Đến nay người ta vẫn chưa thể đưa ra được con số chính xác về số bệnh nhân đã chết dưới mũi tiêm của ông bác sĩ này. Nhưng dù thực tế con số là bao nhiêu thì hắn cũng là một trong những kẻ giết người chuyên nghiệp và nguy hiểm nhất trên thế giới.
Khi bạn nghĩ về những kẻ giết người hàng loạt, hình ảnh xuất hiện trong tâm trí của bạn là tên tội phạm với hình dáng dữ tợn, cầm vũ khí và gây ra nỗi kinh hoàng cho nhiều người.
Thế nhưng kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng nhất của Vương quốc Anh lại là một vị bác sĩ - người mà đáng lẽ phải nhận được sự quý trọng, yêu mến từ tất cả mọi người vì sự nghiệp chữa bệnh cứu người.
Ông ta đã dùng chính mũi tiêm cứu người của mình để giết hại hàng trăm bệnh nhân trong suốt hơn 2 thập kỷ mà không ai phát hiện ra. Để rồi khi mọi chuyện vỡ lở, người ta mới rùng mình gọi ông ta là "bác sĩ tử thần".
Bà mẹ gia trưởng, độc đoán
Harold Frederick Shipman sinh ngày 14 tháng 1 năm 1946 trong một gia đình trung lưu ở Anh. Kể từ khi sinh ra, hắn đã phải lớn lên trong sự quản thúc nghiêm ngặt của bà mẹ tên Vera vốn có tính gia trưởng, độc đoán và bảo thủ vô cùng.
Trong số 3 đứa con của mình, bà ta đặt niềm tin vào đứa con thứ 2 là Harold nên gọi hắn là "Fred" và quản thúc mọi mối quan hệ bạn bè của con, từ việc làm gì, ở đâu, chơi với ai và chơi như thế nào...
Trên Harold còn có một chị gái và dưới hắn cũng có một em trai kém 4 tuổi nhưng hắn là đứa con có nhiều triển vọng nhất nên bà ta lại càng quản thúc chặt chẽ và hy vọng về tương lai của cậu con trai này hơn.
Bà ta luôn coi con mình là nhất và hơn tất cả những đứa trẻ khác, điều đó đã trở thành rào cản lớn đối với Harold trong quãng đời sau đó, thậm chí còn "giết chết" các mối quan hệ của hắn, biến hắn trở thành một thiếu niên bị cô lập. Mặc dù vậy, Harold vẫn kính trọng và phải nỗ lực gấp nhiều lần để đáp ứng sự kỳ vọng lớn lao của mẹ.
Khi bà Vera được chuẩn đoán mắc căn bệnh ung thư, Harold luôn ở bên cạnh túc trực và chăm sóc và trò chuyện cùng mẹ trong những tháng ngày đau đớn chống chọi với bệnh tật. Vậy nên chính mắt hắn được chứng kiến cảnh những mũi tiêm morphine đã làm dịu cơn đau của mẹ hắn như thế nào.
Nhưng cuối cùng bà ta cũng không thể vượt được bệnh tật và qua đời vào ngày 21 tháng 6 năm 1963.
Suy sụp trước cái chết của mẹ, 2 năm sau đó hắn đã quyết tâm thi đậu vào trường đại học Y khoa Leeds. Dù vậy phải thi đến lần thứ 2 hắn mới chính thức được trở thành sinh viên trường y. Nhưng vừa đỗ đại học chưa được bao lâu, hắn lại khiến người ta ngạc nhiên khi kết hôn ở tuổi 19 với cô gái tên Primrose mới 17 tuổi. Khi cưới, Primrose đã mang thai tới tháng thứ 5.
Từ một tay bác sĩ trẻ nghiện thuốc giảm đau
Năm 1974, sau khi tốt nghiệp trường y, Harold đã được nhận vào làm ở một bệnh viện tư ở Todmorden, vùng Yorkshire sau khi thực tập ở đó. Lúc này, hắn đã làm cha của hai đứa con, sống cởi mở hơn và bắt đầu học chuyên sâu vào lĩnh vực bác sĩ gia đình nên nhận được sự yêu mến của mọi người.
Tuy nhiên, ẩn bên trong vỏ bọc "bác sĩ hoạt động tích cực" ấy là sự thật đáng sợ.
Một y tá trong bệnh viện phát hiện hắn kê quá liều thuốc giảm đau pethidine cho bệnh nhân. Cô y tá lập tức báo cho bác sĩ khác trong bệnh viện và họ vô cùng sốc khi phát hiện ra rằng những bệnh nhân được kê đơn không hề nhận thuốc và chính Harold đã sử dụng số thuốc pethidine này.
Hắn đã tiêm trực tiếp rất nhiều thuốc pethidine vào tĩnh mạch của mình. Năm 1975, hắn bị buộc thôi việc tại bệnh viện và bị đưa tới trung tâm cai nghiện đồng thời phải nộp một khoản tiền phạt nhỏ vì tội kê đơn thuốc giả mạo.
Tới những mũi tiêm chết người
Sau khi ra khỏi trại cai nghiện, vài năm sau đó, hắn được nhận vào làm bác sỹ đa khoa tại Trung tâm Y tế Donnybrook. Tại đây, hắn đã làm việc chăm chỉ, cống hiến cho bệnh viện nên nhận được sự tin tưởng của rất nhiều bệnh nhân và đồng nghiệp, mặc dù vẫn mang tiếng là người có tính kiêu ngạo.
Từ đó trở đi, trong suốt 2 thập kỷ hắn đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác mà không có bất kỳ ai phát hiện ra...
Năm 1998, một nhân viên làm trong nhà xác nhận thấy rằng số lượng bệnh nhân của Harold qua đời ngày càng nhiều mà lại đi đến cái chết rất chóng vánh. Điều kỳ lạ nữa là, hầu hết họ đều qua đời trong tư thế ngồi hoặc nằm trên ghế với quần áo ngay ngắn, chỉnh tề.
Tất nhiên, anh ta có bày tỏ sự thắc mắc với Harold về điều này nhưng câu trả lời anh ta nhận được là "không có gì phải lo lắng cả".
Sau đó, một đồng nghiệp y khoa khác của Harold, Tiến sĩ Susan Booth, cũng phát hiện ra "sự tương đồng đáng lo ngại" ấy và báo cáo lên lãnh đạo Trung tâm Y tế Donnybrook. Họ lập tức báo cho cảnh sát vào cuộc điều tra. Một cuộc điều tra bí mật được tiến hành nhưng Harold được chứng minh vô tội vì tất cả
hồ sơ đều đã được sắp xếp cẩn thận.
Sau đó, cảnh sát triển khai cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn và họ nhận ra hồ sơ Harold cung cấp là giả, hắn đã thay đổi bệnh án của bệnh nhân để chứng thực nguyên nhân cái chết của họ.
Điều khó khăn cho cảnh sát khi ấy là Harold lấy danh nghĩa bác sĩ gia đình. Họ không thể xác định chính xác được thời điểm chính xác khi hắn bắt đầu tội ác giết người hàng loạt và số lượng nạn nhân cũng không ai biết. Bên cạnh đó, hắn khăng khăng bác bỏ mọi cáo buộc từ phía các nhà điều tra.
Vậy nhưng "cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải thò ra", tội ác của hắn đã bị phanh phui nhờ nỗ lực và quyết tâm đi đến cùng câu chuyện của nữ luật sư Angela Woodruff, con gái của một trong những nạn nhân của hắn, người đã từ chối chấp nhận mọi lời giải thích mà hắn đưa ra về cái chết của mẹ cô.
Ngày 24 tháng 6 năm 1998, bà Kathleen Grundy, một góa phụ giàu có 81 tuổi được phát hiện qua đời tại nhà riêng, ngay sau chuyến thăm khám của ông bác sĩ Harold. Hắn khuyên con gái bà Kathleen không nên khám nghiệm tử thi. Vậy là thi thể bà được đem đi chôn cất theo ý nguyện của cô Angela.
Tuy nhiên, sau đó Angela giật mình khi nhận được tờ di chúc của mẹ, trong đó viết bà muốn dành phần lớn tải sản (386.000 bảng Anh) cho vị bác sĩ riêng của bà, Harold Shipman.
Là một luật sư lại luôn xử lý mọi công việc giúp mẹ, Angela tỏ ra nghi ngờ về bản di chúc được đánh máy cẩu thả ấy. Cô báo cho cảnh sát địa phương và thám tử Bernard Postles nhanh chóng vào cuộc.
Để phục vụ cho việc thu thập bằng chứng, cảnh sát buộc phải khai quật ngôi mộ của bà Kathleen, lấy mẫu tóc và quần áo để đem đi xét nghiệm.
Kết quả pháp y khiến mọi người vô cùng sốc, nguyên nhân cái chết của bà Kathleen được xác nhận là do lượng morphine trong người quá cao trong vòng 3 giờ đồng hồ trước khi qua đời, đó cũng chính là khoảng thời gian tên bác sĩ Harold tới thăm khám.
Cảnh sát được lệnh lập tức lục soát nhà của hắn bị lục soát và phát hiện các hồ sơ các bệnh án, một bộ sưu tập trang sức kỳ lạ và một chiếc máy đánh chữ đã cũ, sau này được chứng minh là công cụ để hắn giả mạo hồ sơ rồi cả bản di chúc của bà Kathleen.
Sau đó, thi thể của tất cả nạn nhân qua đời sau khi được vị "bác sĩ tử thần" này thăm khám mà chưa bị hỏa táng đều được các cảnh sát khai quật để phục vụ điều tra.
Lúc này họ mới phát hiện ra tên "bác sĩ tử thần" đó luôn đề nghị và thuyết phục các gia đình bệnh nhân nên hỏa táng người thân của họ và nhấn mạnh rằng, cái chết của người bệnh là bình thường, không cần phải điều tra thêm về nguyên nhân cái chết, ngay cả trong những trường hợp người thân chưa biết rõ nguyên nhân.
Trong trường hợp có người thắc mắc, hắn sẽ đưa ra các giấy tờ, hồ sơ bệnh án được đánh máy lưu trữ sẵn để trấn an tâm lý họ. Tuy nhiên, tên bác sĩ tàn ác đó đã không thể ngờ được rằng mỗi lần thay đổi hồ sơ trên máy tính, lịch sử chỉnh sửa đều được lưu lại và đó là bằng chứng quan trọng giúp cảnh sát phá án.
Phiên tòa xét xử
Ngày 5/10/1999, phiên tòa xét xử đầu tiên diễn ra với sự có mặt của cô Angela Woodruff với tư cách là nhân chứng. Cách nói chuyện thẳng thắn và thái độ kiên quyết của cô đã thực sự gây ấn tượng cho bồi thẩm đoàn, bất chấp rằng tên bác sĩ cố đưa ra lời lẽ phản bác.
Kết quả phân tích dấu vân tay trên tờ di chúc cho thấy cô Angela Woodruff không hề chạm tới bản di chúc, và chữ ký trên đó là giả mạo.
Đến ngày 31/1/2000, thẩm phán tòa án tuyên án tù chung thân đối với Harold Shipman vì phạm tội giết 15 bệnh nhân và giả mạo chữ ký để chiếm đoạt tài sản của bà Kathleen Grundy.
Một ủy ban điều tra, do Thẩm phán Tòa án tối cao Dame Janet Smith chủ trì, đã kiểm tra hồ sơ của 500 bệnh nhân chết trong khi được Harold chăm sóc và bản báo cáo 2.000 trang kết luận rằng có khả năng hắn giết ít nhất 218 bệnh nhân, mặc dù con số này mới chỉ là ước tính, chưa phải là con số chính xác.
Ủy ban điều tra cũng cho rằng tên bác sĩ này đã trở thành một tên sát nhân "nghiện giết người". Đến nay người ta vẫn chưa thể đưa ra được con số chính xác về số bệnh nhân đã chết dưới mũi tiêm của hắn. Nhưng dù thực tế con số là bao nhiêu thì hắn cũng là một trong những kẻ giết người chuyên nghiệp, nguy hiểm nhất trên thế giới.
Sáng sớm ngày 13/1/2004, kẻ giết người hàng loạt đáng sợ nhất nước Anh Harold Shipman đã treo cổ chết trong nhà tù Wakefield lúc 6 giờ sáng, chỉ một ngày trước ngày sinh nhật tuổi 58.