Buổi tối định mệnh
Sau khi cả nhóm hung thủ bị bắt giữ và cúi đầu nhận tội, những tình tiết cụ thể trong buổi tối xảy ra án mạng vào ngày 2/2/1986 đã được làm rõ.
Theo lời khai của những kẻ tội phạm với cảnh sát, buổi tối chủ nhật ngày 2/2/1986, cả 5 tên đã ngà ngà say sau nhiều tiếng đồng hồ cùng nhau uống rượu. Sau đó, tất cả leo lên chiếc xe mà John Travers lấy cắp một tuần trước đó cùng lang thang đi chơi. Tuy nhiên, lượng xăng trong xe lúc này đã sắp hết. Travers lập tức nêu ý tưởng với cả nhóm và quyết định đi tìm con mồi để cướp tiền đổ xăng. Lúc đó không còn sớm nên chúng phải đi một lúc khá lâu mới tìm được nạn nhân lý tưởng. Đó là Anita Cobby. Cô đang đi bộ một mình trên đường với chiếc túi xách đeo lủng lẳng ở vai.
Nhìn xung quanh không có ai, cả nhóm quyết định dừng xe ngay bên cạnh Anita Cobby. Khi nạn nhân còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Travers và Mick Murdoch lao ra khỏi xe và chạy nhanh tới kéo nạn nhân vào trong. Anita hét lên đầy sợ hãi nhưng không một ai nghe thấy tiếng cô. Tới khi nhân chứng John McGaughey nhìn thấy và chạy lại thì chiếc xe đã lao vút đi.
Chỉ vài giây sau khi bị kéo vào chiếc xe, Anita bị lột hết quần áo dù cô liên tục van xin và nói rằng mình đã có gia đình. Tuy nhiên, càng van xin, cô càng bị những tên côn đồ đánh đấm thậm tệ. Anita đã chống cự mãnh liệt nhưng không có tác dụng. Chúng giữ nạn nhân nằm trần truồng trên sàn xe ở băng sau trong khi ghé vào trạm đổ xăng và trả tiền lấy từ chiếc ví của Anita.
Ác quỷ đội lốt người
Rời khỏi trạm xăng, Travers và Mick Murphy đã thay phiên hãm hiếp Anita ở hàng ghế sau trong khi những tên còn lại lục tung túi nạn nhân.
Tới gần một nông trại, chúng dừng xe và kéo nạn nhân qua hàng rào kẽm gai. Đúng lúc này, nhân chứng Paul sau khi nghe em trai kể về chiếc xe lạ đã tìm đến đây nhưng không thấy ai. Một lúc không thấy động tĩnh gì, anh liền bỏ đi mà không biết rằng năm tên tội phạm cùng với nạn nhân đang trốn trong một lùm cỏ gần đó.
Anita lại bị những tên tội phạm lần lượt hãm hiếp và đánh đấm cho tới khi cô nằm bất động. Sau khi thỏa mãn cơn thú tính, chúng để mặc cô gái thoi thóp trên bãi cỏ.
Tuy nhiên, sự tàn ác của nhóm sát nhân không dừng lại ở đó. Trở lại chiếc xe, Travers tỏ ra bứt rứt. Hắn lăn tăn rằng Anita có thể sẽ may mắn sống sót. Nếu vậy, việc cô đã nhận diện được tất cả và nghe chúng gọi tên lẫn nhau sẽ gây bất lợi. Do đó, hắn phải chắc chắn rằng cô đã chết để bịt đầu mối.
Được sự hưởng ứng của những tên đồng phạm, Travers đã quay trở lại chỗ Anita nằm, dùng con dao hắn vẫn mang theo bên người giết chết người phụ nữ đáng thương. Xong xuôi, Travers mới hài lòng bỏ đi, để mặc nạn nhân nằm trần truồng, chảy máu cho tới chết.
Khoảng thời gian kinh hoàng mà Anita đã phải trải qua kéo dài trong hai giờ đồng hồ.
Sự căm phẫn của dư luận
Chưa đầy 1 tháng kể từ sau vụ án mạng kinh hoàng, cảnh sát thông báo với truyền thông rằng năm đối tượng đã bị buộc tội bắt cóc và giết hại Anita Cobby. Nhiều đoàn người đã tập trung tại đồn cảnh sát để bày tỏ sự phẫn nộ và đòi hỏi công lý phải được thực
thi.
Cuối cùng, phiên tòa đầu tiên xét xử 5 đối tượng liên quan đến vụ án mạng Anita Cobby cũng được diễn ra vào ngày 16/3/1987. Các dãy ghế trong phòng xử án đều chật kín. Giới truyền thông gọi đây là phiên tòa thế kỷ.
Một thành viên trong bồi thẩm đoàn đã mô tả chi tiết sự khủng khiếp mà Anita Cobby đã phải chịu đựng trước khi chết. Phiên tòa nhiều lần phải dừng lại bởi những dòng cáo trạng được đọc lên liên tục khiến những người có mặt la ó vì mức độ dã man, tàn ác của nhóm hung thủ.
Theo lời khai của những kẻ sát nhân, sau khi giết người, cả nhóm quay lại nhà của mẹ Travers để tắm rửa, vứt bỏ quần áo đang mặc. Michael Murdoch mang toàn bộ đồ đạc của Cobby ra khoảng sân phía sau nhà để đốt phi tang vật chứng. Cẩn thận hơn, chúng cũng đem chiếc xe ăn trộm đến một khu vực bỏ hoang và đốt cháy nó.
Tuy nhiên, tại tòa, các bị cáo đều hạn chế tối thiểu sự dính líu của mình đến thời khắc cuối cùng của Anita Cobby. Chúng loanh quanh đổ lỗi cho nhau, tố cáo cảnh sát đã bức cung. Murdoch và Murphy thậm chí còn khóc lóc sợ hãi.
Vài phút trước khi phiên tranh luận bắt đầu, John Travers đã thừa nhận mình chính là kẻ đã trực tiếp giết chết nạn nhân và chấp nhận mọi phán quyết của tòa án. Và khi Travers nhận tội, những tên còn lại đều tranh nhau đổ hết tội lỗi cho John Travers. Chúng nói rằng John Travers chính là chủ mưu còn mình chỉ bị lôi kéo và không liên quan nhiều đến cái chết của Anita. Song thẩm phán tuyên bố đó là lời dối trá trắng trợn, đây là vụ tấn công tình dục ghê rợn và có âm mưu từ trước.
Hình phạt cho những tên sát nhân
Ngày 10/6/1987, với các bằng chứng có được, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết có tội đối với tất cả bị cáo sau 9 giờ thảo luận. Trong thời gian chờ tòa đưa ra phán quyết cuối cùng, từng đối tượng trong băng nhóm của Travers còn bị những tù nhân khác tấn công vì quá tức giận.
Phiên tòa cuối cùng diễn ra vào ngày 16/6. Hàng trăm người đã đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ ở bên ngoài và chặn cả xe chở nghi phạm. Họ cùng hô to yêu cầu mức án cao nhất cho những tên sát nhân.
Tuy nhiên, do luật của bang New South Wales không áp dụng án tử hình, nên cuối cùng John Travers và 4 bị cáo còn lại bị Thẩm phán Tòa án Tối cao tuyên án chung thân, nhưng trong hồ sơ của chúng được đóng thêm dòng chữ “không bao giờ được phóng thích”.
Vụ án mạng của Anita Cobby đã làm công chúng vô cùng giận dữ. Các bản yêu cầu với hàng chục ngàn chữ ký ủng hộ việc tái áp dụng án tử hình đã được trao cho chính quyền bang New South Wales. Họ cho rằng những kẻ phạm tội ác tàn bạo này vẫn còn được sống là điều không thể chấp nhận được.
Sau cái chết của con gái, cha mẹ Anita đã dành cả cuộc đời còn lại để giúp đỡ cho những nạn nhân bị xâm hại. Trong khi đó, John Travers, Michael Murdoch, Les Murphy, Michael Murphy và Gary Murphy hiện đều bị giam giữ tại những nhà tù với an ninh nghiêm ngặt của bang New South Wales và tất cả đều sẽ kết thúc cuộc đời trong tù.