Trong phòng chỉ huy, Lâm Kỳ và Trương Cường, Lý Chấn Uy vẫn đang thảo luận về phương án bố trí cài đặt lực lượng tuần tra ở khu Giang Tân, thấy Hạ Minh vội vã đi đến, vội gọi anh vào cùng bàn bạc.
Chưa kịp ngồi xuống, Hạ Minh đã nói luôn: "Tôi muốn thử một cách truy tìm dấu vết khác."
Trương Cường nhìn anh vẻ hồ nghi: "Con đường điều tra qua camera giám sát đã bế tắc, còn cách gì nữa?"
"Khi phạm tội, bọn tội phạm có mang điện thoại di động tôi muốn..."
"Đợi đã!" Trương Cường cảnh giác đứng dậy, dẫn họ vào văn phòng bên cạnh, đóng cửa lại, hỏi, "Cậu muốn điều tra qua điện thoại di động?"
"Đúng."
"Nhưng không biết số điện thoại di động của đối phương thì điều tra thế nào?"
"Có lẽ có thể thử hàng rào điện tử."
Lâm Kỳ không hiểu, hỏi: "Đấy là cái gì?"
Trương Cường không trả lời anh ta, tập trung suy nghĩ giây lát, rồi gật đầu: "Về mặt lý thuyết thì khả thi, nhưng thực tế chưa sử dụng bao giờ, hơn nữa xung quanh khu vực xảy ra vụ án có hàng rào điện tử không?"
"Trong hệ thống đời thứ ba của chúng tôi đánh dấu là có."
Trương Cường gật đầu, sự việc không được phép chậm trễ, lập tức theo Hạ Minh quay lại phòng chỉ huy bảo anh kiểm tra tìm luôn. Còn anh ta thì giải thích cho hai người khác nghe về hàng rào điện tử.
Hàng rào điện tử điện thoại di động là thiết bị mới đưa vào sử dụng mấy năm gần đây, đây là một thiết bị có hình dạng tương tự như trạm cơ sở di động, phạm vi bao quát khoảng một nghìn mét, nếu bị chặn lại bởi các tòa kiến trúc, thì khoảng cách có hiệu quả sẽ bị rút ngắn ở mức độ tương ứng. Sau khi điện thoại di động vào trong khu vực bao quát, hàng rào điện tử sẽ nhận biết được số điện thoại di động, đồng thời ghi lại.
Thiết bị này chủ yếu được sử dụng trong lĩnh vực chống khủng bố, một khi đã bị hàng rào điện tử ghi lại chứng tỏ người đó đã đến hiện trường, máy vi tính sẽ là tức gửi thông tin đến cảnh sát phụ trách khu vực, cảnh sát sẽ đặc biệt lưu tâm đến sự xuất hiện của những người này.
Thẳng thắn mà nói, ý nghĩa tượng trưng của thiết bị này trong lĩnh vực chống khủng bố lớn hơn giá trị thực tế, những kẻ thực sự định làm việc xấu sẽ không sử dụng điện thoại di động thật, hơn nữa thể tích của hàng rào điện tử vô cùng lớn, việc lắp đặt và bảo trì đều rất phức tạp. Với vị trí là kinh đô của thiết bị an ninh, thành phố Hàng Châu tất nhiên cũng sẽ lắp đặt một loạt một cách tượng trưng, bình thường rất ít khi dùng đến, thiết bị này chỉ để theo dõi sự xâm nhập của những số điện thoại di động nguy hiểm, trung tâm thông tin chưa bao giờ dùng nó để tra tìm số điện thoại di động.
Bản đồ an ninh hiện có của trung tâm chỉ đánh dấu thông tin của camera giám sát, không có hàng rào điện tử, trong hệ thống đời thứ ba của Đại Khang lại hội tụ đủ toàn bộ thiết bị an ninh, nên Hạ Minh mới nhớ được ở một quảng trường cách nơi xảy ra vụ án không xa có đánh dấu một trạm. Nếu thiết bị này đang vận hành, rất có khả năng sẽ ghi lại số điện thoại di động của tội phạm.
Trương Cường và hai người còn lại đứng sau lưng Hạ Minh, nhìn anh mở máy vi tính, tìm ra kho dữ liệu hàng rào điện tử có mã hiệu tương ứng, bắt đầu tra tìm.
Liệu thực sự có thể sử dụng hàng rào điện tử để điều tra ra kết quả hay không, Hạ Minh cũng là lần đầu tiên làm, không thể khẳng định chắc chắn.
Vị trí của hàng rào điện tử này cách con đường phía bắc khu Biệt thự Tiền Đường khoảng bảy, tám trăm mét, gần hết khoảng cách nhận biết tối đa.
Diện tích bao quát lớn nhất của hàng rào điện tử là phạm vi hình tròn bán kính 1 ki-lô-mét, diện tích đó trong khu vực nội thành đủ cho mấy chục nghìn người sinh sống, ở một khu vực như vậy, mỗi phút đều có mấy chục đến hàng trăm số điện thoại di động ra vào phạm vi đó.
Mặc dù camera giám sát toàn cảnh đã ghi lại được thời gian tội phạm đến và đi, nhưng vì nơi xảy ra vụ án nằm ở khoảng cách nhận biết tối đa của hàng rào điện tử, cũng có khả năng bị chặn khỏi