(* Bó chân là một hủ tục rất đáng sợ và tàn nhẫn kéo dài cả nghìn năm trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Ban đầu tục này chỉ thịnh hành trong giới quý tộc và thượng lưu, nhưng về sau thì dần dần lan ra toàn xã hội. Người xưa quan niệm đôi chân nhỏ không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp mà còn cho đức hạnh của người phụ nữ, bởi thế các bé gái khi tới khoảng 5 tuổi đều phải tiến hành bó chân. Xương bàn chân của bé gái sẽ bị bẻ gãy và quấn lại bằng băng lụa trắng. Qua thời gian, dải băng sẽ được siết chặt khiến quá trình càng ngày càng trở nên đau đớn, khiến đôi bàn chân bị biến dạng và không thể phát triển. Người phụ nữ có đôi bàn chân bó sẽ mãi mãi không thể đi lại như bình thường, càng không thể làm các công việc nặng nhọc. Đây là một hủ tục rất nổi tiếng, mình chỉ giới thiệu sơ lược. Bạn nào tò mò có thể tự tìm hiểu thêm nha, trên mạng có rất nhiều tư liệu.)
Bên trong hoàng cung Lâm An, sau vài câu hàn huyên theo lễ tiết, Nhu Phúc theo Triệu Cấu bước vào điện.
Dáng đi của nàng từ bé đã rất đẹp, nhất là lúc khoan thai bước đi như hiện giờ. Triệu Cấu chăm chú quan sát từng cử chỉ hành động của nàng, bóng hình một thiếu nữ 15 tuổi dần dần hiện về trong kí ức. Váy dài thướt tha, tay áo bồng bềnh, đầu đội mũ Cửu Huy Tứ Phượng, miệng mỉm cười bước đi với dáng vẻ thục nữ theo yêu cầu của Phụ hoàng, đẹp như thể có hoa sen nở rộ dưới gót chân.
Đó đã là lúc nào rồi? Hẳn là khi nàng tiến hành kê lễ*. Y bất giác thở dài vì dáng vẻ xưa cũ của nàng.
(* Kê lễ: Hay lễ cài trâm, là buổi lễ đánh dấu sự trưởng thành của con gái thời xưa, thường được tổ chức khi cô gái tròn 15 tuổi.)
Thế nhưng, khi Nhu Phúc bước qua ngưỡng cửa tiến vào trong điện, y chú ý tới đôi chân lộ ra bên ngoài tà váy lụa của nàng.
Đây không phải gót sen bé nhỏ trong ấn tượng của y.
Y lập tức nhớ tới một chuyện. Trước khi Nhu Phúc trở về, y từng lệnh cho nội thị Phùng Ích và tông phụ Ngô Tâm Nhi trước kia có quen biết Nhu Phúc tới Việt Châu xem xét, xem cô gái mà Trân Thái phát hiện ra có đúng là Nhu Phúc Đế cơ không. Hai người quay về nói: "Mắt mày giống y đúc, chỉ có điều hơi gầy yếu. Hỏi tới những chuyện cũ trong cung Biện Kinh cũng trả lời không sai một li. Thế nhưng đôi chân to hơn trước đây rất nhiều."
Đích thực là to hơn rất nhiều.
Trước khi ban ngồi, y vẫn đang không ngừng suy nghĩ về chuyện này, ánh mắt không kìm được nghi hoặc dừng lại rất lâu bên gấu váy lụa của nàng.
Nhu Phúc vừa nhìn đã hiểu, nhàn nhạt hỏi: "Cửu ca cảm thấy đôi chân của muội to hơn rất nhiều so với trước kia ư?"
Nghe thấy nàng hỏi thẳng như vậy, Triệu Cấu không tránh khỏi cảm thấy có chút bối rối: "Hẳn là muội muội đã bị ép phải đi đường rất nhiều, chịu rất nhiều khổ."
Nhu Phúc ảo não mỉm cười, đáp: "Cửu ca có biết mấy đế cơ, phi tần vốn dĩ xỏ hài cong, đi tất nhỏ như bọn muội bị áp giải tới Thượng Kinh thế nào chăng? Các nô lệ người Kim hò hét lùa bọn muội đi, giống như lùa trâu ngựa vậy. Tới Thượng Kinh thì đã chẳng còn là lá ngọc cành vàng nữa, phải làm việc nặng nhọc từ sáng sớm tới tối khuya hệt như một nô tỳ bình thường, cũng không có ai hầu hạ bọn muội bó chân nữa. Mà nay thừa cơ chạy trốn, đi đường bộ mà trở về, hành trình cả vạn dặm, há có thể giữ được đôi chân giống khi xưa?"
Nàng nhắc tới những chuyện thảm thương này mà mặt không đổi sắc, đôi mắt trong suốt không ánh lệ, thần sắc quật cường tới xa lạ.
Đó là nàng sao? Thiếu nữ ba năm trước trong lễ cài trâm và người con gái nhợt nhạt trước mắt. Giữa hốt hoảng hai hình bóng xinh đẹp lặng lẽ hòa làm một rồi lại tách nhau ra, khiến Triệu Cấu đột nhiên cảm thấy bi thương.
Y dùng nụ cười để che giấu đi cảm xúc, muốn gợi cho nàng nhớ lại những kỉ niệm đẹp trước kia: "Viện Viện, muội có còn nhớ lần đầu tiên gặp cửu ca không? Có liên quan tới việc muội bó chân."
Nghe thấy vậy, nàng ngước mắt lên nhìn y, một tia sáng kì dị lướt qua nơi khóe mắt: "Nếu không phải cửu ca nhắc nhở, muội cũng quên mất rằng việc bó chân của muội có liên quan tới cửu ca."
Lần đầu tiên Triệu Cấu gặp Nhu Phúc, nàng đã 5 tuổi rồi.
Năm Chính Hòa thứ bảy, sinh mẫu của Nhu Phúc - Vương Quý phi, qua đời. Có lẽ bởi những lần sinh nở liên tiếp trong quá khứ đã khiến sức khỏe của bà tổn hại, sớm xuôi tay vĩnh biệt nhân thế. Trước khi chết, bà gửi gắm mấy đứa con còn thơ dại cho Trịnh Hoàng hậu chăm sóc, trong số đó bao gồm cả Nhu Phúc.
Triệu Cấu 10 tuổi cũng đã ghi nhớ việc này. Kể từ khi Nhu Phúc chào đời, y vẫn luôn ghi nhớ mọi chuyện nghe được về nàng, cũng không biết vì sao. Trước năm 10 tuổi, tới dáng vẻ của nàng trông thế nào, y thậm chí còn không rõ.
Một ngày nào đó mùa Thu năm Chính Hòa thứ bảy, trong buổi tối tiệc sinh thần "tiết Thiên Thu" của Trịnh hoàng hậu, y đã gặp được Nhu Phúc.
Nghi thức chúc mừng sinh thần của Hoàng hậu rất hoành tráng long trọng. Ban ngày, Hoàng hậu ở trong Khôn Ninh điện nhận triều bái của các vị phi tần, đế cơ và mệnh phụ phu nhân. Sau hoàng hôn lại tổ chức ca vũ và yến tiệc khoản đãi nữ quyến hoàng gia và mệnh phụ tại Diên Phúc cung mà Triệu Cát mới hạ lệnh tu sửa. Giáo Phòng Tư tấu khúc nhạc rộn rã như bách điểu hát ca, mọi người bắt đầu vào tiệc, theo trật tự lớn nhỏ mà kính rượu chúc thọ Hoàng hậu. Giữa mỗi tuần rượu đều có ca nữ biểu diễn trợ hứng, tỉ như hát ca, hiến vũ, độc tấu nhạc cụ, kịch tạp kĩ,... Số lượng các tiết mục và nghi lễ rất nhiều, phải kéo dài tới nửa đêm mới kết thúc.
Triệu Cấu ban đầu chỉ lặng lẽ quan sát khung cảnh chúc thọ hoa lệ và khuôn mặt tươi cười của hoàng hậu trước sự cung kính nịnh hót của mọi người, chầm chậm nhớ lại hình ảnh mẫu thân khổ sở chờ đợi Phụ hoàng trong lần sinh thần năm ấy. Sinh thần của Hoàng hậu là tiết Thiên Thu mà mọi người đều chúc tụng, mà sinh thần của mẫu thân vì sao lại trôi qua thảm đạm đến vậy?
Y hạ quyết tâm, nhất định sẽ có một ngày, y cũng biến sinh thần của mẫu thân thành một dịp lễ, để bà có thể nhận được sự chúc mừng của toàn thiên hạ trong ngày này.
Tạp kịch bắt đầu. Y dẫu sao vẫn còn là một đứa trẻ, không thích nghe mấy câu hát i i a a không rõ ý nghĩa, bèn vơ bừa mấy món bánh trên mặt bàn rồi lén lút chuồn ra ngoài từ phía sau mẫu thân.
Cung Diên Phúc rất to, mỗi mé Đông Tây có mười lăm các, cành quỳnh cây ngọc, lầu son gác tía, khiến người ta như lạc vào cõi tiên cảnh. Lúc này đèn đuốc soi rọi từng ngóc ngách, sáng rõ như ban ngày, thế nhưng ra khỏi Yến Xuân các bày tiệc, phía bên ngoài lại rất yên tĩnh, hẳn là bởi hầu hết mọi người đều đang tụ tập trong các rồi.
Một con dế bất ngờ kêu lên, bay sượt qua tầm mắt Triệu Cấu đang buồn chán. Y nhất thời nổi hứng, nhét mấy miếng bánh trong tay vào lồng ngực rồi chạy đuổi theo. Con dế đó vô cùng ranh mãnh, dẫn y vào bãi cỏ, vồ trái vồ phải, bất tri bất giác đã xuyên qua mấy cửa khuyết trong vườn.
Tới lúc tóm được con dế thả vào bên trong chiếc lồng nhỏ đem theo bên người, y đột nhiên nghe thấy một tiếng nức nở phá tan tiếng chiêng trống rộn ràng thấp thoáng phía xa, truyền vào tai y vô cùng rõ ràng.
Một tiếng khóc rất nhỏ, có vẻ rất không hòa nhập với bầu không khí tưng bừng hôm nay. Bởi thế y cảm thấy vô cùng tò mò, lần theo hướng âm thanh mà dấn bước.
Lại qua hai cánh cửa nặng nề nữa, y đi tới phía trước một gian phòng, ngoài cửa có đề hai chữ "Giáng Ngạc". Bên trong có ánh nến, y nghe ra tiếng khóc kia là do một bé gái phát ra.
Cửa không khóa, y tiến vào, xuyên qua gian phòng khách, tiến vào phòng ngủ bên trong. Sau đó y trông thấy cô bé đang sụt sùi khóc kia.
Một cô bé chừng 4, 5 tuổi, mặc đồ ngủ bằng lụa màu trắng, mái tóc dài quá vai, ngồi trên giường khóc thút thít, thấy y bước vào thì lập tức cảnh giác giương mắt lên nhìn, thoáng chút kinh hãi.
"Ngươi là ai? Cũng là cung nữ sao?" y hỏi.
Nàng thoáng do dự, đoán chừng là không muốn để ý tới y, song cuối cùng vẫn lắc lắc đầu, xem như trả lời.
Thấy nàng phủ nhận, lại chú ý tới bài trí tinh xảo trong gian phòng, y lập tức ý thức được thân phận của nàng: "Muội là con gái của Phụ hoàng phải không? Là vị đế cơ nào?"
"Muội... là Nhu Phúc..." Nàng ngập ngừng đáp.
Y có chút bất ngờ. Hoàn toàn không ngờ người thấy được lúc này chính là Nhu Phúc trong truyền thuyết.
"Sao muội lại khóc?" Sau một khoảng trầm mặc, y hỏi nàng.
Nhu Phúc cúi đầu, dụi dụi đôi mắt phiếm hồng: "Muội tỉnh dậy, nơi đây chẳng có ai cả..."
Hóa ra là nàng sợ. Ngày hôm ấy Phụ hoàng rời bỏ mẫu thân chính là vì tới chăm sóc đứa bé này và mẹ của nó. Nhớ tới điều này, y thoáng chút không vui, thế nhưng xoay đầu liếc nhìn Nhu Phúc trước mắt, tất thảy những bất mãn kia bất chợt tiêu tan hết. Hóa ra nàng lại là một cô bé nhỏ xinh thế này, nước da trắng trẻo, ngũ quan tinh tế, mong manh dễ vỡ, giống hệt như một búp bê sứ biết khóc.
Quả thực là nàng cần có người chăm sóc. Bởi thế trong khoảnh khắc ấy y đã tha thứ cho sự thờ ơ đối với mẫu thân của Phụ hoàng.
Y đi tới bên giường nàng, nói: "Những cung nữ hầu hạ muội thấy muội ngủ nên chắc đều chạy đi phụ việc cho thọ yến của Hoàng hậu nương nương rồi. Nhưng không sao hết, ta là cửu ca, ta có thể nói chuyện với muội."
"Huynh cũng là ca ca của ta?" Nàng mừng rỡ cười: "Từ khi Hoàng hậu nương nương đón muội tới đây, các ca ca của muội đều không thể thường xuyên tới thăm muội nữa..."
Triệu Cấu gật đầu nói: "Vậy có phải muội thấy rất buồn chán không? Nào, xuống giường, ta dẫn muội ra ngoài chơi."
Nhu Phúc vui vẻ đồng ý, lật chăn ra bước xuống giường, nào ngờ chân vừa chạm đất đã nhăn mày đau đớn kêu thành tiếng.
Triệu Cấu hỏi nàng bị làm sao, nàng chỉ chỉ nói: "Chân
Triệu Cấu cúi đầu nhìn, phát hiện ra đôi bàn chân của nàng đã bị lụa trắng tầng tầng quấn lại, hơn nữa còn được khâu lại bằng chỉ.
Y hiểu ra: "Muội đang bó chân sao?" Khi ấy các nữ tử quý tộc trong cung đình đã có thói quen bó chân, Triệu Cát cũng thích những cô gái có đôi bàn chân nhỏ, bởi thế bèn đặt ra quy định mỗi vị đế cơ đầu phải bó.
Nhu Phúc gật gật đầu, thần sắc ủ dột, nước mắt long lanh trực trào.
"Đau lắm à?" Triệu Cấu mặc dù biết việc bó chân, nhưng không hiểu rõ lắm quá trình và cảm nhận của nữ tử đối với việc này, cũng chưa từng được nghe ai nói, bởi thế cảm thấy rất hiếu kỳ.
Nhu Phúc lại trèo về giường, nói: "Vừa đau vừa nóng, đau tới mức không ngủ được. Vừa nãy là muội bị tỉnh dậy bởi đau. Không đi lại nổi nữa, muội không thể đi chơi cùng cửu ca được rồi."
"Nếu đã đau, thì tháo vải ra đi!" Triệu Cấu vừa nói vừa tìm con dao nhỏ mang theo bên người: "Ta giúp muội tháo."
Nhu Phúc chần chừ nói: "Là Hoàng hậu nương nương muốn muội bó..."
"Thế nhưng nếu khiến muội thấy đau thế này thì nên tháo ra đi thôi." Triệu Cấu dứt lời liền bắt đầu gỡ vải trắng quấn trên chân nàng.
Nhu Phúc có chút sợ hãi, thế nhưng dẫu sao được vứt bỏ được sự bó buộc này vẫn là một chuyện rất sung sướng, bởi thế nàng cũng không lên tiếng nữa, để mặc cho y giúp mình gỡ vải trắng.
Triệu Cấu mất không ít thời gian mới tháo được hết vải trắng tầng tầng lớp lớp quấn quanh. Cuối cùng, y nhìn thấy một đôi chân sưng đỏ.
Làn da nơi cẳng chân nàng mịn màng non nớt, thế nhưng đôi chân lại bị bó tới mức đỏ ửng sưng phồng lên, trừ ngón cái ra thì bốn ngón kia đều bị ép chặt xuống, lúc này đã dính sát vào gan bàn chân. Tháo vải ra rồi, Nhu Phúc hình như hơi ngứa, vươn tay ra gãi chân phải, mu bàn chân ngay lập tức bị cào rách, máu đỏ mơ hồ lộ ra.
Triệu Cấu vội vã đẩy tay nàng ra: "Đừng sờ, bây giờ lớp da này rất mỏng, còn sờ nữa là sẽ máu thịt lẫn lộn đấy."
Nhu Phúc lại không nén được rớt nước mắt: "Muội đã từng nhin thấy Thuận Đức tỷ tỷ bó chân, tới cuối cùng, lần nào cũng chảy rất nhiều máu, vải và da thịt dính hết lại với nhau."
Triệu Cấu đồng cảm nhìn nàng hỏi: "Muội đã bó được bao lâu rồi? Còn phải bó thành thế nào nữa?"
Nhu Phúc đáp: "Muội mới bó được hơn hai tháng thôi. Hình như tới cuối cùng phải bó cho mấy ngón chân cụp vào tới tận đây mới xong." Nàng trỏ vào lòng bàn chân.
Lòng bàn chân? Bó cho ngón chân vào tới lòng bàn chân? Triệu Cấu kinh ngạc: "Vậy lúc đi lại chẳng phải sẽ giẫm lên ngón chân sao?"
Nhu Phúc gật đầu: "Ba tỷ tỷ của muội đều bó như thế cả. Giờ muội mới chỉ bó cho ra dáng bàn chân nhọn thôi, qua một thời gian nữa sẽ bị người ta dùng lực bẻ cho bàn chân cong lên."
Triệu Cấu như cũng cảm nhận được sự đau đớn khủng khiếp ấy, an ủi vị muội muội đang nước mắt lưng tròng: "Ta sẽ đi khuyên Phụ hoàng và Hoàng hậu nương nương không bắt muội phải bó chân nữa."
"Thật sao?" Nhu Phúc mừng rỡ hỏi.
Triệu Cấu đáp phải, nàng liền khe khẽ cong môi cười. Trông thấy nụ cười của nàng, y cũng cảm thấy rất vui.
Đột nhiên chú ý tới một bàn đồ ăn vẫn chưa hề động đũa trong phòng của nàng, có vẻ như đã bày ở đó rất lâu rồi, đều đã nguội cả. Triệu Cấu bàn nhớ tới vấn đề này: "Muội vẫn chưa ăn tối phải không?"
"Vâng," Nhu Phúc nói: "Chân đau quá, muội khóc cả buổi chiều, sau đó ngủ thiếp đi mất."
Triệu Cấu nhớ tới mấy cái bánh mà mình mang ra từ yến tiệc, nói với nàng: "Mấy món đó đều nguội hết rồi, không ăn được nữa, muội ăn tạm mấy miếng điểm tâm này đi."
Nào ngờ khi chìa tay ra mới phát hiện mấy miếng bánh đã bị y bóp nát trong lúc nhảy nhót bắt dễ ban nãy. y bối rối cười cười rồi nói: "Thế này đi, ta tới ngự thiện phòng tìm ít đồ ăn cho muội. Muội muốn ăn gì? Bánh đậu xanh, bánh phù dung, móng lạc đà*, bánh ngàn lớp, bánh thịt cua, hay là mứt hoa quả? Muội thích cái nào?"
(* Móng lạc đà: Tên một món bánh.)
Nàng lắc lắc đầu, lo lắng hỏi: "Huynh phải ra ngoài à? Thế thì muội không ăn nữa đâu."
Triệu Cấu biết nàng sợ phải ở một mình nên an ủi: "Huynh đi một lát rồi về ngay. Cho muội món đồ chơi này." Y lôi chiếc lồng dế nhỏ trong ống tay áo ra đưa cho nàng, sau đó chạy như bay về phía ngự thiện phòng.
Lúc này các món ăn đã được bày lên hết, yến tiệc lại vẫn chưa tan, bởi thế các đầu bếp và thái giám trong ngự thiện phòng đều đã đi nghỉ ngơi một lúc, chỉ còn lại một trù nương đang ngủ gật trước cửa. Khi Triệu Cấu vòng qua bên người bà ta bước vào, bà vẫn chưa thức dậy.
Vì gặp đúng dịp sinh thần của Hoàng hậu, điểm tâm trong ngự thiện phòng dĩ nhiên cũng đầy đủ. Triệu Cấu chọn mấy món mà mình thích ăn nhất, xếp đầy một chiếc đĩa lót tách rồi đi ra. Chẳng ngờ mới đi được vài bước thì vị nữ đầu bếp lại tỉnh, trông thấy y thong thả mang thức ăn từ trong phòng đi tức thì đại nộ, vừa rượt theo vừa hét lớn: "Tên tiểu thái giám chết giẫm, dám ăn trộm dưới mí mắt lão nương!"
Triệu Cấu nghe vậy bèn xoay người lại, lạnh lùng nói: "Ngươi nhìn xem ta là ai."
Trù nương thoáng ngây ra, sau khi nhìn rõ y phục của y rồi liền lập tức thu lại bàn tay chuẩn bị giáng xuống khuôn mặt y, thận trọng hỏi: "Không biết tiểu quan nhân là..."
"Quảng Bình quận vương." Y không giận mà tự uy, nói ra phong hiệu lúc bấy giờ của mình.
Trù nương vội vã quỳ xuống, cười hối lỗi: "Hóa ra là cửu điện hạ. Nô tỳ có mắt mà không thấy Thái sơn, đã mạo phạm điện hạ rồi, mong điện hạ thứ tội. Điểm tâm mà điện hạ lấy đã đủ chưa? Có cần nô tỳ mang thêm một ít ra không?"
Y lạnh nhạt đánh giá vị trù nương dưới đất, thấy bà ta da dẻ sần sùi, cử chỉ thô lỗ, tướng mạo vô cùng khó coi, hơn nữa lúc nói chuyện còn có một thứ mùi tỏi khó ngửi tán ra từ miệng, trong lòng chán ghét cùng cực, bèn nói với bà: "Không cần. Ngươi đi đi."
Bà ta gật đầu khom lưng lĩnh mệnh, rồi cúi đầu lùi về sau vài bước, xoay người quay về ngự thiện phòng.
Triệu Cấu nhìn theo bóng lưng của bà ta, đột nhiên phát hiện, vị trù nương này có một đôi chân tự nhiên chưa từng được bó qua.