Tiếc ghê, hôm kia Thoại có ngỏ ý đến học chung với tôi nhưng tôi cứ hẹn là để chờ kết quả đã, không biết bây giờ Thoại đã học đến đâu rồi, có chờ tôi không. Mà cũng chả lo, có anh Trí đó, cứ liều giải các đề toán một mình, bí quá thì cầu cứu anh, có sao đâu. Thật là uổng, nhà nước mình chưa dùng hết nhân tài, anh Trí học giỏi như vậy mà ra trường đến nay vẫn thât nghiệp, trong khi đó có những kẻ thiếu năng lực, thiếu phẩm chất vẫn còn sống nghênh ngang... Dạo sau này thấy anh Trí ở nhà hoài cũng tội, ban nhạc của anh tại nhà Văn Hoá thanh niên đã tạm ngưng hoạt động, đám học trò anh dạy tại tư gia thì đã xin nghỉ hè để cùng gia đình đi du lịch bốn phương. Đúng là con nhà giàu thú vị thật. Không làm ra tiền, anh Trí nhịn mọi thói quen hằng ngày như cà phê, thuốc lá... tội nghiệp anh ghê. Anh không muốn xin tiền mẹ vì mặc cảm, mẹ cũng biết điều này, mẹ hay nói với tôi
cứ để cho nó thấm đau, cho nó biết thế nào là giá trị của đồng tiền, cho nó bớt tính gàn bướng. Tôi hiểu mẹ còn giận anh vì anh đã từ chối không chịu nghe lời mẹ theo chú Lộc làm ăn, nhưng tôi vẫn không đồng ý với cách nghĩ của mẹ nên tôi đã cải lại mẹ nhiều lần. Ba thì thương anh Trí đến xót xa nhưng đàn ông thường không hay bộc lộ tấm lòng mình, họ chỉ hành động và hành động của ba là tháng này cùng chia đôi số lương của anh Trí. Sở dĩ tôi biết được việc này là vì có một đêm khi dậy đi tìm chiếc áo len, bất chợt tôi nghe được câu chuyện thì thầm bên phòng anh Trí:
- -Ba cứ giữ lấy mà tiêu, con đủ rồi.
- -Con cầm lấy kẻo ba buồn, đây là nửa tháng lương của ba, tuy không bao nhiêu nhưng cũng giúp cho con giải quyết được một vài chuyện nhỏ...
- -Ba lớn tuổi rồi, ba cần tiền hơn con. Con nhịn một tháng cũng không sao, tháng sau đám học trò của con đi nghỉ hè về, con lại có tiền, ba đừng lo.