Hà Linh Tố kiên quyết phản đối đề nghị ở lại của Vệ Tử, lý do là cô không biết khám bệnh, ở đây không cần cô. Nghe thấy thế, Vệ Tử liền kêu lên: “Con không biết khám bệnh, nhưng vừa nãy bác trưởng thôn chẳng nói rồi sao? Nơi đây còn cần giáo viên, cần mở một trường tiểu học Hy Vọng!”.
Hà Linh Tố thở dài: “Trong thị trấn này, những người mắc bệnh nặng hiện không còn nhiều nữa, một thời gian sau mẹ có thể sẽ chuyển đến nơi khác, con định mở trường tiểu học Hy Vọng đó ở đâu?”.
Vệ Tử mở miệng, giận dỗi nói: “Ở đâu con cũng mở!”.
Cuối cùng kết quả thương lượng là, Vệ Tử dù sao cũng vẫn còn hai tháng nghỉ hè, trước mắt ở lại đây giúp đỡ cho mẹ cô, sau đó sẽ bàn bạc tiếp.
Suy nghĩ của Hà Linh Tố là, Vệ Tử mặc dù từ nhỏ đều rất nghe lời người lớn, bà dạy dỗ cô cũng cực kỳ nghiêm khắc, nhưng thực sự cô chưa nếm trải khó khăn gian khổ trong cuộc sống, sau một thời gian ở đây không chịu được sự khắc nghiệt của thiên nhiên thì sẽ quay về thôi.
Điều mà bà không biết là, con gái bà bây giờ không còn giống như trước nữa. Thời gian gần đây đã xảy ra bao nhiêu chuyện, khiến tư tưởng của Vệ Tử có sự thay đổi rất lớn. Đôi lúc cô suy nghĩ, con người ta rốt cuộc chia làm mấy hạng? Có người sống ở thủ đô hô phong hoán vũ một tay che cả bầu trời, như chủ nhiệm Mã; có người bôn ba khắp nơi chỉ để kiếm bát cơm manh áo, giống như cô một năm về trước và rất nhiều học sinh phổ thông vừa mới tốt nghiệp ra trường; có người sống trong thành phố sòng bạc tiêu tiền như rác, có người lang thang đầu đường xó chợ không có nhà để về; có người ăn sung mặc sướng, có thể thu hút sự chú ý của hàng vạn người, đi tới đi lui đến khắp mọi nơi trên thế giới; có người từ lúc sinh ra đến lúc chết buộc phải sống ở một nơi, chẳng hề biết đến gì khác ngoài cuộc sống qua ngày, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, khi mắc bệnh không được khám chữa.
Từ sự hiểm ác đáng sợ của chốn quan trường ở Bắc Kinh, đến sự phồn thịnh của thành phố sòng bạc ở Mỹ, tiếp đó là sự thảnh thơi và sung túc ở Úc, lại đột nhiên đến một nơi như thế này, sự đối lập và chênh lệch nhau quá mức khiến Vệ Tử bắt đầu suy nghĩ lại về cuộc đời mình.
Con người ta sống rốt cuộc là vì cái gì? Nhìn Cát Minh Thăng, nhìn mẹ mình, cô cảm thấy họ dường như đã tìm được cho mình phương hướng của cuộc đời, để kiên trì tiếp tục sống, còn cô thì lại đang thấy rất mông lung.
Không tìm thấy đáp án ở những nơi phía trước, để thoát khỏi sự mông lung này, cô quyết định ở lại để tự mình đi tìm lời giải đáp.
Cát Minh Thăng không bình luận gì về quyết định của Vệ Tử, chỉ nhìn cô với ánh mắt đầy hàm ý, sau khi xác định cô không cùng ông quay về thành phố, ông liền cùng tài xế lên xe rời đi, trước khi đi còn đưa cho Hà Linh Tố chiếc va li dự bị đựng thuốc để ở cốp xe.
Như Vệ Tử thấy, cô gái tên Tiểu Hồng kia do đã học mấy năm tiểu học nên được Hà Linh Tố chọn làm người giúp đỡ bà, cô ấy thông minh hoạt bát, chân tay cũng cực kỳ nhanh nhẹn, chỉ trong mấy tháng theo bà, cô ấy đã học làm được không ít việc.
“Sau khi mẹ rời khỏi nơi này, cô ấy có thể thay mẹ xử lý một số bệnh đơn giản trong vùng”, Hà Linh Tố nói với con gái, “Tiếc là số người biết chữ ở đây không nhiều, cho dù có thì cũng vì sợ để lỡ việc nhà nông mà không tạo điều kiện cho con cái. Bố mẹ của Tiểu Hồng là người sáng suốt hiếm thấy”. Cho con người ta cá không bằng dạy cho người ta cách bắt cá, Hà Linh Tố dự định cố gắng truyền dạy một số kiến thức y học cho người bản địa ở những nơi bà đến. Mặc dù những người này không thể có được giấy chứng nhận hành nghề thầy thuốc, cứ mấy thôn xóm lại có mấy thầy thuốc “chân đất” như thế cũng có thể giải quyết được một số vấn đề.
“Hiện nay cái khó giải quyết nhất là vấn đề thuốc men, bí thư Cát đã giúp đỡ cấp phát cho một số tiền, song tài chính của vùng cũng eo hẹp, nơi cần dùng đến tiền lại quá nhiều.” Hà Linh Tố chau mày nhìn ra xa, khiến Vệ Tử thấy trong lòng quặn thắt, đột nhiên cô cảm thấy cuộc sống xa hoa của mình thời gian qua giống như tội ác.
Những ngày ít bệnh nhân, Hà Linh Tố lại dẫn Vệ Tử đi thăm một số thôn xóm để điều tra thực trạng giáo dục ở nơi đó.
Hai người phát hiện, một số thôn xóm khá lớn cũng có trường tiểu học, mặc dù chỉ là mấy gian nhà tranh lụp xụp.
“Vùng đất cằn cỗi thì chỉ sinh ra những con người kém cỏi.” Một người tên là Lý Trang - giáo viên duy nhất của vùng kiêm hiệu trưởng của trường tiếp đón hai người đã mở đầu câu chuyện như thế sau khi biết được mục đích tới đây của hai người.
Thấy vẻ mặt không tán thành của hai mẹ con, thầy hiệu trưởng có mái tóc hoa râm này thở dài: “Xung quanh vùng này có ba thôn xóm khá lớn với gần hai ngàn dân, trường tiểu học này hằng năm chỉ đón nhận không quá ba mươi học sinh”.
“Ban đầu còn tìm hai giáo viên dân lập giúp đỡ, sau đó học sinh ngày càng ít, lại xảy ra một số việc nên giáo viên đều bỏ đi hết, chỉ còn lại mỗi mình tôi.” Giọng nói của thầy hiệu trưởng thể hiện rõ sự đau xót: “Nông dân ở đây không có văn hóa, cũng không nhận thức được những điểm tốt của văn hóa, luồng gió của cải cách thổi đi khắp cả nước, song nơi đây vẫn chỉ như chìm trong ngày đông giá rét. Tôi đã phản ánh với cơ quan giáo dục cấp trên, yêu cầu cưỡng chế chấp hành giáo dục bắt buộc”.
“Sau đó thì thế nào?” Vệ Tử nói chen vào, cô không thể tưởng tượng được rằng đất nước Trung Quốc trong thế kỷ hai mươi mốt vẫn còn có những địa phương như thế.
“Bố mẹ không đồng ý cho con cái đi học, bạn đến tận nhà mời đi học cũng vô ích, cơ quan cấp trên cũng chẳng có biện pháp nào, cuối cùng không biết ai đã đưa ra đề nghị rằng, nhà nào có trẻ em đến tuổi đi học mà không cho đi học thì sẽ bị phạt tiền.”
“Làm như thế có thể được sao?” Người nông thôn vốn không có nhiều tiền, nếu như vì không cho con cái đi học mà bị phạt tiền, chắc chắn sẽ không vui.
Thầy hiệu trưởng mặt mày đau khổ lắc đầu: “Có thể được cái gì chứ, thông tin vừa mới đưa ra thì tôi và hai giáo viên dân lập khác đều bị đánh, đến nỗi chân suýt nữa bị gãy, đầu thì bị chụp bao tải, đến ai đánh chúng tôi còn không biết được”.
Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của hai mẹ con Vệ Tử, thầy hiệu trưởng nói tiếp: “Sau đó hai giáo viên dân lập kia xin nghỉ việc, còn tôi vì ăn lương của nhà nước nên đành phải tiếp tục ở lại đây. Người dân thấy không ép tôi đi được, còn nghĩ ra rất nhiều cách phá rối”.
“Tôi ăn uống sinh hoạt ngay tại trường luôn, thường thường vừa mở cửa phòng ra là tay bị dính, những thứ dính ở tay nắm cửa đều là phân, quay vào giường mở chăn ra thì đột nhiên thấy có một con rắn nằm bên trong, mở nắp nồi ra định nấu cơm thì phát hiện trong nồi toàn là bụi…”
Thầy hiệu trưởng kể chuyện với giọng điệu rất bình thường, song Vệ Tử đứng nghe mà miệng mở tròn thành hình chữ “O”, mãi không nói được gì.
“Tôi biết chị là bác sĩ Hà, Bồ tát sống trong con mắt của mọi người”, thầy hiệu trưởng nhìn Hà Linh Tố nói: “Mọi người tự nguyện đến gặp chị khám bệnh, chị biết tại sao không?”. Ngừng một lát, thầy hiệu trưởng nói tiếp:
“Bởi vì chị không thu tiền! Ngày trước ở đây không phải không có người mở phòng khám chữa bệnh, nhưng vì thu tiền mà không có ai hỏi han đến. Sau đó cũng có người đến khám bệnh, bác sĩ khám xong, nhưng không có tiền trả nên nợ bác sĩ, nợ mãi nợ mãi đến lúc phòng khám bị sập. Các bác sĩ đó không có cách nào khác, liền nghĩ ra biện pháp yêu cầu trả tiền trước rồi mới khám bệnh, sau đó có người mắc bệnh nặng đến khám, vì không có tiền trả nên không được khám, người nhà của bệnh nhân đó liền đánh bác sĩ suýt chết, suýt nữa còn bị kiện”.
Thấy hai mẹ con Vệ Tử ngây người ra, thầy hiệu trưởng nói tiếp: “Hai năm trở lại đây không có bác sĩ nào dám tới đây hành nghề nữa. Cho bọn trẻ đi học không những phải bỏ tiền ra mua sách vở, mà còn lỡ mất việc đồng áng, cho nên mọi người mới không cho con cái đến trường. Trẻ em bảy, tám tuổi ở thành phố không biết làm gì cả, còn ở đây có thể chăn trâu chăn bò kiếm củi, có đứa còn làm bằng nửa công lao động của người lớn”.
Nhất thời ba người đều im lặng, không có tri thức dẫn đến dốt nát, dốt nát lại dẫn đến càng không có tri thức, tạo thành một vòng tuần hoàn luẩn quẩn.
Vệ Tử đột nhiên nghĩ đến các bài tạp văn của Lỗ Tấn mà cô được học hồi trung học, y thuật của mẹ cô có thể chữa được cơ thể của những người kia, nhưng không thể chữa được tư tưởng của họ, kế hoạch cứu trợ của Chính phủ không thể kéo dài mãi được, cũng sẽ không có mãi những người khám chữa bệnh miễn phí như bác sĩ Hà Linh Tố, cho dù có, cũng không thể giúp được nhiều người như vậy.
Biện pháp duy nhất là làm cho những người này thoát khỏi sự ngu dốt, sử dụng tri thức để tạo ra của cải vật chất, tiến tới thay đổi điều kiện sống của họ.
Câu này nói thì dễ nhưng làm lại rất khó.
Sau đó, khi khám bệnh cho mọi người, Hà Linh Tố bắt đầu nửa như vô tình nửa như có ý nói đến lợi ích của tri thức.
“Con gái tôi vừa từ Úc trở về, đó là một quốc gia ở cực khác của trái đất. Chúng ta ở đây là mùa đông, mọi người ở đó lại là mùa hè, khắp nơi chỗ nào cũng là biển, con người ở đó rất giàu có, hằng ngày sau khi ăn uống no nê xong lại ra bờ biển phơi nắng.”
“Con người ở đó nói tiếng Anh, không giống với ngôn ngữ của chúng ta, song con gái tôi do được học ở trường nên có thể nghe hiểu họ nói chuyện với nhau.”
“Ôi trời, bác à, nhìn những đường gân xanh trên chân của bác, chắc chắn hồi thanh niên bác phải làm việc vô cùng vất vả!” Hà Linh Tố nhìn một ông già có đầy mụn cơm ở chân, cảm thán nói.
“Vợ chồng tôi có năm cô con gái, không có con trai, công việc nặng nhọc đều do một mình tôi làm. Vậy mà còn bị khinh bỉ, mọi người thấy nhà tôi không có người nối dõi tông đường liền bắt nạt chúng tôi.” Ông già thở dài, khuôn mặt toát lên nét nhẫn nhục.
“Ai da, bác có tận năm cô con gái cơ à! Như thế mà ở thành phố là được hưởng phúc lắm đấy! Tôi chỉ có mỗi một cô con gái là A Tử, sau khi tốt nghiệp đại học làm việc trong cơ quan nhà nước, vừa biết nghe lời lại hiếu thuận, tôi sống đều nương tựa vào cháu cả!”
“Làm việc ở thành phố thì năm ngày được nghỉ hai ngày, ngoài được nghỉ ngày lễ tết lại còn có nghỉ phép, tiền lương cũng khá, các ngày lễ tết nếu tăng ca còn được thưởng gấp mấy lần tiền lương”.
“Nhưng mà ra thành phố làm việc cũng cần phải biết chữ, nếu không đọc không hiểu biển chỉ dẫn, đường xá trong thành phố chằng chịt, cẩn thận là bị lạc đường ngay!”
Cứ như thế, Vệ Tử theo mẹ đến khắp mọi nơi lấy chính bản thân mình để thuyết phục người khác, tuyên truyền lợi ích của việc có trình độ văn hóa.
Nói mãi, người dân cũng hiểu được đại khái. Thì ra mọi người vốn cũng không hẳn là không hiểu được lợi ích của việc đi học, chẳng qua cũng chỉ vì một chữ “nghèo”.
“Người ta ở thành phố có tiền lương, cho con cái đi học không vấn đề gì, chúng tôi làm gì có tiền chứ.” Không chỉ một người nói như vậy.
Nơi đây đất đai cằn cỗi, khô hạn ít mưa, cũng không thể trông cậy vào tài nguyên thiên nhiên; giao thông lại không thuận tiện, càng không có ai đến để đầu tư. Người nông dân nơi đây lao động vất vả cả năm cũng chỉ kiếm được một ít tiền, còn phải mua hạt giống, mua phân bón, nghĩ cách chống hạn. Thường ngày có một đồng cũng phải chia đôi để tiêu, tằn tiện lắm mới được miễn cưỡng qua ngày, gà vịt trâu bò nuôi được cũng phải quy ra tiền để mua các nhu yếu phẩm hằng ngày. Kế hoạch hóa gia đình nơi đây lại làm không đến nơi đến chốn, nhà nào cũng có mấy đứa con, cho con cái đi học hết là một chuyện nằm mơ giữa ban ngày.
Còn một nguyên nhân nữa là trình độ dạy học ở nơi đây vô cùng lạc hậu, lực lượng giáo viên thiếu trầm trọng, đến bàn ghế ngồi học còn khập khiễng, cái cao cái thấp, nói gì đến các cơ sở hạ tầng phần cứng khác. Học sinh đi học cũng rất ít khi được làm các bài kiểm tra, sau khi học xong cơ bản lại quay về làm ruộng, điều này càng khiến người dân thấy rằng tiền bạc đầu tư cho giáo dục ở địa phương giống như bong bóng xà phòng.
Chẳng mấy chốc nửa tháng đã trôi qua, Hà Linh Tố thấy con gái đi theo mình đến thôn nọ xóm kia mà không kêu mệt tí nào, cũng không chán ghét cuộc sống bất tiện của nơi đây, bà lại cảm thấy có phần lo lắng. Trong đôi mắt to của Vệ Tử không chỉ thấy hiện lên sự hiểu biết mông lung của ngày trước, mà thỉnh thoảng còn thấy cô ngẩn người suy nghĩ điều gì đó, đến khi mẹ cô hỏi thì Vệ Tử lại nở một nụ cười tươi rói nói là không sao cả.
Lần đầu tiên trong đời, cô con gái có biểu cảm khiến bà không hiểu, có tâm sự mà đến bà cũng không thể chia sẻ, tâm trạng của Hà Linh Tố rất phức tạp, có niềm vui khi thấy con gái trưởng thành, còn có cả cảm giác khác không thể nào nói thành lời, điều ấy khiến bà phiền lòng.
Tiếng động cơ ô tô vang lên khiến cho hai mẹ con ở trong phòng tò mò ngẩng đầu nhìn ra ngoài, ở đây bình thường có rất ít khi nghe thấy tiếng động cơ, chắc là người đến từ thành phố.
Bà Hà Linh Tố ra hiệu chạy ra ngoài xem sao, Vệ Tử đã nhìn thấy chiếc xe jeep mà cô từng ngồi lần trước, thì ra là Cát Minh Thăng lại đến.
Cát Minh Thăng lần này còn mang đến một tin vui - có một người giấu tên đã ủng hộ khoản tiền rất lớn cho vùng này và yêu cầu lập một quỹ riêng chuyên dùng cho sự nghiệp giáo dục và khám chữa bệnh trong vùng.
Hai mẹ con nhìn nhau, không ai bảo ai, cả hai đồng thanh hỏi con số của khoản tiền kia, sau khi nghe được, Hà Linh Tố đã vô cùng sửng sốt.