“”Cú mèo hậu đậu”? Gớm quá, lại là clone (bản sao) của “Flappy Bird” ạ. Dạo này toàn dính phải cú lừa sợ thật đấy!”
“Đồng quan điểm. Bây giờ tôi cũng thấy ngợp quá rồi, tìm trò gì để chơi cũng thấy bóng dáng con chim ngu ngốc ấy quanh quẩn đâu đây.”
“Trò chơi gì không ăn theo, đi ăn theo cái trò không được nổi 2 sao đánh giá ạ. Đám công ty game này điên hết cả rồi!”
“Có bạn điên ấy. Trò chơi gốc nổi tiếng khắp nơi như thế, giờ không chế ra phiên bản ăn theo để kiếm tý cháo mà húp thì còn định đợi đến bao giờ? Toàn dạy thợ may cắt áo.”
“Tẩy chay “Flappy Bird” đi các bạn trẻ! Hãy chơi “Flappy Bat”, đó mới là một trò chơi tuyệt vời!”
“Nhiều thằng sống trên đời chắc chỉ để thải khí CO2 cho thực vật quang hợp quá. Giờ lại còn đòi tẩy chay “Flappy Bird” để chuyển sang chơi phiên bản sao chép 100% của nó nữa chứ, đúng là không biết để đâu cho hết ngu.”
“... Hay lắm! Giờ lại còn có cả “Củ khoai thần kỳ” nữa này. Con ** nó, hết máy bay phi thuyền, ong bướm các loại nhảy nhót theo con chim “Flappy Bird” rồi đến lượt củ khoai cũng được cho lên sóng? Chọc mù mắt tao đi TOBO ơi!”
“Đến cả Hoasgame còn tung ra “Flappy bird” phiên bản mèo cầu vồng nữa thì củ khoai của TOBO đã là gì hả bạn? Chịu khó đi, hy vọng là cái trào lưu ăn theo này sắp sửa đi đến hồi kết.”
Trước cảnh tượng hàng loạt những sản phẩm sao chép “Flappy Bird” lục tục tiến vào thị trường trò chơi di động, phần lớn người chơi ở cả trong cũng như nước ngoài đều tỏ vẻ vô cùng bất mãn. Họ không ngừng biểu thị rằng bản thân mình đã bị con chim xấu xí ngu ngốc của Ninja Studio hành hạ lên bờ xuống ruộng rồi, như thế còn chưa đủ hay sao mà bây giờ còn phải chịu thêm cảnh bị đủ các loại đồ vật khác dày vò?
Cứ việc vẫn có một số lượng không nhỏ dân tình ủng hộ, trào lưu chế tác trò chơi ăn theo “Flappy Bird” nhanh chóng bị cộng đồng lên án ở khắp mọi nơi. Trong số những người này còn có cả những fan hâm mộ trò chơi gốc và Ninja Studio, vốn không hề thích thú trước cái cảnh “chú chim xệ cánh” lắc mình biến hoá thành phi thuyền, côn trùng hay thậm chí là củ khoai biết bay trong những trò chơi khác. Thế là họ không chút ngần ngại hô hào mọi người tẩy chay những phiên bản ăn theo, có người hảo tâm còn lên thẳng trang chủ Ninja Studio xách động Dương Khoa đi kiện cáo nhằm đòi lại quyền lợi cho mình.
Có điều, làm người trong cuộc Dương Khoa lại không mấy quan tâm đến chuyện “Flappy Bird” bị sao chép tràn lan bởi hai yếu tố. Thứ nhất là hắn đã chứng minh được cho thiên hạ thấy khả năng vơ vét tiền của đỉnh cao, lấy nhỏ thắng lớn đến mức không tưởng của mình rồi. Hiện tại hắn cảm thấy tương đối hài lòng với những gì thu về được từ trò chơi, không cần thiết phải tiếp tục đứng ở đầu sóng ngọn gió làm gì cho mất thời gian. Thứ hai là hắn biết thời kỳ vàng son của “Flappy Bird” sắp sửa đi đến hồi kết đến nơi rồi.
Đừng nhìn thấy mọi người vẫn đang điên cuồng với trò chơi mà cho rằng nó sẽ một mực sống khỏe sống tốt, kỳ thật khi được hỏi tới bất kỳ người nào cũng đều trả lời rằng bản thân bắt đầu cảm thấy chán ngấy “Flappy Bird” và những thứ có liên quan đến nó rồi. Đây không phải là một dấu hiệu tốt đẹp chút nào, bởi vì một khi người chơi bắt đầu cảm thấy nhàm chán như vậy chứng tỏ sức hút của bản thân trò chơi đã không còn, đồng nghĩa với việc ngày nó chìm vào quên lãng hẳn không còn xa nữa.
Vì lẽ đó, sau gần ba tháng phát hành Dương Khoa đã quyết định thả nổi “Flappy Bird”, đồng thời thông báo cho Liễu biết để cô thu tay lại không bỏ tiền bỏ công sức ra quảng bá trò chơi nữa nhằm tránh tình trạng được không bù mất. Điều này càng tạo điều kiện cho những công ty chế tác trò chơi ăn theo kia trắng trợn quảng bá sản phẩm của chính mình, mặc kệ một Ninja Studio từ đầu đến cuối không có bất kỳ một động thái nào ngăn cản.
Hệ quả là thị trường trò chơi di động những ngày đầu tháng sáu vốn đã loạn nay lại càng thêm loạn, nhưng như đã nói nó đã chẳng còn mấy ý nghĩa đối với bản thân Dương Khoa.
Còn lại trò chơi im hơi lặng tiếng nhất trong ba trò chơi của Ninja Studio đang được phát hành là “Cut the Rope”, tháng vừa rồi một mực bận rộn với dự án chính song Dương Khoa vẫn kịp thời tung ra phần chơi mới cho trò chơi mang tên “Valentine Box” (Hộp tình yêu). Như thường lệ, phần chơi này bao gồm 25 màn chơi xoay quanh tính năng mới toanh được lồng ghép vào trong những câu đố: viên kẹo nay đã bị chia thành hai mảnh, cần phải ghép lại thành viên kẹo hoàn chỉnh mới có thể qua màn.
Tính năng độc đáo này ngay khi vừa mới ra mắt đã nâng tầm những màn chơi trong “Cut the Rope” lên một nấc thang mới, khiến cho các fan hâm mộ trung thành của trò chơi cảm thấy thích thú vô cùng. Song song với đó, với việc nội dung trò chơi ngày càng trở nên phong phú và đa dạng số lượng người chơi tìm đến với nó bắt đầu nhiều lên, đồng nghĩa với doanh thu mà nó đem lại cho Ninja Studio cũng có xu hướng gia tăng. Mặc dù không thể nào so bì được với hai người đàn anh của nó nhưng điều này vẫn góp phần tạo nên động lực để Dương Khoa sớm ngày hoàn thiện toàn bộ trò chơi.
Ba nguồn lợi nhuận đến từ ba trò chơi tổng hợp lại, tính đến thời điểm hiện tại Ninja Studio đã gom về cho mình xấp xỉ 30 tỷ đồng. Đối với một phòng làm việc chỉ vừa mới trải qua hơn nửa năm hình thành và phát triển từ con số không thì đây là một thành quả cực kỳ đáng tự hào.
Nắm trong tay một số tiền lớn như vậy Dương Khoa cũng bắt đầu cảm thấy động tâm. Tư duy của hắn trở nên lớn mật hơn rất nhiều, và hiện tại thì hắn không còn muốn đi thuê trụ sở mới như Thu Lan đã từng gợi ý nữa mà chợt nảy sinh ý tưởng mua hẳn một mảnh đất rồi xây dựng nên một cơ ngơi khang trang làm trụ sở của riêng mình.
Bất quá, ý tưởng này vừa mới được Dương Khoa đem ra thảo luận trong cuộc họp cuối tháng vừa qua đã bị tất cả mọi người trong phòng làm việc phủ quyết. Theo Thu Lan và Liễu, hai người có tầm ảnh hưởng chỉ sau bản thân hắn quỹ tiền hiện tại của Ninja Studio trông thì nhiều đấy nhưng không thể tiêu pha hoang phí như vậy. Lý do mà hai người họ đưa ra là: làm trò chơi thường sẽ rất hao tiền tốn của, từ chế tác cho đến quảng bá phát hành đều cần phòng làm việc đầu nhập một lượng vốn liếng khổng lồ.
Cho dù hiện tại những khoản chi phí kể trên cộng lại chưa nhiều nhặn gì, song đừng quên rằng Ninja Studio bây giờ vẫn chỉ là một phòng làm việc độc lập bé nhỏ, chuyện chế tác những trò chơi di động đơn giản và nhẹ vốn. Một
khi Dương Khoa quyết định dấn thân vào những lĩnh vực sôi động hơn như trò chơi PC, VR hay chuyển sang chế tác những trò chơi di động phức tạp thì tổng chi phí sẽ không quanh quẩn ở mức một vài trăm triệu như hiện tại. Tối thiểu cũng phải gấp mười gấp trăm lần con số đó.
Mà đấy là còn chưa tính đến chi tiêu hàng ngày hàng tháng, đầu tư mở rộng phát triển quy mô phòng làm việc và cả những thứ râu ria như dự phòng trường hợp khẩn cấp nữa.
Số tiền đầu tư khả năng phải bỏ ra nhiều như vậy trong khi thời gian chờ đợi thu hồi vốn tương đối lâu, thêm cả việc liệu có thể kiếm được lợi nhuận từ trò chơi hay không vẫn còn là một ẩn số, may mắn thì kiếm lớn còn xui xẻo thì lỗ nặng nên không thành viên nào đồng ý cho Dương Khoa tiêu hoang bằng cách mua đất làm nhà. Mặc dù hắn sẵn sàng dùng mọi hình thức để cam đoan rằng trong tương lai bất kỳ trò chơi nào do Ninja Studio chế tác nên đều sẽ là siêu phẩm bán chạy, Thu Lan vẫn chốt lại cuộc họp tổng kết với kế hoạch thuê trụ sở văn phòng tại một cao ốc nào đó nằm trong nội thành sẽ đi vào triển khai ngay trong tháng bảy, sau khi có được số phiếu tán thành chiếm đến 93,33333% tổng số phiếu.
“Chú thông cảm, anh có thể tin tưởng bất kỳ tuyên ngôn chém gió nào của chú, riêng có cái câu “Không bao giờ thất thủ.” vừa rồi là ngoại lệ. Con người ai chẳng có lúc sai lầm, anh đây còn sai đầy lần nữa là chú! Không thể lãng phí tiền nong của phòng làm việc vào những lĩnh vực không cần thiết.” Đây là nguyên văn câu nói của Thiếu Hoàng trước khi bỏ phiếu. Ngay đến một người yêu thích khoe khoang bậc nhất Ninja Studio còn nói được những câu như vậy thì chẳng có lý do gì để những người khác đồng tình với ý tưởng mua đất xây nhà của Dương Khoa cả. Cực chẳng đã, hắn đành tuân theo đa số gật đầu đồng ý thực hiện bản kế hoạch của Thu Lan, cũng như cam kết tạm thời sẽ không động đến quỹ tiền mặt đang ngày một phình to của phòng làm việc.
Và đó là tất cả những tin tức liên quan tới Ninja Studio trong suốt một tháng qua.
Về phần thị trường trò chơi trong nước cũng như quốc tế, thời gian gần đây ngoài hai trào lưu gây tranh cãi của “Flappy Bird” ra thì không có nhiều tin tức mới đáng chú ý xuất hiện. Đa số các bài báo đều đang tập trung bám sát những diễn biến mới nhất của “mùa eSport”, vốn luôn nhận được sự quan tâm đông đảo đến từ phía quần chúng mỗi khi đến dịp. Dù vậy người ta thỉnh thoảng vẫn bắt gặp một vài trò chơi được “nhá hàng” trên các phương tiện đại chúng, và chúng cũng tạo nên những phen xao động nho nhỏ.
Bỏ qua thị trường trò chơi quốc tế, tại thị trường trong nước tin tức đáng chú ý nhất tuần vừa qua thuộc về GETA với siêu tân tinh mới nổi của mình – Thu Thảo. Sau nửa năm bặt vô âm tín, cô bất ngờ xuất hiện trên báo chí trả lời phóng viên về dự án “Cát bụi” mà bản thân đang được tin tưởng giao phó trọng trách chỉ đạo. Ngoài ra,Thu Thảo còn phối hợp với phóng viên trả lời một số câu hỏi bên lề, cũng như đưa ra cái nhìn của mình về thị trường trò chơi điện tử trong khoảng thời gian gần đây.
Khi được hỏi về ý kiến của bản thân trước việc “Fruit Ninja” bất ngờ vươn lên giành lấy ngôi vương mà trò chơi “Grand Chef” của cô đang nắm giữ tại bảng xếp hạng trò chơi di động trả phí hay nhất tháng, Thu Thảo chỉ trả lời một cách quy củ rằng bản thân cô cũng rất ưa thích sản phẩm đến từ Ninja Studio và cho rằng vị trí thứ nhất mà nó giành được hoàn toàn xứng đáng. Cô còn nhấn mạnh thêm Dương Khoa là một tài năng trẻ đầy triển vọng của làng trò chơi nước Việt, chính bản thân cô cũng đã học hỏi rất nhiều điều từ chàng thanh niên ấy.
Bài báo này Dương Khoa có đọc, nhưng sau khi xem hết nội dung hắn chỉ bĩu môi tỏ vẻ coi thường rồi nhanh chóng chuyển sang đọc bài báo khác. Hiển nhiên là những lời bộc bạch của “tảng băng mùa hạ” không nở lấy một nụ cười dù chỉ là nhếch mép trong suốt cuộc phỏng vấn này nửa chữ hắn cũng không tin.
Tin tức đáng chú ý thứ hai bất ngờ thuộc về một công ty trò chơi tầm trung mang tên SmileIndie. Trải qua muôn vàn trắc trở, cuối cùng thì trò chơi mà công ty này một mực ấp ủ kể từ cuối năm ngoái đến giờ đã cho ra mắt phiên bản demo cũng như trailer giới thiệu. Kế thừa hoàn mỹ lối chơi “Match 3 RPG” đồng thời sở hữu thêm những tính năng mới lạ và thời thượng, trò chơi ngay lập tức tạo nên một cơn chấn động nhỏ tại thị trường nội địa. Nói không ngoa, qua những gì mà trò chơi này thể hiện trong demo và trailer tất cả những trò chơi thuộc thể loại “Match 3 RPG” trước đó đều bị làm cho lu mờ. Ngay cả ông tổ của nó là “Bejeweled” cũng không phải ngoại lệ.
Ngoài hai tin tức nặng ký trên thì còn có một tin tức không kém phần thú vị, đó là Navigame bất ngờ tuyên bố sẽ kéo dài thời gian phát triển dự án bắn súng trực tuyến mang bí danh “Điểm chết” của mình. Thay vì đến tháng tám là đã có thể chạm tay vào phiên bản thử nghiệm của trò chơi như đã định từ trước, thì nay người chơi cần phải đợi tới khi hội chợ GamExpo năm 2025 khai mạc mới có thể làm được điều đó.
Xung quanh tin tức này có rất nhiều lời đồn đoán liên quan đến nguyên nhân tại sao Navigame lại phải trì hoãn thời điểm thử nghiệm. Có người bảo công ty muốn để dành trò chơi làm chủ lực cho màn triển lãm của mình tại hội chợ năm nay. Có người lại bảo trò chơi này hiện tại đang đắp chiếu nằm liệt giữa đường, sắp bị cao tầng đem vứt xó đến nơi rồi. Cũng có người nói dự án đang tạm ngưng để đội ngũ thiết kế quay ra chế tác trò chơi ăn theo “Flappy Bird”…. Được rồi, tin này là tin vịt 100%. Có ai mà không biết Navigame sẽ không bao giờ chen chân vào thị trường trò chơi di động cơ chứ?
Tóm lại là có cả đống lời đồn đoán xuất hiện, thế nhưng nguyên nhân thực sự của việc trì hoãn thời điểm thử nghiệm trò chơi là gì thì lại không có một ai biết rõ. Không một ai, ngoại trừ nội bộ công ty Navigame và duy nhất một người ngoài công ty nhưng lại đóng vai trò then chốt dẫn đến quyết định đó.