TÀI LIỆU VIẾT TRUYỆN TRUNG CỔ CHÂU ÂU
– – 0 – –
Raw: Hội những người viết truyện (truyện tự sáng tác) từ bạn Martin Dao – https://www.facebook.com/ducanh.dao.92351
Luna Wong: Mình đã xin phép và được bạn Martin Dao đồng ý cho phép reup. Hy vọng với bài viết này sẽ giúp được cho những bạn thích thể loại trung cổ châu âu
– – 0 – –
Một số địa vị chính trong hoàng gia và quý tộc phương Tây:
+ Emperor (Hoàng đế): Người đàn ông hoàng tộc trị vì một Empire (Đế chế). Phiên bản nữ là Empress (Nữ đế). Khi mới bắt chuyện thì xưng là Your Imperial Majesty hoặc Your Majesty(Bệ hạ), sau đó mới xưng Sire (Lệnh ông) hoặc Madam (Lệnh bà).
– Empress Regnant (Nữ đế tại vị): Nữ đế có được ngai vàng thông qua sáng lập triều đại hay thừa kế, có toàn bộ quyền lực mà không phải dựa vào Hoàng đế. Hoàng đế tại vị chỉ được gọi là Emperor.
– Empress Consort (Nữ đế phối ngẫu): Nữ đế có được địa vị thông qua hôn phối với Hoàng đế tại vị, không trực tiếp nắm mọi quyền hành trong việc quản lý nhà nước. Phiên bản nam là Emperor Consort (Hoàng đế phối ngẫu).
– Empress Regent (Nữ đế nhiếp chính): Nữ đế là Phối ngẫu nhưng phải thay Hoàng đế trị vì tạm thời trong trường hợp Hoàng đế bệnh tật, thoái vị, hay đột ngột băng hà nhưng người nối dõi còn quá nhỏ tuổi. Phiên bản nam là Emperor Regent (Hoàng đế nhiếp chính).
– Empress Dowager (Cựu nữ đế): Nữ đế là Phối ngẫu nhưng có Hoàng đế đã qua đời hoặc có con là Hoàng đế. Cựu hoàng đế được gọi là Retired Emperor, Grand Emperor hoặc Emperor Emeritus.
+ High King hoặc Great King (Vua của các vua): Vị vua đứng trên những vị vua khác nhưng không lấy danh hiệu Hoàng đế. Phiên bản nữ là High Queen hoặc Great Queen (Hoàng hậu của các hoàng hậu). Cách gọi này chỉ dùng trong giai đoạn đầu của thời kì phong kiến.
+ King (Vua): Người đàn ông hoàng tộc trị vì một Kingdom (Vương quốc). Phiên bản nữ là Queen (Hoàng hậu). Khi mới bắt chuyện thì xưng là Your Royal Majesty hoặc Your Majesty(Bệ hạ), sau đó mới xưng Sire (Lệnh ông) hoặc Madam (Lệnh bà).
– Queen Regnant (Hoàng hậu tại vị): Hoàng hậu có được ngai vàng thông qua sáng lập triều đại hay thừa kế, có toàn bộ quyền lực mà không phải dựa vào Vua.
– Queen Consort (Hoàng hậu phối ngẫu): Hoàng hậu có được địa vị thông qua hôn phối với Vua tại vị, không trực tiếp nắm mọi quyền hành trong việc quản lý nhà nước. Phiên bản nam là King Consort (Vua phối ngẫu).
– Queen Regent (Hoàng hậu nhiếp chính): Hoàng hậu là Phối ngẫu nhưng phải thay Vua trị vì tạm thời trong trường hợp Vua bệnh tật, thoái vị, hay đột ngột băng hà nhưng người nối dõi còn quá nhỏ tuổi. Phiên bản nam là King Regent (Vua nhiếp chính).
– Queen Dowager (Thái hậu): Hoàng hậu là Phối ngẫu nhưng có Vua đã qua đời và người nối dõi đủ tuổi và năng lực để trở thành Vua tiếp theo.
+ Archduke (Thượng công tước): Công tước có địa vị dưới Vua và Hoàng hậu nhưng trên Đại công tước. Phiên bản nữ là Archduchess (Nữ thượng công tước).
+ Grand duke (Đại công tước): Công tước có địa vị dưới Thượng công tước và trên các Hoàng tử. Phiên bản nữ là Grand duchess (Nữ đại công tước). Vùng lãnh thổ họ cai quản gọi là Grand duchy.
+ Crown prince (Hoàng tử kế vị hoặc Thái tử): Hoàng tử được chọn làm người kế vị tiếp theo. Phiên bản nữ là Crown princess (Công nương kế vị).
+ Prince (Hoàng tử): Con trai của Hoàng đế và Nữ đế hoặc Vua và Hoàng hậu. Phiên bản nữ là Princess (Công nương). Khi mới bắt chuyện, nếu là hoàng tử/công nương của đế quốc thì xưng là Your Imperial Highness, nếu là của vương quốc thì xưng là Your Royal Highness, hoặc xưng không phân biệt là Your Highness. Sau đó, nếu hoàng tử/công nương đó đã đứng tuổi thì xưng là Sire (Lệnh ông) hoặc Madam (Lệnh bà).
– Prince Regent (Hoàng tử nhiếp chính): Hoàng tử đủ tuổi và năng lực nắm quyền tạm thời trong khi người cai trị thực sự vắng mặt do bệnh tật. Phiên bản nữ là Princess Regent (Công nương nhiếp chính).
– Prince Consort (Hoàng tử phối ngẫu): Hoàng tử có được địa vị thông qua hôn phối với một Công nương. Phiên bản nữ là Princess Consort (Công nương phối ngẫu).
– Princess Dowager (Thái nương): Công nương là Phối ngẫu nhưng có Hoàng tử đã qua đời.
+ Duke: Công tước, về địa vị xếp dưới Hoàng tử và trên Hầu tước. Phiên bản nữ là Duchess (Nữ công tước). Nếu công tước thuộc hoàng tộc đế quốc thì xưng là Your Imperial Highness, thuộc hoàng tộc vương quốc thì xưng là Your Royal Highness, xưng không phân biệt là Your Highness, thuộc quý tộc thì xưng là Your Grace. Vùng lãnh thổ họ cai trị được gọi là Duchy.
+ Marquess: Hầu tước, về địa vị xếp dưới Công tước và trên Bá tước. Phiên bản nữ là Marchioness (Nữ hầu tước). Xưng là Lord (Ngài) hoặc Lady (Phu nhân). Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là March, thường nằm ở vùng biên của quốc gia và có nhiệm vụ phòng thủ trước ngoại xâm.
+ Count: Bá tước, về địa vị xếp dưới Hầu tước và trên Tử tước. Phiên bản nữ là Countess (Nữ bá tước). Cách xưng tương tự như Hầu tước. Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là County.
+ Viscount: Tử tước, về địa vị xếp dưới Bá tước và trên Nam tước. Phiên bản nữ là Viscountess (Nữ tử tước). Cách xưng tương tự như Hầu tước. Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là Viscounty.
+ Baron: Nam tước, về địa vị xếp dưới Tử tước. Phiên bản nữ là Baroness (Nữ nam tước). Cách xưng tương tự như Hầu tước. Vùng lãnh thổ họ cai quản được gọi là Barony.
+ Earl: Một từ cũ để chỉ công tước, về sau được dùng để chỉ bá tước.
+ Đối với con cái còn nhỏ tuổi của quý tộc thì xưng là Lord (Thiếu gia) hoặc Lady (Tiểu thư).
Sau đây là thông tin sơ lược về một số kiểu nhà nước và đơn vị hành chính châu Âu và Trung Đông thời phong kiến để giúp mọi người khi viết truyện về hoàng gia nhưng muốn đề cập đến hành chính, chính trị.
Ghi chú: Trong tiếng anh, có một từ gọi là state. Từ này tiếng việt mình thường dịch là bang nhưng thực chất không phải lúc nào state cũng là bang. Chính xác hơn, state là từ để chỉ một cộng đồng lãnh thổ có hiến pháp và cách tổ chức riêng, có hành chính độc lập hoặc gần như độc lập. Điều này có nghĩa là một quốc gia trọn vẹn cũng được gọi là state, một khu tự trị cũng được gọi là state, … Để tránh dịch sai gây hiểu lầm, mình xin giữ nguyên từ state mà không biên dịch ra tiếng Việt.
1. Empire: Đế quốc.
Đế quốc hay đế chế là một đơn vị chính trị có biên giới trải dài qua nhiều vùng lãnh thổ. Nó là kết quả của một cuộc xâm lược và thâu tóm trên diện rộng, và vị vua/nữ hoàng đứng đầu cuộc xâm lược này thường sẽ trở thành hoàng đế/nữ đế. Gia đình của họ cũng vì thế mà được tôn từ hoàng gia (royal) lên đế gia (imperial). Vị đế này một khi đã xưng đế có thể quyết định từ bỏ danh vua của mình hoặc vẫn giữ lại và dùng cả hai (giống như trường hợp nữ hoàng Anh quốc vẫn lấy danh là Queen dù bà đứng trên cả một đế quốc thuộc địa). Chính vì lãnh thổ quá rộng lớn, một đế quốc thường có dưới trướng rất nhiều kiểu state khác nhau, với các dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tư tưởng chính trị và tín ngưỡng khác nhau nhưng đều tuân theo quy chế quản lý chung của đế quốc.
2. Kingdom: Vương quốc
King = vua, dom = domain = tài sản, đất đai.
Nếu Đế quốc có bao gồm nhiều state thì Vương quốc chỉ là một state độc lập và duy nhất. Vương quốc là phần đất do một vị Vua hay Hoàng hậu đứng đầu, là kết quả của một công cuộc thống nhất và thành lập đất nước thay vì xâm lược. Một Vương quốc bao gồm:
– Phần đất của Hầu tước ở biên giới (March) giữ nhiệm vụ biên phòng.
– Phần đất còn lại, trừ Thủ đô, được chia đều và phân cho các Bá tước quản lý, gọi là County. Có thể coi khái niệm County như khái niệm Tỉnh ở nước ta.
– Tử tước không có đất riêng để quản lý vì họ chỉ giữ trọng trách hỗ trợ cho Bá tước.
Viscount = Vice (phó) + Count (Bá tước).
Họ chỉ có một phần đất bên trong County để sinh sống gọi là Viscounty.
– Các County được chia nhỏ thành những vùng đất nhỏ hơn và giao cho các Nam tước quản lý. Những vùng đất này được gọi là Barony, tương đương với Thị xã của nước ta.
– Đất Công tước lại là một vấn đề phức tạp nên mình xin được phân ra làm ba trường hợp, và trường hợp cuối cùng sẽ có phần riêng bên dưới. Trường hợp 1, Công tước sẽ được phong một khu đất gần Thủ đô để quản lý. Những vùng đất này gọi là Duchy và chúng cũng tương tự như County về mặt hành chính. Trường hợp 2, Công tước hoàn toàn không có đất để trị mà họ chỉ được cấp một phần đất để sinh sống ngay trong Thủ đô. Và trường hợp cuối cùng, họ thậm chí còn không có đất để mà sống hay cai trị trong chính quốc…
3. Duchy/Dukedom (Công quốc)
Đây chính là trường hợp thứ ba đặc biệt. Để giải thích cho trường hợp này, mình xin giải thích trước khái niệm subordinate duke và sovereign duke. Subordinate duke (Công tước lệ quyền) chính là các Công tước trong hai trường hợp một và hai đã kể trên. Về mặt quản lý đất đai, họ lệ thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào quyền lực Vua/Đế, không bao giờ tự ý quyết định và cũng không có khả năng quyết định. Sovereign duke (Công tước toàn quyền) thì ngược lại, là những Công tước có đủ quyền hành và khả năng để cai trị một vùng lãnh thổ mà không cần sự can thiệp của một vai vế nào đó cao hơn họ. Điều này khiến cho lãnh thổ độc lập của Công tước có thể được coi như một state riêng biệt, tiếng Việt gọi là Công quốc.
4. Principality/Princedom (Hoàng thân quốc)
Hoàng thân quốc hay Thân vương quốc là một state độc lập do một Hoàng tử hoặc Công chúa cầm quyền. Hoàng tử và Công chúa ở đây không dùng để chỉ riêng con cái của Vua hoặc Đế mà là chỉ chung cho tất cả các hoàng thân quốc thích. Hoàng thân quốc không thuộc chính quốc nhưng thường ở gần, có chủ quyền rõ ràng và không phải chịu bất kỳ một sự can thiệp nào từ Chính quốc.
Chú thích: Mình thấy trên mạng có vài chỗ dịch Principality và Duchy đều là Công quốc. Điều này có thể là do thông thường các Hoàng thân đều được sắc phong làm Công tước (nhưng không phải Công tước nào cũng là Hoàng thân), hoặc đôi khi rầm rộ hơn, Đại công tước. Thế nhưng đó không phải là một cách dịch chính xác cho lắm, và cũng không phải là một cái cớ để gộp chung hai khái niệm này với nhau.
Mình cũng xin nhấn mạnh là không phải lúc nào Hoàng thân và Công tước cũng có state riêng. Sự ra đời của Hoàng thân quốc và Công quốc thường là do trước đây Chính quốc đã xâm lược một vùng lân cận và họ đặt Hoàng thân hoặc Công tước làm vua ở đó để dễ bề cai trị.
5. Tsardom (Sa quốc)
Sa quốc là một kiểu state ở Đông Âu thời xưa. Có ba Sa quốc từng tồn tại là Nga, Bulgaria và Serbia. Sa quốc về mặt chính trị tự xưng là Đế quốc, nhưng đối với các nước Tây Âu, Sa quốc gần hơn với khái niệm Vương quốc. Đứng đầu Sa quốc là Sa hoàng (Tsar) hoặc nữ Sa hoàng (Tsarina). Con của Sa hoàng là Tsarevich (Sa hoàng tử) và Tsarevna (Sa công nương). Nếu một người trong số đó được chọn làm người nối dõi, họ được gọi là Tsesarevich (Sa thái tử) hoặc Tsesarevna (Sa thái nương). Các tước quý tộc dưới trướng theo thứ tự là Knyaz (Thường trao cho hoàng thân hoặc bằng hữu thân cận của Sa hoàng), Boyar (Cố vấn) và Voivode (Tướng).
6. Khanate (Hãn quốc)
Hãn quốc là một kiểu state ở Trung Á thời xưa, nổi bật nhất trong đó là Hãn quốc Mông Cổ. Người đứng đầu Hãn quốc là Hãn (Khan) hoặc Hậu Hãn (Khatun). Một Hãn quốc có thể ngang hàng một vùng đất bộ tộc có chủ quyền, một Thân vương quốc, một Vương quốc hoặc thậm chí là Đế quốc.
7. Sultanate (Hồi quốc)
Hồi quốc là một kiểu state ở châu Á, châu Phi và bán đảo Iberia thời xưa đặt nặng tầm quan trọng của Hồi giáo. Xét về chính trị, Hồi quốc được coi như ngang hàng với Vương quốc, nhưng trong một số trường hợp có thể ngang hàng với cả Đế quốc. Đứng đầu Hồi quốc là Hồi vương (Sultan) hoặc Nữ Hồi vương (Sultana). Dưới trướng Hồi vương là Emir (Thân vương/Tiểu vương), Wali (Thống đốc), Pasha (Tướng), … Con cái Hồi vương được gọi là Mir.
Một vị Hồi vương khi đủ mạnh mẽ có thể tự xưng là Hồi đế (Caliph) và buộc các Hồi vương khác phục tùng. Xét về quyền lực, Hồi đế ngang hàng với Giáo hoàng của Công giáo Rôma. Họ nắm trong tay toàn bộ thế giới Hồi giáo và mang ý nghĩa tôn giáo hơn nhiều so với Hồi vương. Vùng lãnh thổ rộng lớn mà họ cai trị được gọi là Hồi đế quốc (Caliphate).
Thân vương/Tiểu vương dưới trướng Hồi vương có thể được phong cho một state bên ngoài Chính quốc để thống trị, được gọi là Tiểu hồi quốc (Emirate).
Nếu mọi người muốn thực tế hơn khi mô tả đời sống thượng lưu phong kiến thì sau đây, mình xin trình bày một số quy tắc ứng xử và phép xã giao trong giới hoàng gia và quý tộc châu Âu thời xưa.
1. Chào hỏi.
Khi một quý tộc tiếp cận bạn, nếu có thể, nên nghênh chào họ trong tư thế đứng (Trừ khi bạn muốn bị họ chửi nửa mùa)
Khi chào một quý tộc, nhất là đối tác làm ăn, nên bắt tay. Nếu họ là phụ nữ, người lớn tuổi hoặc những người có địa vị cao hơn, không nên chủ động bắt mà phải để cho họ tự tiếp cận và đưa tay ra. Khi bắt tay, không nên nắm quá qua loa hay quá chặt, không vuốt ve, ghì nén, không nắm quá lâu mà chỉ nên đung đưa lên xuống hai lần rồi buông. Cử chỉ cũng thật phải dứt khoát, thái độ niềm nở, lịch sự, thoải mái.
Đối với quý ông, nên bỏ mũ khi chào hay khi bước vào nhà, và khi bắt tay thì nên tháo găng tay rồi mới bắt.
Chỉ những người hết sức thân thiết và gần gũi mới chào nhau bằng cách