Khi trở lại làng đại học, đã gần bảy giờ tối.
Tống Nhĩ Giai đi đến phố sinh viên, nhìn một dãy thức ăn chói mắt, nhưng lại không biết nên ăn gì.
Những ngày cuối tuần này, nàng thường ăn tối ở nhà Nguyễn Trinh. Nguyễn Trinh làm món gì, nàng liền ăn món đó, hầu như không cần phải lo lắng về việc ăn uống.
Khi nghĩ đến Nguyễn Trinh, lòng nàng lại cảm thấy ngột ngạt, như thể đang bị một cảm xúc nào đó chặn lại, không tài nào trút bỏ được.
Nguyễn Trinh có thói quen tập thể dục. Ngày thường, cô cũng chú ý đến chế độ ăn uống điều độ. Tống Nhĩ Giai vô thức thay đổi giống như cô, cũng học theo lối sinh hoạt đấy.
Nàng đi dạo quanh phố sinh viên, cuối cùng bước vào một cửa hàng lẩu cay.
Nàng thích ăn thức ăn có vị nặng, mà lẩu cay lại là bữa tối cân bằng dinh dưỡng nhất trong số các loại thức ăn có vị nặng.
Tống Nhĩ Giai âm thầm tính toán lượng carbohydrate, protein và các nguyên tố khác trong lòng. Nàng chọn đậu phụ, nấm, rau chân vịt, bông cải xanh, trứng, thịt bò, ức gà và mì soba rồi giao cho nhân viên bán hàng.
Lúc này đang là giờ cao điểm, nàng phải ngồi cùng bàn với một người đàn ông khác.
Sau khi lẩu cay được bưng lên, nàng đã chụp ảnh lại rồi đăng lên moments.
Kể từ lần trước nàng nói với Nguyễn Trinh rằng phải ấn like cho nàng. Mỗi khi đăng ảnh lên moments, Nguyễn Trinh sẽ nghe lời và tặng cho nàng một nút like.
Sau khi Tống Nhĩ Giai đăng moments xong, nàng đặt điện thoại xuống và tập trung ăn uống.
*
Nguyễn Trinh phải tăng ca để viết luận văn.
Địa chỉ IP mạng của bệnh viện có thể tải miễn phí các tài liệu trong và ngoài nước. Thông thường, cô chỉ tải về và in tại bệnh viện, sau đó mang về nhà để nghiên cứu chúng.
Hôm nay, cô cố ý ở lại văn phòng, còn đổi ca trực với đồng nghiệp, định làm việc ở bệnh viện cả đêm.
Trên bàn làm việc còn có trái cây mà chiều nay Tống Nhĩ Giai đã mang đến.
Sau khi xem xong luận văn, Nguyễn Trinh dụi mắt, rửa tay rồi bóc một quả quýt để ăn.
Khi nuốt thịt quýt ngọt ngào vào bụng, cô liền cảm thấy có chút đói. Vì vậy, cô liền gọi một phần cơm ức gà ít chất béo và salad hạt diêm mạch.
Sau khi gọi thức ăn mang về xong, Nguyễn Trinh lướt moments theo thói quen.
Cô không có thói quen lướt moments. Nhưng kể từ khi Tống Nhĩ Giai nói rằng cô phải ấn like từng bài đăng của nàng, Nguyễn Trinh dần dần hình thành thói quen này.
Một khi đã hình thành thói quen, thường rất khó thay đổi.
Tống Nhĩ Giai đã tạo một moments mới——
Một bức ảnh về bữa tối.
Nguyễn Trinh bấm vào hình và xem màu sắc của lẩu cay. Đây là những món mà ngày thường cả hai đều thích khi ăn lẩu cùng nhau.
Cô nhớ Tống Nhĩ Giai thường nói "Lẩu là món súp cay của hai người, còn súp cay là món lẩu của 1 người", liền cầm lòng chẳng đặng nở nụ cười. Cô dùng ngón tay gõ gõ lên màn hình, chuẩn bị ấn like bài đăng này. Bỗng dưng, cô phát hiện phía bên phải bức ảnh có bóng dáng người đàn ông nào đó.
Cô nhớ đến những lời mà y tá nói vào buổi chiều, người kia có lẽ là bạn trai của nàng...
Nguyễn Trinh thu lại ý cười, cất điện thoại di động đi, tiếp tục tập trung làm việc.
So với các khoa lâm sàng khác, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần làm việc ca đêm ít căng thẳng hơn, đặc biệt là bác sĩ ở các khoa mở. Về cơ bản, nơi đây không có bệnh nhân nguy hiểm, bác sĩ cũng thường kiểm tra phòng trước khi ngủ. Bệnh nhân thường hiếm khi "ngồi dậy" vào ban đêm, chỉ cần họ không rời khỏi giường bệnh, bác sĩ có thể ngủ trong phòng trực cho đến tận hừng đông.
Ca đêm của các y tá thì khó khăn hơn, cứ 30 phút lại phải kiểm tra phòng một lần.
Nguyễn Trinh đã được đào tạo chuyên sâu về tư vấn tâm lý. Ngoài ra, cô có tính cách hiền lành, ưa nhìn, nên các bệnh nhân trong khoa rất thích trò chuyện với cô.
Đêm nay, có một cô gái đang học năm hai cũng không ngủ được. Cô ấy liền đến văn phòng bác sĩ để trò chuyện với Nguyễn Trinh.
Cô ấy bảo lưu việc học vì rối loạn lưỡng cực, trầm cảm và phải nhập viện điều trị.
Nguyễn Trinh rửa một ít nho và táo cho cô ấy ăn.
Cô bé nhấm nháp quả táo, sau đó nhìn Nguyễn Trinh và nói:" Ngoài chị Tiểu Văn ra thì chị Nguyễn Trinh là bác sĩ mà em yêu thích nhất trong bệnh viện này."
Tiểu Văn mà cô ấy vừa nói ra là bác sĩ tâm lý trị liệu của khoa tâm thần số 2. Tính tình hiền lành, dịu dàng như nước, rất được nhân viên y tế và bệnh nhân quý mến.
Sau khi bệnh nhân trong khoa uống thuốc xong, họ sẽ tìm đến cô ấy để được hỗ trợ tâm lý sau khi tình trạng bệnh ổn định đôi chút.
Các nhà tâm lý học trò chuyện với bệnh nhân để tạo ra sự đồng cảm, tự nhiên cũng có thể dễ dàng kéo gần khoảng cách với bệnh nhân hơn.
Nguyễn Trinh mỉm cười rồi nói với cô gái nhỏ: " Bác sĩ Tiểu Văn rất dịu dàng, chị cũng thích."
Cô gái nhỏ nói: "Nhưng lần đầu tiên nhìn thấy chị ở phòng khám ngoại trú, em đã nghĩ chị là một người rất lạnh lùng."
Nguyễn Trinh cười nhẹ: "Bởi vì phòng khám ngoại trú phải khám rất nhiều bệnh nhân, không thể dành quá nhiều thời gian cho một bệnh nhân được."
Mỗi ngày, phòng khám tâm thần cần khám hàng chục bệnh nhân, trong khi phòng khám tâm lý chỉ khám vài bệnh nhân.
Tại các phòng khám ngoại trú, bác sĩ tâm thần thường chỉ có nhiệm
vụ đánh giá, chẩn đoán, kê đơn thuốc, điều trị và tiếp nhận bệnh nhân. Thậm chí họ không cần lắng nghe toàn bộ câu chuyện tâm lý, hành trình đau đớn và cảm thông với bệnh nhân mà chỉ cần để kê đơn thuốc phù hợp.
Vì vậy, khi bệnh nhân đến khám bệnh, đôi khi họ cảm thấy bác sĩ tâm thần cắt ngang lời nói của bệnh nhân, có thái độ lạnh lùng và xa cách. Lời còn chưa nói xong đã vội vàng kê đơn thuốc.
Các cuộc trò chuyện tâm lý dài dòng và kể lại hành trình tâm lý đều được giao cho bác sĩ tâm lý hoặc tìm hiểu thêm sau khi nhập viện.
"Gần đây em đang dần ổn định lại, tại sao hôm nay lại đột nhiên ngủ không được vậy?" Cô gái nhỏ không nói gì một lúc lâu. Nguyễn Trinh nhìn màn hình máy tính, vừa đọc bệnh án vừa tán gẫu cùng cô ấy.
Cô gái nhỏ nói: "Hôm nay em lại chợt nhớ anh ấy. Ngay khi em nhắm mắt lại, tất cả những gì em nhìn thấy đều là anh ấy, vì thế em không ngủ được."
Những người sống ở đây, suy cho cùng cũng đều mắc tâm bệnh. Tâm lý sẽ ảnh hưởng đến si.nh lý.
Cô gái nhỏ từng có một người yêu ở phương xa hơn cô ấy mười tuổi. Lúc đó, cô ấy bị trầm cảm nhẹ, nhưng người yêu đã bao dung cho tính xấu của cô ấy bằng mọi cách. Anh ta yêu thương cô ấy, chăm sóc cô ấy, khiến cô ấy nghĩ rằng mình đã được tình yêu cứu rỗi, sau này cô ấy sẽ không gặp được người nào yêu mình như anh ta.
Nhưng một ngày nọ, người yêu đột ngột đề nghị chia tay với cô ấy. Lý do là anh ta đã đến tuổi lập gia đình, muốn ổn định cuộc sống. Hai người sống ở hai nơi khác nhau, hơn nữa, tuổi tác lại chênh lệch quá xa. Anh ta cảm thấy áp lực quá lớn và mệt mỏi, vì thế không thể đợi cô ấy trưởng thành được nữa.
Dù cô ấy có khóc lóc níu kéo anh ta thế nào thì anh ta vẫn dửng dưng. Cô ấy vội vã bay đến thành phố của anh ta trong đêm, nhưng ánh mắt anh ta nhìn cô ấy chỉ còn lại bối rối, không còn quan tâm và yêu thương như trước đây nữa. Cô ấy hoàn toàn suy sụp, dùng dao tự cắt cổ mình, đe dọa anh ta quay lại với cô ấy. Thậm chí, cô ấy còn vứt bỏ lòng tự trọng của mình, quỳ gối trước cửa nhà anh ta để cầu xin anh ta quay lại với mình, rồi còn khóc suốt đêm, sau đó ngất xỉu trên mặt đất.
Ngày hôm sau, cô ấy không quay lại được với người yêu. Cô ấy tỉnh dậy trong bệnh viện, bác sĩ đề nghị gia đình đưa cô ấy đến khoa tâm thần để khám bệnh.
Cuối cùng, khoa tâm thần chẩn đoán cô ấy bị rối loạn lưỡng cực và bác sĩ đã đề nghị cô ấy nên nhập viện điều trị một thời gian.
Nguyễn Trinh chỉ vào đôi mắt của mình:" Em xem, đôi mắt của chúng ta ở phía trước, cho nên chúng ta phải học cách nhìn về phía trước. Em là người dịu dàng và tốt bụng, có rất nhiều chàng trai tốt đang chờ đợi em ở phía trước. Sẽ có lúc em thích một người khác, hoặc khi đã buông bỏ hoàn toàn. Đến khi ngoảnh lại nhìn, em sẽ cảm thấy những điều đã qua chẳng đáng chút nào."
Cô gái nhỏ hỏi: " Em sẽ thích một người khác sao?"
Nguyễn Trinh mỉm cười rồi gật đầu, an ủi cô ấy:" Sẽ có. Có đôi khi, không buông bỏ được chỉ là một thói quen, một nỗi chấp niệm. Hãy đợi cho đến khi em ổn hơn, em sẽ gặp được một chàng trai tốt hơn, lúc đó em sẽ không còn đặt tâm trí mình vào quá khứ nữa. Tuy nhiên, suy cho cùng, chúng ta cần phải trở nên tốt hơn để có thể thu hút được những người tốt hơn. Nếu ngay cả em còn không yêu bản thân mình, không quý trọng bản thân thì làm sao có thể mong đợi người khác thích mình được?"
Cô bé vừa gặm táo vừa nói nhỏ:" Sau này em sẽ không bao giờ thích người lớn tuổi hơn mình nữa. Bọn họ ghê gớm lắm, nói muốn kết hôn thì sẽ kết hôn, nói không thích thì thực sự không thích nữa."
Nguyễn Trinh cúi đầu cười, nhưng không nói cho cô ấy biết. Thực ra, người lớn tuổi cũng không dám yêu người trẻ tuổi hơn mình quá nhiều.
Những người trẻ tuổi cũng sẽ hay thay đổi thất thường, nghĩ gì muốn đấy...
- -
Tác giả có lời muốn nói:
Bác sĩ Nguyễn dịu dàng và có đạo đức: Tôi không dám yêu người ít tuổi hơn mình vì sợ bạn nhỏ không ổn định và thay đổi quá nhanh.
Bác sĩ Giản văn nhã bại hoại ở cách vách: Chỉ cần nhìn vào mắt, sau đó ngủ cùng rồi tính tiếp. Chênh lệch tuổi tác à? Vậy thì càng thú vị đấy.