Nhu Phúc Đế Cơ

Lập trữ


trước sau

Chú thích của người dịch: Từ chương này trở đi, tác giả đổi sang dùng tên Hán cho các nhân vật nước Kim. Lý do rất đơn giản: tác giả cảm thấy tên Nữ Chân của anh nam phụ quá khó nghe =))))))) Vâng, sau khi đã đi được một nửa truyện thì lúc này anh nam phụ của chúng ta cuối cùng đã tới lúc được lên sàn. Ban đầu khi mới sáng tác Milan Lady không quá để ý, viết tới khúc này mới cảm thấy nếu phải gọi hồn thanh niên tài tuấn rường cột nước nhà Ngoa-Lỗ-Quan suốt thì chắc chế trầm cảm, mà độc giả cũng drop hết truyện :))))))


***


Tháng Năm năm Thiệu Hưng thứ tư, Triệu Cấu lại chọn con trai Bá Cửu 6 tuổi của cháu đời thứ sáu của Thái Tổ Triệu Tử Ngạn vào cung, giao cho Anh Phất nuôi dưỡng, sau đó liền đổi tên thành Cừ. Vẻ ngoài của Triệu Cừ hút mắt hơn Triệu Viện, tính cách cũng hoạt bát sôi nổi hơn, Anh Phất hoàn toàn xem như con đẻ của mình, yêu quý như trân bảo. Song Nhu Phúc lại không có quá nhiều thiện cảm với Triệu Cừ, ngày thường vào cung cũng chỉ đi thăm Triệu Viện như cũ, khi nhắc tới Triệu Cừ cũng rất ít khi gọi tên của cậu, chỉ nói là "con của Anh Phất".


Tả tướng Lữ Di Khiết từ khi nhậm chức tới nay vẫn luôn chủ trương dùng binh với người Kim, thế nhưng trong việc dùng người lại thích sử dụng bạn bè, thủ hạ cũ, có ý đồ gây dựng phe cánh, hơn nữa lòng dạ hẹp hòi, kiên quyết không sử dụng những người được yêu mến rộng rãi như Lý Cương, mất lòng dân nặng nề, bị người đời phỉ nhổ, Triệu Cấu cũng ngày một không hài lòng với y. Tháng Chín năm Thiệu Hưng thứ ba, Thị ngự sử Tân Bính dâng sớ luận tội Lữ Di Khiết bất kính bất trung, bại hoại vương pháp. Lữ Di Khiết trong lúc tức giận bèn cáo bệnh từ quan, mà Điện trung thị ngự sử Thường Đồng lại không chịu buông tha, liệt ra 10 tội danh "học theo Sái Kinh, Vương Phủ chia bè kết phái, lũng đoạn triều chính", "không toàn lực bảo vệ các nơi Kinh, Hoài, chỉ bo bo giữ lấy thân mình", "sử dụng quan tham ô và bè đảng thân thích cũ",... Triệu Cấu bèn thuận thế giáng Lữ Di Khiết làm Trấn Nam tiết độ sứ, Khai Phong nghi đồng tam ti, đề cử Lâm An phủ Động Tiêu cung.


Lữ Di Khiết vừa ngã ngựa, Chu Thắng Phi cũng rơi vào cảnh thân cô thế cô. Mùa Thu năm Thiệu Hưng thứ tư, Giang Nam mưa bụi trắng trời, Triệu Cấu hạ chiếu xin nghe góp ý thẳng thắn, Thị ngự sử Ngụy Cang liền nhân cơ hội hạch tội Chu Thắng Phi với Triệu Cấu, nói Chu Thắng Phi "che mắt quân chủ, khiến thiên hạ lâm nạn", Chu Thắng Phi thấy vậy cũng tự mình xin từ chức. Tháng Chín năm Thiệu Hưng thứ tư, Triệu Cấu bãi chức quan của Chu Thắng Phi. Sau đó Triệu Cấu lại dùng Tham tri chính sự Triệu Đỉnh tài năng vượt trội, trước phong làm Tri xu mật viện sứ, Đô đốc Xuyên, Thiểm, Kinh, Tương chư quân sự. Không lâu sau lại tiến phong làm Tả thông nghị đại phu, Thủ thượng thương tả bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự kiêm Tri xu mật viện sứ.


Sau khi bị triệu về Lâm An, thoạt tiên Trương Tuấn bị bãi chức quan, điều tới Phúc Châu sinh sống. Triệu Đỉnh khá mến mộ tài năng của Trương Tuấn, sau khi nhận tướng vị liền dâng sớ xin Triệu Cấu sử dụng lại Trương Tuấn. Triệu Cấu phê chuẩn, phong Trương Tuấn làm Tư Chính điện học sĩ. Trương Tuấn phụng chỉ vào triều, Triệu Cấu bèn cùng y bàn bạc sách lược chiến đấu chống giặc trước mắt. Rất nhiều kiến giải của Trương Tuấn hợp với ý Triệu Cấu, bởi thế Triệu Cấu liền lập tức xuống chiếu phục chức Tri xu mật viện sứ cho y, quản lý vùng Giang Thượng. Tháng Hai năm Thiệu Hưng thứ năm, Triệu Cấu lại mệnh Thượng thư hữu bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự Triệu Đỉnh giữ chức Tả bộc xạ, Tri xu mật viện sứ Trương Tuấn giữ chức Hữu bộc xạ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự kiêm Tri xu mật viện sứ, Đô đốc chư lộ quân mã. Vì thế hai tướng Triệu Đỉnh, Trương Tuấn ngang hàng, cùng nhau đôn đốc chính sự.


Năm Thiệu Hưng thứ năm, ngày mùng 9 tháng Hai năm Thiên Hội thứ mười ba của nước Kim, Kim Thái Tông Hoàn Nhan Thịnh qua đời vì bệnh tại Minh Đức cung Thượng Kinh, hoàng trữ Am ban bột cấp liệt Hoàn Nhan Đản kế vị trước linh cữu.


Hoàn Nhan Đản không phải con cháu của Hoàn Nhan Thịnh. Khi ấy chế độ kế thừa hoàng vị ở nước Kim là huynh truyền đệ nối, bởi thế sau khi Thái tổ Hoàn Nhan Mân qua đời hoàng vị liền do tứ đệ của ông là Hoàn Nhan Thịnh kế thừa, tức Kim Thái Tông. Sau khi đăng cơ, Hoàn Nhan Thịnh liền lập em trai cùng mẹ của mình là Hoàn Nhan Cảo làm Am ban bột cấp liệt, thế nhưng Hoàn Nhan Cảo lại mất sớm vào năm Thiên Hội thứ tám. Hoàn Nhan Thịnh có con trai, sau khi hoàng đệ qua đời liền có ý lập con trai của mình làm trữ quân, thế nhưng lại bị Tả phó nguyên soái Tông Hàn (Niêm Một Hát), Hữu phó nguyên soái Tông Phụ và Tả giám quân Hoàn Nhan Hi Doãn kịch liệt ngăn cản, nói rằng trong trường hợp không còn huynh đệ có thể kế vị thì nên lập đích tử hoặc đích tôn của huynh trưởng mới hợp với quy định huynh truyền đệ nối. Cuối cùng Hoàn Nhan Thịnh chỉ đành từ bỏ ý định lập con trai của mình, xuống chiếu phong đích tôn của Thái Tổ là Hoàn Nhan Đản làm Am ban bột cấp liệt vào năm Thiên Hội thứ mười.


Việc chủ nhân hoàng vị nước Kim thay đổi khiến sự chú ý của các đại thần Nam triều cũng chuyển về vấn đề trữ quân. Trương Tuấn tiên phong dâng sớ xin Triệu Cấu sớm đưa ra quyết định, chính thức xác định trữ quân. Triệu Cấu lại hồi đáp không rõ ràng, chỉ ngầm thoái thác nói: "Trẫm đã nhận nuôi hai hậu nhân đời sau của Nghệ Tổ, người lớn hơn năm nay đã 9 tuổi, trẫm sẽ nhanh chóng tuyển chọn minh sư dạy dỗ cho cậu bé." Sau đó liền mệnh Triệu Đỉnh xây dựng một thư viện mới trong cung, đặt tên là "Tư Thiện đường", làm nơi học tập cho Triệu Viện, đồng thời đích thân chọn ra hai vị học sĩ học thức sâu rộng, đức độ sâu dày là Tông chính thiếu khanh Phạm Xung và Khởi cư lang Chu Chấn phụ trách dạy dỗ Triệu Viện. Tháng Năm năm Thiệu Hưng thứ năm, Triệu Cấu phong Triệu Viện làm Kiến Quốc công. Hành động này đã giành được sự tán thưởng của triều thần, đám người Triệu Đỉnh bèn nhân cơ hội

uyển chuyển khuyên Triệu Cấu lập Triệu Viện làm trữ quân, thế nhưng Triệu Cấu vẫn chưa bày tỏ thái độ.


Một ngày mùa Xuân nào đó năm Thiệu Hưng thứ sáu, Nhu Phúc nhập cung kiến giá, Triệu Cấu dẫn nàng tới phòng sách xem Triệu Viện làm bài tập. Nhu Phúc thấy Triệu Viện 10 tuổi đã có thể viết chữ rất đẹp, hơn nữa còn có kiến giải của chính mình đối với thơ văn thì không nén được vui mừng, khen ngợi không ngớt. Triệu Cấu thấy vậy cũng rất vui vẻ, mỉm cười nói: "Viện không chỉ cần mẫn hiếu học, mà đức hạnh cũng đáng khen ngợi. Ngày thường luôn cung kính khiêm nhường, hành xử thận trọng, khoan dung độ lượng, lại không giống Cừ cả ngày chỉ bày trò nghịch ngợm, tuy tuổi tác còn nhỏ song quả thực đã có chút khí độ của Quốc công."


"Chức Kiến Quốc công này cửu ca phong rất đúng." Nhu Phúc mỉm cười nói với y: "Cửu ca suy nghĩ cho giang sơn xã tắc, phong Viện làm Kiến Quốc công, trên thuận ý trời, dưới đẹp lòng dân, quả thực là đức lớn ngàn năm."


Được nàng tán dương, Triệu Cấu rất hài lòng, lại nói: "Nay ta đã hai mươi chín tuổi, chỉ tiếc không có con cái thân sinh. Học theo Nhân Tông hoàng đế nhận con nuôi theo lệ xưa, để Viện làm Kiến Quốc công, cũng hợp với ý nguyện của ta. Việc này tiến hành thực ra dễ dàng, song các hoàng đế trước đây hay cho là khó, giờ đây đã có ta làm, không đáng nhận được nhiều lời tán tụng như vậy."


Nhu Phúc thuận thế nói tiếp: "Xem con nuôi như con đẻ không phải việc mà ai cũng làm được. Tự cổ đế vương đều vướng mắc với việc này, mà cửu ca lại làm một cách dễ dàng, có thể thấy cửu ca khoan dung độ lượng hơn một số quân chủ khác rất nhiều. Việc lập trữ có can hệ trọng đại, cửu ca lại có thể nhìn thấu, không giữ lòng riêng, Viện Viện bội phần kính phục, cũng thay Đại Tống cảm thấy may mắn."


Triệu Cấu nghe thấy nàng nhắc tới việc lập trữ, nét vui mừng ban nãy tức thì biến mất, hiểu ngay thái độ tâng bốc khác thường của nàng là nhằm mục đích khuyên mình lập Triệu Viện làm Thái tử, nụ cười tắt lịm, lạnh nhạt hỏi: "Thế nào? Cửu ca già lắm rồi sao? Đã tới lúc bắt buộc phải lập trữ rồi?"


"Đâu có." Nhu Phúc thấy y không vui cũng khéo léo mỉm cười xoa dịu: "Viện Viện chỉ là cảm thấy, cửu ca đương lúc xuân thu đỉnh thịnh, sức khỏe dồi dào, mà lại có thể lo nghĩ cho xã tắc lâu dài như vậy, có thể thấy cửu ca ắt sẽ được thần linh phù hộ, con cháu đầy đàn."


"Những lời muội nói nghe chẳng khác gì với Triệu Đỉnh, Trương Tuấn." Triệu Cấu gấp bài tập của Triệu Viện lại, nhìn Nhu Phúc nói: "Nghệ Tổ hoàng đế khai lập ra giang sơn Đại Tốn, gian lao vất vả, quả thực không dễ dàng. Ta lựa chọn con cháu của ngài đưa vào cung nuôi dưỡng, nghĩ hẳn có thể an ủi vong linh ngài trên trời cao. Còn về vấn đề khác, tạm thời chưa cần suy nghĩ đến."


Nhu Phúc cau mày định khuyên tiếp, Triệu Cấu lại nở nụ cười trước: "Viện Viện, đã rất lâu rồi cửu ca không được nghe muội đánh đàn, bây giờ có thể đàn một khúc cho cửu ca được không?"


Nhu Phúc biết y đang cố tình chuyển chủ đề, không muốn nói về chuyện lập trữ nữa, cũng hiểu rõ tính tình y nên không dám nói nhiều nữa, đáp lời rồi mệnh người đem đàn tranh tới, sau đó ngồi xuống bắt đầu tấu nhạc.


Tiếng đàn vẫn du dương da diết, thế nhưng Triệu Cấu lại không chăm chú lắng nghe, lật xem từng trang chữ Triệu Viện do viết, song cũng không để tâm ngắm nhìn, sắc mặt chán nản.


Một lát sau, có nội thị tiến vào trình lên cấp báo do thám gửi về từ Kim quốc. Y mở ra nhìn, là danh sách một loạt các quan viên được Hoàng đế mới nước Kim bổ nhiệm, người đứng đầu là Đông Kinh lưu thủ tân nhiệm, vừa nhìn tên đã biết là người trong tông thất Kim, chỉ là có chút xa lạ. Ánh mắt Triệu Cấu dừng lại ở cái tên kia, vừa nghĩ ngợi vừa vô thức đọc lên thành tiếng: "Hoàn Nhan Tông Tuyển..."


Một nốt nhạc hỗn loạn cắt ngang khúc đàn đang thong thả da diết, dường như ngón tay run rẩy đã gẩy nhầm một dây nào đó. Âm thanh chói tai ấy đột ngột vang lên, tựa như tiếng quân Kim sát phạt.


Triệu Cấu kinh ngạc nhìn sang, thấy Nhu Phúc ngẩng đầu khẽ cười với mình, sau đó lại tập trung tiếp tục gảy đàn, thế nhưng thần sắc và khúc nhạc đã trở nên có chút hốt hoảng.


"Viện Viện, khi còn ở nước Kim muội có từng nghe nói đến người tên Tông Tuyển này chưa?" Sau khi khúc nhạc kết thúc, y như lơ đễnh hỏi nàng.


"Chưa từng." Nàng đáp, nhanh chóng mà kiên quyết.


Y cũng không hỏi gì nữa.


Đợi nàng đi rồi, y liền lập tức tìm được ghi chép chi tiết về người này: Hoàn Nhan Tông Tuyển, tên thật Ngoa Lỗ Quan. Con trai thứ tám của Kim Thái Tổ, do Khâm Hiến Hoàng hậu sinh, em trai cùng mẹ của Hoàn Nhan Tông Vọng (Oát Ly Bất)...


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện