Mười hai cái lầu này ở Nam Kinh, cửa trước, ở cầu Vũ Định cửa sau ở vườn Đông Hoa, về cuối phía nam đường Sao Khố ở cầu Trường Bản. Từ khi đã lấy được thiên hạ, Minh Thái Tổ bắt con cái các công thần nhà Nguyên đều phải làm con hát, đặt ti giáo phường 1 cai quản. Người cai quản ở đấy có nha dịch hàng ngày ngồi công đường đánh người. Chỉ khi nào các vương tôn, công tử đến chơi thì họ mới không dám xem mình ngang hàng với khách và buông tay đứng hầu. Mỗi năm vào mùa xuân tháng hai, tháng ba các chị em ở đấy tô son, điểm phấn, đứng trước cửa dưới bóng liễu mời khách vào chơi. Lại có một hội chơi nhiều người thường đến, các thức ăn hết sức ngon lành, những người bếp tranh nhau trổ tài. Chị em nào có nhan sắc không phải bạ ai cũng tiếp. Lại có những bà già, chuyên đến các nhà, đốt hương, chùi lư hương, bày biện các bình hoa, lau bàn ghế, dạy đánh đàn, đánh cờ, vẽ và viết. Mặc dầu các chị em có nhiều khách làng chơi, nhưng người nào cũng muốn có vài danh sĩ lui tới để cho có vẻ khác tục. Ở lầu Lai Tân có một người con gái tên là Sính Nương. Người cha ngày xưa là con hát trong ban Lâm Xuân, lúc còn trẻ nổi tiếng trong việc đóng vai con gái, sau này có râu, nên phải bỏ nghề, đi lấy một bà vợ, hi vọng bà ta sẽ tiếp khách hộ mình. Không ngờ bà vợ đã béo lại đen. Từ khi vợ chồng lấy nhau, không có ma nào đến chơi cả. Về sau, không biết làm sao, đành phải nuôi một người con nuôi và kiếm cho y một cô gái nhỏ để làm vợ. Khi lên mười sáu tuổi; cô rất xinh đẹp. Từ đấy khách khứa kéo nhau đến chơi chật cả nhà. Mặc dầu Sính Nương là gái giang hồ, cô ta vẫn thích đi lại với các quan. Người cậu là Kim Tu Nghĩa con Kim Thứ Phúc, thỉnh thoảng cũng đưa đến nhà một, hai ông quan. Hôm ấy Kim Tu Nghĩa nói:
Ngày mai, sẽ có một người khách đến nhà cháu chơi. Ông ta là anh em chú bác với Từ công tử ở trong phủ Quốc Công. Ông ta họ Trần, vì là con thứ tư nên mọi người gọi là Trần Tứ. Hôm qua ở trong phủ Quốc Công diễn tuồng, ông Trần Tứ có nói với cậu rằng ông ta nghe tiếng cháu, muốn đến xem mặt. Cháu mà đi lại với ông ta thì rồi sẽ được làm quen Từ công tử. Như thế là may cho cháu lắm!
Sính Nương nghe nói mừng rỡ vô cùng. Kim Tu Nghĩa uống trà xong đi ra.
Hôm sau Kim Tu Nghĩa lại đến thăm Trần Tứ. Trần Tứ là người phủ Thái Bình trọ ở cái nhà bên bờ sông của ông Đổng ở cửa Thuỷ Đông. Khi Kim Tu Nghĩa đến thì có hai người đầy tớ mặc quần áo mới tinh ra đưa vào. Trần đi ra, đầu đội mũ vuông mình mặc áo màu ngọc thạch, ở trong là cái áo lông chồn, chân đi giày đen đế trắng, da mặt trắng, ước chừng hai mươi tám, hai mươi chín tuổi. Thấy Kim Tu Nghĩa, Trần hỏi:
- Hôm qua ông có nói việc ấy giúp tôi không? Khi nào thì chúng ta đi?
- Hôm qua con đã đến nói, hôm nay cô ta đợi ông.
- Tốt lắm! Thế chúng ta cùng đi thôi.
Nói xong, Trần vào nhà thay áo quần mới, rồi ra bảo hai người đầy tớ gọi người khiêng kiệu đến. Vừa lúc ấy, có một người đầy tớ nhỏ mang đến một bức thư, Trần nhận ngay là người nhà của Từ công tử, bèn cầm bức thư mở ra đọc, thư viết: "Kính gửi anh họ là Mộc Nam. "Bây giờ tuyết bắt đầu tan, ở trong vườn, hoa hồng mai đã bắt đầu nở. Mong anh đến nhà em nói chuyện. Anh chớ có từ chối. Từ Vinh kính thư" Trần xem xong nói với Kim Tu Nghĩa:
- Nay tôi phải đến phủ Quốc Công. Ngày mai, ông lại đến đây.
Kim Tu Nghĩa đi rồi, Trần lại lên kiệu, có hai đầy tớ theo hầu. Đi đến đường Đại Công. Kiệu dừng trước phủ Quốc Công. Người đầy tớ vào trước. Một lát sau, ở trong nhà có tiếng nói:
- Mời vào!
Trần xuống kiệu bước vào cửa đi qua điện Ngân Loan. Từ công tử đang đứng ở trước cửa vườn đón chào và nói:
- Anh Từ, anh mặc áo quần gì mà nhiều thế?
Trần thấy Từ công tử đội mũ điêu đen, mình mặc áo kép đoạn thêu kim tuyến, lưng thắt đai tơ, chân đi giày đỏ. Hai người cầm tay nhau. Trong vườn những hòn núi giả lóng la lóng lánh, cái cao, cái thấp lô nhô xây toàn bằng đá lấy ở Thái Hồ. Tuyết trên núi vẫn chưa tan hết. Từ công tử dắt Trần Tứ đi men theo cái lan can quanh co, đến một cái đình. Cái đình này là nơi cao nhất trong vườn. Đứng ở đấy có thể nhìn thấy mấy trăm cây mai nở hoa lốm đốm hồng. Từ công tử nói:
- Tiết trời ở Nam Kinh độ rày ấm áp sớm hơn mọi ngày. Chưa đến tháng mười mà hoa mai đã nở hết.
Trần nói:
- Ở đây không phải như ở chỗ khác. Mặc dầu đình nhìn ra bốn phía nhưng người ta không cảm thấy lạnh chút nào. Trong thơ Đường có câu: "Trời lạnh bên ngoài ai biết đâu? Không đến đây thì không thể biết cái hay của câu thơ người xưa.
Đang nói chuyện thì rượu đem lên. Cái mâm bằng bạc để trên một cái giá dưới đốt bằng rượu, rượu vẫn cháy sôi làm cho những thức ăn nóng mà không có một chút mùi khói nào. Hai người uống rượu, Từ công tử nói:
- Những đồ dùng gần đây rất đẹp mắt. Những người xưa cũng không biết làm như vậy. Cho hay người xưa cũng không khéo tay bằng người bây giờ.
Trần nói:
- Tôi tiếc rằng tôi đến đây hơi chậm. Năm Ngu bác sĩ ở Quốc Tử Giám, Trì Hành Sơn có mời Ngu bác sĩ làm chủ tể ở đền Thái Bá thì chỉ dùng lễ nhạc xưa, các đồ vật dùng trong buổi lễ đều bắt chước đồ xưa. Nếu bấy giờ tôi ở Nam Kinh thì thế nào cũng đến dự lễ để xem lễ nhạc ngày xưa như thế nào.
- Mười năm nay tôi cứ ở Kinh Đô, không biết ở nhà có những vị hiền nhân quân tử như vậy! Nay về đây không được gặp mặt thật lấy làm tiếc.
Uống rượu một lát, Trần cảm thấy trong người nóng rực bèn cởi áo ngoài ra.
Người quản gia vội vàng đỡ lấy áo, xếp lại và đặt lên giá Từ công tử nói:
- Tôi nghe trước đây có ông Đỗ nào đấy ở Thiên Trường có mở cuộc thi hát tuồng ở Mạc Sầu Hồ. Lúc bấy giờ còn có vài người đóng tuồng khá. Nhưng tại sao ngày nay không tìm thấy một người nào đóng vai đàn bà nên hồn? Hay là ngày nay không còn hạng người ấy nữa sao?
- Cái việc ấy thật là ông Đỗ bày đặt ra! Từ xưa đến nay đàn bà không có ai hèn, ai quý. Ngay một cô tì thiếp ở thanh lâu cũng có thể làm hầu và nếu sinh được một người con trai làm quan thì người mẹ lại được phong nữa. Còn những người đi hát tuồng thì bất kì anh ta như thế nào chung quy vẫn là một con người hèn hạ. Từ ngày ông Đỗ bày ra cái trò chấm thi ấy, các danh sĩ hay các quan ở đây khi nào có tiệc thường mời mấy người hát tuồng đến cùng ngồi nói chuyện, hết chuyện này sang chuyện khác, không còn ra thể thống gì nữa! Ông Đỗ phải chịu lỗi về việc đó.
- Đó cũng là do lỗi của những nhà mới nổi lên chứ trong nhà tôi không có anh hát tuồng nào dám làm thế.
Nói chuyện một lát, Trần lại thấy bức hơn và cởi thêm một cái áo nữa. Người quản gia lại đỡ lấy. Trần nói:
- Tôi biết ở phủ này không phải như ở bên ngoài. Nhưng tại sao lại ấm như vậy?
Từ công tử nói:
- Anh Tứ, anh không thấy cách đình một trượng thì không có tuyết hay sao? Đình này làm trong thời cha tôi còn làm quốc công. Nó đúc toàn bằng đồng trắng, ở trong đổ than cho nên mới nóng như vậy. Anh không thể thấy ở đâu có một cái đình như thế này nữa!
Bấy giờ Trần mới hiểu nguyên do. Hai người cùng uống rượu một lúc thì trời bắt đầu tối. Trên mấy trăm cây mai có treo những ngọn đèn lồng, cái cao cái thấp, trông như hàng ngàn hòn ngọc chiếu sáng khắp nơi. Ánh sáng chiếu vào những cây mai và những cành mai lại càng thêm xinh đẹp. Uống trà xong, Trần cáo từ ra về.
Hôm sau, Trần viết thơ cho người nhà đem đến phủ Quốc công vay Từ công tử hai trăm lạng bạc. Trần đem tiền mua mấy tấm đoạn may mấy bộ áo quần cùng người đầy tớ mang đến nhà Sính Nương để làm lễ ra mắt. Đến cửa lầu Lai Tân, nghe tiếng chó sủa thấy một người đàn bà đen và béo đi ra. Thấy Trần dáng người phong nhã, người đàn bà liền mời vào nhà. Trần bước vào thấy hai gian phòng ngủ, trước mặt là một cái phòng trang điểm, có những bình hoa và lư hương rất đẹp mắt. Bấy giờ Sính Nương đang cùng một người đánh cờ. Nghe nói Trần đến, cô ta vội vàng bỏ ván cờ và ra chào, nói:
- Không biết ngài đã đến, xin ngài tha lỗi.
Mụ dầu nói:
- Đây là ông Trần Tứ ở Thái Bình. Cô thường đọc thơ của ông và khao khát mong được gặp. Ông Tứ vừa ở phủ Quốc Công đến đây.
Trần nói:
- Đây có hai bộ áo quần. Nếu bà nhận giúp, tôi rất vui lòng.
Mụ dầu nói:
- Sao ông lại nói như thế? có khi mời chưa chắc ông đã đến cho.
Trần nhân tiện hỏi:
- Vị này là ai?
Sính Nương đỡ lời:
- Đây là ông Trâu Thái Lai ở cầu Cửa Bắc. Ông là người đánh cờ giỏi nhất Nam Kinh và là thầy dạy đánh cờ của em.
Trần nói:
- Đã lâu mong được gặp.
Trâu Thái Lai nói:
- Ông là ông Trần Tứ phải không? Tôi nghe nói ông là anh họ của Từ Công tử, thực là một vị quý nhân. Hôm nay ông hạ cố đến đây thực là diễm phúc cho Sính Nương.
Sính Nương nói:
- Chắc ngài là một tay cao cờ, sao ngài không đánh với thầy học tôi một ván? Tôi học cờ ông Trâu đã hai năm nay, nhưng không bao giờ hạ được những nước hay của ông cả.
Mụ dầu nói:
- Mời ngài cùng đánh với thầy Trâu một ván, tôi xin đi làm cơm.
Trâu nói:
- Tôi đâu dám, mong được ông dạy bảo.
Sính Nương nói:
- Không ngại, thầy Trâu thích đánh cờ hơn gì hết.
Nói xong, Sính Nương bèn bày cờ ra để hai người đánh. Trâu Thái Lai nói:
- Tôi và ông Tứ cùng đánh cờ ngang nhau.
Trần nói:
- Ông là tay đánh cờ giỏi nhất nước. Tôi đánh với ông sao nổi, ông phải bớt cho tôi vài con mới đánh được.
Sính Nương ngồi bên cạnh không đợi nói năng gì, lấy đi bảy con cờ đen. Trâu Thái Lai nói:
- Tại sao lại lấy đi nhiều thế? Cô muốn tôi làm trò cười phải không?
Trần nói:
- Tôi biết ông không đánh không tiện, tôi xin đặt số tiền đây.
Nói xong lấy ra một đĩnh bạc đưa cho Sính Nương. Sính Nương ngồi bên cạnh giục Trâu Thái Lai. Trâu Thái Lai miễn cưỡng đi một con cờ. Lúc đầu, Trần chưa thấy gì, nhưng đi được nửa ván thì bị bao vây bốn phía, khi muốn tấn công thì quân của Trâu đã bao vây ở ngoài, muốn dừng tấn công thì thế cờ đã thua. Cuối cùng, mặc dầu được Trâu về quân nhưng phải tốn rất nhiều sức mới đánh nổi. Trâu Thái Lai nói:
- Ông Tứ cao cờ quả là đối thủ của Sính Nương vậy.
Sính Nương nói:
- Thầy Trâu không bao giờ thua. Nhưng hôm nay như thế này cũng là thua rồi!
Trần nói:
- Đó là vừa rồi ông Trâu có ý nhường tôi, chứ tôi địch sao nổi. Ông nhường tôi hai con nữa, rồi chúng ta cùng đánh một ván.
Vì đánh cờ tiền, lại thấy Trần đánh rất tồi, cho nên chẳng sợ Trần giận. Trâu