Lâm đế ra lệnh cho thuộc hạ điều tra vụ việc thái tử gặp hổ dữ, mặc dù phần lớn văn võ đều cho rằng đây chỉ là chuyện ngoài ý muốn, nhưng dù sao đương sự cũng là hoàng tử, công chúa trong hoàng thất, về tình về lý đều nên điều tra một chút.
Nhưng tra tới tra lui, cũng không tra ra điều gì dị thường.
Trong núi có hổ dữ là chuyện hết sức bình thường, nhớ mấy năm trước Lâm Đế đi săn cùng tiên hoàng, cũng chạm trán hai con gấu đen lớn, suýt chút nữa gặp nạn.
Thú dữ đột nhiên xuất hiện tấn công con người trong núi rừng thực sự không được xem là chuyện hiếm lạ, cuối cùng tra lên tra xuống cũng chỉ có thể trách Thái tử và Ngũ công chúa quá xui xẻo.
Ngoại trừ Nguyễn Quý Phi và đám thuộc hạ thân tín của Nguyễn Tướng, không ai biết con hổ dữ này thật ra là hổ do Tướng phủ nuôi.
Mưu hại Thái tử là tội nặng chu di cửu tộc, nhưng từ cổ chí kim đến nay con đường đoạt đích là như thế, vạn phần hung hiểm, cầu phú quý đương nhiên phải chấp nhận rủi ro lớn, nếu hiện tại không động thủ, tương lai Thái tử đăng cơ, tất cả vinh quang, phồn vinh của Nhất tộc Nguyễn Thị sẽ tan thành mây khói.
Cho nên chuyện này dù nguy hiểm đến đâu cũng nhất định phải làm, nhưng phải làm khéo léo đến độ không một ai có thể nhìn ra sự cố ngẫu nhiên này hóa ra lại là âm mưu tinh vi của bàn tay con người can thiệp.
Lợi dụng mùi hương, dẫn dụ hổ dữ tấn công, giả như chuyện ngoài ý muốn, là phương thức gây án hoàn hảo nhất.
Hổ dữ này tướng phủ nuôi đã 3 năm.
Trên thực tế Đông cung và Vân Hi cung đều có một lối riêng bí mật, nội quan được cài vào Đông cung sẽ bí mật lấy cắp những đồ vật, quần áo mà thái tử không dùng nữa đem ra khỏi cung.
Hổ dữ được tướng phủ huấn luyện ngày ngày làm quen với mùi này để có thể xác định chính xác vị trí của thái tử sau khi được vận chuyển đến khu rừng thái tử đang săn bắn.
Kỳ thực mục tiêu của bè cánh tể tướng không phải là mưu sát Thái tử mà chỉ muốn làm gãy tay chân, hoặc mù mắt của y.
Một khi chủ nhân Đông cung bị tàn tật, y sẽ mất đi tư cách Thái tử.
Nhưng thế nào bọn họ cũng không nghĩ đến, cái bẫy tỉ mỉ họ cất công bố trí bao năm lại bị một tiểu nha đầu phá hỏng.
Nguyễn Quý Phi đang ngồi trong cung uống trà; chậm rãi đợi tin tức Thái Tử gặp nạn.
Nhưng kiểu gì cũng không ngờ đến, bản thân bà ta còn chưa kịp vui mừng đã nghe cung nhân báo Thái tử bất ngờ bị thú dữ tấn công nhưng may mắn bình an trở về.
Nguyễn Quý Phi tức đến nghiến răng, ném ly trà nóng hổi đang bốc hơi nghi ngút vào khung cửa: "Tiện nhân, chỉ giỏi phá hỏng chuyện tốt của bổn cung."
Lời này đương nhiên là chửi Lâm Phi Lộc và Hề Quý Phi.
Nguyễn Thị và Hề Thị mặc dù cùng là quý phi, nhưng nhiều năm qua nước sông không phạm nước giếng, không giao hảo, cũng không trở mặt.
Nguyễn Thị biết Hề Đàn không để tâm đến việc tranh sủng, nàng ta tiến cung chỉ vì bị trọng thương không thể tiếp tục tự do tự tại cầm quân đánh giặc, chẳng thà gả cho đế vương, phát huy chút giá trị còn lại của bản thân cho Hề gia sự bảo hộ cuối cùng.
Dù sao thì từ xưa binh quyền vốn là điều kiêng kỵ trong lòng đế vương, mặc dù Hề gia một lòng trung quân, ái quốc nhưng sao có thể thắng được sự đa nghi vô tình của hoàng đế.
Có Hề Đàn trấn thủ hậu cung, Hề gia sẽ an toàn hơn.
Hơn nữa Hề Đàn đến giờ vẫn chưa có hoàng tự của riêng mình, khó có thể nói rốt cuộc là nàng không thể sinh hay không muốn sinh, nhưng mà nhờ vậy tất cả những việc đoạt trữ, đấu đá trong thâm cung đều tự giác bỏ nàng ngoài vòng nghi can.
Thế mà lại không lường được một kẻ hoàn toàn đứng ngoài cuộc chơi, không tranh đoạt kia lại hủy đi đại kế dày công sắp đặt của họ.
Con nhóc Lâm Phi Lộc cưỡi ngựa trở về tìm viện binh đáng hận, nhưng Hề Quý Phi giết hổ dữ cứu người càng đáng giận hơn.
Trong khoảnh khắc Nguyễn Quý Phi thật muốn ăn tươi nuốt sống tiện nhân này cho bõ tức.
Nhưng nàng ta chẳng thể làm gì, chuyện này vốn được sắp đặt như thể ngẫu nhiên đen đủi gặp nạn, giờ nếu cố ý tác động chẳng khác nào không đánh mà khai.
Cho nên nàng ta chỉ có thể nuốt cục tức này vào bụng, đóng vai một mẫu phi hiền từ, đức độ cho người đem kỳ trân dị thảo tặng Thái Tử để an ủi.
Trong lòng đang nóng nảy, nhìn cái gì cũng không vừa mắt, tâm tình bức bối không có chỗ xả hận, chỉ đành giận cá chém thớt.
Nạn nhân đầu tiên chính là Tạ Tiệp Dư mang thai 5 tháng, đi theo nàng ta đến hành cung tránh nóng.
Chỉ vì vô tình nói một câu mạo phạm đến Nguyễn Quý Phi liền bị nàng ta phạt đứng giữa sân viện hơn hai canh giờ, coi như khiển trách tội thất ngôn.
Kết quả vị Tạ Tiệp Dư kia trở về đã thấy máu ướt đẫm váy, truyền gấp thái y bảo hộ long thai, hài tử coi như bảo vệ được, nhưng Tạ Tiệp Dư kia bị động thai khí, thân thể càng trở nên suy yếu, chỉ sợ trong lúc sinh nở sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Lâm Đế nghe được việc này vô cùng phẫn nộ, tuy rằng ông ta biết tình tính Nguyễn Quý Phi nóng nảy, ngang ngược, nhưng đây là vấn đề liên quan đến long tự, vì vậy không thể cho qua dễ dàng được.
Nhưng chưa kịp ban hình phạt nàng ta đã chạy đến mặt ông ta nước mắt ngắn nước mắt dài, làm bộ uất ức kể khổ.
Nữ nhân thường ngày kiêu căng, minh diễm khi rơi nước mắt rất có phong tình.
Nàng ta vừa thút thít vừa nói: "Năm đó mang thai Đình Nhi, thần thiếp còn cùng bệ hạ cưỡi ngựa lên núi du ngoạn, đâu có chuyện gì xảy ra.
Hiện tại chẳng qua phạt muội muội đứng hai canh giờ, nào ngờ thân thể muội ấy yếu đuối như thế? Nếu bệ hạ cảm thấy thần thiếp hành xử không nghiêm minh, chuyện bé xé ra to, vậy thì chẳng bằng thu hồi lại quyền chưởng quản lục cung.
Thần thiếp cũng không muốn chỉ có hư danh, làm việc gì cũng phải lo trước lo sau, thế thì sao có thể thu phục lòng người, an ổn hậu cung."
Lâm Đế vốn định trách phạt nàng ta, đến cuối cùng mình lại hóa thành tên ác nhân không phân biệt phải trái? Ông không thể không trấn an Quý Phi đang tủi thân, hơn nữa hoàng đế cố kỵ thế lực Nguyễn thị sau lưng nàng ta, cuối cùng chỉ đành răn dạy vài câu, ban thưởng cho Tạ Tiệp Dư không ít châu báu, ngọc ngà để bồi thường mất mát, sau đó việc này cứ thế từ to hóa bé, từ bé hóa không có gì mà chìm xuống.
Chính sự trong triều bận rộn, hiện tại cuộc thi săn bắn của hoàng gia cũng bị dừng lại, cho nên năm nay thời gian đến hành cung nghỉ mát ngắn hơn hẳn mọi năm.
Nửa tháng sau, Lâm Đế hồi cung.
Lâm Phi Lộc vừa về kinh thành hai ngày đã bị hoàng hậu triệu vào Trường Xuân Cung.
Nàng tiếp xúc với hoàng hậu không nhiều, hoàng hậu nương nương một lòng hướng Phật, cho nên chuyện thỉnh an mỗi sáng cũng được tiết giảm, ngày thường nếu không có chuyện gì đa phần rất hiếm khi gặp người.
Chỉ một lần duy nhất Lam Phi Lộc gặp mặt hoàng hậu là lễ mừng thọ gần đây.
Hoàng hậu nhìn nàng 10 phần bình thản, quanh người bà toát ra khí chất trang nhã, an nhiên, thần thái đài các, cao quý, có mấy phần tương tự Thái tử.
Cặp mẹ con dù nhìn thế nào cũng có khí chất và phong thái cao quý đại biểu của hoàng thất, chỉ cần không làm điều gì quá mức sai trái, vậy thì ngôi vị thái tử kia không có khả năng đổi chủ.
Mà giả như có kẻ tham lam muốn đoạt vị thì bọn họ cũng nhất định không ngồi chờ chết.
Hoàng hậu triệu kiến Lâm Phi Lộc đương nhiên là vì chuyện nàng kịp thời gọi được quân cứu viện khi thái tử gặp nạn.
Thái tử có thể bình an công lao của Lâm Phi Lộc không nhỏ.
Hoàng hậu trước nay là người công bình, đối xử với các hoàng tử, công chúa không kể thân phận mẫu phi đều như nhau, không nặng nề, khắc nghiệt, cũng chẳng thân cận, gần gũi, lúc này lại thật tâm thật ý dành cho Lâm Phi Lộc mấy phần ưu ái hơn hẳn.
Ngũ công chúa này thông minh, cơ trí, tuy tuổi còn nhỏ nhưng thời điểm gặp nguy hiểm lại không hoảng loạn, có thể bình tĩnh xử lý tình huống, sau này lớn lên chắc chắn không dễ khinh thường, lại thêm việc đứa bé này chân thực là ân nhân cứu mạng hài nhi của bà, hoàng hậu không khỏi muốn lung lạc tâm tư đứa bé kia, kéo về phe mình.
Bà không vội vàng ban thưởng hậu hĩnh như Lâm Đế, ngược lại cực kỳ an yên ngồi trò chuyện ngũ công chúa, không khí giữa hai người vô cùng hòa hợp, nhẹ nhàng, trước khi cho công chúa lui