Vũ Thư định đến nhà Đặng Chất Phu thì có người đưa tờ danh thiếp đến. Tờ danh thiếp viết:
"Cao hàn lâm hôm nay mời ông đến chơi" Vũ Thư trả lời người kia:
- Tôi phải đi thăm một người khách rồi sẽ đến ngay. Anh về trước báo với ông chủ như vậy.
- Ông chủ tôi gửi lời thăm ông. Ông chủ tôi có mời ông Vạn ở Chiết Giang là người bạn rất thân từ trước đến nay. Lại có mời cả ông Trì nữa. Ngoài ra có ông Tần là bà con ông chủ.
Vũ Thư nghe nói có Trì Hành Sơn nên cũng miễn cưỡng nhận lời. Vũ Thư đến thăm Đặng Chất Phu nhưng không gặp. Buổi chiều, người nhà Cao đến mời hai lần, Vũ Thư mới đi. Cao Hàn Lâm ra tiếp, mời vào thư phòng. Thi ngự sử, Tần trung thư cũng đến ở đấy. Mấy người đang uống trà thì Trì Hành Sơn đến. Cao bảo quản gia mời ông Vạn đến và nói với Thi ngự sử:
- Ông Vạn là một người bạn của tôi giỏi bậc nhất ở Chiết Giang, viết chữ rất tốt. Cách đây hai mươi năm, lúc tôi đỗ tú tài tôi có gặp ông ở Dương Châu. Lúc đó, ông cũng đỗ tú tài, nhưng hành động của ông khác hẳn người thường. Bấy giờ mấy ông quan coi muối đều không dám khinh thường ông và việc ông làm ở đấy hơn tôi. Từ khi tôi lên kinh đến nay hai bên không gặp nhau nữa. Hôm trước đây, ông ở kinh về nói đã được bổ làm trung thư. Như vậy, nay mai ông sẽ là bạn cùng nha môn với ông Tần đây...
Tần cười:
- Ông là bạn đồng sự với tôi mà được cụ tôn kính như thế sao? Nếu vậy, ngày mai cụ phải đến chơi nhà tôi mới được.
Bấy giờ Vạn đã đi kiệu đến cửa và đưa danh thiếp vào. Cao Hàn Lâm chắp tay đứng dưới thềm nhà khách bảo quản gia mở cửa cho kiệu đi vào. Vạn xuống kiệu từ ngoài cửa bước vào, vái chào mọi người và ngồi.
Vạn nói:
- Tôi được cụ mời thực là hân hạnh! Xa nhau đã hai mươi năm, nay tôi cũng muốn mượn chén rượu nói chuyện xưa. Không biết hôm nay cụ có mời vị khách nào nữa không?
- Hôm nay không có vị khách nào khác, chỉ có Thi ngự sử, ông Tần là bà con và ông Vũ, ông Trì là bạn của tôi. Hiện nay tất cả đều ở trong nhà khách phía tây.
- Cho tôi được gặp mặt.
Người quản gia vào mời bốn người khách vào gian nhà khách chính. Thi ngự sử nói:
- Cụ Cao mời chúng tôi đến đây để tiếp ông.
Vạn nói:
- Tôi gặp cụ Cao cách đây hai mươi năm ở Dương Châu khi cụ chưa hiển đạt.
Nhưng nhìn cụ, thấy khác người thường; tôi cũng đoán biết sau này cụ sẽ thành một cột trụ của triều đình. Sau khi cụ Cao thi đỗ cao, tôi lưu lạc bốn phương chưa bao giờ có dịp trở về kinh để gặp mặt. Năm ngoái tôi có lên kinh, không ngờ cụ Cao đã về hưu. Hôm qua, tôi ở Dương Châu gặp mấy người bạn, bận chút việc cho nên mãi đến giờ mới được gặp. May sao hôm nay lại được gặp cụ và các vị.
Tần nói:
- Ông bao giờ thì nhậm chức. Tại sao ông lại rời khỏi kinh đô?
Vạn nói:
- Chức trung thư thì có thể đi theo con đường tiến sĩ, hay con đường giám sinh. Nhưng tôi thì được cử theo con đường ty thuộc chứ không phải theo đường khoa cử, cho nên sau này sợ suốt đời cũng không thoát khỏi hai chữ "trung thư". Còn muốn làm đến hàn lâm, học sĩ thì sợ không làm được.
- Gần đây, việc tìm được một chức khuyết cũng rất khó.
Tần nói:
- Gặp dịp làm quan mà không làm thì cũng như là không gặp.
Vạn lảng sang chuyện khác, nói với Vũ Thư và Trì Hành Sơn"
- Hai ông đều là những bậc tài cao nhưng đã lâu vẫn chưa hiển đạt. Người tài cao thường thành đạt chậm. Chức quan của tôi thực ra nó chẳng ra gì. Kẻ sĩ thì trước sau phải xuất thân theo con đường khoa giáp.
Trì Hành Sơn nói:
- Chúng tôi đều là bọn tầm thường dám đâu sánh với bậc đại tài như cụ.
Vũ Thư nói:
- Cụ Cao cùng với cụ là bạn thân. Sau này biết đâu hai người chẳng hiển đạt như nhau?
Vừa lúc ấy một người đầy tớ vào báo:
- Mời các vị ra ngoài nhà khách phía tây dùng cơm.
Cao Hàn Lâm nói:
- Chúng ta ăn cơm xong rồi sẽ nói chuyện.
Sau khi mọi người sang nhà sảnh phía tây ăn cơm, Cao Hàn Lâm bảo quản gia mở cửa vườn hoa mời mọi người xem. Mọi người đi từ ngôi nhà phía tây qua một cái cửa tròn rồi đi dọc theo một cái tường dài quét vôi trắng, đến một cái cửa nhỏ ở góc tường đi vào cái hành lang. Họ theo hành lang rẽ sang phía đông, đi xuống mấy bậc tam cấp, đến một cái vườn hoa lan hình vuông. Bấy giờ khí trời ấm áp, lan đang nở hoa. Trước mặt là một hòn non bộ. Một cái bình phong bằng đá được đắp rất công phu. Trên núi là một cái đình nhỏ có thể ngồi ba bốn người. Bên cạnh bình phong là hai cái đôn sứ và đằng sau có hơn một trăm cây trúc. Sau bụi trúc là một cái lan can thấp, màu đỏ, bao bọc những khóm thược dược chưa nở. Cao Hàn Lâm và Vạn trung thư to nhỏ với nhau trong khi dắt tay nhau bước lên đình. Thi ngự sử và Tần trung thư đi bộ từ bụi trúc đến vườn thược dược. Trì Hành Sơn nói với Vũ Thư:
- Vườn rất tĩnh mịch nhưng phải cái có ít cây to.
Vũ Thư nói:
- Người xưa đã nói: "Đình và ao cũng như công danh, gặp thời là có thể có. Cây to như khí tiết, không nuôi dưỡng thì không thành".
Lúc ấy Cao Hàn Lâm và Vạn trung thư đã ở trên đình bước xuống. Cao nói:
- Năm ngoái, trong nhà ông Trang Trạc Giang, tôi có được đọc bài thơ "Hoa thược dược nở" của ông Vũ. Vài hôm nữa, hoa thược dược sẽ nở.
Tất cả chủ và khách sáu người dạo chơi một lát, rồi trở về nhà khách phía tây. Quản gia bảo những người pha trà rót một tuần trà. Trì Hành Sơn hỏi Vạn trung thư:
- Tôi có một bạn ở Xử Châu cùng tỉnh ông, không biết ông có biết ông ta không?
Vạn trung thư nói: - Nổi tiếng nhất ở Xử Châu không ai bằng ông Mã Thuần Thượng. Tôi có mấy người bạn khác nữa nhưng không biết người bạn ông nói đây là ai?
- Chính là ông Mã Thuần Thượng đấy!
- Ông Mã là bạn rất thân với tôi, tại sao tôi lại không biết! Lần này ông ta đã lên kinh. Ông lên kinh lần này chắc là gặp thời vận.
Vũ Thư vội vàng nói:
- Ông ta đến nay vẫn chưa thi đỗ, vậy ông ta lên kinh để làm gì?
Vạn đáp:
- Sau khi đến nhậm chức ba năm, quan học đạo nhận thấy ông ta là người có đức hạnh nên đề cử ông ta. Nay ông ta lên kinh là đi theo con đường tắt. Chính vì vậy cho nên tôi nói rằng ông ta gặp thời vận.
Thi ngự sử nói:
- Công danh đi theo con đường tắt cũng không đi được xa đâu! Những người có chí khí nhất định phải xuất thân theo con đường khoa cử.
Trì Hành Sơn nói:
- Năm ngoái ông ta có đến đây chơi, tôi thấy ông ta quả thông thạo về cử nghiệp. Không hiểu tại sao mãi đến nay vẫn cứ mãi mãi là một anh tú tài. Cho hay việc thi cử không lấy đâu làm bằng cứ hết.
Cao Hàn Lâm nói: - Ông Trì nói như vậy là sai! Triều đại ta hai trăm năm nay, không có thay đổi chút nào về việc này hết. Ai đỗ đầu bao giờ cũng cứ là đỗ đầu. Ông Mã Thuần Thượng bàn về thi cử, thực ra chỉ biết lớt phớt bên ngoài, còn như cái phần bí ẩn bên trong thì tuyệt nhiên không biết gì. Nếu ông ta có làm anh tú tài suốt ba trăm năm thì ở huyện, hai trăm lần đỗ đầu, nhưng lúc thi ở phủ cũng cứ hỏng.
Vũ Thư nói:
- Như vậy thì cụ cho rằng các quan chấm thi ở phủ và quan học đạo xem bài khác nhau chăng?
Cao Hàn Lâm nói: - Tại sao lại không? Ai trong kỳ thi ở huyện đỗ cao thì khi thi ở phủ lại không đỗ. Vì vậy cho nên tôi không dám cầu may, tôi hết sức chú ý vào việc thi ở phủ. Lúc thi ở huyện học đạo chấm tôi vào hạng thứ ba cơ!
Vạn nói:
- Thế nhưng bài thi của cụ được đứng đầu, học sinh tỉnh tôi không ai không học thuộc lòng bài ấy.
Cao Hàn Lâm nói:
- Phải đoán biết ý thích của người chấm thi đó là cái mánh khoé trong nghề thi cử. Trong ba bài văn đi thi hương của tôi không có câu nào do tôi đặt ra, chữ nào cũng có điển tích. Vì vậy nên tôi đỗ. Nếu không biết mánh khoé ấy thì đến thánh cũng không đỗ nổi.
Ông Mã kia mấy lâu nay bàn về thi cử, những điều ông bàn chẳng phải là cử nghiệp. Nếu ông ta hiểu được mánh khoé này thì ông ta không biết đã làm đến chức quan gì rồi.
Vạn nói:
- Lời nói của cụ quả thực là theo ý tôi "khuôn vàng thước ngọc" cho bọn hậu bối. Nhưng ông Mã vẫn là người học rộng. Tôi có được đọc kinh "Xuân Thu" của ông xuất bản trong nhà người bạn của tôi ở Dương Châu. Tôi thấy ông ta chú thích rất công phu.
Cao nói:
- Ông không nên nói như vậy, ở đây có một ông họ Trang. Ông ta được triều đình mời ra. Nhưng ngày nay ông cũng đóng cửa chú thích "Kinh Dịch". Hôm trước có một người bạn gặp ông ta trong một bữa tiệc nghe ông ta nói: "Ông Mã Thuần Thượng biết tiến mà không biết lui như con rồng ở trong Kinh Dịch" 1. Ông Mã sánh với con rồng được hay không điều đó chưa cần bàn đến. Nhưng lấy một ông tú tài còn sống để giải thích cho lời dạy của thánh hiền thì thực là buồn cười hết sức!
Vũ Thư nói:
- Ông Trang nói như vậy chẳng qua là ngẫu nhiên nói cho vui thôi. Nếu không lấy người sống ra để làm thí dụ được thế tại sao Chu Văn Vương, Chu Công lại lấy Vi Tử, Cơ Tử ra làm thí dụ? Tại sao sau này Khổng Tử lại nói đến Nhan Tử? Những người kia lúc bấy giờ vẫn còn sống cả.
Cao Hàn Lâm nói:
- Câu nói của ông chứng tỏ ông học rất rộng. Tôi chuyên học về "Kinh Thi" không học về "Kinh Dịch" cho nên có những việc trong "Kinh Dịch" tôi không rõ lắm.
Vũ Thư nói:
- Cụ nhắc đến "Kinh Thi" làm tôi nghĩ đến một việc buồn cười. Gần đây, những người đi thi cứ câu nệ theo những lời chú giải của Chu Tử; nên càng giải thích lại càng khó hiểu. Bốn năm năm trước đây, ông Đỗ Thiếu Khanh ở Thiên Trường soạn quyển "Thi Thuyết" có trích dẫn những lời nói của các vị danh nho đời Hán, tất cả những người bạn xem đều thán phục. Như vậy đủ thấy trong việc học vấn thi đỗ chưa phải là giỏi.
Trì Hành Sơn nói:
- Nói như vậy đều lệch hết? Cứ theo ý tôi, ai theo đuổi học vấn thì cứ lo theo đuổi học vấn không cần hỏi đến công danh. Ai theo đuổi công danh thì cứ theo đuổi công danh không cần nghĩ đến học vấn. Muốn được cả hai đường thì rút cục chẳng được đường nào.
Vừa lúc ấy người quản gia bảo:
- Mời các vị dùng cơm.
Cao Hàn Lâm mời Vạn trung thư ngồi ghế đầu, Thi ngự sử ngồi ghế thứ hai, Trì Hành Sơn ngồi ghế thứ ba, Vũ Thư ngồi ghế thứ tư, Tần ngồi ghế thứ năm, còn mình ngồi ghế chủ. Tiệc bày ra ba bàn ở nhà khách phía tây. Rượu và các món ăn rất chỉnh tề, nhưng không có hát tuồng. Trong bữa tiệc họ bàn về việc triều chính. Trì Hành Sơn nói với Vũ Thư:
- Từ khi Ngu tiên sinh ra đi đến nay chúng ta dần dần ít tụ họp.
Một lát sau, lại chuyển sang bữa tiệc khác. Đèn sáp đốt lên, uống được một tuần rượu, Vạn trung thư đứng dậy cáo từ. Tần trung thư giữ lại nói:
- Ông đến chơi nhà người bạn thân của người bà con tôi thì cũng như là bà con của tôi. Vả chăng,