Triệu Cấu nhận được chiếu thư và điều kiện hòa nghị của nước Kim, xuống chiếu bố cáo vào tháng Một mùa Xuân năm Thiệu Hưng thứ chín (Kim năm Thiên Quyến thứ hai): "Đại Kim đã phái sứ giả thông hòa, cắt trả lại đất cũ." Đồng thời nhấn mạnh: "Quan viên không được phép xuyên tạc văn tự, phá hòa khí giữa hai nước, đặt điều vu khống." Sau đó liền đại xá thiên hạ, lại giao trách nhiệm hòa nghị nặng nề cho công thần Vương Luân, ban cho xuất thân tiến sĩ, miễn công việc Đoan Minh điện học sĩ, đồng thiêm thư xu mật viện. Sửa sang lại Phụng Tử c ung, xin đón Hoàng thái hậu về. Giao cho ông nhiệm vụ cắt đất, lên phương Bắc về Khai Phong phủ cùng Hoàn Nhan Tông Bật giao nhận đất, thu hồi lại Đông, Tây, Nam ba kinh và đất Hà Bắc, Thiểm Tây.
Vì có hi vọng đón được Thái hậu về, Triệu Cấu cũng hạ lệnh tu bổ đại nội trên quy mô lớn, cải tạo Thừa Khánh viện cũ thành cung thất cho Hoàng thái hậu.
Mà cũng trong tháng Một năm này, Kim chủ phong Tả thừa tướng Trần vương Tông Tuyển làm Thái bảo, lĩnh tam tỉnh sự, tấn phong Duyện Quốc vương. Từ đây, phe Tông Tuyển cùng Tông Bàn, Thát Lãn quyền khuynh triều dã.
Ngày Đinh Hợi tháng Ba, Triệu Cấu phong con trai nuôi của Anh Phất Cừ làm Sùng Quốc công. Người trong cung nói, đây là nể mặt Anh Phất nên mới đặc biệt thi ân. Tính tình Cừ hoạt bát, có chút xốc nổi, Triệu Cấu không quá yêu thích. Thế nhưng nhiều năm nay Anh Phất tận tâm hầu hạ Triệu Cấu, hiền lành nhu thuận, không chút sai sót nào. Những năm này Triệu Cấu không thường xuyên nghỉ ở chỗ phi tần, nếu có, mười ngày thì đến tám, chín là ở cung Anh Phất. Vị phần của Anh Phất thấp nhất trong chúng phi tần, song lại được Triệu Cấu chiếu cố nhiều nhất.
Trước khi tấn phong cho Cừ, Triệu Cấu báo trước cho Anh Phất. Anh Phất sợ hãi vô cùng, quỳ xuống cầu xin Triệu Cấu thu hồi thành mệnh: "Thần thiếp không biết dạy con, Cừ quá mức nghịch ngợm, không trầm ổn như Viện, nay nếu tấn phong Quốc công sẽ ngang hàng với Viện, mẫu tử thần thiếp chẳng phải sẽ bị người đời chê cười hay sao! Xin quan gia mệnh tiên sinh dạy dỗ thêm cho Cừ, đợi qua vài năm nữa lại tấn phong cũng không muộn."
Triệu Cấu lại làm ngơ, chỉ nói: "Nàng không cần nghĩ nhiều, Cừ cũng không thua kém Viện quá nhiều." Ngày hôm sau liền chính thức hạ chỉ tấn phong Cừ.
Sau khi Triệu Cừ thụ phong liền mặc trang phục quốc công vào triều bái tạ. Phan Hiền phi trước nay vẫn luôn lạnh nhạt với người khác đột nhiên nổi hứng, kéo Cừ và Kiến Quốc công Triệu Viện đứng sóng vai bên nhau, cười với Trương Tiệp dư: "Hai huynh đệ này tướng mạo đường hoàng, chiều cao cũng xêm xêm, nay ngay tới chức quan cũng giống nhau, khiến người ta không biết nên thương đứa nào, muốn thiên vị cũng khó!"
Trương Tiệp dư cũng lấy quạt tròn che mặt cười, đáp: "Sao phải thiên vị chứ? Đều là hoàng tử của quan gia, trước nay muội luôn thương hai đứa như nhau."
Anh Phất cũng ngậm cười không ngừng gật đầu: "Trương tỷ tỷ nói phải."
Mấy ngày sau, hoa hạnh trong cấm cung nở rộ, Triệu Cấu triệu chúng cung quyến tới Phương Xuân đường thưởng hoa. Nhu Phúc đã xuất cung về phủ công chúa, nếu không có việc gì lớn cũng không hồi cung, lần này không tới. Mà Phan Hiền phi và Anh Phất đều tới từ sớm, chỉ có Trương Tiệp dư thong thả đến chậm. Cuối cùng khi xuất hiện mới không ngừng xin lỗi, giải thích nói: "Ban nãy đi ngang qua cung viện trước đây Phúc Quốc trưởng công chúa sống, vô tình trông thấy một cung nữ đang ngồi trên chiếc xích đu bên dưới gốc cây anh đào trong sân. Vốn muốn tiến vào trách mắng, song cẩn thận quan sát lại phát hiện ra dung mạo cung nữ này có chút giống với công chúa, chiếc xích đu đó cũng đung đưa rất đẹp, chìm trong mưa hoa, giống như cảnh tượng trong tranh vẽ vậy, chẳng ngờ lại khiến thiếp ngây ngẩn xem hồi lâu, cuối cùng không cách nào nhẫn tâm đi vào làm kinh động tới nàng. Chính bởi ngắm nàng nên mới quên mất thời gian, xin quan gia trách tội."
Anh Phất vừa nghe đã lập tức quay sang nhìn Triệu Cấu, mà y im lặng hồi lâu không nói, chỉ nhìn chằm chằm cây hoa trước mặt, không rõ đang nghĩ gì. Bởi thế Anh Phất liền vội vã cười đáp: "Trương tỷ tỷ nặng lời rồi. Quan gia trước nay luôn khoan hậu, sẽ không vì chút chuyện nhỏ này mà trách tội chúng ta."
Triệu Cấu lúc này cũng lên tiếng, ban ngồi cho Trương Tiệp dư, tiếp tục uống rượu thưởng hoa cùng chúng phi tử, cũng không tiếp tục chủ đề Trương Tiệp dư vừa nói.
Ngày hôm sau, không ngờ cung nữ đó lại tiếp tục ngồi trên chiếc xích đu trong sân cung Nhu Phúc, chơi đùa hồi lâu, ngẫu nhiên quay đầu, mới nhận ra có một ánh mắt đang quan sát mình. Nàng tức thì nhận ra màu sắc y phục cao quý ấy, sợ tới mức lập tức kinh hãi nhảy xuống khỏi xích đu, quỳ sụp xuống thỉnh an.
Triệu Cấu lạnh lùng rũ mắt nhìn nàng, hỏi: "Ngươi là ai?"
Cơ thể nhỏ nhắn của nàng khẽ khàng run rẩy, cúi đầu thấp giọng đáp: "Nô tỳ họ Hàn, tên Thu Tịch, là cung nữ mới tiến cung..."
Ngày Ất Tỵ tháng Ba, Triệu Cấu phong Hàn Thu Tịch làm "Hồng Hà bí".
Đây là việc lạ hiếm thấy trong cung Tống, khiến trong cung dậy lên không ít phong ba, bởi chục năm nay chưa từng thấy Triệu Cấu sắc phong bất cứ phi tần nào. Danh phận "Hồng Hà bí" hèn mọn vô cùng, không nằm trong danh sách ngũ phẩm mệnh phụ chính thức của Tống triều, thua xa mấy vị phi tần đã bầu bạn bên Triệu Cấu nhiều năm, song chí ít cũng tiết lộ một tin tức: nữ tử này đã từng thị tẩm cho Hoàng đế.
Có nhiều loại tin đồn bí mật lặng lẽ truyền đi liên quan tới việc Hoàng đế "lâm hạnh" Hàn Thu Tịch. Có người nói nhiều năm nay quan gia vẫn luôn âm thầm tìm kiếm thuốc chữa bệnh, ắt hẳn bước đầu đã có hiệu quả. Cũng có người nói nạp Hàn Thu Tịch là việc một hoàng đế trong thời buổi thái bình nên làm, cần thiết để hậu cung đông đúc, mà cách Thu Tịch hầu hạ y cũng không khác gì những phi tần khác.
"Trương muội muội, theo muội thấy, có phải quan gia... đã có dấu hiệu bình phục?" Phan Hiền phi cũng bí mật dò hỏi Trương Tiệp dư.
"Sao muội biết được?" Đối diện với chủ đề ám muội này Trương Tiệp dư lại vẫn có thể thoải mái tươi cười, "Việc này, tỷ tỷ nên hỏi Ngô muội muội mới phải!"
Mà Anh Phất dù là trước mặt hay sau lưng người khác đều chưa từng hé răng nửa lời, chỉ đối xử rất tốt với Thu Tịch mà Triệu Cấu mới nạp, hàn huyên thăm hỏi, cẩn thận quan tâm. Cho dù Triệu Cấu thường xuyên triệu Thu Tịch thị tẩm, nàng cũng không lộ chút đố kỵ nào.
Nhu Phúc không bằng lòng chủ động vào cung thỉnh an, Triệu Cấu cũng không thường triệu nàng. Ngược lại, Triệu Viện cứ cách ba bốn ngày lại tới phủ công chúa gặp cô cô, Triệu Cấu cũng thi thoảng hỏi cậu về tình hình gần đây của Nhu Phúc. Song Nhu Phúc lại không nghe ngóng chuyện của Triệu Cấu qua cậu, đôi khi Triệu Viện tự mình nhắc đến, Nhu Phúc cũng chỉ hỏi những việc liên quan tới quốc sự.
Một ngày kia, Triệu Viện trông thấy một quyển "Trinh Quán chính yếu" trong phủ công chúa, đôi mắt không nén được sáng lên, hỏi Nhu Phúc: "Cô cô cũng xem sách này?"
Nhu Phúc gật đầu, ôn hòa hỏi lại: "Con cũng đang đọc ư?"
"Vâng." Triệu Viện đáp. Năm nay cậu đã 13 tuổi, thế nhưng trưởng thành sớm, sự chín chắn vượt xa những đứa trẻ đồng trang lứa, "Năm ngoái đã đọc qua, mấy ngày hôm nay phụ hoàng lại mệnh con xem lại mấy lần, nói nay Kim chủ man di cũng đã thuộc làu cuốn sách này, tâm đắc vô cùng, hoàng tử Đại Tống chúng ta nhất định phải cẩn thận nghiên cứu."
"Tâm đắc vô cùng?" Nhu Phúc ngạc nhiên hỏi: "Phụ hoàng con sao biết Kim chủ có điều tâm đắc?"
Triệu Viện nói: "Nhiều ngày trước, phụ hoàng xem con đọc sách trong Tư Thiện đường, đột nhiên sứ giả Vương Luận phái từ Đông Kinh vội vã dâng lên mật hàm. Sứ giả đó còn thấp giọng bẩm báo tình hình chi tiết với phụ hoàng, giống như rất lo lắng. Thế nhưng phụ hoàng nghe xong không đổi sắc mặt, chỉ tùy ý dặn dò sứ giả vài câu rồi mệnh y lui xuống. Sau đó phụ hoàng đi tới trước mặt con, mở mật hàm ra cho con xem, mỉm cười nói: "Kim chủ man di đó không ngờ có thể học theo "Trinh Quán chính yếu" nhuần nhuyễn thế này, Viện, con phải dụng tâm rồi." Con bèn nhìn thử, thấy trên thư là một đoạn đối đáp giữa Kim chủ Hoàn Nhan Đản và Hàn lâm học sĩ Hàn Phưởng."
Nhu Phúc lập tức hỏi: "Bọn họ nói những gì?"
"Gần như đều là đạo dùng người, trị quốc, con cũng không hiểu hết. Có điều nếu phụ hoàng đã muốn con xem thì dĩ nhiên phải ghi nhớ." Triệu Viện ngẫm nghĩ, nói đại ý cuộc hội thoại: "Ngày Kỷ Mùi tháng Sáu, Kim chủ thong thả nói với thị thần: "Trẫm thường đọc "Trinh Quán chính yếu", thấy quân thần đối thoại trong đó, cảm thấy vi diệu vô cùng, có thể học theo dùng người trị quốc." Hàn Phưởng đáp: "Những điều đó đều là Đường Thái Tông ân cần học hỏi, Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối chân thành giải đáp, được ghi chép lại, mới thành phép trị nước Trinh Quán. Cuốn sách này mặc dù đơn giản, song có chiều sâu vô cùng." Kim chủ hỏi ông: "Thái Tông là một đấng minh quân, vậy Đường Minh Hoàng thì thế nào?" Hàn Phưởng đáp: "Nhà Đường từ sau Thái Tông, chỉ có Minh Hoàng, Hiến Tông có thể được xem là minh quân. Thế nhưng Minh Hoàng có đầu không có cuối, giai đoạn đầu vì giành được hoàng vị không dễ dàng, sử dụng những lương thần như Diêu Sùng, Tống Cảnh, hết lòng vì chính trị, bởi vậy mới có thời Khai Nguyên thịnh thế. Đáng tiếc đến những năm cuối đời lại tin dùng đám người Lý Lâm Phủ gian xảo, cuối cùng dẫn tới loạn Thiên Bảo. Giả dụ có thể cẩn trọng dùng người, có đầu có cuối, thì không khó bắt kịp những năm Trinh Quán ấy." Kim chủ nghe xong không ngớt khen hay, lại hỏi: "Vậy Chu Thành Vương thì sao?" Hàn Phưởng nói: "Chu Thành Vương cũng là một đấng minh quân thiên cổ." Kim chủ liền đáp: "Thành Vương tuy là minh quân, song cũng phải dựa vào sự phò tá của Chu Công. Hậu thế nghi ngờ Chu Công giết hại thủ túc, nhưng theo trẫm thấy, nếu vì giang sơn xã tắc, cũng không tính là sai.""
Ban đầu Nhu Phúc lặng lẽ lắng nghe, tới câu cuối cùng, mí mắt khẽ khàng run lên. Lát sau, nàng thở dài: "Đứa bé đó, năm nay cũng 20 tuổi rồi phải không..." Lại nhìn Triệu Viện, nàng hỏi: "Có phải Hoàn Nhan Đản vẫn chưa đích thân nhiếp chính?"
"Phụ hoàng nói, hiện giờ y vẫn còn là một con rối." Triệu Viện đáp: "Khi xưa Hoàn Nhan Tông Hàn một mình nắm quyền lớn, sau khi y chết, lại là hai phe Tông Bàn cùng Tông Cán đấu đá với nhau. Mà từ sau khi Trần vương Tông Tuyển vào triều, gia nhập phe Tông Bàn, Thát Lãn, việc lớn trong triều gần như đều đã bị bọn họ nắm giữ."
"Vậy thì..." Nhu Phúc có chút ngần ngừ hỏi: "Tông Bàn, Thát Lãn, và... Tông Tuyển, trong ba người này, ai có quyền thế nhất?"
"Dĩ nhiên là Tông Bàn. Tất cả mọi người đều biết, y là con trai trưởng của Kim Thái Tông, trước nay chưa bao giờ để Kim chủ vào mắt, kiêu căng phách lối nhất. Thế nhưng con nghe phụ hoàng nói với tiên sinh của con, trong ba người này, Tông Tuyển gian xảo nhất, thường xuyên lựa lời lôi kéo gạ gẫm Tông Bàn, Thát Lãn. Quyết sách của bọn họ phần nhiều cũng xuất phát từ chủ ý của Tông Tuyển..." Triệu Viện nói tới đây, đột nhiên trông thấy sắc mặt Nhu Phúc tái nhợt, lập tức ngừng chủ đề lại, quan tâm hỏi nàng: "Cô cô, người làm sao vậy? Chỗ nào không khỏe à?"
Nhu Phúc định thần lại, khẽ lắc đầu tỏ ý không sao. Nàng cúi đầu ngẫm nghĩ, đột nhiên lại nở nụ cười, ôn hòa nhìn Triệu Viện, nói: "Viện, cảm ơn con, mang tới tin tức tốt như thế này."
Lần kế tiếp Triệu Viện tới, mang theo tin tức về việc Vương Luân lại từ Đông Kinh tới nước Kim nghị sự.
Kim Hữu phó nguyên soái, Thẩm vương Tông Bật vẫn luôn phản đối nghị hòa cùng Tống, sau khi điều kiện nghị hòa Tống Kim đạt thành
muốn thuyết phục Kim chủ hủy bỏ việc nghị hòa, bí mật tâu với Hoàn Nhan Đản: "Đất Hà Nam, là Tông Bàn, Thát Lãn cùng Tông Tuyển chủ mưu cắt cho Nam triều, ắt đã có âm mưu thông địch phản quốc. Nay sứ giả Tống đã tới Biện Kinh, không thể cùng y cắt đất chia lại biên giới." Có một vị sứ giả cũ trước kia từng làm việc dưới trướng Vương Luận ở Vân Trung nay là thuộc hạ của Tông Bật, hay tin lặng lẽ tới nói cho Vương Luận biết việc này. Vương Luận lập tức phái người quay về triều bẩm báo, xin Triệu Cấu sớm có chuẩn bị, kiến nghị tăng thêm binh lực ở Trung Nguyên, phái Trương Tuấn, Hàn Thế Trung, Nhạc Phi và Ngô Giới phân chia nhau giữ đất Hà Nam, Thiểm Tây. Song Triệu Cấu không kinh ngạc, cũng không hốt hoảng, cũng không bận tâm tới kiến nghị của Vương Luận, chỉ lệnh cho Vương Luận tiếp tục tiến về phía Bắc, cùng Kim bàn bạc việc hòa nghị.
Vương Luận khởi hành vào giữa tháng Sáu. Tới tháng Bảy, Nhu Phúc không ngừng hỏi Triệu Viện: "Vương Luận có tin tức gì gửi về không?"
Triệu Viện luôn lắc đầu, cuối cùng cũng tự cảm thấy kì lạ: "Những lần trước chưa nói tới việc đi sứ, cho dù là lén lút thăm dò một số tin tức của người Kim y cũng đều phái người gửi về, chỉ có lần này là ngoại lệ, đã gần hai tháng rồi vẫn chưa chút tin tức nào."
Vì tình hình đi sứ khác thường, triều đình lại lần nữa dậy sóng ngầm. Phe chủ hòa lo lắng việc nghị hòa xảy ra biến cố, còn phe chủ chiến lại nổi hùng tâm thu lại đất cũ, gió Thu ngoài thành Lâm An khiến người ta cảm thấy tiêu điều xơ xác, xong năm nay tiết Trung Thu trong thành lại náo nhiệt lạ thường.
Đêm, phố lớn phố nhỏ thành Lâm An được thắp sáng rực rỡ. Vải vóc, bánh kẹo, hương liệu và các loại hàng hóa khác được thương nhân bày bán đầy đường, đủ mọi chủng loại, khiến người xem hoa mắt. Trong hoàng cung cũng bày thịnh yến thưởng trăng tại Ỷ Quế các, tên gọi "Diên Quế Bài Đang", vương tôn quý tộc và cung quyến đều tham dự, uống rượu thưởng trăng, xem ca múa, suốt đêm không dứt tiếng cười, vang vọng khắp chốn nhân gian.
Cảnh sắc Trung Thu đẹp nhất ở vùng Giang Nam là trên sông Tiền Đường. Sỹ nhân, thục nữ đều thích thắp một loại đèn nước làm từ da dê tên là "Nhất Điểm Hồng", thả trên mặt sông để nó trôi đi, cầu phúc với thần sông, nguyện cho thiên hạ thái bình, gia đình an lạc, đạt thành mọi ước nguyện. Nhiều người thắp đèn, mấy chục vạn ngọn đèn trôi nổi trên sông, từ xa nhìn lại, từng đốm sáng nhỏ xíu trôi nổi trên mặt nước, chảy xuôi theo dòng, rực rỡ như ngân hà.
Cung quyến cũng học theo phong tục dân gian, đua nhau thả "Nhất Điểm Hồng" trong ngự trì hoàng cung, nhờ ánh sáng le lói mang theo những ước mong, hi vọng của mình. Triệu Viện thấy đám người Trương Tiệp dư, Phan Hiền phi, Ngô Tài nhân đều thả rồi, chỉ còn Nhu Phúc vẫn ngồi yên bất động, bèn đích thân chọn một ngọn đèn đưa tới: "Cô cô, người cũng thắp đèn đi."
Nhu Phúc thoáng do dự, vì không nỡ phụ tấm lòng của cậu, cuối cùng vẫn đón lấy, đứng lên chậm rãi đi về phía bờ ao.
Đi tới mép ao rồi mới nhớ ra phải tìm mồi lửa trước, đang muốn quay lại gọi một cung nữ xách đèn lồ ng qua, lại nghe thấy bên tai có người thấp giọng nói: "Để ta."
Quay sang, bắt gặp ánh mắt sâu thẳm của Triệu Cấu. Tay trái y cầm một chiếc đèn lồ ng nhỏ, tay phải cầm một thanh sáp, đưa vào ngọn lửa đèn lồ ng lấy mồi, lại cúi đầu thong thả thắp sáng cây đèn trong tay Nhu Phúc.
"Ước nguyện bấy lâu nay của muội đã thành hiện thực rồi, ước một điều mới đi." Y dịu dàng nhìn nàng, nói.
Nàng không hiểu ý của y, cau mày ra ý dò hỏi.
Y nhẹ nhàng mỉm cười: "Hắn chết rồi."
"Huynh đã giết hắn?" Không cần hỏi "hắn" là ai, nàng buột miệng thốt ra ngay lập tức, bàn tay nâng đèn khẽ run lên, giống như hưởng ứng cùng ngọn lửa đang nhảy nhót.
Y chăm chú ngắm ngọn "Nhất Điểm Hồng" đó, một vầng sáng ấm áp tỏa ra từ lòng bàn tay nàng, thắm tươi như áng mây cuối ngày. Y chỉ cảm thấy mình rất thích ngắm nhìn thứ ánh sáng này, bởi nó đang không ngừng bập bùng chiếu soi khuôn mặt không chút tì vết của nàng.
"Là con trai của Hoàn Nhan Hi Doãn, Chiêu Vũ đại tướng quân Đạt Lặc Đạt giết hắn." Ý cười bên khóe môi y sâu hơn, "Đó là chuyện từ tháng trước. Kim Lang quân Hòa Thậm mưu phản, bị Hoàn Nhan Đản phát giác, bắt giữ, giam vào ngục Đại lý. Vì việc này có liên can tới đám người Tông Bàn, Tông Tuyển, bởi thế Hoàn Nhan Đản lấy cớ nghị sự tuyên hai người lần lượt vào yết kiến, phục binh liền bắt bọn chúng lại. Nghe nói, để diệt trừ Tông Tuyển, Hoàn Nhan Đản còn phí không ít tâm tư, khi tuyên triệu đặc biệt dặn dò nội thị lời nói thái độ vẫn phải cung kính như thường, lễ tiết không thiếu một li, khiến Tông Tuyển không sinh lòng nghi ngờ. Đợi vào đến cung, đầu tiên để y ngồi chờ ở phiên điện, bí mật thắp hương có chứa độc, đợi độc ngấm, tứ chi không còn sức lực, mới mệnh y tiến vào chính điện diện thánh. Đạt Lặc Đạt trước đó đã nấp phía sau cột trụ trong chính điện... Muội có biết Đạt Lặc Đạt không? Hắn là dũng sĩ nổi tiếng ở Kim quốc, có thể lấy một địch trăm... Đợi Tông Tuyển tiến vào, Đạt Lặc Đạt từ phía sau đâm lén, Tông Tuyển đã không còn sức phản kháng, bị giết ngay trước mặt Hoàn Nhan Đản."
Những lời này, Nhu Phúc lại giống như không hề nghe nhập tâm. Đợi Triệu Cấu nói xong, nàng nhìn thẳng vào y: "Huynh đã giết hắn."
"Giết hắn, là Kim chủ Hoàn Nhan Đản." Triệu Cấu quay đầu đi né tránh ánh mắt của nàng, lại tiếp: "Tông Tuyển cũng xem như thông minh, biết phò tá Hoàn Nhan Đản vì tiền đồ của mình. Đáng tiếc, cuối cùng vẫn thành công cốc, đắc ý quá mức, đánh giá thấp Hoàn Nhan Đản, để lộ dã tâm của mình trước mặt y quá sớm. Trong mắt hắn, Hoàn Nhan Đản có lẽ vẫn luôn chỉ là một đứa trẻ không lớn nổi, có thể cho hắn mặc sức bài bố. Ai cũng nói Tông Bàn hống hách, thế nhưng những năm này Tông Tuyển cũng không kém phần, không chịu nhường nhịn, hành xử phách lối, thậm chí còn viết sẵn chiếu thư, vừa ép buộc vừa dụ dỗ Hoàn Nhan Đản đóng dấu ngọc tỷ công bố. Còn về việc loại bỏ những kẻ chống đối mình, kết bè đảng mưu nghịch thì đã làm nhiều không kể xiết. Sau khi hắn chết, có một tội danh Hoàn Nhan Đản định cho hắn là "kết bè kéo cánh, âm mưu khống chế triều đình". Những năm gần đây sự nghi kỵ của Hoàn Nhan Đản đối với Tông Tuyển mỗi lúc một tăng, phe Tông Cán, Hi Doãn ra sức chiếm lấy sự ủng hộ của y, vẫn luôn mưu tính việc phản kích. Vì việc nghị hòa, Tông Bật cũng căm ghét Tông Tuyển, Tông Bàn, mật cáo với Hoàn Nhan Đản là hắn thông địch phản quốc..."
Nghe tới đây, Nhu Phúc không nén nổi lạnh lùng cười: "Việc này cũng không xem như vu khống. Lần trước hắn tới Lâm An, chẳng phải hai người nói chuyện rất vui vẻ hay sao?"
"Đúng là hắn có ý này, thế nhưng, ta không tin hắn." Triệu Cấu ném cây đèn lồ ng trong tay đi, thản nhiên nói: "Man di không thể tin."
Thấy Nhu Phúc không nói gì, y tiếp tục kể chuyện của Tông Tuyển: "Hoàn Nhan Đản sớm đã chú tâm tới việc bồi dưỡng thế lực chống lại phe cánh Tông Tuyển. Tháng Giêng năm nay, y thăng Tông Tuyển làm Thái bảo, lĩnh tam tỉnh sự, tấn phong làm Duyện Quốc vương, đồng thời cũng thăng Hoàn Nhan Hi Doãn làm Thượng thư tả thừa tướng kiêm thị trung. Nửa năm này, hẳn là y thường xuyên cùng đám người Tông Cán, Hi Doãn bí mật bàn mưu diệt trừ Tông Tuyển. Mà nay sự thành, y cũng không chút nương tay, định tội phản nghịch cho phe cánh Tông Tuyển, sau khi giết Tông Tuyển bèn lập tức hạ lệnh khám nhà, bắt giết mấy đứa con trai nhỏ tuổi của y, nữ quyến còn lại và con gái nhỏ tuổi toàn bộ bị đưa vào cung làm nô tỳ, ngoại trừ..."
Ngoại trừ Ninh Phúc đế cơ Triệu Xuyên Châu, vì tố cáo việc mưu nghịch có công nên được Hoàn Nhan Đản phong làm phu nhân. Triệu Cấu thoáng ngừng lại, không nói việc này ra với Nhu Phúc, sau đó không nén được lại nở nụ cười: "Nghe nói Tông Tuyển trước đây từng săn hổ cứu Hoàn Nhan Đản, lại không ngờ rằng, chính mình cũng đã cứu về một con hổ non, bởi thế mới nuôi hổ thành họa."
Nhu Phúc nghe xong, lặng lẽ ngước mắt nhìn y một cái, rầu rầu hỏi: "Cửu ca, miếng ngọc bội đó đâu rồi?"
Triệu Cấu thoáng ngây ra, lạnh mặt không đáp lời nàng.
"Huynh giết hắn như vậy..." Nhu Phúc lặp lại, lần này ngữ khí bình thản như không mang theo bất kì cảm xúc gì, không nghe ra buồn vui.
"Phải, là ta đã giết hắn." Triệu Cấu đột nhiên quay sang đối diện với nàng, thản nhiên nhìn vào mắt nàng, "Đây không phải điều mà muội vẫn hằng trông đợi sao?"
Nhu Phúc ngẩn ra, sau đó lại khẽ cười với y: "Phải rồi, huynh đã giết hắn, thật tốt." Nàng cúi người khom gối đặt chiếc đèn xuống đất, nhất thời cầm không vững, đèn khẽ nghiêng, khiến ánh nến tắt lụi. Nàng cũng không bận tâm, đứng dậy chỉnh trang y phục, lại trịnh trọng bái tạ Triệu Cấu: "Đa tạ quan gia."
Triệu Cấu cảm thấy hành động của nàng kì dị, cũng không đáp lại theo phép tắc thông thường, khi nàng lần nữa cầm chiếc đèn lên chỉ nói: "Để ta thắp lại cho muội."
Mà nàng lắc lắc đầu, lặng lẽ quay người, men theo bờ hồ đi tới nơi cách y mấy chục bước, lại đặt chiếc đèn không thắp nến này xuống mặt nước, nhẹ nhàng hắt nước, để nó trôi đi, sau đó đứng thẳng người, thẫn thờ nhìn nó hòa tan vào thiên hà "Nhất Điểm Hồng".
Dựa vào dàn hoa, hương quế thơm ngào ngạt, đàn sáo vẫn hòa tấu du dương như thế. Trên mặt nước ngàn vạn chiếc đèn trôi nổi, ánh sáng lặng im tụ lại nơi đáy mắt nàng. Nàng một mình đứng bên rìa thế giới phồn hoa. Vầng trăng nơi chân trời tròn vẹn mỹ mãn, lại bỏ mặc nàng đơn độc giữa chốn nhân gian.