Lão Khắc giữ Thiệu Huyền lại ăn cơm tối rồi mới cho anh dẫn Caeser về.
Tuy vắng nhà gần hai mươi ngày nhưng trong nhà rõ ràng có người dọn dẹp giúp anh, nước trong lu cũng được đổ đầy, nhưng trông không giống như nước đã được đổ vào rất lâu. Đến cả tấm đệm da thú cũng được phơi nắng, không có sâu cũng không có mùi hôi.
Điều này cho thấy Lão Khắc đã nhờ người quét dọn.
Nhóm lửa xong, Thiệu Huyền cử động cánh tay.
Chỉ qua có ba tiếng mà Thiệu Huyền đã cảm thấy chỗ xương bị gãy đã liền lại khá nhiều, đúng là thuốc tốt. Về hoa văn Tô-tem trên người, đương nhiên Thiệu Huyền biết mình trưởng thành nhanh hơn người khác. Đến cả thiên tài được mọi người công nhận như Mâu mà hoa văn Tô-tem cũng chỉ cách vai nửa ngón tay.
Lúc săn thú, tuy Thiệu Huyền cũng mang áo cộc tay nhưng mọi người chỉ lo chú ý đến con mồi, trong lúc chiến đấu với thú dữ trong rừng chỉ cần sơ hở một chút là mất mạng ngay. Thế nên mọi người đều rất chuyên tâm chứ không phân tán lực chú ý sang hoa văn Tô-tem của người khác. Thêm vào đó Thiệu Huyền khống chế rất thuần thục sức mạnh Tô-tem nên hoa văn Tô-tem hiện lên và mất đi rất nhanh. Mọi người vừa săn thú xong, bắt đầu thư giãn thì hoa văn Tô-tem trên người anh cũng biến mất từ lâu. Vì thế trong lúc săn bắn không ai chú ý đến hoa văn có độ kéo dài bất thường của Thiệu Huyền.
Lúc nãy Lão Khắc bị dọa đến nỗi bẻ gãy luôn cái nạng, vừa nhìn thấy còn không dám tin, dụi dụi mắt nhìn mấy lần mới chắc chắn. Ông tin rằng người khác nhìn thấy cũng sẽ rất ngạc nhiên, ví dụ như Khạp Khạp.
Khạp Khạp đánh xong một đấm liền nhìn sang cánh tay của Thiệu Huyền, Thiệu Huyền cũng nhìn thấy Khạp Khạp tấn công nhưng không có ý giết người anh liền biết Khạp Khạp muốn dò thám mình. Anh chỉ tò mò hai người này có mục đích gì.
Nằm trên giường, thần kinh căng thẳng mấy hôm nay cuối cùng cũng được thả lỏng. Trong bộ lạc quả thật rất bình yên.
Ngày hôm sau thức giấc, Thiệu Huyền hoạt động cơ thể thì phát hiện cánh ta đã hoàn toàn khôi phục, còn nhanh hơn “vài hôm” mà Lão Khắc đã nói. Thật ra không cần uống số thuốc đó anh cũng có thể khỏi trong vòng một ngày.
Nấu một nồi canh rau củ và thịt khô, chia ra cho Caeser cùng ăn. Mùi vị không ra làm sao nhưng anh đã thích ứng được từ lâu. Canh không nhiều, Thiệu Huyền ăn không no, xem ra Caeser cũng thế.
Thiệu Huyền vỗ đầu Caeser nói: “Đợi người ta mang thú săn đến tao cho mày ăn no một bữa.”
Caeser chép chép miệng, chầm chậm ngáp dài rồi lười biếng uốn éo.
Nhìn thấy vẻ ngu ngốc này, làm Thiệu Huyền nhớ lại cảnh tượng đi săn của bầy sói ở điểm săn thứ hai. So với những con sói trong rừng Caeser thật sự không có bản tính của loài sói, cứ tiếp tục thế này chắc sẽ biến thành chó thật. Không biết như thế là phúc hay là họa nữa.
Tắm rửa xong, Thiệu Huyền lại lôi lấy bàn chải răng cá cọ rửa cho nó. Hơn hai mươi ngày không tắm, tên ngốc này còn lăn lộn trên đất cát mỗi ngày, cho dù đã bị Cách tuốt đi nhưng lông của nó vẫn lại nhanh chóng vón cục.
Lão Khắc biết giúp Thiệu Huyền dọn dẹp nhà cửa, nhưng không biết tắm cho Caeser. Trong mắt Lão Khắc Caeser cũng chỉ là một con mồi, con mồi thì cần gì mà tắm rửa?
Khi Đà và Khạp Khạp mang thú săn đến cho Thiệu Huyền liền thấy anh đang chải lông cho Caeser.
Vốn dĩ thầy Phù Thủy đã sắp xếp cho người khác nhưng hai người này đã chủ động yêu cầu được vận chuyển đồ đến cho Thiệu Huyền.
“Hử, tay cậu khỏi rồi?!”
Nhìn thấy Thiệu Huyền ngồi nhanh nhẹn chải lông cho Caeser, trông không có vẻ gì là bị thương. Khạp Khạp liền quăng đồ sang một bên, rồi chạy qua xem xem cánh tay của Thiệu Huyền thì bị Đà chặn lại.
Khạp Khạp vẫn đang vùng vẫy, Đà liền làm khẩu hình “người dẫn đầu”, Khạp Khạp liền yên tĩnh trở lại. Hôm qua sau khi quay về còn bị người dẫn đầu lôi đi đánh một trận, mặt hôm nay vẫn còn sưng.
Sau khi Đà và Khạp Khạp khiêng thức ăn vào, Thiệu Huyền tươi cười cảm ơn hai người. Anh muốn tặng cho hai người ít thịt để cảm ơn thì bị Đà từ chối.
Đà phát hiện thái độ của Thiệu Huyền không tệ nhưng cũng không nhiệt tình mấy. Hết cách, ai bảo hôm qua đánh gãy tay người ta cơ chứ?
Đà cười xởi lởi nói: “Đúng rồi, thầy Phù Thủy dặn mọi người ngày kia tắm rửa sạch sẽ rồi lên núi để hành lễ với tổ tiên. Đi từ sáng sớm.”
Không dám ở đây lâu sợ Khạp Khạp sẽ gây chuyện, Đà liền lôi Khạp Khạp rời đi.
Thú săn để trên núi hôm qua đã có người xử lí giúp, đến cả da của Si Cúc Hắc Phong cũng được người ta cắt ra một cách thuần thục.
Có hai lớp da, một lớp là lớp vảy sừng, và một lớp da dày. Hai lớp da đã được tách ra và được người ta xử lý chuyên nghiệp, không có mùi máu cũng rất sạch sẽ.
Caeser đứng gầm gừ cách hai miếng thịt của Si Cúc Hắc Phong tầm hai mét, cho thấy nó không thích sinh vật này cho lắm, nhưng lại rất tò mò và thèm ăn. Nó bèn vừa gầm gừ vừa chảy dãi.
Thiệu Huyền định bụng sẽ cho Chiến sĩ ăn miếng nhỏ nhất, anh lấy công cụ cắt ra một miếng nhỏ đưa cho Caeser. Thịt của sinh vật cấp cao chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, Thiệu Huyền không biết Caeser có thể chịu đựng đến mức độ nào.
Nhìn một đống thức ăn trước mặt, Thiệu Huyền tính toán sẽ mang đến bộ lạc đổi lấy bao nhiêu muối.
Để tham gia hành lễ tổ tiên, mọi người trong bộ lạc đều trở nên bận rộn mang món ăn mình tâm đắc nhất ra, quy cách không hề kém cạnh lễ phong tuyết. Đến cả đội săn sắp khởi hành cũng phải nán lại vài hôm, đợi sau khi tham gia nghi thức hành lễ mới được rời khỏi.
Thiệu Huyền nhờ người lấy bộ vảy Si Cúc Hắc Phong làm thành một bộ quần áo, mặc lên cứ
như áo giáp vậy. Tuy trông rất ngốc, thế nhưng sự thể hiện cần thiết thì không thể tránh khỏi. Đây là cách duy nhất để chứng minh năng lực của mình trong bộ lạc, Thiệu Huyền cũng nhập gia tùy tục.
Tất nhiên, Thiệu Huyền cũng không quên gởi cho Mâu da và thịt của Si Cúc Hắc Phong, dù sao lúc săn Si Cúc Hắc Phong Mâu cũng đã góp sức.
Sau đó năm mươi ngày, bộ lạc lại tổ chức thêm một nghi thức long trọng có phạm vị toàn bộ lạc một lần nữa.
Thiệu Huyền được sắp xếp đứng ở vi trí gần lò sưởi. Vì là công thần lớn nhất trong việc tìm thấy tổ tiên nên anh hoàn toàn có tư cách này. Trong bộ lạc cũng không ai phản đối cả.
Vì thế, người trong bộ lạc nhìn thấy giữa những chiến sĩ đứng gần lò sưởi, chỉ có Thiệu Huyền là trông có vẻ “ốm yếu” nhất đứng đó.
Lần này, Thiệu Huyền không giám giả vờ nữa, anh rất nghiêm túc tiến hành nghi lễ với tổ tiên cùng mọi người trong bộ lạc, lòng thầm nói: Tổ tiên à, sau này người nhất định phải bảo vệ con đi săn thuận lợi nhé! Đừng cho con gặp phải những chuyện phiền phức thế nữa.
Bốn vị tổ tiên hòa vào ngọn lửa trong lò sưởi, ngọn lửa không làm người khác bị thương nay bao quanh bốn thu thể khô héo kia. Bốn thi thể dần dần biết mất rất nhanh, mà không để lại chút tro bụi. Đợi sau khi ngọn lửa trở về hình dáng cũ, thì mọi thứ trong lò lại trở về như lúc đầu, không có tro cốt cũng không để lại bất cứ dấu vết gì.
Mỗi khi có người trong bộ lạc mất đi đều sẽ được an táng như thế, thế nhưng không phải ai cũng được tổ chức nghi thức lớn trong lúc hỏa thiêu. Huống hồ việc này còn thuộc về tổ tiên thì quy mô không thể nhỏ hơn lễ phong tuyết được.
Thiệu Huyền cũng chú ý thấy trang sức bằng xương đã biến mất, chắc là đã bị thầy Phù Thủy tháo xuống. Cũng phải, bảo bối quý như thế đốt đi thì tiếc lắm.
Cung kính vái lạy, hoàn thành nghi thức xong thì nghi lễ cũng kết thúc. Thiệu Huyền bị thầy Phù Thủy gọi sang.
Thầy Phù Thủy hỏi Thiệu Huyền những chuyện xảy ra trong hang còn kỹ hơn những người khác. Hơn nữa thầy Phù Thủy còn hỏi rất nhiều về cảm ứng trực giác của anh, cũng chính là “sự chỉ dẫn của Tô-tem”.
Thiệu Huyền nói những thứ đã chuẩn bị sẵn, những lúc cần giả ngốc thì vẫn sẽ giả ngốc.
Thầy Phù Thủy giữ anh lại hỏi mấy tiếng đồng hồ rồi mới cho anh về.
Sau khi Thiệu Huyền rời đi, thầy Phù Thủy lấy ra một hộp bảo vật, cẩn thận mở ra. Bên trong đựng ba trang sức xương giống nhau, nếu như Thiệu Huyền có ở đây nhất định sẽ rất bất ngờ. Hóa ra bảo bối này không chỉ có một cái. Điều khác biệt là quả cầu bên trong trang sức đó đã không còn sáng như trước nữa, rất ảm đạm.
Bên cạnh chiếc hộp có một cuộn da thú, trông thì có vẻ không cũ kỹ cho lắm nhưng thực tế đã có lịch sử hàng ngàn năm.
Mở cuộn da thú ra, bên trên có vẽ vài hình đơn giản nhưng vẫn có thể nhìn ra hình dáng giống như trang sức bằng xương đó.
“Cuối cùng cũng tìm thấy cả rồi.” Thầy Phù Thủy nhẹ nhõm.
Nếu như có ai ở đây họ sẽ không tin, trên tấm da thú vẽ sáu đốt xương giống nhau, nhưng trong hộp chỉ có ba cái, vậy mà thầy Phù Thủy lại nói “tìm thấy cả rồi.”
Nghĩ đến những câu trả lời của Thiệu Huyền lúc trước, gương mặt mang nét đau thương của thầy Phù Thủy cũng lộ ra chút ý cười. Ông biết Thiệu Huyền không nói ra hết sự thật nhưng cũng không sao.
“Sức mạnh của ngọn lửa sẽ chỉ đường cho con, cũng như khi cổ đại, tổ tiên đã dùng ngọn lửa để thắp sáng đêm đen.” Thật sự ông đã nói ra câu này, nhưng thực tế người làm được rất ít. Cho dù có cảm nhận được cũng sẽ không rõ ràng như Thiệu Huyền, không mạnh mẽ bằng dù là một nửa, chỉ là một cảm giác mơ hồ mà thôi. Chỉ dựa vào một cảm giác mơ hồ thì không thể ra khỏi ngọn núi ấy được. Cũng giống như tổ tiên vậy, có thể cảm nhận được một chút, có thể tìm đến vị trí của Trưởng Lão nhưng không cách nào ra khỏi hang.
Nghĩ đến cảnh khi Thiệu Huyền thức tỉnh không giống với những đứa trẻ khác mà giống với cách thức tỉnh của ngọn lửa nguyên vẹn...
Lẽ nào đây là sự khác nhau của ngọn lửa nguyên vẹn và ngọn lửa tàn khuyết sao?
Thầy Phù Thủy nhìn trang sức xương trước mặt, dang đôi tay nhăn nheo ra cẩn thận sờ vào khối cầu trên đốt xương đã mờ đi, cất tấm da thú vào, đậy nắp hộp lại trả về chỗ cũ.
Lùi về sau hai bước thầy Phù Thủy yên lặng nhìn chiếc hộp bảo vật, cung kính quỳ lạy.
Trưởng Lão, chức danh này đã biến mất cách đây ngàn năm trong bộ lạc, không biết đến bao giờ mới xuất hiện lần nữa.