Nhu Phúc Đế Cơ

Cấn Nhạc


trước sau

Từ khi Triệu Cấu quay về từ trại Kim, Triệu Hoàn quả nhiên gia tăng phong thưởng, tấn y làm Thái phó và Tiết độ sứ Tĩnh Giang, Phụng Ninh. Ngoài ra còn thưởng đặc quyền được phép cưỡi ngựa vào cung uyển hoàng gia Cấn Nhạc, đồng thời cũng ban cho hắn Tiêu Nhàn quán bên trong làm chỗ nghỉ ngơi ban ngày.


Xây dựng Cấn Nhạc là một trong số ít những chuyện lớn mà Huy Tông Triệu Cát nghiêm túc tiến hành. So với cung Diên Phúc được mở rộng trước đây và nội cung cũ của Hoàng đế từ đời Thần Tông đổ về trước, Cấn Nhạc có thể nói đã tinh xảo đẹp đẽ vô cùng. Thế nhưng dưới sự cổ vũ, xúi giục của đám người Sái Kinh, Triệu Cát trước nay vẫn chưa từng ngừng việc theo đuổi cái đẹp. Mang thái độ thành khẩn nghiên cứu, trau dồi kỹ năng thư họa thi từ, Triệu Cát đồng thời cũng tìm kiếm những người đem tới cho ông những cực phẩm nhân gian để tiêu khiển, tán thưởng, ví dụ như mỹ nhân và cung uyển.


Năm Chính Hòa thứ bảy, đạo sĩ Lưu Côn Khang kiến nghị, bởi địa hình phía Đông Bắc hoàng thành thấp nên hoàng tự không được vượng. Nếu có thể trấn cao, sẽ có phước đông con nhiều cháu. Bởi thế mà Triệu Cát đã vui mừng tìm được cái cớ để lần nữa xây dựng công trình. Tháng Mười hai năm ấy, ông hạ lệnh cho người xây dựng một cung uyển rộng lớn bên ngoài Cảnh Long môn. Trong vườn có một đỉnh núi nhân tạo, phỏng theo núi Phượng Hoàng ở Hàng Châu mà dựng, đặt tên là núi Vạn Tuế, sau lại đổi thành Cấn Nhạc. "Cấn" là một quẻ trong bát quái, còn "Nhạc" nghĩa là đứng đầu muôn núi, ý nghĩa của Cấn Nhạc chính là đem hết sự nhiệm màu của sông núi trong thiên hạ hội tụ về khu vườn. Vì thế mà Triệu Cát không tiếc huy động tiền tài nhân lực, hạ lệnh tìm kiếm dị hoa kì thạch từ Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Sơn Đông, Hồ Nam,..., ngàn dặm xa xôi vận chuyển về tới Biện Kinh. Số cây cỏ đó đều là thực vật cực phẩm từ khắp nơi chuyển tới, vốn dĩ đã có giá trị liên thành, thế nhưng vì đường xá xa xôi mà giữa đường đã héo chết mất không ít, về tới Biện Kinh chỉ còn sống sót được một, hai phần. Mà phiền phức hơn cả là đá hiếm, những hòn đá Thái Hồ mang hình dáng kì quái kia cao tới hàng trượng, cần tới cả ngàn người mới di chuyển được, đặt lên thuyền lớn vượt sông mà đi. Để thuận tiện cho việc vận chuyển, quan lại thậm chí còn không tiếc phá đập hủy cầu. Đôi khi chỉ để vận chuyển một khối đá mà trước sau tổng cộng tiêu tốn hết 30 vạn tiền.


Năm Tuyên Hòa thứ tư, Cấn Nhạc được hoàn thành với biết bao mồ hôi nước mắt, tổng cộng mất thời gian 6 năm. Núi chính cao chính mươi bước, mười dặm xung quanh được bao bọc, có sự kì vĩ của núi Thiên Đài, Nhạn Đãng, Phượng Hoàng, Lư Phụ, lại có sự thơ mộng của thủy cảnh Nhị Xuyên, Tam Hiệp, Vân Mộng, quả là đã hội tụ hết vẻ đẹp của sông núi thế gian. Trong vườn kì hoa dị thảo nở rộ, cây cối xanh mát tốt tươi, lại thêm suối mát ngày đêm róc rách chảy, đẹp tới kinh diễm thiên hạ. Bên ngoài chính môn Cấn Nhạc có đề biển "Hoa Dương", bởi thế mà Cấn Nhạc còn được gọi là cung Hoa Dương.


Cuối mùa Xuân Tĩnh Khang năm thứ nhất, khi Triệu Cấu lần đầu tiên sử dụng đặc quyền cưỡi ngựa đi vào Cấn Nhạc mà hoàng huynh ban cho, hoa anh đào đang nở rợp trời.


Ngày hôm ấy tâm trạng tốt một cách kì lạ, y ngồi trên lưng ngựa khi phi nước kiệu khi thúc ngựa chạy như bay. Vó ngựa lẩn khuất trong lớp cỏ xanh rờn, gió Xuân và hương hoa cỏ thổi tới khiến y phục tung bay, mà các cung nhân tản bộ trong vườn đều hoan hỉ mỉm cười với y, ánh mắt ái mộ dõi theo dung nhan tuấn tú. Đi tới bên Phượng trì, y trông thấy một gốc anh đào xinh đẹp bên bờ.


Trong Cấn Nhạc có rất nhiều loài hoa, các giống nổi tiếng trong nước đều hội tụ đủ, bất luận bản tính hoa thế nào thì sau khi được trồng vào trong vườn đều sinh trưởng rất tốt. Trong số đó Triệu Cấu thích nhất là Kim Nga, Ngọc Tu, Hổ Nhĩ, Phượng Vĩ, Tố Hinh, Cừ Na, Mạt Lợi, Hàm Tiếu, được xưng là "Cấn Nhạc bát phương". Thế nhưng vào mùa này, anh đào hiển nhiên đang lộng lẫy che khuất tám loài hoa kia, chiếm hết vẻ rực rỡ đắm say.


Mỗi đóa hoa đều có những lớp cánh hoa mỏng như lụa, cuống hoa kia như không đỡ nổi sức nặng của bông hoa đó, rủ xuống trong tư thái lười biếng, giống như đang cúi đầu gà gật ngủ. Từng cây từng cây soi bóng xuống Phượng trì, như thể nhuộm làn nước xanh biếc thành sắc màu của hoa đào.


Y cưỡi ngựa chậm rãi đi dưới hàng cây anh đào, mỗi khi gió thổi qua, cánh hoa lại lả tả rơi xuống như mưa. Sau đó, xuyên qua làn mưa hoa, bóng dáng hai cô gái trẻ dần dần xuất hiện trong tầm mắt y.


Hai nàng tầm 13, 14 tuổi, mặc y phục mùa xuân màu xanh nhạt của cung nữ trong cung, chải kiểu đầu búi tròn giống nhau, đang đứng đối diện đá cầu.


Cô gái lớn hơn một chút đang đứng đối diện y, khuôn mặt thanh tú, có thể nhìn ra kĩ thuật đá cầu rất tốt, luôn đỡ được quả cầu mỗi lần nó bay tới bên trên đôi giày thêu của nàng, thoải mái thi triển. Đôi bàn chân kia tuy là chân tự nhiên nhưng cũng không quá to, hình dáng cũng rất thanh mảnh.


Nàng đá vài cái rồi truyền cho cô bé đối diện. Cô bé hoảng hốt nhấc váy lên vươn chân ra đỡ. Cô bé ấy đứng quay lưng lại với Triệu Cấu, y nhìn không rõ dáng vẻ của nàng, thế nhưng động tác nghiêng người nâng chân phải của nàng lại thu hút sự chú ý của y.


Đôi chân nhỏ bé xinh xắn, hẳn là không quá ba tấc. Đôi hài cũng màu xanh nhạt, thế nhưng lại không phải kiểu dáng thông thường của các cung nữ mà tinh xảo hơn rất nhiều, có

thêu những hoa văn xinh đẹp.


Chân nhỏ như vậy mà vẫn có thể đá cầu? Y hứng thú quan sát tiếp.


Đôi chân nhỏ nhắn đoán chừng khiến nàng đi lại cũng khó mà vững vàng, thế nhưng cô bé này dường như vô cùng hoạt bát, đáng yêu nhất là nàng mang một khát vọng được hoạt động, tay xách váy vung chân đá cầu. Đôi hài chỉ giúp được một chút xíu, quả cầu nhỏ trơn trượt không đứng vững, đỡ được đã vô cùng khó khăn, hơn nữa còn khiến nàng mấy phen lảo đảo, thân hình nghiêng ngả như sắp ngã, thế nhưng lại tăng thêm vài phần yểu điệu cho tư thái.


Nàng cố gắng đá vài cái, sau cùng quả cầu rơi xuống cách nàng hơi xa, nàng cuống quít vươn chân ra đá mạnh, mu bàn chân phát lực khiến quả cầu bay vút lên, mà thân mình cũng chao đảo rồi ngã bệt xuống đất.


Bạn của nàng khẽ kêu một tiếng, vội vã chạy qua đỡ nàng đứng dậy, thế nhưng nàng lại bần thần lơ đãng, ánh mắt một mực dõi theo quỹ đạo bay của quả cầu.


Quả cầu vượt qua lưng nàng, bay thẳng về phía Triệu Cấu. Y căn chuẩn rồi vươn tay ra bắt, quả cầu đã nằm gọn trong lòng bàn tay. Sau đó giữ lấy quả cầu, mỉm cười ra hiệu với bọn họ.


Hai cô gái ngây ra nhìn y, nhất thời quên cả lên tiếng.


Y đã nhìn thấy rõ dung mạo của cô bé ban nãy. Đôi mắt long lanh, làn da trắng nõn như tuyết, mềm mại như những cánh hoa. Thiếu nữ như bông đậu khấu đầu cành, đẹp tựa anh đào nở mãi chẳng tàn chốn núi xanh nước biếc cung Hoa Dương.


Y thầm cảm thấy kinh ngạc, trong lòng nghĩ không rõ cô bé xinh đẹp nhường này hầu hạ vị chủ nhân nào, lại có ai nhẫn tâm đem nàng biến thành nô tỳ.


Y xuống ngựa, bước tới trả lại cầu cho nàng.


Nàng đón lấy, mắt mở to không chút e dè quan sát y.


Lại là người bạn của nàng bừng tỉnh trước, đoán chừng trước đây đã từng trông thấy y, nên vội vã hành lễ: "Khang vương điện hạ."


Cô gái nhỏ cũng vui sướng nở nụ cười: "Hóa ra huynh là cửu... điện hạ à!"


Giọng nói của nàng cũng thanh thoát êm tai. Y gật đầu, bất giác ôn hòa mỉm cười với nàng.


Nàng lại giơ quả cầu lên, kiến nghị: "Điện hạ chơi cùng bọn muội đi."


Bạn của nàng hốt hoảng, khẽ kéo kéo tay áo của nàng, tỏ ý không được. Thế nhưng nàng lại không hiểu, quay đầu sang hỏi: "Cô kéo tay áo ta làm gì?"


Cô gái lớn hơn một chút chỉ đành bối rối cúi đầu, im lặng không lên tiếng.


Nàng lại hỏi: "Điện hạ có đá không?"


Triệu Cấu lại cười, đáp: "Được."


Mặc dù y rất hiếm khi chơi loại trò chơi của con gái này, song y cũng tinh thông thúc cúc giống phụ hoàng, bởi thế lúc này chơi đá cầu cũng vô cùng điêu luyện. Quy củ đá vài cái liền cảm thấy vô vị, y bèn đem kĩ thuật trong thúc cúc ra sử dụng, lúc dùng lưng, lúc lại dùng ngực để đỡ, thậm chí còn dùng cả trán và mũi, đá xuôi đá ngược đủ mọi trò, quả cầu tung bay quanh thân mình, mãi vẫn chưa rơi xuống.


Cô bé kia tràn trề phấn khích xem, không ngừng vỗ tay khen hay. Cô gái đứng bên cạnh nàng lại chỉ yên tĩnh nhìn, khóe môi cũng ẩn hiện ý cười. Đá một mình một hồi, y vẫy tay rủ bọn họ vào chơi cùng, nàng vui vẻ nhận lời. Y cẩn thận đá cầu sao cho nàng dễ đón được, nàng thuận lợi tiếp lấy, vui vẻ khanh khách cười thành tiếng.


Cứ thế, ba người lại đá thêm một lúc lâu, cho tới tận khi tổng quản thái giám trong cung từ phía xa xa trông thấy Triệu Cấu, đi về phía y toan thỉnh an, hai cô gái mới giật mình hốt hoảng, vội vã thu cầu lại rồi cáo từ rời đi.


Cô gái nhỏ tuy bị bạn lôi đi rất gấp, thế nhưng vẫn không ngừng ngoái đầu lại nhìn Triệu Cấu. Y cũng dùng ánh mắt tiễn nàng, khi bốn mắt chạm nhau, đôi bên đều mỉm cười.


Tới khi bọn họ đã đi xa rồi, Triệu Cấu mới sực nhớ ra ban nãy vẫn chưa hỏi xem họ là cung nữ của cung nào, thậm chí ngay tới tên cũng không biết. Suy nghĩ xoay chuyển, lại cảm thấy ý nghĩ này thật nhàm chán, biết rồi thì sao chứ? Chẳng qua chỉ là một lần ngẫu nhiên gặp gỡ, cùng nhau vui đùa mà thôi, sao phải nhất định biết được nàng là ai. 


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện