Dì Phượng là em út của mẹ tôi. Thật ra bà ngoại tôi chỉ sinh được hai người con gái thì ông tôi mất, bà đã ở vậy tần tảo nuôi con cho đến bây giờ, điều làm bà ân hận nhất là không có một người con trai để nối dõi tông đường. Dì Phượng tuổi cũng lớn, dễ chừng đã băm bốn, băm lăm nhưng vẫn chưa lập gia đình. Nghe mẹ kể, hồi mới giải phóng, dì Phượng đang học dự bị y khoa, dì có quen một người bạn trai học trên dì ba lớp, hai người thương yêu nhau lắm và định ngày anh ấy ra trường sẽ làm lễ cưới, nhưng rồi đùng một cái, người yêu của dì Phượng theo bạn bè vượt biên và biệt vô âm tín luôn. Từ đấy, dì Phượng khép chặt cửa lòng không muốn làm quen với ai cả. Bảy năm sau, dì ra trường, được về nhận công tác tại một bệnh viện lớn và tuổi xuân của dì cũng theo đó phôi pha. Con gái chỉ có một thời như hoa đào, chỉ tươi khi mùa xuân đến và phượng vĩ giữa mùa hè mới đậm đà hương sắc thanh tân. Dì Phượng là hoa nở trái mùa, là sen hồng cuối hạ, dù mắt môi còn đẹp nhưng làn da đã mất hẳn màu tươi.
Anh Trí giúp mẹ đem hai túi xách vô buồng, mẹ gieo mình xuống ghế:
- -Mệt muốn chết, Minh ơi, pha nước chanh cho mẹ và dì Phượng đi con.
Nhìn chiếc giỏ to lớn để nơi góc nhà, mẹ ngạc nhiên hỏi dì Phượng:
- -Em đem gì vào nhiều vậy?
Dì Phượng đến ngồi bên mẹ:
- -Có người quen đem hàng từ Lào về, giá rẻ lắm, mạ biết được, mạ rút hết tiền tiết kiệm bảo
em đêm vô nhờ chị bán kiếm lời, em mở cho chị coi nghe.
- -Để từ từ không vội, em tắm rửa nghỉ ngơi đi, anh Tuệ cũng sắp về rồi, gặp em chắc ảnh mừng lắm, mùa bóng đá này ảnh nhắc đến em mãi.
Tôi đặt hai ly nước chanh lên bàn, dì Phượng hỏi:
- -Mai cháu thi mất hai ngày phải không?
- -Dạ.
Dì Phượng cầm ly nước lên, cười thật tươi:
- -Như rứa là mấy ông trên bộ giáo dục còn thương học trò quá, chọn ngày thi thật đúng cho mấy cô cậu kịp xem trận đấu khai mạc Mondial 90.
Tôi đăm đăm nhìn dì Phượng. Dưới ánh đèn vừa bật trong phòng khách, trông dì thật trẻ trung. Theo cảm tính, tôi thấy dì hoàn toàn không giống mẹ, cả về ngoại hình cũng như cá tính. Dì không đẹp bằng mẹ nhưng sôi nổi và đầy nhiệt tình, dì yêu văn nghệ, thích thể thao, tham gia tích cực vào các công tác xã hội, và điều làm tôi khâm phục nhất là mùa đông năm ngoái, dì đã ra tận Thanh Hóa ở một thời gian để săn sóc các nạn nhân bị bão lụt và dốc hết tiền dành dụm cứu đói cho các gia đình nghèo.
Ba đi làm về dắt xe vào cửa, ba thấy dì Phượng trước:
- -Phượng, vào hồi nào vậy?
Dì Phượng chạy đến:
- -Anh Tuệ, bữa ni anh hơi ốm đó.
Có tiếng mẹ nói từ nhà sau:
- -Trí ơi, đi mua cho dì vài chai bia, còn Ái Minh dọn chén dùm mẹ nghe.