Sang xuân là Lâm Du phải bắt đầu đến trường, Văn Chu Nghiêu vào thẳng lớp cuối cấp. Cậu ta không cần phải làm bài tập buổi sáng như anh em nhà họ Văn nhưng cũng rời giường dậy từ rất sớm.
Những tố chất hơn người của Lâm Du dần lộ ra.
Chẳng hạn như cậu bớt dần trạng thái cực kỳ nhõng nhẽo với người nhà, ai bế cũng ườn ra trong lòng người đó làm nũng, không chịu làm gì thì khóc nhè, thích được dỗ dành của thời điểm vừa khỏi bệnh.
Thật ra hiện tại cũng còn thế, nhưng vẫn có điểm khác.
Cậu sẽ rất cần cù, dạng ép mình cặm cụi khắc khổ trong vô thức.
Cậu có thể trốn trong phòng làm việc của Lâm Bách Tòng suốt cả ngày, làn da mỏng manh của trẻ con chẳng mấy đã bị các loại công cụ, dao khắc cạ rách da chảy máu. Lần nào Dương Hoài Ngọc thấy cũng mắng Lâm Bách Tòng quá nhẫn tâm.
Nhưng khi tư chất nổi trội ấy được cộng thêm sự chăm chỉ, trình độ tay nghề sẽ tăng tiến rất nhanh, dù bị vợ mắng Lâm Bách Tòng vẫn cười rất vui mừng được.
Con trai của Lâm Bách Tòng ta, được sinh ra để điêu khắc gỗ.
Thành tích học tập ở trường của Lâm Du thì luôn bình bình, không cao không thấp.
Cậu không phải thiên tài có IQ siêu cao gì đó, càng không muốn ỷ mình lớn tuổi mà vơ lấy cái danh thần đồng. Cho nên cậu cố ý khống chế để đi từng bước một trên con đường thích hợp với lứa tuổi này.
Mùa hè năm ấy, Văn Chu Nghiêu cao vọt lên thấy rõ.
Lâm Du vẫn là bé con nấm lùn, bỏ đi lớp vỏ béo núc ních của cả mùa đông, bé cánh cụt hoàn toàn biến thành viên trôi nước. Làn da trắng sữa vì trốn trong phòng suốt thời gian dài nhìn là muốn cắn một miếng.
Chiều hôm ấy mặt trời vừa xuống núi, trên con đường cách đường Thịnh Trường hai ngã tư có đánh nhau.
Một toán oắt con co giò chạy như chó hoang, cặp sách trong tay bị tung vút lên cao, có cái không kéo dây kín nên sách vở rớt lung tung khắp nơi.
Một toán khác đuổi theo sau lưng chúng nó.
Toán phía sau trông lớn hơn nhóm phía trước, vừa đuổi vừa hét: "Mấy thằng phía trước, mấy đứa mày mà không đứng lại nữa là chết chắc! Có nghe không!"
Thế là khi Lâm Du đeo cặp sách về nhà thì thấy cảnh như sau.
Hai anh em Lâm Thước Lâm Hạo và mấy đứa nhỏ khác con nhà hàng xóm trên đường Thịnh Trường bị nhốt vào góc tường, đứa nào trông cũng ngu si, bị một đám người đẩy qua đẩy lại.
Mà vừa khéo, ngày hôm ấy Lâm Du không về cùng Văn Chu Nghiêu.
Lớp cuối cấp phải học thêm nên Lâm Du về trước.
Mấy đứa nhỏ lớn hơn trong góc tường vẫn đang cười cợt, "Chạy đi, sao mày không chạy nữa? Lâm Thước mày tưởng mày ngầu lắm mà. Nghe nói nhà họ Lâm của mày giàu lắm hả, cho các anh chút coi, hôm nay thôi không đánh bọn mày nhá?'
"Đúng đúng, xem như biếu tặng các anh mày đi."
Đang làm ầm ĩ thì cả bọn nghe thấy ai đó nói: "Tiền của nhà họ Lâm, sẽ cho ăn mày bên lề đường, cho người nghèo bị bệnh, nhưng bảo cho đám côn đồ từ nhỏ đã học hư như mấy người thì đúng là nằm mơ."
Lâm Du không lạ gì đám nhóc này nữa.
Gần đây có một trường cấp hai hạng thấp, đám l ưu manh con này cơ bản đều xuất thân từ đó.
Dù sao thì nguyên do đời trước Lâm Thước triệt để sa chân vào đầm lầy cũng có liên quan trực tiếp với việc về sau chơi cùng đám người này.
Nam sinh cầm đầu để kiểu tóc dập xù thịnh hành nhất thời đó, tóc mái dài che hết một con mắt xuống tận cằm. Để Lâm Du đã từng lăn lộn trong những ngày tháng tân tiến nhất của thế kỷ 21 nhìn thấy đúng là quá tàn ác với đôi mắt cậu.
"Ai đây?" Thấy có người lên tiếng, tên cầm đầu nhìn sang Lâm Du.
Thấy rõ người đang đứng cách đó vài mét thì cả đám cười hô hố lên hết sức lố lăng, có người hỏi: "Nhóc con, mày dứt sữa chưa thế?"
"Chưa đâu." Lâm Du bước tới vài bước, "Tôi uống sữa mà lớn còn biết cướp tiền là phạm pháp, cục cảnh sát chỉ cách chỗ này một con đường, tôi đã bảo bạn đi gọi cảnh sát rồi."
Dù sao cũng còn nhỏ, nghe tới cảnh sát là đứa nào cũng e dè và sợ sệt.
Có đứa nói nhỏ với đứa cầm đầu: "Anh Toàn hay hôm nay thôi vậy? Mấy thằng này không trốn được đâu, hôm khác tính sổ chúng nó?"
Lúc bọn chúng bàn bạc với nhau, Lâm Du dã chạy đến cạnh hai anh em kia.
Lâm Thước liếc mắt nhìn cậu, "Em tới đây chi? Ai bảo em nhiều chuyện?"
"Anh tưởng em muốn chắc?" Lâm Du đảo mắt lườm cậu chàng, nói nhỏ: "Vụ gọi cảnh sát là bịa đó, lát nữa em bảo chạy là chạy, nghe không?"
"Ai thèm nghe lời em?" Lâm Thước phì mũi hừ một tiếng.
Lâm Du nhìn khuôn mặt lì lợm bị rách cằm của cậu chàng, nếu có thể, cậu thật sự rất muốn tát vào ót Lâm Thước một cái.
Nhờ sống lại một lần, cậu mới phát hiện thì ra từ khi còn nhỏ ông anh họ này đã rất chướng tính.
Có lẽ do ảnh hưởng thì chú thím hai, nên luôn nghĩ ắt hẳn tay nghề của mình hơn cậu một bậc. Nhưng trong nửa năm nay, sự tiến bộ của Lâm Du có thể thấy được bằng mắt thường, thậm chí khả năng thiên phú còn nổi tiếng trong toàn giới.
Khiến cho gần đây Lâm Thước thấy cậu là cứ lườm nguýt nhát gừng.
Lâm Hạo thì nhát hơn Lâm Thước, đưa tay kéo kéo ba lô của Lâm Thước nhăn nhó nói: "Chúng ta nghe lời Tiểu Du đi anh, em không muốn bị đánh."
Lúc này thì lại chịu gọi cậu là Tiểu Du.
Lâm Thước còn chưa kịp đồng ý thì bọn họ đã khiến mấy tên lưu manh con kia chú ý.
Một đứa gầy như cây sào mặt rỗ chằng chịt chỉ vào Lâm Du hô to: "Anh Toàn chắc chắn thằng ôn này nói dối, từ nãy em đã phát hiện, nó đi có một mình, bảo ai đến cục cảnh sát được chứ?"
Đại ca đầu sư tử quay lại, nghiến răng nhìn Lâm Du, "Thằng oắt mày dám lừa ông à?"
Rồi túm lấy cổ áo Lâm Du suýt chút nhấc bổng cậu lên.
Lâm Du ngoái đầu cắn phập vào cánh tay nó, tranh thủ lúc nó thét lên liền cởi ba lô xuống ném vào mặt nó, hô to với những người khác: "Chạy!"
Lúc này Lâm Thước không đấu võ mồm với cậu nữa, trông có vẻ chần chừ như định đến cứu cậu.
Lâm Du: "Về gọi người tới!"
Đến đây Lâm Thước mới nghiêm túc nhìn cậu rồi dẫn cả đám sải chân chạy đi.
Trong tình huống này Lâm Du hoàn toàn không có khả năng thoát được, một giây sau cậu bị ném bay ra. May mà cậu có kinh nghiệm, biết cuộn người lại nên không đập trúng đầu, nhưng cánh tay đã đập thẳng vào bức tường đá bên đường với độ cong vặn vẹo.
Khi cảm giác đau đớn kịch liệt truyền tới, Lâm Du biết có thể xương cốt gặp chuyện không lành rồi.
"Mẹ, sao thằng nhỏ này không khóc vậy." Một đứa lưu manh thấy Lâm Du bò dậy mà không rên tiếng nào liền nói.
Một đứa khác tiếp lời: "Có gì khó đâu, không khóc thì đánh cho khóc."
Đứa được gọi là anh Toàn bị cắn một cái nên giờ đang rất tức tối. Nó đi tới góc đường đá vào Lâm Du bằng đôi giày thể thao bẩn thỉu, cúi xuống hỏi cậu: "Thằng oắt mày câm rồi hả?"
"Lấy chân ra." Lâm Du nói.
"Hơ, hù tao hả?" Anh Toàn phì cười mấy tiếng rồi quay lại nói với đám sau lưng: "Mấy thằng mày nghe thấy chưa? Thằng oắt đó hù dọa tao kìa."
Cả bọn cười hùa theo, một đứa đầu sư tử khác vội đi tới nói: "Anh Toàn, sao em thấy mắt thằng nhỏ này này quái quái, anh coi kìa, nó cứ nhìn mình vậy làm em rợn hết cả người."
Đứa được gọi là anh Toàn nhấn mạnh chân xuống.
Tuy nó cũng cảm thấy thằng nhóc này nhìn mình trông hơi rờn rợn, đặc biệt là khi bảo nó lấy chân ra, nhưng nó không muốn chịu thua hay thừa nhận mình sợ một thằng nhóc con bé xíu.
Nó vừa nghiến chân vừa nói: "Nhìn gì mà nhìn? Nhìn nữa tao móc mắt mày ra đó!"
Có lúc độ tuổi thật sự không ảnh hưởng đến sự thiện ác của con người.
So với những mưu mô lừa lọc, bẫy rập ám hại sau lưng trên thương trường mà Lâm Du từng đối diện trong tương lai, ác ý được thể hiện rõ ràng thế này trực diện đến
độ khiến cậu cảm thấy thật xa lạ.
Tuy là vẫn khiến người ta chán ghét như nhau.
Lâm Du đã nghĩ hôm nay mình chắc chắn sẽ bị tẩn một trận vì đám nhóc con Lâm Thước, kết quả là khi một cái ba lô đen bay từ xa tới đập chính xác vào đầu anh Toàn, trận đòn này lại chắn chắn không thành.
Anh Toàn cũng phẫn nộ xoa đầu, "Mẹ kiếp lại ai nữa!"
"Tao." Tiếng nói vang lên sau lưng cả bọn.
"Lại một thằng chán sống à." Anh Toàn nghiến răng nói.
Chỉ nhìn bề ngoài thôi thì giống tới nạp mạng thật.
Cái người mặc sơ mi trắng tươm tất sạch sẽ đó, xét tuổi tác lẫn số lượng đều không bằng bọn họ. Nhưng khi cả đám tách ra để lộ người đang bị giẫm trên đất, chính đứa nhỏ chưa lớn hẳn đó đã sầm mặt lại.
Rồi ra tay cũng chỉ chuyện trong chớp mắt.
Đầu anh Toàn chúi xuống đất, khi bị bẻ chân kêu la thảm thiết hẳn nó vẫn chưa làm rõ được tình hình.
Thân hình Văn Chu Nghiêu như một chú dê con linh hoạt, tóc ngắn, khuôn mặt hãy còn non trẻ, nhưng ngũ quan đã có đường nét mày kiếm mắt ưng, đứng giữa một đám lưu manh la liệt quả thật có thể trực tiếp bắn ra mấy chữ to căn chính miêu hồng.
Vốn dĩ Lâm Du thấy chỉ có mình Văn Chu Nghiêu còn hơi lo lắng, nhưng thấy cậu ta ra tay gọn gàng dứt khoát thế thì lập tức từ bỏ động tác ngồi lên.
Vì mẹ kiếp tay thật sự rất đau.
Đây là lần đầu tiên Lâm Du thấy Văn Chu Nghiêu đánh nhau.
Chuyện hoàn toàn ngoài dự kiến, nhưng dường như đã nằm trong dự liệu của cậu.
Dù sao thì cậu ta cũng chỉ đánh Thái Cực với chú Phú được mấy ngày đầu, về sau mỗi khi nhóm Lâm Du luyện tập buổi sáng, người ngoài sân đều đang tập thể lực căn bản.
Bằng một bài võ quân đội tương tự với bài cậu từng học trong kỳ quân sự ở Đại học, nhưng lại không hoàn toàn giống.
Người nhà họ Lâm không lấy gì làm lạ, vì ai cũng biết nhà họ Văn xuất thân từ quân đội.
Từ nhỏ Văn Chu Nghiêu đã theo bên cạnh cha ruột, thói quen sinh hoạt đương nhiên sẽ khác con cháu nhà họ Lâm.
Đôi khi Lâm Bách Tòng thấy Lâm Du trốn trong phòng làm việc cả ngày còn cố ý xua cậu ra học với Văn Chu Nghiêu. Cậu đã rất nghiêm túc quơ quào vài hôm thật, Lâm Bách Tòng bảo nhìn mềm nhũn như cái gối thêu hoa, không có xíu lực nào.
Lâm Du thật không còn sức để than, cậu còn nhỏ mà, động tác dứt khoát được bằng nào chứ.
Ban đầu Văn Chu Nghiêu cũng dạy dỗ rất tận tâm, gương mặt shota mười tuổi nghiêm nghị đích thân dạy từng chiêu từng đòn, không lơi tay chút nào.
Sau đó lúc ngủ ban đêm, cũng là Văn Chu Nghiêu vô tình phát hiện trên người cậu bầm đen bầm đỏ. Da cậu quá non, lỡ ấn vào lấy dấu rồi là cả tuần sau cũng chưa tan. Về sau Văn Chu Nghiêu thẳng thắn bảo cậu thôi đừng học nữa.
Lâm Du được thảnh thơi còn mừng, cậu thật sự không có hứng thú với quyền cước.
Nhưng Lâm Du thật sự không ngờ được, những thứ cậu ta luyện tập thường ngày khi dùng trong thực tế lại hiệu quả đến thế.
Lúc Văn Chu Nghiêu thở dốc đi tới trước mặt cậu, trán cậu ta đã toát mồ hôi mịn.
Văn Chu Nghiêu đứng ngược hướng ánh chiều còn sót lại, lia mắt nhìn từ đầu xuống chân Lâm Du, cuối cùng dừng trên cánh tay không nhúc nhích của cậu.
"Dậy nổi không?" Cậu ta hỏi.
Lâm Du: "Không ổn lắm, anh, kéo em một cái đi."
Lâm Du chìa cánh tay không bị thương về phía Văn Chu Nghiêu, còn cười cười với người ta.
Văn Chu Nghiêu không kéo cậu là cậu liền: "Nhanh nào, em đau chết mất thôi... Văn Chu Nghiêu."
Có lúc cậu cũng sẽ gọi cậu ta là Văn Chu Nghiêu, biểu thị cậu sắp nổi giận.
Đường Thịnh Trường được lát bằng đá xanh nguyên tảng, mặt đường rất rộng.
Văn Chu Nghiêu cõng Lâm Du đi sát bên bờ tường, đeo chéo ba lô của hai người trên cổ.
Một cánh tay của Lâm Du phải buông thõng xuống, nhưng vẫn lắc chân giỡn trên lưng người ta.
"Nằm yên." Văn Chu Nghiêu vỗ cậu.
Lâm Du đang rất vui vẻ, cậu nói: "Em đang thấy vui mà."
Cậu cũng không cần ai phải hiểu, cảm giác tan trường, gặp chút phiền phức, nhưng vẫn có thể lắc lư bước lên con đường về nhà dưới ánh tà dương cùng người này.
Lâm Du: "Đã nói là em tự đi được rồi mà."
Văn Chu Nghiêu: "Em ngậm miệng lại đi."
"Anh lại giận à?" Lâm Du thở dài, "Em biết ngay là anh sẽ giận mà, Văn Chu Nghiêu, anh tập được cái tính ngang ngược đó từ bao giờ vậy? Em đối xử với anh còn chưa đủ tốt à?"
Văn Chu Nghiêu: "Em xuống đi."
"Không, giờ em hết muốn xuống rồi." Lâm Du ôm chặt cổ người ta, trêu chọc: "Anh cả, anh ơi, anh, anh trai nhỏ, anh cười cái đi nà."
Trong nửa năm này, Văn Chu Nghiêu mới mười tuổi đã gặp phải phiền phức lớn nhất đời của mình.
Lâm Du là một đứa nhỏ có hành vi rất ấu trĩ, rất khó ứng phó, ngày nào cũng quấn sau mông cậu ta nhắc uống thuốc như con cún con, một ngày ba bữa, không sót bao giờ.
Lại còn nói nhiều.
Đối phương mà ngậm miệng cậu vẫn có thể nói huyên thiên mãi cho đến khi người ta không nhịn được nữa phải mở miệng ra.
Cậu luôn rất thích thú với trò chơi này.
Lúc Lâm Thước Lâm Hạo dẫn theo một nhóm người rất đông chạy tới phía trước, Lâm Du đang nằm sấp trên vai Văn Chu Nghiêu nói: "Anh, anh xem, đây chính là ước nguyện đời này của em. Anh phải cười nhiều một chút, phải thật sự vui vẻ."
Đôi khi Văn Chu Nghiêu cũng không hiểu được cậu, chẳng hạn như bây giờ.
Nhưng cậu ta sẽ có cảm giác trong thời khắc này đứa bé ấy cách mình rất xa, xa tới độ không một ai chạm đến được.
Xa đến mức cậu ta vô thức siết chặt người đang cõng trên lưng hơn một chút.
Một thuật ngữ chính trị được dùng rất phổ biến trong thời kì cách mạng văn hóa, chỉ những con em trong từ gia đình có xuất thân tốt, sinh dưới thời Trung Quốc đổi mới, không bị ảnh hưởng của tư tưởng cũ, tương lai nhất định sẽ phát triển tốt, đi theo con đường cách mạng.