Ba ngàn sợi phiền muộn, cắt đi rồi phải chăng sẽ đoạn tuyệt được với quá khứ?Trong một ngày dài ở Thương Lăng, Tưởng Ly thích nhất chính là buổi chiều.
Bất luận bốn mùa xoay chuyển thế nào, buổi chiều của Thương Lăng luôn toát ra một vẻ lười biếng. Chẳng trách đám khách du lịch kia luôn bịn rịn không muốn rời đi, ngay cả một người thoải mái, thích bay nhảy như Tưởng Ly còn tình nguyện sống cả đời ở đất Thương Lăng này. Buổi chiều mùa đông ở Thương Lăng rất ấm áp, không còn cái oi ả của mùa hè, mát mẻ, lành lạnh, rất thích hợp để nằm lỳ trong vườn, đánh một giấc.
Khi Tưởng Ly đẩy cửa đi vào tiệm cắt tóc Dương Dương, ông chủ cũng đang gà gật như thế. Ông chủ nằm dựa lên một chiếc ghế dài rộng lớn, trên ghế trải một tấm da báo. Ánh nắng hắt vào qua lớp kính trên cửa sổ, rơi xuống chiếc mũ bò kiểu cao bồi của ông chủ.
Đây là một tiệm cắt tóc không lớn, thậm chí còn không to bằng khu vườn trong quán bán trống của cô, nhưng nó lại là cửa hàng đã có thâm niên ở đất Thương Lăng này. Trước cửa dựng một ống xoay trong suốt đã cũ có hoa văn ba màu đỏ, xanh lam, trắng. Bốn chữ “Tiệm cắt tóc Dương Dương”* ban ngày nhìn còn ổn, tới tối khi đèn lên rực rỡ, “Dương Dương” sẽ biến thành “Nhật Nhật”. Nhưng ông chủ cũng lười sửa chữa, hoặc có thể ông ấy nghĩ rằng “Ngày ngày làm tóc” cũng là một dấu hiệu cho thấy việc kinh doanh khởi sắc, đi lên.
*Trong tiếng Trung là bốn chữ.*Chữ Dương (阳) khi bị che mất bộ Ấp sẽ thành chữ Nhật (日)Trên thực tế, nơi này là tiệm làm tóc nổi tiếng nhất Thương Lăng.
Ông chủ là người Hán, bình thường sống ẩn dật, khiêm nhường, nhưng nghe nói đều đã từng giành giải trong cuộc thi Làm tóc đẹp toàn thế giới, vô cùng vinh dự. Nhưng truyền kỳ về ông chủ này cũng chỉ là câu chuyện bên tách trà của người dân Thương Lăng mỗi buổi chiều nhàn nhã. Họ công nhận là tay nghề của ông chủ rất khá, nhưng không cảm thấy quá khứ của ông ấy ngầu đến mức nào. Người Thương Lăng cho rằng một người giỏi như thế đáng nhẽ nên sống ở một thành phố lớn mới phải.
Chỉ có Tưởng Ly biết rõ, ông chủ ở đây không phải người thường. Ở trong tiệm, cô từng nhìn thấy một bằng chứng nhận được đóng khung treo trên vách tường. Trong mắt rất nhiều người dân Thương Lăng, đó chẳng qua chỉ là một tờ giấy viết đầy chữ tiếng Anh mà thôi, nhưng Tưởng Ly nhìn rất rõ, đó là một bức thư mời tới từ Hoàng gia Anh.
Rõ ràng là một cao nhân, vậy mà lại quyết mở một tiệm làm tóc không thể bình thường hơn ngay tại Thương Lăng này. Hơn nữa tên tiệm cũng được đặt gọn gàng, giản dị. Mỗi lần nhìn lên hàng chữ ấy, Tưởng Ly lại nhớ về phòng triển lãm ảnh Đại Bắc ở Bắc Kinh.
Ông chủ họ Hà, hơn ba mươi tuổi, xét tình trạng từ trước ra sau quán chỉ có một mình anh ấy, thì có lẽ anh ấy vẫn độc thân, tướng mạo cũng không tệ, vóc người khá cao rao, vai rộng, hông thon, tính cách có phần lạnh lại có phần kiêu ngạo, còn hơi bướng bỉnh nữa. Anh ấy thích đi du lịch, có những đợt tiệm cắt tóc đóng cửa liền một lúc hơn nửa tháng trời.
Hôm nay Tưởng Ly khá may mắn, ông chủ Hà không những không đóng cửa quán mà trong quán còn không có một vị khách nào khác. Có lẽ giờ này mọi người vẫn đang ngủ trưa.
Sau khi nghe thấy tiếng động, ông chủ Hà giơ tay kéo vành mũ xuống. Nhìn thấy Tưởng Ly, anh hỏi: “Cắt tóc hay dưỡng tóc?”
Tưởng Ly đi thẳng vào bàn gội đầu, nói một câu: “Cắt tóc.”
Ông chủ không có thói quen gội đầu cho khách, phàm là các vị khách đến tiệm đều tự gội. Ông chủ Hà đứng dậy vòng ra phía trước bàn gội đầu, khoanh hai tay trước ngực, đứng nghiêng người ở đó: “Chẳng phải đợt trước vừa mới cắt sửa một chút sao?”
Tưởng Ly cũng được coi là khách quen của tiệm. Dĩ nhiên ông chủ Hà biết mặt cô. Anh biết Tưởng Ly là một người rất yêu quý mái tóc của mình, thế nên đa phần cô tới tiệm chỉ để dưỡng tóc, tóc dài hơn một chút thì chỉnh sửa lại. Cô luôn có yêu cầu riêng với độ dài mái tóc của mình, bắt buộc phải cố định ở một vị trí, không được dài hơn, cũng không được ngắn hơn. Có nhiều lúc ông chủ Hà thật chỉ muốn cầm thước đo cho chuẩn xác.
Tưởng Ly đang làm ướt tóc, ngón tay hơi khựng lại, sau đó trả lời: “Lần này là cắt ngắn, ngắn như mái tóc giả của tôi vậy.”
Ông chủ Hà sững người.
Một lát sau, anh tiến lên, bóp cho cô một ít dầu gội đầu. Cô đang định ngẩng đầu lên thì bị anh nhẹ nhàng giữ lấy đầu: “Nằm yên.”
Ông chủ Hà đích thân gội đầu cho cô.
Khi ngồi ra trước gương, khoác áo vào để cắt tóc, ông chủ Hà lấy chiếc khăn bông quấn tóc của cô xuống, nhìn chằm chằm vào Tưởng Ly trong gương và hỏi: “”Sao bỗng nhiên lại muốn cắt ngắn hẳn đi?”
Tưởng Ly nói: “Ba ngàn sợi phiền muộn, cắt đi rồi phải chăng sẽ đoạn tuyệt được với quá khứ?”
“Vậy thì cô đi làm ni cô luôn chẳng phải tốt hơn sao?” Ông chủ Hà nói một câu, rồi cầm máy sấy tóc lên tay: “Nghĩ kỹ chưa?”
“Ừm.”
Ông chủ Hà không nói nhiều nữa, bắt đầu sấy khô mái tóc cho cô. Khi đã khô đến một mức độ nhất định, cây kéo trong tay anh bắt đầu múa lượn. Rất lâu sau, anh mới lên tiếng: “Chất tóc của cô đẹp lắm, cắt đi thật là đáng tiếc.”
Tưởng Ly nhìn từng ngón tay gầy của anh xuyên qua những lọn tóc: “Vậy một người có khả năng tạo mẫu đỉnh cao như anh núp ở Thương Lăng, mở một cửa tiệm nhỏ chẳng phải cũng rất đáng tiếc sao?”
Ông chủ Hà đánh mắt nhìn vào
gương một cái: “Như nhau cả thôi.”
Tưởng Ly ngẫm lại câu nói này, bỗng nhiên cảm thấy đúng là “như nhau cả” thật.
“Lễ tế đông ngày mai có thể tiến hành được không?” Ông chủ Hà hỏi.
Từng sợi tóc lả tả rơi xuống, ánh mắt Tưởng Ly rất kiên định: “Được.”
Ông chủ Hà cũng không hỏi nữa.
Ngược lại, Tưởng Ly hỏi anh: “Xem ra năm nay anh lại không định tham gia rồi.” Theo thường lệ, vào thời điểm này, các nhà đều đã phải lấy tế phẩm của mình ra đặt trước cửa sổ. Tiệm cắt tóc này vẫn khá sạch sẽ.
Ông chủ Hà động tác dứt khoát: “Tôi không phải người Thương Lăng, cũng không có tín ngưỡng, thế nên lễ Tế đông cũng không có quá nhiều ý nghĩa đối với tôi.”
“Dẫu sao cũng là một truyền thống của Thương Lăng, cũng là dấu ấn của cả một thời đại.” Tưởng Ly nói.
Nghe xong câu này, ông chủ Hà bật cười, nhìn cô: “Cô nghĩ kiểu truyền thống này còn duy trì được bao lâu?”
Tưởng Ly sững người, nhìn vào mắt ông chủ trong gương.
Ông chủ Hà lại đưa một đường kéo, nói tiếp: “Trong mối quan hệ phụ thuốc giữa thời đại và con người, thời đại là chủ nhân, người là phụ. Thế nên không có cái gọi là thuộc về thời đại của ai. Con người chung quy cũng sẽ tan biến, nhưng thời đại vẫn cứ tiếp tục. Cuối cùng, một thời đại thuộc về một con người đặc biệt nào đó cũng sớm muộn bị chôn vùi trong dòng sông ký ức dài vô tận, không để lại chút dấu vết nào.”
Câu nói ấy rơi vào trái tim Tưởng Ly, bỗng dưng lại cứa thành một vết nứt bi thương…
***
Lễ Tế đông vẫn tiến hành theo đúng lịch trình.
Tuy chỉ vì một ngày lễ ngắn ngủi như vậy nhưng lại hao tốn thời gian chuẩn bị suốt cả năm dài của người dân Thương Lăng.
Ngày hôm nay, các nam đinh của Thương Lăng từ lúc trời còn chưa sáng hẳn đã xuất phát tới dãy núi Thiên Chu. Giữa cảnh bình minh lác đác rải rác, ở phía xa xa thấp thoáng bóng ngọn núi Kỳ Thần nằm đối diện.
Lễ Tế đông của Thương Lăng được tổ chức ở nơi cao nhất của núi Thiên Chu, đối diện với vị trí bái tế núi Kỳ Thần và hồ Phủ Tiên, tất cả mọi người đều cầu mong một năm mùa màng bội thu và vạn sự như ý. Hơn nữa trong ngày này, nếu gia đình nào không may có người qua đời, họ cũng sẽ khiêng quan tài của người thân lên đỉnh núi Thiên Chu để người thân được nhận lời chúc phúc của trời đất, và được siêu thoát, an lạc.
Có những người chủ quản từ sớm đã bày bố vị trí đài tế. Nổi bật nhất vẫn là chiếc trống da trâu khổng lồ treo lơ lửng trên đài tế. Nghe nói tuổi tac của nó gần như đã dài bằng cả lịch sử của Thương Lăng rồi. Dùi trống được làm bằng xương bò, đầu dùi được mài nhẵn, sáng bóng.
Bốn phương tám hướng trên đài tế được kéo những dải cờ phong mã dài miên man, năm màu cờ kiêu hãnh đón gió. Cho dù đứng dưới chân núi vẫn nhìn rõ được mọi thứ, vang dội đứng giữa nơi nối liền trời xanh và mặt đất, trở thành một nấc thang nối giữa trần thế và tiên cảnh. Bốn phía của đài tế lần lượt dựng bảy đài hương rất to, mỗi một đài hương đều to bằng vòng ôm của một người trưởng thành, cao khoảng hai mét, sau đó lại nối liền với một đài đèn Trường Minh cao ba mét. Trong thời gian tế lễ, ngoài ngọn đèn Trường Minh bảy ngày bảy đêm không tắt ra thì tác dụng của 28 đài hương ở bốn phía cũng có tác dụng rất quan trọng. Hương phẩm tế lễ sẽ cùng được đốt bảy ngày bảy đêm giống đèn Trường Minh. Một khi hương phẩm được châm lên, sẽ không ai được tùy ý thêm vào trong khoảng thời gian này nữa.
Khi Tưởng Ly còn chưa xuất hiện, việc đốt hương trong lễ Tế đông thật ra chỉ khá khó khăn, bởi vì không ai biết cách làm cho mùi hương có thể giữ được lâu như thế. Đài hương của lễ Tế đông được truyền lại từ nhiều đời. Đế đỡ bằng đồng xanh, cốc bằng thủy tinh, chế tác vô cùng tỉ mỉ, trông thì có vẻ to và thô nhưng bát đựng hương lại khá nhỏ nhắn. Việc này yêu cầu người cử hành lễ tế phải có kỹ thuật siêu cao, cần phải điều chế được một lượng nhỏ mùi hương những đủ để duy trì trong một thời gian dài.
Từ sau khi Tưởng Ly đến Thương Lăng, cô đã giúp mọi người giải quyết vấn đề này. Đây cũng là nguyên nhân, cô là cô gái duy nhất được tham gia tế lễ.
Giờ lành đã điểm, người gõ trống bắt đầu gõ vang dội.
Tiếng trống trầm đục xa xôi, như tiếng của trời đất, lại như có thể vang vọng lên tân mây xanh.
Sau hồi trống, Đàm Diệu Minh và Tưởng Ly đã lập tức xuất hiện…
~Hết chương 98~