Tháng Mười một năm Thiệu Hưng thứ nhất, Thượng thư tả bộc xạ Lữ Di Khiết thấy giao thông ở các nơi Việt Châu, Hội Kê không được thông suốt, mà tình thế ở Lâm An đã ổn định, thích hợp làm nơi cư trú lâu dài, bèn dâng sớ mời Triệu Cấu quay về Lâm An: "Nay Trung Nguyên đã bị cô lập, các nơi Giang, Hoài vẫn còn trộm cướp, nơi an cư là quan trọng nhất. Bệ hạ nên định nơi sinh sống lâu dài, để các chiếu chỉ được ban ra thuận lợi truyền tới được các nơi Xuyên, Hiệp, quân đội cũng có nơi đóng cố định, thuận lợi cho việc điều động, không bị hạn chế. Sau đó nhanh chóng điều đại quân đi dẹp nạn trộm cướp vào khoảng tháng Hai, tháng Ba sang năm, để dân được an sinh, có vậy căn cơ của quốc gia mới vững vàng. Nay tình thế có thể nói là nguy cấp, sau khi đánh mất Trung Nguyên thì chỉ còn lại mấy con đường ở Giang, Chiết, Mân, Quảng, trong số đó phần lớn cũng đã bị quân Kim phá hủy, quận huyện ở Chiết Giang đã bị thiêu rụi, nay xem chừng vận chuyển không được thông thuận. Nếu không định cư ở nơi thượng nguồn, bảo toàn những con đường này, để mệnh lệnh quốc gia được gửi đi khắp nơi, thì nhân dân sẽ không thể trồng trọt canh tác được, mà lệnh vua cũng sẽ bị ngăn trở, về sau nếu người Kim lại tấn công chỉ e có hối cũng không còn kịp."
Triệu Cấu cảm thấy ông nói có lý, bèn hạ chỉ di chuyển tới Lâm An.
Tháng Một mùa Xuân năm Thiệu Hưng thứ hai, Triệu Cấu dẫn theo cung quyến và bách quan quay về tới Lâm An. Bảy ngày sau liền mời bá quan vào cung dự tiệc, đồng thời cũng triệu mấy chục vị quan viên tướng lĩnh trẻ tuổi tổ chức thi đấu kích cúc bên ngoài chính điện hoàng cung mừng ngày trở về.
Kích cúc chính là chơi bóng trên lưng ngựa. Trong những năm Tuyên Chính, tháng Ba hàng năm Triệu Cát đều tổ chức mấy trận thi đấu kích cúc quy mô lớn ở Đại Minh điện Biện Kinh. Quân sĩ tướng lĩnh, văn võ bá quan, tông thất hoàng tộc, thậm chí các mỹ nhân ở hậu cung đều có thể tham gia thi đấu, cảnh tượng vô cùng tưng bừng náo nhiệt. Mà Triệu Hoàn không ham mê giải trí lại không có chút hứng thú gì với chuyện này, từ sau khi y kế vị trong cung rất hiếm khi tổ chức những trò thi đấu như kích cúc, thúc cúc. Mấy năm trước, sau biến cố Tĩnh Khang, thế cục không ổn định, chiến sự liên miên, Triệu Cấu lang bạt khắp Giang Nam, nơi ở không cố định, bởi thế cũng không có tâm trạng tổ chức lễ hội thi đấu. Hiện giờ tình hình đang dần tốt lên, Triệu Cấu cũng đã quay về, thấy Lâm An sau khi được thu hồi rồi xây dựng lại hiệu quả không tồi, không khí vô cùng yên bình phấn khởi, trong lòng rất vui mừng, bèn quyết định gọi các quan viên tướng lĩnh cùng tới chơi kích cúc giống như lệ cũ ở Biện Kinh.
Ngày hôm ấy, khoảng sân bên ngoài đại điện hai mé Đông Tây có dựng hai cột gỗ khắc rồng làm cầu môn, cao hơn một trượng, phía trước có một thủ môn, hai cấm vệ quân tay cầm cờ đỏ đứng mỗi bên làm trọng tài đồng thời sẵn sàng truyền đạt ý chỉ của Hoàng đế bất kỳ lúc nào. Ngoài ra còn có mấy ngự long quan mặc cẩm bào tay cầm gậy đứng chờ ngoài sân nhặt bóng. Hai lá cờ mặt trăng mặt trời được dựng dưới bậc thềm đại điện, bay phần phật trong gió. Dàn nhạc được đặt ở hai hành lang ngoài điện, mỗi bên bày năm chiếc trống, cộng với năm chiếc phía sau cầu môn, tổng cộng là hai mươi. Bá quan không lên sàn đấu ngồi ở khán đài đặt bên hai mép sân, mà Nhu Phúc cùng Anh Phất và các cung quyến khác ngồi phía trong điện buông rèm quan sát từ xa.
Những người tham gia được chia thành hai đội, một đội mặc trang phục màu vàng và một đội mặc trang phục màu tím, lúc này tất cả mọi người đang ngồi trên lưng ngựa cầm ngựa xếp hàng đợi hai bên. Một lát sau, chỉ nghe thấy tiếng ngựa hí vang dài, cửa chính sân điện lập tức được mở ra, Triệu Cấu xuất hiện trong cẩm bào vàng tươi, xỏ ủng da thêu chỉ vàng, tay cầm gậy đánh bóng sơn đỏ, cưỡi một con tuấn mã bờm đỏ đang ngẩng cao đầu phi nước đại, sắc mặt nghiêm túc giục ngựa tiến vào sân đấu.
Tức thì tiếng trống nổi lên, dàn nhạc hợp tấu "Lương xuyên khúc", quan viên hai bên lập tức đứng lên nghênh đón, mà phi tần cung nữ sau rèm cũng liên tiếp hoan hô: "Quan gia tới rồi!", nhao nhao đứng lên chạy tới gần, cảnh tượng giống như lần Triệu Cấu đánh đu trên mặt nước ở Biện Kinh năm ấy, tranh nhau vén màn lên nhìn cho rõ. Mà Nhu Phúc lại chỉ bình thản ngồi đó, không hề kích động giống bọn họ.
Sau khi Triệu Cấu vào sân, lập tức có một nội thị ôm một chiếc hộp vàng chạy tới, quỳ xuống trước mặt Triệu Cấu mở ra, lấy ra quả bóng sơn mài bên trong cung kính đặt bên dưới ngựa y, lại bái tạ, sau đó lui ra. Triệu Cấu đánh bóng vào cầu môn một cách tượng trưng, sau đó xuống ngựa uống cạn ly rượu do quần thần kính rồi trận đấu mới được chính thức bắt đầu, dẫn đội vàng phi ngựa giành bóng với đội tím.
Y có kỹ thuật chơi bóng rất điêu luyện, sau khi phát bóng liền cùng các đồng đội áo vàng tấn công sang tận sát bên cầu môn của đội tím, gậy vừa vung đã vững vàng đón được bóng do đồng đội chuyền, khán giả hai bên lập tức nhất tề hoan hô, tốc độ tấu nhạc của dàn nhạc càng lúc càng nhanh, tiếng trống xập xình vang dội, như sấm rền chớp giật. Triệu Cấu khẽ mỉm cười, bình thản vung gậy, thủ môn giữ cầu môn của phía đối phương bắt không kịp, bóng bay thẳng vào khung thành.
Hoàng đế ghi điểm đầu tiên, nhạc dừng, quần thần quỳ xuống tung hô vạn tuế. Hai bên cầu môn có 24 lá cờ thêu và giá rỗng đặt dưới thềm Đông Tây của điện, mỗi lần có đội ghi bàn sẽ cắm một lá cờ lên giá để ghi điểm. Xướng trù quan nào dám lơ là, sớm đã rút ra một lá cờ cắm lên giá của đội vàng.
Trận đấu tiếp tục tiến hành. Sau đó thế tiến công của đội vàng không giảm, chẳng mấy chốc Triệu Cấu đã ghi được thêm một bàn nữa, đội vàng đã có trong tay hai điểm, kích cúc lấy khoảng cách ba điểm để phân thắng bại, đội vàng chỉ cần ghi thêm một điểm nữa là sẽ giành thắng lợi hoàn toàn. Triệu Cấu rất hài lòng, giơ tay khua gậy ra hiệu cho các thành viên trong đội vàng dốc sức cố gắng nhanh chóng kết thúc trận đấu này. Các thành viên cũng được cổ
Triệu Cấu rất nhanh đã tấn công tới sát khung thành đối phương, bóng đã được đồng đội chuyền tới dưới vó ngựa của y. Vào khoảnh khắc y cúi đầu vung gậy toan phát bóng, đột nhiên có một cây gậy sơn đen sượt qua tầm mắt, đầu gậy hình trăng khuyết len vào giữa gậy của y và trái bóng, chỉ sau một tíc tắc ngắn ngủi, bóng đã bị hất ra xa, bay về phía cầu môn đội áo vàng.
Triệu Cấu ngẩng đầu, trông thấy nam tử đã khiến y thất thủ trong gang tấc.
Người đó đang mặc y phục tím, cưỡi một thớt ngựa đen tuyền, một tay cầm gậy đánh bóng, tay kia giữ cương giục ngựa, ngồi thẳng trên yên ngựa. Dáng vẻ chừng ngoài đôi mươi, mày kiếm mắt sao, rất có phong độ. Thấy Triệu Cấu bị cướp mất bóng đang lạnh lùng nhìn mình cũng không kinh sợ, chỉ hơi nghiêng người ra ý xin lỗi.
Triệu Cấu còn nhớ y. Y là Vĩnh Châu phòng ngự sứ Cao Thế Vinh. Khi ấy Nhu Phúc quay về, y cũng có công.
Trận đấu vẫn đang tiếp tục. Triệu Cấu không kịp suy nghĩ nhiều nữa, lại thúc ngựa rời đi chuẩn bị đón bóng do đồng đội chuyền, không ngờ trái bóng do Cao Thế Vinh phát đi ban nãy lại rơi đúng xuống chân gậy của thành viên đội tím. Cao Thế Vinh nhanh chóng phi ngựa lên phía trước, đồng đội cũng lập tức hiểu ý chuyền bóng cho y. Chưa đợi bóng chạm đất, Cao Thế Vinh đã nghiêng người hai tay cầm gậy đánh mạnh, chỉ nghe "bốp" một tiếng, bóng đã bay vút lên vẽ thành một đường cong giữa không trung, thủ môn của đội vàng còn chưa kịp phản ứng lại, bóng đã bay qua khung thành.
Bàn thắng đẹp tới mức khán giả hai bên không khỏi vỗ tay tán thưởng, dàn nhạc cũng nổi trống theo quy định, giá của đội tím cũng được cắm thêm một cây cờ đánh dấu điểm. Triệu Cấu khẽ cau mày.
Theo quy định thi đấu, người đánh được bóng vào khung thành phải xuống ngựa tạ ơn Hoàng đế. Cao Thế Vinh liền lập tức xuống ngựa khấu đầu tạ ơn với Triệu Cấu, Triệu Cấu phất tay lệnh cho y bình thân, sau đó lại trận đấu lại tiếp tục.
Sau đó, tình thế đột nhiên đảo ngược. Cao Thế Vinh giục ngựa điêu luyện, phi nhanh như thần, con ngựa đen chạy hết Đông Tây, tốc độ nhanh như gió thổi chớp giật, không ngừng tấn công mãnh liệt. Đội áo vàng hoang mang bối rối, chẳng bao lâu sau đã lần nữa thất thủ.
Hai đội đang hòa nhau, bàn cuối cùng còn lại là quan trọng nhất, bên nào đánh được bóng vào trước sẽ giành thắng lợi, bởi thế sắc mặt thành viên hai đội đều trở nên trang nghiêm. Đội vàng không dễ dàng gì mới giành được bóng từ phía sau sân, một nhóm tuyển thủ lập tức tập trung, vừa nhanh chóng phi ngựa vừa khống chế chặt bóng dưới gậy của mình. Chạy tới sân trước, người đang giữ bóng ngẩng đầu trông thấy Triệu Cấu đã giục ngựa tới phía trước mà xung quanh y không có bóng dáng của bất cứ ai đội tím liền mừng rỡ lập tức phát bóng chuyền cho y... Nào ngờ một bóng đen vụt qua, khi đỗ xuống thì quả bóng của Triệu Cấu đã không còn tung tích. Chúng nhân định thần lại nhìn mới trông thấy hóa ra là Cao Thế Vinh từ phía xa phi như bay tới, ngăn bóng lại giữa không trung, bóng vừa chạm đất lại cúi rạp người thoáng để bóng đứng yên lại, sau đó dồn toàn lực vung mạnh gậy, chỉ thấy trái bóng kia như sao băng bay qua đỉnh đầu những tuyển thủ áo vàng, vẽ ra một đường cung dài trên không trung, sượt qua cột khung thành bay vào cầu môn của đội vàng.
Sau một khắc trầm mặc ngắn ngủi, tiếng hoan hô như sấm lại dậy lên. Cao Thế Vinh cũng mỉm cười xuống ngựa, lần thứ ba quỳ xuống tạ ơn Triệu Cấu.
Triệu Cấu cười nhạt, nói: "Được, ngươi thắng rồi." Sau đó không nói gì nữa, xuống ngựa đi vào điện thay trang phục.
Sau khi trận đấu kết thúc, Triệu Cấu triệu quần thần vào điện ban rượu, đồng thời thưởng cho bên thắng bên thua. Giữa buổi tiệc, Triệu Cấu không ngừng khen ngợi Cao Thế Vinh, mỉm cười nói với quần thần: "Cao khanh cưỡi ngựa đánh bóng đều tinh thông hơn người, hôm nay đội áo tím giành được thắng lợi có thể nói là dựa vào tài năng của một mình y, theo lý phải thưởng nhiều hơn." Sau đó ôn hòa nói với Cao Thế Vinh: "Khanh muốn được thưởng gì?"
Cao Thế Vinh bước ra khỏi hàng, cúi người nói: "Bệ hạ, thần có thể nói thật được không ạ?"
Triệu Cấu đáp: "Đương nhiên, cứ nói không cần e ngại."
Bởi thế Cao Thế Vinh liền ngẩng đầu, lớn tiếng nói: "Thần xin bệ hạ hãy cho Phúc Quốc Trưởng công chúa hạ giáng lấy thần."
Triệu Cấu kinh ngạc, nhất thời chưa đáp lại, nâng ly lên chậm rãi uống một ngụm rượu, sau đó nhìn xoáy vào y: "Ban nãy ngươi vừa nói gì?"
Cao Thế Vinh lần nữa cúi người, dõng dạc đáp từng chữ: "Thần to gan, xin được hỏi cưới Phúc Quốc Trưởng công chúa."