Nhu Phúc Đế Cơ

Đá cầu


trước sau

Sau khi cầu trên không bị phá hủy, Triệu Khải cũng mất đi đặc quyền được ra vào đại nội bất kể ngày đêm. Không chỉ như vậy, Triệu Hoàn cũng hạn chế số lần và thời gian vào Long Đức cung thỉnh an Phụ hoàng của y. Cơ hội gặp mặt giữa y và Nhu Phúc, Anh Phất cũng càng ngày càng ít.


Đầu Xuân Tĩnh Khang năm đầu tiên, thời tiết thay đổi thất thường, Nhu Phúc không cẩn thận bị nhiễm phong hàn. Triệu Cát rất quan tâm, lệnh cho Anh Phất hàng ngày vào cung Long Đức bẩm báo tình hình bệnh tật của Nhu Phúc với Thái thượng hoàng. Buổi chiều một ngày kia, Triệu Cát đang hỏi thăm tình hình ốm bệnh của Nhu Phúc, lại nhìn thấy mẫu thân của Triệu Cấu Vi Uyển dung còn chưa sai người thông báo đã xông vào.


Bà quỳ sụp xuống dưới chân Triệu Cát, khóc không thành tiếng nói: "Thượng hoàng, quan gia mệnh Cấu Nhi đi sứ Kim làm con tin, thế nhưng Cấu Nhi tuổi tác còn nhỏ, sao có thể gánh vác được trọng trách này? Thần thiếp chỉ có một đứa con trai là nó, không cầu mong nó hơn người xuất chúng, chỉ hi vọng có thể một đời bình an. Cầu xin Thượng hoàng xin quan gia thu hồi thành mệnh, đừng để Cấu Nhi mạo hiểm tính mạng đi tới trại Kim."


Anh Phất đã nghe nói việc Hoàng thượng phái thân vương đi sứ trại Kim, thế nhưng lúc này mới biết người bị chọn trúng chẳng ngờ lại là Khang vương Triệu Cấu. Giữa lúc kinh ngạc, lại nhìn thấy thần sắc bi thương của Vi Uyển dung, dường như cũng bị cảm xúc ấy lây lan, cũng cảm thấy thoáng chua xót.


Triệu Cát chỉ an ủi mà không đáp ứng thỉnh cầu của bà, bởi thế Vi Uyển dung gần như điên cuồng dập đầu với ông, nước mắt chảy ròng ròng, lòng tự tôn cùng trang sức cài đầu rơi dưới nền đất, không còn giữ được dáng vẻ mà một quý phụ nên có nữa.


Anh Phất thấy Triệu Cát sau cùng quay đầu đi nhắm mắt lại không nói gì nữa, ánh mắt cuối cùng nhìn Vi Uyển dung còn ẩn chứa một chút chán ghét, đột nhiên cảm thấy lạnh lẽo, bất tri bất giác bèn lùi về phía sau một bước.


Sau đó, nàng trông thấy Triệu Cấu tiến vào.


Triệu Cấu vội vã sải bước, lạnh nhạt đảo mắt một vòng quanh điện, bèn hiểu ngay những gì đã diễn ra.


Y vẫn quật cường mím môi, ngũ quan tuấn lãng còn lưu lại vẻ lạnh lùng kiêu hãnh như sương mù quanh năm chẳng tan nơi núi Cấn Nhạc. Y lặng lẽ bước tới bên cạnh mẫu thân, chậm rãi đỡ bà dậy, khoảnh khắc tầm mắt rơi trên người mẫu thân ánh mắt cuối cùng cũng dâng lên chút hơi ấm. Y nói với bà: "Mẫu thân, là con tự mình xin lên đường, không liên quan tới Phụ hoàng, chúng ta đừng làm phiền Phụ hoàng nữa, quay về thôi."


Vi Uyển dung rơi nước mắt không muốn rời đi. Triệu Cấu im lặng đỡ bà, không nói một lời, cũng không mảy may có ý muốn quay người thỉnh an Phụ hoàng. Điều này khiến Triệu Cát lại cảm thấy tội lỗi, áy náy cười nói Triệu Cấu chuyến này đi có công, Vi Uyển dung khéo dạy con, ngày mai sẽ tấn phong làm Long Đức cung Hiền phi.


Vi Uyển dung không muốn nhận phong hiệu, vẫn tiếp tục thỉnh cầu Triệu Cát nói Triệu Hoàn thu hồi thành mệnh. Thế nhưng Triệu Cấu lập tức quỳ xuống thay mẫu thân tạ ơn, thay mẫu thân nhận vinh dự mà Phụ hoàng ban cho.


Khoảnh khắc y đứng lên, Anh Phất lần nữa bắt gặp một tia sáng nào đó lóe lên trong đáy mắt y, cảm giác như đã từng gặp gỡ. Hồi lâu mới dần dần nhớ lại, cảnh tượng giống như sau khi chỉ huy đội thuyền rồng ở Kim Minh trì, y được Phụ hoàng hạ lệnh ban thưởng.


Sau đó Triệu Cấu dìu mẫu thân hồi cung. Sau khi bọn họ bước ra khỏi điện, Anh Phất mới bất ngờ phát hiện bông hoa cài đầu của Vi Uyển dung ban nãy vẫn còn bỏ quên trên nền đất, bởi thế bèn vội vã nhặt lên, đuổi theo tới bên ngoài, chạy tới trước mặt hai mẫu tử y, cúi đầu hai tay nâng bông hoa lên, nhẹ nhàng nói: "Trang sức của người, Hiền phi nương nương."


Nghe thấy cách xưng hô "Hiền phi nương nương", Vi Uyển dung không có phản ứng gì lớn, Triệu Cấu đứng bên khóe môi lại khẽ cong lên, thế nhưng cuối cùng vẫn không biến thành một nụ cười. Y trấn định gật đầu, nói: "Cảm ơn cô nương." Sau đó thay mẫu thân nhận lấy hoa cài đầu trong tay nàng, rồi lại tiếp tục dìu mẫu thân rời đi.


Vận vương và y, tuy là huynh đệ song lại hoàn toàn khác nhau, Anh Phất nghĩ. Một người như ánh mặt trời mùa Xuân, vô tư chiếu phủ mặt đất. Một người lại giống như cơn gió mùa Thu, lúc nào cũng lành lạnh lướt qua, thế nhưng luôn biết cái đích cuối cùng mà mình tìm kiếm ở đâu.


Sau khi Triệu Cấu sang trại Kim, không rõ vì sao, Anh Phất luôn thường xuyên nghĩ tới y, mỗi ngày đều âm thầm cầu nguyện cho y, cầu xin trời cao bảo vệ y bình an quay về. Vì thế khi y quay trở về kinh thành, Anh Phất như trút được gánh nặng, trái tim tràn ngập sự nhẹ nhõm và vui vẻ.


Những quan viên cùng Triệu Cấu hồi kinh đem những việc làm dũng cảm của y ở trại Kim lần lượt kể ra, tin tức truyền khắp cấm cung, bởi thế chẳng bao lâu sau y đã trở thành vị hoàng tử thứ hai sau Vận vương Khải được tất cả các cung nữ sôi nổi bàn tán. Các cung nữ bên cạnh Nhu Phúc cũng không ngoại lệ, thường xuyên tụ lại một chỗ miêu tả phong thái của Khang vương, kể về những sự tích khi đi sứ của y. Anh Phất hiếm khi góp lời, thế nhưng nàng cũng rất thích lắng nghe, hơn nữa còn mỉm cười. Nàng cảm thấy mình quen biết y sớm hơn bọn họ, không chỉ về con người, mà còn cả những thứ che giấu trong nội tâm mà nhìn bề ngoài không thể nào nắm bắt được.


Lần tới gặp lại y, là một buổi chiều mùa Xuân năm Tĩnh Khang thứ nhất, dưới gốc cây hoa đào trong Cấn Nhạc.


Thái thượng hoàng hậu trước nay vẫn luôn quản giáo Nhu Phúc rất nghiêm, không cho phép nàng tự tiện ra khỏi tẩm cung, sau khi Triệu Hoàn kế vị lại càng quản chặt hơn, năm lần bảy lượt không cho nàng chạy tới Cấn Nhạc chơi. Thế nhưng tính tình vị đế cơ này hoạt bát, lại có chút phản nghịch, những chuyện càng cấm nàng lại càng muốn làm, nghĩ đủ mọi cách chạy ra bên ngoài. Có một hôm lén lút dẫn theo Hỉ Nhi đi, còn chưa tới được Cấn Nhạc đã bị Thái thượng hoàng hậu phát hiện. Trong lúc tức giận, Thái thượng hoàng hậu phạt Hỉ Nhi 10 trượng, đánh tới mức Hỉ Nhi nửa tháng vẫn chưa xuống được giường. Sau chuyện này, Nhu Phúc dường như ngoan ngoãn hơn được mấy ngày, có điều cũng chỉ mấy ngày mà thôi. Sau đó, nàng lại thỏ thẻ nói với Anh Phất: "Ta biết lần trước vì sao lại bị phát hiện rồi: là bởi ta vẫn mặc y phục của đế cơ. Lần này ta đã mượn y phục của Hỉ Nhi tới, ta thay rồi cúi đầu bước đi sẽ không có ai nhìn ra. Lát nữa ta thay xong cô cùng ta tới Cấn Nhạc chơi đá cầu nhé."


Anh Phất lắc đầu đáp: "Đế cơ đã hứa với Thái thượng hoàng hậu là không chạy ra ngoài chơi nữa rồi. Hơn nữa đá cầu ở đâu chẳng được, sao nhất định phải chạy tới Cấn Nhạc."


Nhu Phúc kéo tay Anh Phất nói: "Trong Cấn Nhạc hoa đào nở rộ quanh năm, ta muốn đi nhìn... Chúng ta đi một lát thôi, quay về rất nhanh, sẽ không có ai phát hiện ra đâu..."


Anh Phất không cự lại được nàng, cuối cùng chỉ đành miễn cưỡng đồng ý, đợi nàng thay xong y phục của

Hỉ Nhi bèn cùng nàng lẻn ra ngoài qua cửa nhỏ, chạy thẳng tới Cấn Nhạc.


Bọn họ đá cầu bên dưới một gốc anh đào bên Phượng trì, cho tới khi quả cầu mà Nhu Phúc đá thu hút một người mà nàng không thể ngờ tới.


Y mặc cẩm bào tay hẹp, xỏ ủng Phi La. Ngồi trên một thớt ngựa trắng, vừa vung tay đã bắt được quả cầu đang bay tới, sau đó quay đầu trông thấy bọn họ, chẳng ngờ lại nở nụ cười.


Trong một khoảnh khắc, nàng có thể cảm nhận được tim đập nhanh tới dị thường.


Y xuống ngựa, trả cầu lại cho Nhu Phúc. Lúc này Anh Phất mới bừng tỉnh, hành lễ với y: "Khang vương điện hạ."


Nhu Phúc cười rộ gọi y "Cửu điện hạ". Anh Phất cảm thấy kỳ quái, sao nàng lại không gọi y là "Cửu ca"?


Sau đó Nhu Phúc rủ y cùng bọn họ đá cầu. Anh Phất nghĩ, một người lạnh lùng cẩn trọng như y, sao có thể chơi loại trò con gái này. Yêu cầu này không khiến y cảm thấy vô lí sao?


Mà Triệu Cấu chẳng ngờ lại đồng ý ngay lập tức. Tâm trạng y dường như rất tốt. Cũng phải, nay y tiền đồ rộng mở, đang chí khí bừng bừng, có tâm trạng tốt cũng hợp tình hợp lí.


Y đá cầu một cách rất thích thú, mặc cho quả cầu bay lượn tới lui, khuôn mặt vẫn luôn mang ý cười.


Một nụ cười vui vẻ, không chút bóng đen.


Nhiều năm về sau hồi tưởng lại, Anh Phất mới ý thức được, nụ cười khởi phát từ niềm vui thuần khiết như vậy trong cuộc đời y không thường thấy. Bởi thế, cảnh tượng ngày hôm ấy đã trở thành một trong những kí ức mà nàng trân quý nhất.


Ngày hôm ấy, ba người bọn họ, vui vẻ biết bao.


Sau đó Nhu Phúc ngày ngày quấn lấy nàng đòi đi cùng mình tới Cấn Nhạc, thế nhưng mấy ngày này Thái thượng hoàng hậu thường xuyên mệnh người tới gọi Anh Phất đi báo cáo tình hình gần đây của đế cơ, bởi thế Anh Phất không dám mạo hiểm cùng Nhu Phúc ra ngoài nữa.


Tiếp đó, một ngày kia, chẳng ngờ Nhu Phúc lại một mình chạy ra ngoài. Khi những người trong cung phát hiện ra thì vừa sợ vừa lo, một mặt cẩn thận giữ kín tin tức không để Thái thượng hoàng hậu biết được, một mặt chia nhau ra đi khắp nơi tìm.


Anh Phất chạy thẳng tới gốc cây anh đào ở Cấn Nhạc tìm Nhu Phúc, nàng biết Nhu Phúc nhất định sẽ có ở đó. Thế nhưng, từ chỗ chơi đá cầu ngày hôm ấy tới chỗ xích đu đều không thấy người, tìm rất lâu cũng không có thu hoạch gì. Anh Phất sức cùng lực kiệt, nước mắt cũng lã chã rơi xuống.


Hồi cung rất lâu mới thấy Nhu Phúc nhảy nhót quay về. Đối mặt với những câu hỏi đeo riết của mọi người trong cung, nàng chỉ lầu bầu tuyên bố: "Ta mệt rồi, muốn nghỉ ngơi một lát, không ai được phép tới làm phiền ta!"


Anh Phất không hỏi gì nữa, chỉ lặng lẽ hầu hạ Nhu Phúc thay quần áo, bưng nước lên cho nàng rửa ráy. Khi nàng tháo giày, Anh Phất phát hiện ra chiếc chuông nhỏ khâu phía sau gót giày không còn nữa, hơn nữa biến mất trên cả hai chiếc giày, bèn ngẩng đầu hỏi: "Đế cơ, chuông bạc trên giày của người sao lại rơi mất rồi?"


Nhu Phúc tinh nghịch chớp chớp mắt, nghĩ ngợi rồi mới cười đáp: "Bị một con cún cắn đi mất rồi."


Cún? Là chỉ ai? Vấn đề này khiến Anh Phất suy nghĩ rất lâu. Nếu như nàng hỏi tiếp có lẽ sẽ biết được đáp án, thế nhưng đây không phải thói quen của nàng, bởi thế cuối cùng nàng vẫn quyết định im lặng.


Tháng Mười năm Tĩnh Khang thứ nhất, khi Nhu Phúc biết được tin tức Triệu Cấu lại sắp sửa phải đi sứ trại Kim nghị hòa, liền xin phép Phụ hoàng được đẩy kê lễ lên sớm hơn, đồng thời chỉ định rõ muốn Triệu Cấu tham gia. Đối với việc Triệu Cấu lần nữa đi sứ, Anh Phất không hề cảm thấy bất ngờ. Nàng biết nếu Hoàng thượng cầu xin, y nhất định sẽ đồng ý, nếu không sẽ không phải là Khang vương mà nàng biết nữa. Nàng âm thầm tự hào về y, mặc dù nghĩ tới việc y phải đi xa và những nguy hiểm y sắp sửa đối mặt, nàng cũng cảm thấy âu sầu. Về phần thỉnh cầu của Nhu Phúc, nàng nghĩ, dẫu sao cũng là huynh muội, mặc dù số lần gặp mặt vô cùng ít, song vẫn có duyên phận, bởi thế đế cơ hi vọng mượn kê lễ chúc Khang vương lần này lên đường bình an.


Ngày kê lễ hôm ấy, Triệu Cấu quả nhiên theo Triệu Khải cùng tới. Nhiều tháng không gặp, y lại càng thêm anh tuấn, vẻ non nớt trên chiếc xích đu ngày hôm ấy đã biến mất không còn dấu vết, dù đứng bên mỹ nam nổi tiếng là Triệu Khải cũng không hề kém cạnh. Ngược lại, lúc này thần thái của Triệu Khải không bì được với y, trông có vẻ chán nản.


Thế nhưng dường như y đang rất không vui. Nét mặt luôn nghiêm nghị lại ẩn chứa chút ý vị sầu muộn.


Ánh mắt y không ngừng đuổi theo bóng dáng Nhu Phúc, thi thoảng lại né đi.


Anh Phất vẫn luôn lặng lẽ quan sát y. Giữa lúc đi lại hầu hạ, nàng cũng từng lướt qua trước mắt y.


Thế nhưng, y không nhìn thấy nàng. 


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện