Cụ Bốc nằm ngủ thấy có giấy ở dưới âm phủ gọi về, biết rằng số mình đã hết, liền gọi hai con trai và con dâu đến bên cạnh, trối trăng mấy lời, kể lại điều mình vừa thấy. Cụ nói:
- Mau mau đem áo quần lại cho cha mặc! Cha sắp đi đây.
Hai người con khóc lóc, vội vàng lấy áo quần ra mặc cho cụ. Mặc xong cụ nói:
- Ta vui mừng, vì thấy cùng ở chung một danh sách với ông thông gia của ta. Ông ta đứng đầu, ta ở cuối. Ông ta đã đi trước ta xa lắm, ta phải theo kịp.
Nói xong, người duỗi ra, đầu ngả xuống gối. Hai con lạy không được. Nhìn ra, thì cụ đã tắt thở. Việc chôn cất đã sẵn sàng, lại còn phải lo việc ma chay, cúng thất 1, báo tang, làm rạp cho người ta đến điếu. Ngưu Phố lo việc tiếp khách.
Ngưu Phố cũng có mấy người nhà nho là bạn quen biết. Nhân lúc tang gia bối rối, họ cũng lăn vào ăn uống. Lúc đầu, nhà họ Bốc cũng vui vui vì có thêm những người mới quen biết. Nhưng sau thấy họ đến đông, nhà mình lại là nhà buôn bán, miệng họ cứ nói "chi, hồ, giả, dã" đâu đâu nghe không chịu được. Cho nên nhà họ Bốc cảm thấy chán cứ than phiền luôn.
Một hôm, Ngưu Phố đi đến am, cửa am đóng. Mở ra thì thấy một tờ danh thiếp đút qua khe cửa rơi ở dưới đất. Ngưu cầm lên xem. Trên tờ danh thiếp viết:
- "Tiểu đệ là Đổng Anh. Khi lên kinh thi hội, đến nhà ông Phùng Trác Am, tiểu đệ có được đọc những bài thơ của ngài trong lòng khao khát, mong sao được gặp. Tiểu đệ đi đến đây để tìm ngài, nhưng không được gặp, rất lấy làm ân hận. Sáng mai mong ngài lưu lại một lát để cho tiểu đệ được thỉnh giáo. Rất hân hạnh."
Ngưu Phố xem xong biết rằng người kia đến tìm Ngưu Bố Y. Nhưng thấy trong danh thiếp nói: "Lòng khao khát mong sao được gặp", Ngưu Phố đoán biết ông này chưa gặp Ngưu Bố Y bao giờ, nghĩ bụng:
- Tại sao ta không cứ nhận mình là Ngưu Bố Y để tiếp ông ta? Rồi lại nghĩ:
- Ông ta nói rằng ông ta lên kinh thi hội, vậy chắc chắn là một ông quan to. Ta phải bảo ông ta đến nhà họ Bốc để gặp ta. Như thế ta sẽ làm cho anh em họ Bốc khiếp sợ một mẻ chơi.
Chủ ý đã định, Ngưu Phố vào am lấy giấy bút viết một cái thiếp đề:
"Ngưu Bố Y gần đây ở nhà người bà con họ Bốc. Ai đến thăm xin mời đến hiệu buôn gạo họ Bốc ở đầu đường phía nam cầu Phù Kiều".
Viết xong, Ngưu Phố đi ra, khóa cửa lại, dán tờ giấy ở ngoài cửa. Y về nói với Bốc Thành, Bốc Tín rằng:
- Ngày mai có một ông họ Đổng đến thăm tôi. Ông ta sắp làm quan, chúng ta không nên khinh thường. Nhờ cậu cả sáng mai quét cái nhà khách cho sạch sẽ. Nhờ cậu hai bưng cho chúng tôi hai chén trà. Việc ông ta đến thăm sẽ làm cho tất cả mọi người mở mày mở mặt. Hai cậu giúp cho một chút.
Anh em họ Bốc nghe nói có quan đến thăm, mừng rỡ vô cùng, vui lòng nhận ngay.
Sáng hôm sau, từ tinh mơ, Bốc thành đã dậy quét nhà khách và dọn những thùng đựng gạo ra ngoài mái hiên sau cửa sổ. Y lấy sáu cái ghế đặt đối diện nhau, bảo vợ quạt than để pha một ấm trà, tìm một cái khay, hai chén trà, hai cái thìa lại bóc bốn hạt nhãn. Mỗi chén bỏ hai hạt: Mọi việc chuẩn bị sẵn sàng. Øn cơm sáng xong một người mặc áo xanh, tay cầm tờ danh thiếp đỏ đi vào hỏi:
- Ở đây có ông Ngưu không? Ông Đổng muốn vào thăm. Bốc Thành nói:
- Ông ta ở đây.
Bốc Thành nhận tờ thiếp, chạy vào báo. Ngưu Phố ra đón, thấy kiệu đỗ ở ngoài cửa. Đổng hiếu liêm 2 xuống kiệu, đầu đội mũ sa, mình mặc áo lam cổ tròn, chân đi giày đen đế trắng. Người râu ba chòm, da trắng, trạc độ ba mươi tuổi. Thi lễ xong, hai người phân ngôi chủ khách cùng ngồi. Đổng hiếu liêm nói ngay:
- Tôi đã lâu nghe đại danh của ông, lại được đọc những bài thơ hay của ông, trong lòng vô cùng hâm mộ. Tôi nghĩ rằng ông là bậc túc nho nhiều tuổi, không ngờ nay thấy ông là một trang thanh niên, lại càng thêm kính phục.
- Vãn sinh là người ở chốn quê mùa, viết lăng nhăng mấy câu thơ, được ông Phùng Trác Am quá khen thật là rất thẹn.
Đổng nói:
- Không dám!
Bốc Thành bưng ra hai chén trà, đi từ phía trước mặt đến đưa cho Đổng. Đổng cầm lấy chén trà, Ngưu cũng cầm một chén, Bốc Tín đứng sừng sững trước mặt Đổng ở giữa nhà. Ngưu Phố vội vái Đồng hiếu liêm và nói:
- Người nhà của tôi là người quê mùa, không biết lễ nghĩa xin tiên sinh chớ cười.
Đổng cười và nói:
- Tiên sinh là một vị cao sĩ, khác tục, tôi dám đâu nghĩ thế!
Bốc Tín nghe nói vậy cúi đầu lẩm bẩm bước ra mang theo khay trà, mặt đỏ gay. Ngưu Phố lại hỏi:
- Lần này tiên sinh đi đâu?
- Tiểu đệ đã được bổ làm tri huyện. Nay đến phủ Ứng Thiên đợi nhậm chức. Tất cả hành lý còn ở dưới thuyền. Vì khao khát muốn được gặp ông, cho nên tôi hai lần đến tìm. Nay may mắn được thỉnh giáo, chiều nay sẽ đáp thuyền đi Tô Châu.
- Vãn sinh may mắn được lọt vào mắt xanh của ngài nhưng chỉ mới gặp nhau một ngày chưa làm hết nghĩa vụ của người chủ tiếp khách, tại sao ngài đã vội vàng đi ngay như thế?
- Chúng ta là những khách văn chương chỗ thanh khí quen nhau cần gì phải theo thế tục! Khi nào nhậm chức xong, tôi sẽ mời tiên sinh đến nhà tôi để được thỉnh giáo.
Đổng nói xong, đứng dậy ra đi. Ngưu Phố giữ lại không được nói:
- Vãn sinh xin xuống thuyền tiễn tiên sinh.
- Không dám bận đến tiên sinh, tôi xuống thuyền là đi ngay, sợ không có thì giờ nói chuyện với tiên sinh được.
Hai người chào nhau rồi từ biệt. Ngưu Phố tiễn ra ngoài cửa. Đổng lên kiệu đi.
Ngưu Phố trở về, thấy Bốc Tín giận dữ, hai má đỏ gay đón y ở ngoài cửa và mắng:
- Này anh Ngưu! Tôi vụng về như thế nào thì cũng vẫn là người cậu của anh, vẫn là bậc lớn hơn anh. Thế mà anh lại gọi tôi bưng trà lên. Cái đó thì không nói gì, cũng được đi. Nhưng tại sao anh lại xỉa xói tôi trước mặt cụ Đổng, như thế để làm gì?
- Này câu, phàm quan đến thăm thì theo lễ phép là phải rót trà ba lượt. Cậu chỉ rót có một lượt. Tôi đã không trách cậu thì thôi nay cậu lại còn nói tôi như thế! Thật là buồn cười!
Bốc Thành nói:
- Này anh! Anh không nên nói như thế. Mặc dầu cậu hai có bưng trà từ đằng trước đi lại thì anh cũng không được đem việc ấy ra nói với ông Đổng để cho ông ấy cười!
Ngưu Phố nói:
- Ông Đổng thấy hai cậu lẩm cà lẩm cẩm như thế là ông ta đã cười rồi, chẳng cần cho đến lúc bưng trà lên không đúng phép tắc nữa.
Bốc Tín nói:
- Chúng tôi là con nhà buôn không cần các quan thăm hỏi. Đến chẳng được ân huệ gì hết lại để cho họ cười.
Ngưu Phố nói:
- Tôi không dám nói cái này, nhưng thật ra nếu tôi không ở nhà hai cậu thì dù đến một, hai trăm năm cũng không có ông quan nào đến nhà này đâu.
Bốc Thành nói:
- Đừng có nói láo! Anh có bạn làm quan thật đấy nhưng anh có phải là quan cách gì đâu!
- Cậu cứ hỏi bất kỳ ai xem. Ngồi với các ông quan vái chào nhau tiếp chuyện nhau là hơn, hay là bưng trà mời họ lại làm sai bét để họ cười cho là hơn?
Bốc Tín nói:
- Anh không được ăn nói hỗn xược như thế! Nhà chúng tôi không quý trọng gì những ông quan như thế đâu!
Ngưu Phố nói:
- Ngày mai tôi sẽ viết giấy đưa cho ông Đổng, ông ta sẽ đưa giấy đến huyện Vũ Hồ để người ta đánh cho các cậu một trận mới được.
Hai người kia tru tréo lên: - Loạn thực! Loạn thực! Cháu rể ngoại mà lại muốn làm cho các cậu bị đánh à? Chúng ta nuôi mày trong nhà suốt cả năm nay thật là toi cơm. Mày cứ đến huyện nói xem đứa nào bị đánh.
- Tôi sợ các cậu sao! Nào cùng đi nào!
Hai người kia kéo Ngưu Phố đến trước cửa huyện. Bấy giờ mõ mới đánh hai lần quan huyện chưa ra công đường. Ba người đứng chờ ở ngoài bình phong. Bỗng nhiên thấy Quách Thiết Bút đi qua. Quách Thiết Bút hỏi có việc gì, Bốc Thành nói:
- Ông Quách! Từ xưa đã có câu "một đấu gạo làm thành một ân nhân, mười đấu gạo làm thành một kẻ thù". Chúng tôi nuôi cái thằng này mấy lâu nay thật là như vậy!
Quách Thiết Bút cũng trách Ngưu Phố:
- Từ xưa đến nay đã có kẻ trên người dưới, kẻ già người trẻ. Ông nói như thế là không được. Thân thích với nhau cả mà kéo nhau lên quan là việc không hay chút nào.
Quách Thiết Bút bèn kéo họ vào tiệm trà. Quách bảo Ngưu Phố rót trà mời hai cậu. Bốc Thành nói:
- Anh Ngưu! Tôi có điều này muốn nói với anh. Ngày nay, cha chúng tôi trăm tuổi rồi, trong nhà miệng ăn thì đông. Anh em chúng tôi lo lắng không nổi. Nhân có ông Quách ở đây chúng tôi cũng đem câu chuyện này ra nói nốt. Chúng tôi đành phải nuôi cháu gái của chúng tôi, nhưng còn anh Ngưu thì anh phải kiếm lấy việc mà làm, nếu anh chỉ lo nhờ vả chúng tôi thì không được.
- Các cậu muốn như thế à? Tốt lắm! Cái đó thì dễ, hôm nay tôi sẽ mang hành lý đi để tự kiếm kế sinh nhai, không cần nhờ vả đến hai cậu nữa.
Uống trà xong, việc chửi lộn cũng xong nốt. Ba người cám ơn Quách Thiết Bút. Quách Thiết Bút cũng từ biệt mà về.
Bốc Thành, Bốc Tín trở về nhà. Ngưu Phố hầm hầm về nhà lấy chăn nệm mang đến am ở. Không có gì ăn, y đem cầm tất cả thanh la, não bạt của hòa thượng. Ngồi rảnh không có việc gì, y đi đến nhà Quách Thiết Bút. Thiết Bút không ở hiệu. Ở quầy hàng, có một quyển ghi danh sách những người làm quan, Ngưu Phố giở ra xem thấy Đổng Anh tự là Ngạn Phương, người phủ Nhân Hòa, tỉnh Chiết Giang hiện mới bổ làm tri huyện ở huyện An Đông phủ Hoài An, bèn nói:
- Được rồi! Tại sao ta không đi tìm ông ta?
Bèn vội vàng về am xếp chăn lại, đem lư hương và khánh đá của hòa thượng đi cầm, được tất cả hai lạng bạc. Y không về nhà họ Bốc mà đáp thuyền đi ngay. Gặp được lúc xuôi gió một ngày một đêm đã đến mỏm Yến Tử ở Nam Kinh. Y định đáp thuyền đi Dương Châu. Khi vào một hàng cơm, người chủ hàng nói:
- Hôm nay thuyền đều đi cả rồi! Phải nghỉ lại một đêm chiều mai sẽ đi.
Ngưu Phố đặt hành lý xuống, bước ra cửa hàng thấy ở bờ sông buộc một chiếc thuyền lớn. Y gọi người chủ quán hỏi:
- Thuyền này bao giờ đi?
Chủ quán cười mà rằng:
- Ông không đi thuyền ấy được đâu! Thuyền ấy đang chờ một ông quan to mới đi.
Ngưu Phố lại bước vào hàng. Người hầu bàn đem đến một đôi đũa, hai đĩa rau, một đĩa thịt lợn, một đĩa đậu phụ rán, một bát canh, một bát tô cơm tướng. Ngưu Phố hỏi:
- Đĩa rau và bát cơm bao nhiêu?
Người hầu bàn nói:
- Cơm thì hai ly một bát, thịt một phân một đĩa, rau nửa phân một đĩa.
Ngưu Phố ăn hết cả rau và cơm rồi bước ra cửa. Y thấy ở bên sông có một cái kiệu đang chờ ở đấy, có ba gánh hành lý và bốn người tùy tùng. Ở trong kiệu bước ra một người đầu đội mũ vuông, mình mặc áo lụa màu gỗ trầm hương, chân đi giày đen đế trắng, tay cầm một cái quạt giấy trắng. Y đầu bạc hoa râm, trạc tuổi trên năm mươi, đôi mắt như con nhím, hai gò má cao. Người này bước xuống kiệu thì bảo chủ thuyền:
- Ta muốn đến thăm quan coi sở muối ở Dương Châu, anh phải lo lắng cẩn thận, khi đến Dương Châu ta sẽ thưởng cho. Nếu anh sơ suất ta sẽ viết giấy cho quan huyện Giang Đô bắt anh trị tội đấy.
Chủ thuyền vâng dạ luôn miệng, dắt y xuống thuyền. Chủ thuyền cũng mang giúp hành lý xuống thuyền.
Chính đang lúc bận rộn, người chủ quán nói với Ngưu Phố:
- Ông mau mau xuống thuyền đi!
Ngưu Phố mang hành lý lên vai, chạy ra đằng đuôi thuyền. Chủ thuyền nắm lấy tay y lôi xuống thuyền, giơ tay ra hiệu bảo y không được nói năng gì và đưa y vào ngồi ở bếp.
Khi tất cả hành lý đều mang xuống thuyền, Ngưu Phố thấy người tùy tùng đem ra cái đèn lồng có đề mấy chữ: "Việc công ở Lưỡng Hoài" treo ở cửa thuyền, lão chủ thuyền đem cái lò ra đốt một ít lửa để nấu trà đưa vào khoang. Bấy giờ trời còn tối, bốn người tùy tùng đều ngồi ở đằng sau thuyền sửa soạn các món ăn. Họ hâm rượu, sắp sẵn đâu vào đấy rồi đưa vào khoang, đốt một ngọn sáp đỏ. Ngưu Phố liếc mắt nhìn trộm qua khe hở thấy người kia ngồi trước ngọn nến, trên bàn bày bốn đĩa ăn, tay trái cầm chén rượu, tay phải cầm một quyển sách xem chăm chú, vừa xem vừa gật đầu, xem một lúc rồi ăn cơm. Một lát sau thổi tắt ngọn đèn đi ngủ. Ngưu Phố cũng thiu thiu ngủ. Đêm ấy, gió đông bắc thổi mạnh. Đến canh ba, mưa bắt đầu rơi lách tách. Cái chiếu che sau bếp bị dột nước chảy lộp bộp, Ngưu Phố trằn trọc trở mình không ngủ được. Đến canh năm nghe tiếng trong khoang nói:
- Ông lái! Tại sao không cho thuyền đi?
Người chủ thuyền nói:
- Gió rất mạnh, đằng trước là vịnh Hoàng Thiên Đãg. Tối hôm qua mười mấy chiếc thuyền phải dừng lại ở đây, không có cái nào dám đi hết!
Một lát sau, trời sáng rõ. Người chủ thuyền nấu nước rửa mặt mang vào khoang. Những người tùy tùng ra rửa mặt ở sau thuyền. Đợi cho họ rửa mặt xong hết cả, người chủ thuyền mới đưa một chậu nước cho Ngưu Phố rửa. Ngưu thấy hai người tùy tùng cầm dù lên bờ. Một người khác đang rửa một cái chân giò ở bên cạnh thuyền. Một lát sau hai người tùy tùng kia về mang một con cá, một con vịt quay, một miếng thịt, măng tươi, rau cần đem lên thuyền. Chủ thuyền lấy gạo thổi cơm. Mấy người tùy