Nhật Ký Quan Sát Võ Tướng

Hiệu Chu Công Chiến thần vô ảnh cước


trước sau

(Giải thích tựa chương: Học đòi Chu Công, Vô Ảnh cước của Chiến thần)

Kỳ Lân: “Sao ngươi lại đến đây? Sách của chiều nay đã đọc chưa?”

Lã Bố phẫn nộ nói: “Rồi, chờ ngươi về giảng đây.”

Mã Siêu còn đang nói nói cười cười với Thái Văn Cơ, mặt Lã Bố vẫn lạnh tanh, đi vào trại tập trung do Trần Cung bố trí, gặp đám quan viên nhà Hán mới chuyển nhà từ thành Nghiệp tới.

Kỳ Lân nói với Lã Bố: “Lát nữa gặp bọn họ, ngươi cứ nói như vầy…”

Lã Bố nói: “Không được.”

Kỳ Lân: “Không phải ngươi đã hứa sau này chuyện gì cũng nghe lời ta sao?”

Lã Bố lại vênh váo nói: “Ta quên rồi!”

Kỳ Lân: “Ngươi không làm theo kịch bản, vở diễn này không diễn được, vậy ngươi về đi cho rồi.”

Mã Siêu cười nói: “Phụng Tiên mắng ta đi, ta không sợ bị mắng.”

Lã Bố gật đầu: “Vậy được, lát nữa ngươi thay cục cưng(1) nghe mắng đi.”

Kỳ Lân hết cách, đành phải nói: “Bắt đầu đi, oan cho ngươi, Mạnh Khởi.”

Mã Siêu cười ngả nghiêng: “Không có gì!”

Kỳ Lân sắp xếp số lượng xe ngựa xong, trước xe, các binh sĩ đứng canh như hung thần ác sát, rồi lấy ra một danh sách, nói: “Ta đọc tên ai, các ngươi thả người đó ra.”

Lã Bố ở giữa, Kỳ Lân, Mã Siêu bên trá, bên phải là Thái Văn Cơ, ngồi trong sân, Kỳ Lân đằng hắng, lớn tiếng đọc: “Hoa Hâm Hoa Thái sư…”

Một người trung niên gầy đét, da bọc xương, liêu xiêu đi ra sân.

Cuối cung Thái Văn Cơ đã hiểu độc kế của Kỳ Lân.

Mã Siêu chắp tay nói: “Nghe danh Hoa Thái sư đã lâu, hôm nay mới được nhìn thấy, thật là vinh hạnh!”

Hoa Hâm đói đến mức cả người ỉu xìu, vẫy vẫy tay với Lã Bố, coi như là vái chào. Lã Bố theo lời dặn trước của Kỳ Lân, làm như rất giận quát: “Các ngươi làm ăn kiểu gì thế hả! Mã Mạnh Khởi! Ngươi đối đãi với các đại nhân thế này là sao!”

Mã Siêu vội xin lỗi liên tục: “Ta cũng không rõ, lúc trước chiến trận gấp rút, mạt tướng tội đáng chết vạn lần!”

Hoa Hâm trợn trắng, đau khổ nói: “Thôi thôi… Hiện nay thiên hạ, dân chúng lầm than… Tạo nghiệt… Tạo nghiệt thật mà…”

Lã Bố gật đầu đáp: “Mời Hoa Thái sư đi trước, qua vài ngày bản Hầu đãi tiệc chờ ngài, người đâu! Mời Hoa Hâm đại nhân lên xe!”

Ngay cả sức mắng người Hoa Hâm cũng không có, đành phải bỏ qua giai đoạn chống cự, bị thân binh áp giải đi.

Kỳ Lân lại đọc: “Vị kế tiếp, Thái thú Bắc Hải, Khổng Dung…”

Khổng Dung sắc mặt thiếu ăn, ánh mắt mờ mịt, hóc mắt hõm sâu, miễn cưỡng lấy hơi nói:

“Lã… Lã Phụng Tiên… Ngươi… Ngươi dám… dám cầm tù mệnh quan triều đình…

“Ngươi sẽ không… không được chết tử tế…!”

Lã Bố vừa thấy bộ dáng Khổng Dung trông như quỷ đói, trong lòng vui suýt cười ngả ngửa, Thái Văn Cơ giấu mặt sau lưng Kỳ Lân cười rung người, không ngẩng đầu lên được.

Lúc trước, Lã bố hận nhất chính là Khổng Dung, mấy năm trước Đổng Trác phái Lã Bố một mình chống lại mười tám lộ chư hầu, Khổng Dung thân là Thái thú Bắc Hải, cũng có một chân trong đó, đã viết ‘Phạt Mãng Thư’, hoa trôi nước chảy, tứ lục biền văn(2), từ ngữ trau chuốt hoa lệ, miêu tả khéo léo, hàm nghĩa sâu sắc, mắng Lã Bố không kịp vuốt mặt, khi Lã Bố ra trước trận khiêu chiến, nghe xong tức muốn nổ phổi.

Hôm nay, con cháu đời thứ hai mươi của Khổng Tử, danh sĩ Quan Trung – Khổng Dung, đói đến choáng váng đầu óc, chân bước liêu xiêu, thở cũng khó khăn, Lã Bố mở cờ trong bụng, âm thầm khen ngợi Kỳ Lân một phen, cất giọng như chuông đồng quát: “Mã Mạnh Khởi…!”

Lã Bố quát một tiếng vô cùng uy lực, Mã Siêu còn chưa kịp phản ứng, trước mắt Khổng Dung đã tối sầm, lảo đảo, nhũn cả người ra, ẹo một cái, ngất tại chỗ.

“Ngươi to gan lớn mật…” Lã Bố muốn mắng tiếp, nhưng Khổng Dung đã nằm ngay đơ rồi.

Kỳ Lân lệnh: “Nhanh lên! Các ngươi mau! Mang đi cứu đi! Vị tiếp theo!”

Lã Bố uống ngụm trà thấm giọng, giấu không được vẻ mặt ‘tương lai tươi sáng’ đầy đắc ý, các văn thần lần lượt ra chào, Kỳ Lân trong lời có giấu dao, ai nấy đều bị hắn chế giễu.

“Tây Lương đất chật dân nghèo, chậm trễ chậm trễ…” Kỳ Lân nói: “Từ nay về sau nhờ cậy các vị đại nhân quân tâm nhiều một chút!”

Rốt cuộc, Thái Văn Cơ nhịn hết nổi, động lòng trắc ẩn: “Hay là… Đem một ít vải vóc đến cho họ may quần áo, ăn uống cũng… thịnh soạn một chút.”

Kỳ Lân cười nghiêng ngã, giải thích: “Lúc trước, sợ bọn họ ăn no lại rỗi việc sẽ mắng chửi lung tung, mạnh ai nấy cầu kiến chủ công buộc hắn xuất binh, cho nên mới giam lại.” Nói xong sờ sờ đầu Lã Bố, Lã Bố vậy mà thật ngoan, gật gật đầu, hiểu được thâm ý của Kỳ Lân.

“Giờ thì không cần làm vậy nữa.” Kỳ Lân nói tiếp: “Thả ra chăm sóc cẩn thận, về sau có việc cần họ làm.”

Thái Văn Cơ gật đầu: “Văn thần nho sinh, tuy hay tranh cãi, nhưng không có bọn họ lại không ổn.”

Mã Siêu nói: “Trong phủ ta còn gạo thóc với vải vóc, xong chuyện rồi sẽ mang sang tặng.”

Lã Bố hỏi: “Ngươi tính để họ làm gì?”

Kỳ Lân thản nhiên đáp: “Dạy học. Dân phong Tây Lương còn chưa khai hóa, tứ thư ngũ kinh, trung hiếu lễ nghĩa, đều cần phải từ từ dạy dỗ; Sang năm bắt đầu, chờ chúng ta có tiền, tích lũy đủ lương thực và tài nguyên, sẽ cổ vũ các tướng sĩ cưới vợ sinh con, sinh nhiều một chút, gia tăng nhân khẩu.”

Thái Văn Cơ nói: “Đây là kế lâu dài, ta cũng có mong muốn như vậy.”

Kỳ Lân nói tiếp: “Văn võ đều phải học, cả ba thành đều xây dựng học đường, để cho bọn hắn chịu trách nhiệm trồng người, cơ sở kinh tế đã vững rồi, đến lượt phát triển văn hóa, ngươi thân là chủ công nên đi đầu làm gương.” Nói xong cầm danh sách trong tay vỗ vỗ Lã Bố.

“Bẩm chủ công.” Một thân binh đến báo cáo: “Còn một người chưa ra gặp chủ công.”

Lã Bố hỏi: “Là ai? Đói xỉu à? Khiêng ra đi.”

Kỳ Lân kêu lên: “A, hèn chi, ta cứ cảm thấy thiếu thiếu, là Nể Hành.”

Thân binh nói: “Đúng là Nể Hành, người này nằm ở đằng sau, không nhúc nhích.”

Thái Văn Cơ nói: “Nể Hành cậy tài khinh người, xưa nay chẳng phục ai cả, quân sư thấy thế nào?” Nói rồi nhìn Kỳ Lân cười tủm tỉm, ngụ ý, nếu thu phục được Nể Hành, thì Kỳ Lân vô địch thiên hạ.

Mã Siêu nói: “Ta đi đánh hắn bất tỉnh rồi khiêng ra.”

Lã Bố hơi trầm ngâm, xua tay nói: “Không thể đánh.” Rồi đứng dậy.

Kỳ Lân nhướn mày, quả nhiên Lã Bố định đích thân đi thuyết phục, Thái Văn Cơ cũng nhận ra: “Chủ công là người khoan dung độ lượng.”

Lã Bố phân phó: “Các ngươi về cả đi, Kỳ Lân theo ta vào gặp hắn.”

Kỳ Lân hơi nghĩ ngợi một chút, xong cũng phân phó thân binh, rồi thong thả theo Lã Bố đi vào sân sau.

Một tay Lã Bố buông thõng bên người, kín đáo ngoắc ngoắc, Kỳ Lân cười lên, chủ động nắm tay hắn, đan vào nhau, bàn tay ấm áp của Lã Bố khiến hắn an tâm không nói nên lời.

Kỳ Lân nói: “Ngươi nên chuẩn bị sẵn tâm lý, miệng lưỡi tên kia sắc sảo lắm.”

Lã Bố đáp: “Ta thử một chút, học làm chủ công tốt.”

Nể Hành nằm ngay đơ cán cuốc ở giữa viện, Kỳ Lân và Lã Bố đứng nhìn, Kỳ Lân nói: “Nể Hành, chủ công đến gặp ngươi, có lời muốn nói.”

Nể Hành ‘hứ’ một tiếng, không đáp.

Lã Bố không nao núng, nói: “Nể tiên sinh, mời đứng dậy, Phụng Tiên có việc quốc gia đại sự, quốc sự đại kế, sơn hà lương sách muốn nói với ngươi, mong tiên sinh chỉ dạy.”

Nể Hành nghe thế mới từ từ đứng lên, nghiêng đầu đánh giá Lã Bố, bước lên mấy bước.

Lã Bố anh vĩ, cao chín thước, so với Nể Hành cao hơn một cái đầu, Nể Hành giơ tay vỗ vỗ má Lã Bố, hành động vô cùng vô lễ.

Lã Bố: “…”

Nể Hành ‘xùy’ một tiếng, chậm rãi nói: “Kiểu tóc đẹp! Gia nô ba họ! So với Lương Ký, Khánh Phủ thế nào?!”

Lã Bố: “???”

Lã Bố quay lại hỏi: “Hắn nói gì thế?”

Kỳ Lân cười như không, giải thích: “Hắn so sánh ngươi với gian thần: Lương Ký thời Đông Hán và Khánh Phủ thời Xuân Thu, đều là đại gian tặc nổi tiếng, không nói ngươi thành heo chó đã là đề cao ngươi rồi.”

Lã Bố khiêm tốn nói: “Tạ tiên sinh đề cao!”

Nể Hành trợn trắng mắt, lại nói: “So với… Triệu Cao thì sao?”

Kỳ Lân nói: “Hắn so ngươi với hoạn quan…”

Lã Bố vui vẻ nói: “Người này ta thấy trên sách rồi nầy! Triệu Cao là hoạn quan nổi danh nhà Trần…”

Lã Bố còn chưa nói hết, Nể Hành lại trào phúng: “Loại người như hoạn quan, chỗ này đâu có trứng nhỉ?”

Dứt lời, Nể Hành đưa tay chụp hạ bộ của Lã Bố, túm chặt.

Lã Bố nổi điên, theo bản năng thúc chân, quát: “Ngươi làm gì!”

Phản xạ có điều kiện đá văng Nể Hành, “viu’ một tiếng, Nể Hành bay thẳng vào tường, rớt cái đụi xuống đất, hai chân co lại giật giật, đầu ngả ngang.

Kỳ Lân: “…”

Lã Bố che đũng quần, nghiến răng nghiến lợi.

Kỳ Lân: “Có bóp đến không, để ta xem xem…”

Lã Bố: “Không… không cần xem! Không có việc gì… Thôi rồi, ta đá chết hắn rồi hả?”

Kỳ Lân làm như thê thảm lắm, nhìn không nổi, giơ tay ngoắc thân binh: “Dọn dẹp một chút, băng bó đầu hắn lại, rồi đem nhốt tiếp.”

Mấy ngày sau, ánh mặt trời tươi sáng, một đám võ tướng không có việc gì để làm, đến giáo trường chơi đá cầu mây rất náo nhiệt. Mùa Đông sau giờ Ngọ, trong thành rất nhiều thiếu nữ sách làn đi chợ, đứng chung quanh giáo trường xem, tiếng khen không ngớt.

Trương Liêu, Cao Thuận vẫn chưa lấy vợ, lại thêm Cam Hưng Bá, ba tên mỹ nam, phong độ, phóng khoáng, Mã Siêu mặc cẩm bào, vừa phong lưu vừa văn nhã, thật là một màn cảnh đẹp ý vui giải trí sau bữa cơm trưa lười nhát của mùa Đông.

Chẳng ai chuyền cầu cho Mã Siêu, Cao Thuận rất phong cách, chống một tay xuống đất, bật người, lộn nửa vòng, gót giày đá vào quả cầu, quả cầu bay thẳng ra ngoài, đụng vào kim la đặt cao cao giữa giáo trường, ‘boong’ một tiếng, khán giả sôi nổi vỗ tay khen ngợi.

“Ôi! Sao không chuyền cầu cho ta?” Mã Siêu lạc bầy, vẫn chưa biết vấn đề nằm ở đâu, ngượng ngùng qua một bên ngồi xuống.

Kỳ Lân vừa nói chuyện với Trần Cung, vừa đi ngang qua giáo trường, bất chợt nhớ tới một chuyện, miễn cưỡng nói: “Chư vị tướng quân…”

‘Xoạt’, mọi người giống như chim muôn rời tổ.

Kỳ Lân kêu to: “Đừng hòng chạy thoát! Trương Văn Viễn, ta thấy ngươi rồi! Cao đại ca, ngươi đi ra đây, đừng có nấp dưới tàn cây! Cam Hưng Bá! Nàng ta không che được ngươi đâu! Nhanh!”

“Ngày mai ai thị tẩm?” Kỳ Lân cười xấu xa hỏi.

Mã Siêu chủ động đến gần, nghi hoặc hỏi: “Thị tẩm?”

Kỳ Lân xua tay, Trương Liêu mang hai vành mắt đen thui, ngáp một cái, nói: “Tha cho chúng ta đi! Đêm nào chủ công cũng ngáy như xẻ gỗ, ngủ không được.”

Cam Ninh phụ họa: “Đúng rồi! Cái gì mà lắng nghe! Cái gì mà tâm sự loài chim biển! Không đến nửa nén hương, hắn đã ngủ như lợn chết rồi.”

Hai vành mắt Trần Cung cũng đen tuyền, hôm trước là hắn thị tẩm, rõ ràng là ngủ không ngon, ngáp dài ngáp vắn, mệt mỏi nói: “Quân sư, tới phiên ngươi.”

“Đúng đó đúng đó!” Mọi người phụ họa, Cao Thuận chọt chọt đầu Kỳ Lân, Kỳ lân đáp lại bằn ánh mắt oán hận, võ tướng giải tán, Trần Cung thấy mọi người đều đến đây đá cầu, hưng trí đề nghị: “Các vị tướng quân thêm Công Đài vào chơi với!”

Cao Thuận nói: “Được! Ngươi thay chỗ Mạnh Khởi tướng quân đi!” Trần Cung nâng vạt áo, cười nói: “Ta đến đây…” vọt vào giáo trường.

“Không thèm đá nữa!” Mã Siêu bất mãn hô: “Kỳ Lân, đợi ta với!”

Mã Siêu đuổi theo, xoa xoa đầu Kỳ Lân, chỗ bị Cao Thuận chọt chọt lúc nãy, theo sau hắn hỏi: “Quân sư, chừng nào mới tấn công Viên Thiệu?”

Kỳ Lân không trả lời được, suy nghĩ một lát, đành nói: “Cũng chưa biết chắc, đợi chừng nào Viên Thiệu và Tào Tháo bắt đầu đánh nhau, chúng ta mới có thể đục nước béo cò.”

Mã Siêu: “Lúc nào tấn công thành Nghiệp, mong tiên sinh cho ta ra trận.”

Kỳ Lân dừng bước, hạ giọng: “Cho ngươi làm quân tiên phong?”

Mã Siêu đối diện với Kỳ Lân, trong mắt hắn lộ ra ưu sầu khó tả, gật đầu.

Kỳ Lân thở dài: “Ta sẽ cố gắng hết sức.”

Kế hoạch của Kỳ Lân không phải là chặn đánh trận Quan Độ, cũng không phải Viên Thiệu, mà là Tào Tháo.

Nhưng Mã Siêu lại nóng lòng muốn báo thù, trong lòng muốn chính tay đâm cừu nhân, ban đầu mượn danh báo thù để thuyết phục hắn quy phục, nay cũng nên thỏa mãn tâm nguyện của hắn. Nhưng việc của Tào Tháo càng cấp bách, cần phải tiêu diệt đầu tiên, nếu không hậu hoạn khó lường.

“Như vầy đi.” Kỳ Lân nói: “Đầu Xuân năm sau có một trận đánh, lúc chuẩn bị phát binh, chắc chắc sẽ tranh luận một phen, ta sẽ phân tích thiệt hơn với Lã Bố, nhưng không tác động đến quyết định của hắn. Khi đó, ta với Trần Cung, Giả Hủ sẽ tranh luận với nhau, ngươi có thể nêu lên ý kiến của ngươi với Phụng Tiên, nếu hợp lý, hắn sẽ có phán đoán của chính mình.”

Mã Siêu còn định nói thêm gì đó, nhưng Kỳ Lân cười nói: “Việc này tạm hoãn lại đó đã, người luôn phải hướng về tương lai, đi thay quần áo đi, buổi tối chủ công mời cơm.”

Hôm đó đúng dịp Đông chí, Tôn Sách ở Giang Đông gửi đến không ít quà Tết, hai người Tôn Chu lúc trước ở Thọ Xuân, sau đó đoạt Ngô Quận, dường như cũng âm thầm thành một lộ chư hầu rồi.

Quà Tết tất nhiên không thể thiếu phần của Kỳ Lân, mấy xe hải sản, còn có cá khô, rượu Hoa Điêu Thiệu Hưng. Kỳ Lân đáp lễ rồi cho người mang về, ở trong Hầu phủ đọc thư, đọc tỉ mỉ, nhẹ nhàng thở ra.

“Hắn không giết Hứa Cống.” Kỳ Lân mừng thầm trong lòng: “Xem ra Bá Phù sống cũng tốt.”

Lã Bố lên tiếng: “Trông có được không?”

Lã Bố đang soi gương trong phòng, mũ lông trĩ đã sửa lại rồi, lắc lắc đầu, lai cọng lông đuôi vang vùn vụt.

Kỳ Lân suýt chút bị vụt trúng, nói: “Ăn cơm đừng đội cái đó!”

Lã Bố kiên quyết nói: “Đội chứ, khí phái! Tiệc rượu đã chuẩn bị tốt chưa?”

“Đi thôi.” Kỳ Lân nói: “Ăn tối trước.”

Đây là lần đầu tiên Lã Bố chính thức mở tiệc chiêu đãi từ khi vào Lũng Tây đến nay, dự tiệc vừa có sĩ phu từ thành Nghiệp chạy nạn đến mới đầu nhập vào, vừa có võ tướng dưới trướng.

Trong phòng, ngoài vị trí cao nhất, bàn đầu tiên tất nhiên là của Kỳ Lân, chư tướng vào chỗ ngồi, ai nấy đều thay chính trang, Liêu, Cao, Bá, ba người mặc võ bào xanh đen thêu mãng xà, Mã Siêu lại mặc võ phục thuần trắng thêu tay tỉ mỉ, phong độ văn nhã.

Lã Bố mặc tướng quân bào, đầu đội mũ lông trĩ, trên đỏ dưới đen, cổ áo, ống tay áo ôm sát vừa vặn, vai rộng eo chắc, ngọc thụ lâm phong, đứng giữa sảnh lên tiếng: “Chư vị ái tướng, mời ngồi.”

Mọi người vào chỗ, Lã Bố mới ngồi: “Chốc nữa nhóm văn thần sẽ đến, nên khách khí một chút, đừng xem thường nhau.”

Mọi người cười vang, đều đáp vâng. Kỳ Lân tự mình ăn nho ướp lạnh, trong lòng thấy buồn cười, Cao Thuận thấy chỗ ngồi ngay dưới Kỳ Lân còn trống, thắc mắc hỏi: “Có người mới à?”

Trần Cung mỉm cười: “Lát nữa ngươi sẽ biết.”

Sau khi khách sáo mấy câu, Kỳ lân đánh giá chỗ ngồi của nhóm võ tướng đối diện, mọi người đều xuất thân nhà võ, chỉ có Mã
Siêu còn mang vài phần phong thái con cháu nhà quan, thầm nghĩ, không biết võ nghệ Mã Siêu thế nào, sau này có cơ hội phải xem mới được.

Kỳ Lân nhìn Mã Siêu, Lã Bố lại nhìn Kỳ Lân.

“Quân sư đang nghĩ gì?” Lã Bố hỏi.

Mã Siêu cười nói: “Hắn đang nhìn ta, Tiểu Hắc, thấy áo choàng của ta thế nào?”

Kỳ Lân đáp: “Rất khí phách.”

Lã Bố không lên tiếng, dặn dò hạ nhân vài câu, tùy tùng đem đến một cây đàn mới.

“Tiêu Vĩ đâu?” Kỳ Lân hỏi.

Lã Bố cúi đầu khóe miệng cười nhẹ: “Hôm giận dỗi với ngươi, giận quá mất khôn, đập rồi.”

Chư tướng cười vang, Trần Cung thản nhiên nói: “Tính tình của Phụng Tiên, phải rèn luyện thêm mới đặng.”

Lã Bố nghiêm túc nói: “Tiên sinh dạy bảo phải lắm.”

“So với trước kia đã tốt hơn nhiều lắm rồi.” Kỳ Lân chế nhạo.

Lã Bố trầm ngâm một lát, ngón tay khảy vài cái trên đàn, âm thanh trong trẻo vang lên. Chỉ trong khoảnh khắc, tiếng đàn như tiếng nước chảy róc rách, lại như núi cao vời vợi, nhẹ nhàng mà dài lâu.

Ngoài cửa Hầu phủ có người lến tiếng báo, khách mời đã đến.

Kỳ Lân nhìn gương mặt anh tuấn, sắc bén của Lã Bố, tay hắn vẫn không ngừng lướt trên dây đàn, chuyên tâm, vẻ mặt an tĩnh, dường như cũng biết Kỳ Lân đang nhìn hắn.

Khúc đàn kia gồm có hai phần thượng hạ, khách tới vái chào cũng không cắt ngang, ai ngồi vào chỗ nấy. Đây là khúc đàn cho Chung Tử Kỳ viết ra, ‘Tri Âm Tri Kỷ’, nhưng đổi thành Lã Bố tấu lên, lại mang theo vài phần phóng khoáng, tâm nguyện được tung hoành trên chiến trường, dẫn binh giết địch của người học võ.

Một khúc vừa hết, Hoa Hâm, Khổng Dung đều tề tựu đông đủ.

Lã Bố đứng dậy chắp tay, ung dung nói: “Các vị tiên sinh không chê Phụng Tiên, tới đầu nhập vào, vốn nên quét nhà trải chiếu đón chào, nhưng vì gần đây chinh chiến khắp nơi, không ngờ lễ nghi không chu toàn, hôm nay lấy khúc này tạ lỗi, mong chư vị rộng lòng tha thứ.”

Kỳ Lân tiếp lời: “Phải phải, đều là lỗi của Trần Cung.”

Trần Cung nói: “Quân sư cũng có phần, cũng có phần…”

Kỳ Lân lại nói: “Là lỗi của hai người chúng ta.”

Mọi người nén cười, nhóm sĩ phu hết cách, Lã Bố đã cho thể diện như vậy, đành nén giận ngồi im.

Trần Cung giơ ngón cái, ý nói vở diễn này Kỳ Lân soạn hay lắm, Kỳ Lân tức sạm mặt, khoát tay, đáp: Không liên quan đến ta, tên lỗ mãng tự nghĩ ra đấy.

Trần Cung: “…”

Rốt cục, Thái Văn Cơ thủng thẳng đến chậm nhất, Lã Bố nói: “Ngươi đến trễ.”

Thái Văn Cơ cười nói: “Để chủ công đợi lâu, trải qua mùa Đông, trong nhà phải chuẩn bị rất nhiều thứ, rốt cuộc cũng có thể rảnh được.”

Mấy người trong phòng đều nghi ngờ, có người hỏi: “Văn Cơ thay mặt cha dự tiệc à?”

Thái Văn Cơ không đáp, vén áo đến chỗ ngay dưới Kỳ Lân, ngồi xuống, đám sĩ phu bùng nổ, ngay cả Cao Thuận, Trương Liêu cũng ngồi không yên.

Kỳ Lân lên tiếng nói: “Văn Cơ có công thủ thành, kiến thức không thua cánh mày râu, chủ công lấy lễ quý, mời Văn Cơ làm mưu sĩ, không biết các vị có ý kiến gì không?”

Vẻ mặt Văn Cơ xinh đẹp mà tôn nghiêm, không hề e sợ, dịu dàng nói: “Xin các vị đại nhân giúp đỡ nhiều.”

Lúc này lập tức có người lên tiếng quở mắng: “Cùng đàn bà làm việc triều đình, thật quá hoang đường!”

Mã Siêu vỗ bàn, lớn tiếng quát: “Đàn bà thì thế nào?! Ngươi tên gì?! Chưa từng nghe phẩm cấp quý danh của đại nhân đây!

“Xem người phải xem tài đức, đừng chỉ giới hạn ở bề ngoài.” Mã Siêu đầu nhập vào dưới trướng Lã Bố, cũng gặp đãi ngộ bất công, nay cùng chung mối thù với Thái Văn Cơ, mượn cơ hội xả cơn ấm ức: “Là những người có địa vị, có tài năng, các ngươi đã làm gì cho Phụng Tiên? Được tiếp đón như thượng khách, lại không muốn đền nợ nước, ngồi không ăn bám, thật là nực cười!”

“Mạnh Khởi.” Lã Bố trầm giọng gọi: “Ngồi xuống.”

Người vừa lên tiếng kia lại nói: “Tại hạ Hậu Vấn, ngưỡng mộ danh tiếng Phấn Vũ tướng quân đã lâu, nay mới được gặp, lại thấy dưới trướng Ôn Hầu, đều là đàn bà, trộm cướp, đầu đường xó chợ, lưu manh thổ phỉ, trộm cắp cướp giật, cũng được thôi! Nên đi càng sớm càng tốt.”

Trong phòng mọi người đều phụ họa, có hơn phân nửa đứng dậy.

Kỳ Lân đã có chuẩn bị, trào phúng nói: “Các vị đại nhân định đi đâu? Về nhà của Viên Thiệu? Hay đến nương nhờ vào Tào Mạnh Đức?”

Khổng Dung đứng lên, lạnh lùng nói: “Ngươi là cái thá gì? Ta một mảnh lòng son trung tín đến xin đầu nhập, ngươi và Trần Công Đài hai tên tiểu nhân hèn hạ! Chưa học ‘Chu Công thổ bộ’(3) lại học cái ngu dốt của Thương Trụ, quả thật muốn tự mình diệt vong, so ra còn không bằng Viên Bản Sơ, Tào Mạnh Đức! Ngày sau thiên tử thịnh nộ, đại quân Tây tiến, chính là ngày tàn bại của toàn quân các ngươi!”

Giả Hủ gật đầu tâm đắc: “Quả thật ăn no sẽ có sức mắng người.”

Trần Cung cười theo: “Đúng vậy.”

Hoa Hâm cũng đứng dậy trách mắng: “Vốn tưởng Ôn Hầu dùng võ xưng hùng, giữ mình ngay thẳng, làm người có đức độ nên mới đầu nhập…”

Kỳ Lân không khách khí nói tiếp: “Nay thấy đủ loại kiêu hùng(4) thông đồng làm bậy, nên nản lòng thoái chí, cực kỳ thất vọng, định quy ẩn núi rừng, từ nay về sau không màng thế sự?!”

Khổng Dung phản bác: “Không phải như thế! Ắt sẽ thuyết phục chư hầu, thảo phạt đến tận Lương Châu! Nhìn lại dưới trướng ngươi xem, không phải đầu trâu mặt ngựa, mồm mép gian nịnh, thì chính là đàn bà, đoạn tụ! Thứ ta không gánh vác nỗi!”

“Ngươi…” Cam Ninh vỗ bàn, hét lớn: “Con bà nhà ngươi! Ngươi không đoạn tụ chắc! Ngươi và Nể Hành…” ( ể =)))))

Kỳ Lân ra hiệu bảo Cam Ninh bình tĩnh ngồi xuống, mỉa mai: “Nói đến nói đi, các ngươi đơn giản là vì chính mình…” Tùy ý làm tư thế ‘mời’, buồn cười nói:

“Vốn là một đám nhân cháy nhà mà đi hôi của, chèn ép thiên tử làm theo ý mình, rối loạn triều cương, có tâm tư độc hại bá tánh, mời cứ tự nhiên. Đợi sau khi Khổng Thái thú rời đi, Hầu gia ắt sẽ chiếu cáo thiên hạ, vạch trần tâm ý của chư vị địa nhân.”

Khổng Dung hít sâu một hơi, râu tóc dựng ngược, kích động chỉ vào Kỳ Lân: “Đừng hòng tráo trở, lẫn lộn trắng đen, hất nước bẩn lên đầu ta!”

Kỳ Lân khiêu khích đáp lại: “Hất nước bẩn lên đầu ngươi? Thiên hạ đại loạn, lê dân chìm nổi trong chiến hỏa, xưa có Tô Tần, Trương Nghi, dựa vào ba tấc lưỡi sắc bén châm ngòi các nước; nay có Khổng Dung, Hoa Hâm, mượn danh thiên tử đầu độc chư hầu, làm cho thiên hạ chia năm xẻ bảy, không nghĩ đến nhất thống, chỉ cật lực xúc chiến, thế thì, ai bôi nhọ các ngươi bao giờ?!”

Lã Bố nghiêng người trước bàn, khó tin nói với Trần Cung: “Vậy mà ta nghe hiểu!”

Trần Cung: “…”

Kỳ Lân vẫn còn châm chọc: “Hay là nói, Khổng đại nhân muốn học Bá Di, Thúc Tề, không ăn lương thực của nhà Chu?!(5)”

Lã Bố lại mông lung, Trần Cung chọc: “Đoạn này hết hiểu rồi ha.”

Văn Cơ cười duyên dáng: “Ta nghe cũng không hiểu luôn này.”

Lã Bố bảo vệ được thể diện.

Hoa Hâm cả giận nói: “Đúng như thế đấy!”

Kỳ Lân lười tranh cãi, chỉ nói: “Câu Tiễn nằm gai nếm mật, mưu cầu ngày sau cường thịnh, Hàn Tín chịu sỉ nhục lòn trôn giữa chợ, chủ công nhà ta chịu nhục…”

Kỳ Lân lật bàn: “Việc nhỏ không nhịn làm hư chuyện lớn, nếu Hầu gia không tru sát Đổng Trác, hôm nay các ngươi còn yên ổn đứng đây sao?! Những năm tháng ăn thịt, uống máu người, các ngươi đều đã quên sao?!

“Nhận ơn huệ không biết báo đáp thì thôi, lại còn lên giọng lấy gia nô ba họ để nói, ngoài mặt các ngươi tự cho mình thanh cao, sau lưng lại hậm hực với nhau, chỉ giỏi mua danh chuộc tiếng, đã bao giờ vì nhà Hán làm chút gì chưa?

“Chịu đói vài ngày, các ngươi đã vứt mũ giậm chân, làm mình làm mẩy, ở lại có lợi ích gì?!

“Ngày trước, Đổng Trác loạn chính, trước điện Vị Ương, chưa từng thấy các ngươi mở lời can gián, máu tươi năm bước! Vương Doãn còn biết dùng con gái lập mưu ly gián, các ngươi so với lão già Vương Doãn kia, còn không bằng!”

Đại sảnh lặng ngắt, Kỳ Lân vẫn còn nói: “Vừa tiếp tay cho giặc, vừa muốn trợ Trụ vi ngược, muốn liên thủ với tên Tào Tháo buộc thiên tử lệnh chư hầu sao, vậy thì đi đi. Còn nữa, người đâu, kéo Hậu Vấn ra ngoài, chém!”

Cả đám bắt đầu dao dộng, Trần Cung nháy mắt ra hiệu với Lã Bố, Kỳ Lân gằn giọng: “Các vị đại nhân, mời! Binh sĩ bên ngoài đâu! Còn chưa động thủ!”

Bên ngoài sảnh rầm rập vâng dạ, tóm Hậu Vấn lôi ra ngoài.

“Khoan.”

Lã Bố đặt ly xuống, thờ ơ nói: “Thôi, giết thì có ích lợi gì? Thanh giả tự thanh, vốn không cần phải so đo quá nhiều. Quân sư, mời ngồi.”

Hạ nhân dọn lại bàn tiệc, Lã Bố phất tay ý bảo thân binh lui ra, Hậu Vấn nhặt cái mạng trở về.

Thái Văn Cơ hợp thời kịp lúc lên tiếng: “Thân sinh lớn tuổi, Văn Cơ vốn là thay mặt cha, quân sư Kỳ Lân là người có khí phách, tương lai còn dài, xin chư vị đại nhân đừng so đo, nếu gặp người có tài, bàn tiệc này chắc chắn sẽ nhường lại.”

Đề tài vốn vì nhắm vào Thái Văn Cơ mới bùng nổ, cuối cùng lại nhờ nử tử như nàng giảng hòa. Chúng nho sinh sa sầm sắc mặt, ngoài thành băng tuyết ngàn dặm, tuyết lớn rơi mù mịt, lúc nãy chẳng qua là nói cứng, nếu thật muốn đi cũng không biết đi thế nào?

Tiền đã bị Trần Cung bốc lột hết, sinh hoạt phí còn phải xin Lã Bố, ngoài tự vận trước sảnh ra không còn cách nào khác.

Nhưng nếu tự vận, lại đúng lời Kỳ Lân nói, còn không bằng chịu nhục, chiêu đó của Kỳ Lân quả là cực kỳ ác độc.

Đám quan văn đành phải ngồi xuống, Lã Bố khôi phục vẻ mặt trước sau như một, nâng ly nói: “Xin kính thiên tử ở Hứa Xương xa xôi một ly, nguyện sớm trừ quốc tặc, lần nữa dựng lại nhà Hán!”

Kính rượu thiên tử, không thể không uống, đám nho sinh đều nâng chén. Rượu trên bàn là Quỳnh Tương nổi tiếng của Giang Đông, thức ăn là đặc sản quý hiếm của hai châu Tịnh Lương, chịu đói gần hai tháng, những chuyện khác đều có thể gác lại, ăn cơm mới là chuyện lớn, lúc này không ai nhắc đến việc rời đi, ăn uống no nê một phen không ai thèm nói nữa.

——————————-

Chú thích:
  1. Ờ, ổng kêu cục cưng – 小宝贝 – tiểu bảo bối, thiệt đó, tui vô tội!
  2. Tứ lục biền văn là một thể văn xuôi cổ: một câu chia làm 2 phần, phần đầu 4 chữ, phần sau 6 chữ. Ví dụ: “Sớm chiều lo sợ, một lòng kính cẩn ban đầu: Công việc thì hành, trăm mối tính lo cất nhắc.” – Trích trong Bài chiếu của vua Minh Mạng.
  3. Chu Công thổ bộ là điển tích về Chu Công Đán, ông từng kể với Bá Cầm về việc chiêu hiền đãi sĩ như sau: ‘Một buổi tắm gội, ta phải bới tóc ba lần, một bữa ăn ta phải nhả cơm ba lần để đứng dậy ra tiếp kẻ sĩ. Thế mà còn lo không thu phục được người hiền trong thiên hạ đấy!’Chu Công thổ bộ ý nói Chu Công trọng vọng kẻ sĩ. Đó là một tấm gương sáng cho những người lãnh đạo việc nước cần phải quý trọng kẻ sĩ, trọng người hiền để tìm bực hiền giả cùng mình lo đại cuộc cho đất nước.
  4. Kiêu hùng: người ngang ngược có dã tâm; nhân vật trí dũng kiệt xuất.
  5. Bá Di người nước Cô Trúc cuối thời Thương. Sau khi Châu Võ Vương diệt nhà Thương, ông và em trai là Thúc Tề, không chịu ăn lương thực của nhà Châu, cùng chết đói trên núi. Được người đời sau khen ngợi. Vì ở trên Khổng Dung nhắc đến việc ăn uống của Chu Công và hai nhà Thương Trụ để mắng, nên đoạn này Kỳ Lân mượn hình ảnh tương tự để đá đểu lại.
——————————-

Già làng: Ủa? Thịt đâu? Trên bàn tiệc hả??? 

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện