Nơi Nào Xuân Sinh

Chương 14


trước sau

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Trên đời này, tất cả những niềm vui và nỗi thống khổ đều có thời hạn, thống khổ quá mức, thế nào cũng sẽ có cái chết đến giải cứu.

Sau khi cha qua đời, Hà Xuân Sinh thôi học. Làm tuần xong, hắn vào thành phố làm công, làm nhân viên phục vụ quán ăn, làm công nhân công trường, còn làm bảo vệ một thời gian dài.

Rốt cuộc hắn cũng phát hiện ra, cô độc cũng không có gì không tốt, một người ăn no cả nhà không đói bụng, hắn không cần phải nghĩ đến người nào khác ngoài bản thân mình. Đàn ông chỉ cần chịu khó, sẽ không chết đói.

Hắn nhớ tới cha mình. Chỉ cần rảnh rỗi, hắn sẽ nghiên cứu mớ sách vở cha để lại. Trong đó ngoại trừ những hoa văn bản địa lưu truyền, còn có một ít thứ tâm đắc cha tự nghĩ ra, bao gồm chế chàm và khắc hoa. Đặc biệt nhất là, quyển sách này ngoài ghi lại hoa văn bản địa, kỹ thuật nhuộm vải bằng hồ của địa phương, còn có kỹ thuật nhuộm bằng sáp mà cha hắn không biết tham khảo ở phường nhuộm nào rồi ghi lại, hơn nữa ông còn tự nghĩ ra một ít phương pháp có thể thay đổi sắc độ của màu xanh lam, cách dùng ống đựng hồ để phác thảo những nét mảnh vẽ hoa văn hoặc bông tuyết, dùng sáp để tạo họa tiết ngôi sao... Hà Xuân Sinh từ nhỏ mưa dầm thấm đất, cũng có bộ công cụ cha hắn truyền lại, ngày nghỉ, hắn về thôn chế màu chàm, vẽ hoa văn, chạm trổ khuôn hoa, còn thí nghiệm phương pháp nhuộm mới của cha, nhuộm một ít vải bông hoặc vải bố, rồi dùng máy may của mẹ may thành khăn quàng cổ đơn giản. Ngày làm việc, đêm mang đến chợ đêm trong thành phố bày sạp bán. Kiếm được tiền, ngoại trừ sinh hoạt phí, hắn cũng sẽ đi mua sách công bút (*) về luyện tập. Cha hắn khi còn sống luôn nói với hắn, nếu muốn làm ra loại hoa văn xinh đẹp mà không tục tằn, tay nghề công bút (*) phải vô cùng vững chắc.

Hà Xuân Sinh không nghĩ đến Tiêu Thệ nữa. Tiêu Thệ cũng như cha mẹ hắn, cũng như bộ quần áo dính máu bị đốt đi kia, đã biến thành quá khứ, chôn kín trong ký ức hắn. Từ lúc bắt đầu mưu sinh, hắn rốt cuộc cũng ý thức được sự ấu trĩ buồn cười của mình, ý thức được hắn và Tiêu Thệ khác nhau bao nhiêu. Bọn họ như mây với bùn, một bay trên trời, một bị người đạp dưới chân. Tiêu Thệ sẽ đọc thật nhiều sách, thi đại học, tìm được công việc thật tốt, sẽ có tiền đồ khiến người ước ao. Có lúc hắn cảm thấy, nếu đời này vẫn còn có thể gặp lại Tiêu Thệ, có khi hắn cũng không có dũng khí đến bắt chuyện cùng cậu.

Đại đồ đệ Diệp Thanh Thanh lần đầu tiên xuất hiện trước sạp hàng của hắn là vào mười một năm trước. Khi đó chị đã 30 tuổi. Chị say mê nhìn chiếc khăn quàng cổ màu xanh hoa trắng của hắn, lập tức mua mười cái.

Sau đó chỉ cần Hà Xuân Sinh bày sạp là sẽ gặp được chị, có lúc đến mua khăn quàng cổ, có lúc chỉ nói chuyện phiếm với Hà Xuân Sinh, đa số thời điểm là chị nói, hắn chỉ nghe. Cuối cùng chị nói muốn bái hắn làm sư, học món nghề này của hắn.

Hà Xuân Sinh nói với chị, hắn không rảnh để dạy đồ đệ. Thứ hai đến thứ bảy, ban ngày hắn phải làm bảo vệ nhà trẻ, tối thì bày sạp, chỉ có chủ nhật hắn mới rảnh về quê chế chàm, vẽ tranh, khắc hoa và nhuộm vải.

"Mỗi tháng cậu kiếm được bao nhiêu tiền?" Diệp Thanh Thanh hỏi hắn.

"Bảo vệ tám trăm, bán khăn quàng cổ khoảng ba đến năm trăm."

"Tôi trả cho cậu mỗi tháng một ngàn rưỡi tiền học phí, cậu dạy tôi nhuộm bố được không?"

Hà Xuân Sinh không muốn nhận lời, bởi vì chỉ một tháng là hắn sẽ dạy xong Diệp Thanh Thanh, lẽ nào lại vì một ngàn rưỡi khối này mà phải mất đi công việc được nghỉ chủ nhật mà hắn vất vả lắm mới tìm được?

Diệp Thanh Thanh nói: "Tôi có thể đầu tư cho cậu làm cái này. Ngày nào cậu chưa đi vào quỹ đạo, ngày đó tôi nuôi cậu."

Hà Xuân Sinh 21 tuổi, đã tự lực cánh sinh bảy năm trời, đối với một người phụ nữ nói "sẽ nuôi hắn", cảm giác cũng không dễ chịu gì. Có lẽ người làm nghệ thuật đều hào sảng như vậy cả, lúc nói câu này, Diệp Thanh Thanh cũng không nhận ra điều gì.

"Tôi không cần phụ nữ nuôi." Hà Xuân Sinh nói, khuôn mặt hắn vừa trẻ vừa anh tuấn, còn mang theo vẻ trầm tĩnh không hợp tuổi. Hai ba năm nay, có cô gái theo đuổi hắn, nhưng hắn chưa từng để trong lòng.

Diệp Thanh Thanh cười lớn: "Tiểu Hà, cậu hiểu lầm rồi!"

Hôm sau, Diệp Thanh Thanh dắt một cô gái rất đẹp đến trước sạp hàng của Hà Xuân Sinh, giới thiệu với hắn: "Đây là Lâm Tĩnh, vợ tôi."

Đó là lần đầu tiên Hà Xuân Sinh biết được, hóa ra đồng tính cũng có thể sống chung.

Hà Xuân Sinh vẫn không nhận lời Diệp Thanh Thanh, hắn chỉ đồng ý chủ nhật sẽ đưa Diệp Thanh Thanh về quê, để chị xem hắn làm. Chị nói sẽ cho tiền hắn, hắn lại không nhận.

Diệp Thanh Thanh không có cách nào thuyết phục Hà Xuân Sinh —— trong quan niệm của Hà Xuân Sinh, làm ăn phải có vốn, rủi ro cao, giống như cha mẹ hắn vậy, họ đã từng xem nghề nhuộm vải là làm ăn, cuối cùng lại thành ra như vậy. Hà Xuân Sinh cố chấp nhuộm vải lam, chỉ là dùng việc này để tưởng nhớ cha mẹ, an ủi vong hồn bọn họ trên trời.

Diệp Thanh Thanh cứ dây dưa mãi, Hà Xuân Sinh rốt cuộc cũng đồng ý với chị, vẽ ra một vài hoa văn phức tạp, nhuộm một mảnh vải bố lớn để chị may váy.

Mấy tháng sau, Diệp Thanh Thanh nói chị tìm được người mua giúp Hà Xuân Sinh rồi, bọn họ thích thứ vải vóc vừa tràn ngập bản sắc dân tộc lại vừa độc đáo của hắn. Thế nhưng Diệp Thanh Thanh làm sao tìm được, chị cũng không tiết lộ cho Hà Xuân Sinh, mà Hà Xuân Sinh cảm thấy cho dù mình có nghe cũng không hiểu được.

"Vậy bây giờ cậu nhận tôi làm đồ đệ được rồi chứ? Mỗi tháng tôi đưa cậu một ngàn rưỡi tiền học phí, làm trợ thủ cho cậu, giúp cậu bán hàng, có điều cậu chia cho tôi năm phần lợi nhuận, trước tiên chúng ta ký hợp đồng một năm, được không?"

Hà Xuân Sinh không có cách nào lý giải được suy nghĩ của Diệp Thanh Thanh,
chấp niệm của chị đối với việc theo đuổi "cái đẹp" vượt xa người thường, tuy rằng Hà Xuân Sinh cho rằng "cái đẹp" này không đáng giá chút nào. Chị có tiền, hơn nữa còn rất rảnh rỗi. Đương nhiên Hà Xuân Sinh cũng không hỏi rốt cuộc chị làm gì, hắn biết trong thành phố, có mấy người rất giỏi đầu thai, chỉ cần thu tiền cho thuê thôi cũng đủ giàu rồi.

Khi còn bé, không chỉ một lần, hắn nghĩ vải lam nhà bọn họ đẹp như vậy, tại sao không có ai thích? Nhưng ngay sau đó cẩn thận suy nghĩ lại, lúc hắn học trung học cơ sở, cho dù không có quần áo mặc, thế nhưng bảo hắn mặc quần áo vải hoa đó đi trên đường rồi ai cũng nhìn mình, hắn cũng không muốn. Chỉ có thể dùng một từ để miêu tả vẻ xinh đẹp lỗi thời đó —— cổ lỗ sĩ.

Diệp Thanh Thanh đưa cho hắn xem một vài video biểu diễn thời trang của nước ngoài, có một series quần áo lấy vải bố lam làm chủ đề. Hệt như Hà Xuân Sinh tưởng tượng, thứ vải bố đó thích hợp để thiết kế, mặc lên người người mẫu trông xinh đẹp cực kỳ. Thế nhưng Hà Xuân Sinh xem kỹ hơn, lại cảm thấy hoa văn trên mớ vải bố kia không đủ đẹp, màu nhuộm không khéo, cũng không đủ sống động.

Nhưng Diệp Thanh Thanh nói cho Hà Xuân Sinh biết, nguyên liệu nhuộm thứ vải này không phải màu chàm mà là thuốc nhuộm hóa chất, những họa tiết kia cũng mô phỏng theo họa tiết dân tộc mà nhuộm ra. Mấy năm nay, có vài nhà thiết kế bắt đầu nhuộm màu theo phương pháp dân tộc, dùng thuốc nhuộm tự nhiên nhuộm vải thủ công, nếu như có hoa văn độc đáo, lại càng được ưu ái. Diệp Thanh Thanh trước đây nhờ người đem vải Hà Xuân Sinh nhuộm ra nước ngoài liên lạc với họ, họ đặt hàng.

"Đây là bước đầu tiên." Diệp Thanh Thanh thần thái sáng rực, nói, "Tôi và Lâm Tĩnh định mở một phòng làm việc trong nước, tôi không tin truyền thống dân tộc không thể một lần nữa rực cháy trong thị trường quốc nội. Hiện tại có lẽ cậu vẫn chưa có mắt thẩm mỹ hợp thời, nhưng mười năm nữa, cậu chờ xem! Chắc chắn sẽ khác, trên đường phàm đứa con gái thích làm đẹp nào cũng sẽ không chịu mặc quần áo giống người khác như đúc!"

"Sư phụ, sản phẩm nhà cậu nhất định có thể rạng danh một lần nữa. Tôi đi khắp tỉnh, chỉ có một mình cậu là người trẻ tuổi mà còn làm tương nhuộm, sáp nhuộm màu lam, người truyền thừa của những gia đình khác nếu không phải rất già thì đã sớm ra ngoài làm công. Không còn ai làm, nghề này sắp thất truyền rồi." Diệp Thanh Thanh nắm tay Hà Xuân Sinh, nói, "Nếu cậu muốn làm, nhất định phải dạy đồ đệ, bằng không mấy chục năm nữa, có lẽ thế giới sẽ không còn cơ hội được nhìn thấy được những tấm vải nhuộm lam xinh đẹp như vậy nữa đâu. Những chuyện khác cậu không cần lo lắng, tôi và Lâm Tĩnh sẽ quyết định!"

Hà Xuân Sinh rốt cuộc cũng nhận lời Diệp Thanh Thanh. Hắn nghĩ nếu quả thật thất bại, cùng lắm thì lại đi làm công, dù sao hắn cũng còn trẻ, mà những công việc hắn làm cũng không quá quan trọng, ngoại trừ kiếm được ít tiền ra, lại không thể đem đến giá trị hay niềm vui nào khác, chỉ có thể khiến hắn cảm thấy mình sống như một con cá giãy dụa giữa bùn lầy.

Bắt đầu từ hôm nay, ít nhất một năm nữa, hắn có thể chuyên tâm nghiên cứu những hoa văn cha hắn để lại, cũng có thể giống cha hắn sáng tác một ít thứ mới. Hắn muốn biên soạn thành một quyển sách, đem kinh nghiệm của cha mẹ và những sáng tạo của hắn viết hết vào đó, như vậy, cho dù không có đồ đệ và đời sau, khi hắn già, chết đi, nghề này cũng sẽ không thất truyền.

Hà Xuân Sinh là người thích học hỏi, bằng không cũng sẽ không trở thành đứa trẻ duy nhất trong thôn thi đậu vào trường trung học số một. Chẳng qua hoàn cảnh gia đình lúc đó khiến hắn thực sự không thể an tâm hưởng thụ cảm giác yên bình giả tạo do trường học mang lại.

"Nhật xuất giang hoa hồng thắng hỏa, xuân lai giang thủy lục như lam." Những lúc tĩnh tâm lại, nhớ tới câu trả lời kia của Tiêu Thệ, hắn lại thầm lặp lại rất nhiều lần, "Cỏ lam vốn có màu xanh lục, nhưng lại làm ra thuốc nhuộm màu xanh lam." Hắn nhớ lúc đó cái gáy trắng nõn của Tiêu Thệ lộ ra ngoài cổ áo, nhớ từng bộ dáng của cậu —— ký ức con người sẽ rơi rụng dần theo thời gian, thế nhưng dáng vẻ Tiêu Thệ vẫn cứ khắc sâu vào đầu hắn, bất kể qua bao lâu cũng không hề phai nhạt.

- ----

Chú thích của editor:

(*) Công bút (Gongbi):

Công bút hay còn gọi là "Tế bút họa" là thuật ngữ chỉ một họa pháp trong Trung quốc họa. Về ý nghĩa nó tương phản với "Tả ý".

Không giống trong thể loại Tả ý xem nhẹ việc miêu tả hiện thực mà đề cao cảm xúc cá nhân. Công bút hướng tới sự công chỉnh, tinh mỹ, chú trọng miêu tả chân xác sự vật. Để hoàn thành một tác phẩm công bút đòi hỏi thời gian lâu dài, trải qua các giai đoạn: phác thảo - can hình - đi nét - lót màu - phủ màu - chồng màu nhiều lớp... Một tác phẩm công bút đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì rất cao của người vẽ.

Cho đến giờ Công bút cùng với Tả ý vẫn là hai họa pháp chiếm giữ địa vị chủ chốt của Trung quốc họa hiện đại.

Nguồn: Fanpage Chuyện THƯ chuyện HỌA

Một số tranh vẽ theo phương pháp này:





Huhu ai đang đọc bộ này cho Sa xin vài vote tạo động lực với, Sa cu đơn quáaaaaa

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện