Ở thành cổ Thương Lăng lưu truyền một lời đồn đại kinh dị về cầu Cửu Tử.
Cây cầu này nằm trên con đường Cổ Đồng phía Tây ngoại thành, từ xa sẽ đối diện với khu bảo tồn lịch sử nằm trên con đường Tô Hà trong thành.
Ai ai cũng kể rằng, cầu Cửu Tử một đầu gác phía dương gian, một đầu hướng về âm thế, linh hồn của người chết sẽ men theo cây cầu Cửu Tử để đi xuống địa phủ.
Sở dĩ cây cầu lấy tên là Cửu Tử tương truyền là vì nhờ có chín người con của rồng trấn áp âm khí trên cây cầu này mà trật tự của hai thế giới âm dương mới không bị đảo lộn.
*Theo truyền thuyết, bảy người con của rồng là bảy người con của Đông Hải Long Vương, bao gồm: Tù Ngưu, Nhai Xế, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Li Vãn.
Thế nên, ban ngày, dù là người hay xe cộ đều có thể đi lên cầu, nhưng chỉ cần đêm xuống thì nơi đó sẽ trở thành con đường dẫn tới địa ngục. Người trần dù có phải đi đường vòng cũng sẽ không đi lên cầu. Một là sợ mình chặn đường đi của vong linh nào đó, hai là sợ dương khí trên người bị yếu đi.
Những người tài xế bất đắc dĩ phải đánh xe lên cầu thì cũng tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy được truyền lại từ đời trước: Phải đi quanh cầu một vòng, như vậy mới không đắc tội tới các linh hồn.
Ai ai cũng nói rằng, Thương Lăng và Côn Minh nổi tiếng ngang nhau. Nếu Côn Minh có cầu Giao Tam* thì Thương Lăng cũng có cầu Cửu Tử.
*Cây cầu nằm ở Bàn Long, Côn Minh, Trung Quốc, nổi tiếng vì có nhiều câu chuyện kinh dị xung quanh.
Mấy ngày gần đây, cây cầu Cửu Tử này bỗng dưng bị giới báo chí theo dõi sát sao, bởi vì cách đó không lâu, tại Thương Lăng đã xảy ra một chuyện lớn!
Khách sạn Skyline tọa lạc trên con đường Tô Hà của thành cổ Thương Lăng, là khách sạn đẳng cấp bảy sao năm nay vừa vinh hạnh lọt vào cuộc bình chọn cho giải thưởng Luxury Brand (Thương hiệu sang trọng) của Forbes, nhờ sở hữu những món đồ sưu tầm hiếm có và đắt giá nổi tiếng, một trong số đó, món đồ được người ta chú ý nhất chắc chắn phải là bức “Giang sơn đồ” dài 1200 mét, cao 65 mét được treo tại quán bar dành cho khách VIP của khách sạn.
Nghe nói bức “Giang sơn đồ” này là một trong những bức họa truyền đời đã bị thất lạc của Trung Quốc. Năm xưa nó rơi vào tay người nước ngoài, về sau được bảo tàng quốc gia Italia sưu tầm lại, cuối cùng được người sở hữu khách sạn này mua về với một cái giá trên trời.
Nhưng tại một khách sạn như thế, bỗng nhiên lại có một vị khách vào một đêm nọ bị trúng tà. Và cũng ngay tối hôm ấy, tất cả du khách ở trong khách sạn đều phát điên.
Cả thành phố bỗng chốc nổi cơn sóng gió, người dân ai cũng xôn xao bàn tán, cuối cùng kết luận được đưa ra là: Bức “Giang sơn đồ” đó bên trong có ma.
Chuyện này phải kể lại từ sự kiện vài ngày trước, có chín chiếc xe tang cùng nhau đi qua cầu Cửu Tử.
Cầu Cửu Tử, ban ngày nhường đường cho người sống, ban đêm rước lối cho ma quỷ, đây là chuyện mà người dân Thương Lăng không ai không biết. Nhưng vẫn còn một quy định nữa.
Đó là xe tang một khi đi lên cầu, dù vào ban ngày hay ban đêm đều phải vòng một vòng quanh cầu, như vậy, cho dù người chết ấy đi qua cầu Cửu Tử vào ban ngày, họ cũng có thể tìm được con đường sống.
Ngày hôm đó, chín chiếc xe tang vẫn vòng qua cầu như thường lệ, và cũng ngay tối hôm đó, khách sạn Skyline nảy sinh tin đồn ma quỷ.
Mọi người bảo năm xưa khi khách sạn này mới được khởi công, đích thân hòa thượng Thích Chân tại ngôi chùa cổ ngàn năm Đà Trúc Tự của Thương Lăng đã phải xuống núi, khuyên những người quản lý khách sạn hãy chọn một địa điểm khác.
Nguyên nhân là vì vị trí tọa lạc của khách sạn Skyline nằm đúng hướng Tây Nam của cầu Cửu Tử. Mặc dù cách cây cầu khá xa nhưng lại chặn đúng con đường xuống âm thế của các vong hồn.
Phía Tây Nam là cửa xuống địa phủ.
Lão hòa thượng Thích Chân cũng là một vị cao tăng ẩn thế, vì chuyện này mà đích thân xuống núi, nghe cũng đủ biết tính nghiêm trọng.
Nhưng địa điểm khởi công của cả một khách sạn cũng là chuyện lớn, dĩ nhiên không thể thay đổi. Hòa thượng Thích Chân không còn cách nào khác đành đưa ra lời đề nghị: Nếu nhất quyết đòi xây khách sạn tại nơi này thì diện tích và chiều cao của khách sạn đều phải hạn chế, nếu không một khi gặp phải âm khí cực thịnh, cả khách sạn sẽ gặp họa diệt vong. Thế nhưng, người sở hữu khách sạn lại lên tiếng nói không tin vào mấy chuyện mê tín dị đoan vậy nên không buồn để tâm.
Chín linh hồn đi lên cầu cùng một lúc, chính là khi âm khí cực thịnh.
Người dân thành phố đều nói, chính vì chủ khách sạn không nghe lời khuyên can của Thích Chân, chắn lối xuống âm phủ của chín linh hồn thế nên chín linh hồn đó đành vất vưởng ngay trong khách sạn.
Và cũng vì để trốn tránh long khí từ chín người con của rồng, chín linh hồn đều trốn cả vào trong bức “Giang sơn đồ” kia. Nhưng vì oán khí quá nặng, không có chỗ nào để giải tỏa thế nên khách sạn mới xảy ra chuyện, ứng ngay câu nói của hòa thượng Thích Chân khi trước: Khi âm khí cực thịnh là lúc tai họa ập tới.
[…]
“Vài ngày trước, người
chịu trách nhiệm của khách sạn Skyline đã đưa ra lời giải thích cho sự việc toàn thể các du khách trong khách sạn phát điên. Người này khẳng định hoàn toàn không có sự việc như vậy xảy ra, phía khách sạn kiên quyết truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với những kẻ tung tin đồn thất thiệt. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục theo dõi câu chuyện về khách sạn này. Khách sạn Skyline và khu nghỉ mát liên hợp là thương hiệu khách sạn hạng sang trong dự án Skyline của tập đoàn Lục Môn. Với tư cách là thương hiệu khách sạn hạng sang lớn nhất thế giới, Skyline đã có mặt ở hầu khắp các quốc gia, được coi là biểu tượng cho ngành kinh doanh khách sạn và khu nghỉ mát. Khách sạn Skyline ở Thương Lăng nằm tại con đường Tô Hà, được mệnh danh là vành đai hoàng kim của thành phố Thương Lăng. Theo bản đồ dự án quy hoạch thành phố trong tương lai, trên con đường Tô Hà sẽ xuất hiện ngày một nhiều những tòa kiến trúc thời thượng mà đi đầu chính là Skyline, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo với khu bảo tồn lịch sử Tô Hà…”
Dương Viễn ấn nút Pause, rồi nhìn người đàn ông ngồi bên cạnh bàn hội nghị: “Giám đốc phòng Quan hệ ngoại giao của Skyline Thương Lăng sáng nay đã gọi điện thoại tới Bắc Kinh cầu cứu, có lẽ là không chống đỡ được nữa. Đông Thâm, xem ra chúng ta đã xem thường đám người Thương Lăng đó rồi”.
Lục Đông Thâm không nói câu nào, chỉ chăm chú nhìn màn hình ti vi đã dừng lại một lúc. Lát sau, anh lần tìm bao thuốc lá: “Thai Quốc Cường sao rồi”.
Giọng anh khẽ mà trầm.
“Thai Quốc Cường cứ liến thoắng suốt là có ma có ma, nói rằng mình không thể ra khỏi phòng khách sạn, nếu không sẽ bị con ma trong bức Giang sơn đồ bóp cổ chết toi.” Dương Viễn kéo một chiếc ghế, ngồi đối diện với Lục Đông Thâm.
Thai Quốc Cường, Chủ tịch tập đoàn Trường Thịnh, mấy hôm trước có ở lại trong khách sạn Skyline Thương Lăng. Với tư cách là người của Trường Thịnh chịu trách nhiệm hợp tác lâu dài với phía Lục Môn, trên danh nghĩa, ông ta nói tới Thương Lăng ngao du sơn thủy, thực tế là cũng giống như Lục Môn, bắt đầu muốn nhón chân vào thị trường Trung Quốc.
Không ngờ, tối hôm đó, Thai Quốc Cường lại gõ cửa tất cả các phòng trong khách sạn như bị điên rồi gào ầm gào ĩ lên là trong này có ma.
Phòng Quan hệ ngoại giao cố gắng giữ kín chuyện này hết sức có thể nhưng cuối cùng vẫn bị đám nhà báo chọc ra được sơ hở, và kết quả chính là câu chuyện “Tất cả khách sạn bị ma nhập” như lời đồn đại.
Lục Đông Thâm châm điếu thuốc, khuôn mặt có phần bực bội: “Hoang đường”.
“Chuyện này mà mang về Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu thì chắc chắn sẽ trở thành trò cười, nhưng nó lại ở Thương Lăng. Tôi cho anh biết, mấy người vùng đó tin chuyện này sái cổ.” Dương Viễn tiêm cho anh một mũi dự phòng.
“Tình hình Thương Lăng bây giờ ra sao?”
“Nửa tiếng trước có người dân tới trước cửa tòa Thị chính thị uy kháng nghị, yêu cầu dời khách sạn ra khỏi Thương Lăng…” Dương Viễn đổ người với lấy bao thuốc lá, châm một điếu lên.
“Đám người đó không quan trọng, quan trọng là năm nay tổng bộ vẫn chưa tiến hành kiểm tra Skyline Thương Lăng, tập đoàn Trường Thịnh lại bắt đầu gây sức ép. Hơn nữa anh vừa tiếp quản thị trường Trung Quốc chưa được bao lâu, một khi chuyện này đồn tới tai tổng bộ, thì rắc rối to.”
Lục Đông Thâm nhả một làn khói, rồi hỏi: “Đã điều tra được người đó chưa?”.
Dương Viễn một tay kẹp điếu thuốc, một tay cầm tập tài liệu bên cạnh qua, rút tài liệu bên trong ra, đặt lên trên. Lục Đông Thâm đón lấy, dừng lại ở bức ảnh trên cùng.
“Nghe nói là thổ công thổ địa ở đất Thương Lăng, người trong vùng gọi là Tưởng gia.”
Tư liệu ít đến đáng thương, chỉ có độc một tờ giấy. Lục Đông Thâm chỉ đọc lướt qua là xong, thứ nổi bật nhất vẫn chỉ có bức ảnh bên trên.
“Bảo Cảnh Ninh sắp xếp đi, ngày mai tôi sẽ bay qua Thương Lăng đích thân giải quyết.”
“Có cần tôi đi cùng anh không?”
“Cậu ở lại Bắc Kinh đi.” Lục Đông Thâm gạt tàn thuốc: “Có vị Phó giám đốc như cậu ở lại trấn giữ công ty, tôi yên tâm rồi”.
Một đoạn tàn dài rơi xuống tập tài liệu, che đi quá nửa bức ảnh, chỉ còn nhìn thấy một bờ môi và một khuôn cằm không góc chết. Bên cạnh bức ảnh viết một cái tên: Tưởng Ly.