng ra gì này, ngay cả sản nghiệp tổ tiên cũng đem đi bán! Ngươi có xứng với cha ngươi không? Có xứng với liệt tổ liệt tông không hả? Chuyện đại sự như vậy lại không bàn với ta, ngươi đã trưởng thành hay chưa vậy?

Dương Lăng ngỡ ngàng lùi về phía sau, không biết cụ lớn này nổi giận vì điều gì: “Ta bán đất của ta thì việc gì phải bàn bạc với ông nhỉ? Lại còn tức giận như thế nữa, chẳng nhẽ ngay cả chuyện này cũng phải hỏi gia tộc sao?”

Hàn Lâm giữ tay Dương lão thái gia lại, cười nói:

- Sao lão ca lại làm thế? Có chuyện gì thì cứ nói cái đã.

Dương lão thái gia căm hận trả lời:

- Biết ngay là ông bênh con rể ông mà! Tên tiểu súc sinh này bán cả sản nghiệp tổ tiên, chuyện lớn như vậy mà không bàn bạc với người trong tộc, hắn có còn coi mình là người họ Dương nữa không chứ?


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện