Tuổi thơ bất hạnh
Charles Sobhraj (tên đầy đủ là Hatchand Bhaonani Gurumukh Charles Sobhraj) sinh ngày 6/4/1944 tại Sài Gòn. Cậu bé là kết quả của mối tình chớp nhoáng giữa một phụ nữ người Việt và một người đàn ông Ấn Độ làm nghề buôn bán vải vóc. Tuy nhiên, khi Sobhraj chưa đầy tháng, người đàn ông này lấy cớ phải đi lấy hàng và bỏ rơi cô cùng đứa bé vẫn còn đỏ hỏn. Lúc này, mẹ cậu mới biết người tình của mình đã có vợ con ở quê nhà
Không nhà cửa, không tiền bạc, bơ vơ một mình với đứa con vừa chào đời, người phụ nữ đã xoay xở đủ mọi cách để sống. Sobhraj lớn lên mà chẳng biết cha mình là ai và trong sự thờ ơ, thiếu quan tâm của mẹ vì cứ mỗi lần nhìn thấy con, người mẹ này lại nghĩ đến kẻ Sở Khanh đã bỏ rơi mình.
3 năm sau, mẹ của Sobhraj đi bước nữa với với một trung úy trong đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam là Alphonse Darreaux. Người đàn ông này đồng ý trở thành cha dượng của Sobhraj nhưng không cho cậu bé lấy tên mình.
Năm 1954, quân Pháp rút về nước, Sobhraj được người cha dượng đem theo. Thời gian đầu, cha dượng đối xử rất tốt, yêu thương cậu. Nhưng mọi sự thay đổi kể từ khi mẹ cậu sinh hạ đứa con ruột đầu tiên cho ông. Càng ngày, cậu bé càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng, trở thành người thừa trong gia đình.
Đứa con bất trị
Lớn lên như một loài cây hoang dại, Sobhraj trở thành đứa trẻ bất cần, ngang bướng và phá phách mọi thứ. Ở nhà, Sobhraj là một đứa trẻ ngỗ ngược, tới trường, cậu là một học sinh cá biệt. Dù được đánh giá là một cậu bé thông minh, nhưng Sobhraj thường xuyên trốn học. Nếu có tới trường, cậu cũng quậy cho tới lúc bị thầy cô tống cổ ra ngoài mới thôi.
Trong cuốn hồi ký của mình, người đàn ông này cho biết: "Tình cảm của tôi với cha dượng rất nhợt nhạt, hầu như chẳng có ấn tượng gì. Tôi như một thứ trái cây chín hoang. Ngoài giờ học ở trường, tôi lang thang cùng đám du thử du thực trên đường phố Paris, chuyên ăn cắp để kiếm tiền chơi bời”.
Càng ngày, Sobhraj cảm thấy lạc lõng ở chính nơi mình lớn lên. Không ít lần người ta thấy một cậu bé loắt choắt đang cố len lỏi xếp hàng ở bến cảng Marseilles để trốn lên tàu tới Đông Dương. Thôn thường, Sobhraj bị chặn lại ngay từ cửa soát vé nhưng cũng có khi cậu lẻn lên được tàu lênh đênh giữa biển mới bị phát hiện và bắt trả về nhà. Không biết bao nhiêu lần mẹ và cha dượng lại phải nộp tiền để bảo lãnh Sobhraj.
Nhiều người cho rằng, những chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu chính là động cơ dẫn tới hàng loạt những tội ác của Sobhraj sau này. Càng lớn Sobhraj càng trở nên bất trị. Bố mẹ ở Pháp quá chán nản và mệt mỏi về cậu. Năm 1963, khi Sobhraj bị bắt ở Paris vì tội trộm cắp, không còn ai đứng ra bảo lãnh cho cậu nữa.
Chưa đầy 19 tuổi, Sobhraj lần đầu tiên bị giam cầm 3 năm trong nhà tù khét tiếng ở Pháp. Cậu nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với cuộc sống tàn bạo và khắc nghiệt tại đây. Tuy nhiên, cô đơn, sống chết chẳng ai quan tâm, Sobhraj đâm ra oán hận gia đình và xã hội. Cậu nung nấu một quyết tâm sẽ phải làm điều gì đó để một ngày những người ruồng bỏ cậu sẽ phải hối hận.
Tù
nhân khôn ngoan
Tại nhà tù khắc nghiệt bậc nhất nước Pháp, Charles Sobhraj phải cố gắng nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với cuộc sống. Cũng như các “ma mới” khác, khi cánh cửa nhà tù vừa đóng lại sau lưng, Sobhraj lập tức bị bắt nạt và bị đưa ra làm “công cụ” giải trí. Tuy nhiên, cuộc sống đường phố đã tôi luyện cho tù nhân này sự ngang tàng dù tuổi đời còn trẻ và vóc dáng nhỏ bé vì mang trong mình dòng máu châu Á.
Thêm vào đó, biết tận dụng vài món karate học “mót” được từ lúc còn lang thang với đám bạn đường phố, Sobhraj có cuộc sống khá dễ thở.
Không chỉ kết thân được với các “đại ca” trong nhà giam, cậu còn lấy lòng được các quản ngục. Được tin tưởng giao cho giữ các sổ sách ghi chép trong nhà giam, Sobhraj không phải làm việc nặng nhọc và được đi lại tự do trong nhà tù. Ngoài ra, nhờ biết ngoại ngữ nên thỉnh thoảng Sobhraj vẫn được ban giám thị gọi đi phiên dịch.
Nhờ sự khôn ngoan và tài ăn nói, Sobhraj gây được ấn tượng tốt với nhiều người, trong đó có Felix d'Escogne, nhà hảo tâm giàu có thường đến thăm nom các tù nhân, giúp họ chuyển thư từ hoặc giải quyết một số vấn đề pháp lý. Cảm thương cho cậu bé mặt mũi sáng sủa, thông minh nhưng sớm vướng vòng lao lý, ông Felix d'Escogne thường xuyên gặp gỡ, động viên Sobhraj, mang sách báo cho anh ta đọc. Chẳng mấy chốc 2 người trở nên thân thiết. Felix thậm chí còn tìm đủ cách để Sobhraj hòa giải với gia đình.
"Nhờ ông Felix, tôi học hỏi được rất nhiều điều, chủ yếu là kỹ năng sống, cách ứng xử trong giao tiếp. Chính tác phong của ông Felix đã làm tôi bỏ hẳn tật chửi thề - là thói quen mà tôi tiêm nhiễm trong những ngày lê la trên đường phố", Sobhraj viết trong cuốn hồi ký sau này.
Cuộc sống thượng lưu
Nhờ quan hệ và quá trình cải tạo tốt, Charles Sobhraj được ân xá trước thời hạn, khi mới chỉ ngồi tù được 3 năm. Nơi đầu tiên Sobhraj tìm đến là nhà ông Felix. Tại đây, cựu tù nhân được chủ nhà hết sức chào đón và giúp đỡ. Sobhraj chuyển đến sống trong ngôi nhà sang trọng của Felix.
Chỉ vài tháng, Sobhraj lột xác hoàn toàn. Với những bộ quần áo vest cắt may rất khéo, giày da Italia, cravat lụa tơ tằm Ấn Độ, Sobhraj thường xuyên cùng Felix xuất hiện trong những bữa tiệc của giới thương lưu, làm quen và kết thân với những gia đình giàu có nhất nhì Paris lúc đó.
Ông Felix không bao giờ kể về quá khứ của Sobhraj mà chỉ nói rằng anh ta là con của một sĩ quan Pháp ở Việt Nam và vì chiến tranh nên gia đình buộc anh ta phải sang Pháp.
Tuy nhiên, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như ly cà phê buổi sáng cũng phải nhờ vào ông Felix khiến Sobhraj không thoải mái. Sobhraj mơ ước một cuộc sống như ân nhân nhưng do chính mình tạo ra. Cuối cùng, Sobhraj nhanh chóng quay lại con đường cũ, hoạt động khôn khéo và tinh vi hơn..
Kể từ đó, Sobhraj sống một cuộc đời hai mặt. Nửa thời gian, Sobhraj thuộc thế giới hào nhoáng sang trọng cùng Felix. Nửa thời gian còn lại, nam thanh niên này sống trong thế giới tội ác ngầm ở Paris.