Quả nhiên, không ngoài dự đoán của Đường Hoan, hai tháng trước khi cô cập kê[1], phủ Trung Dũng Hầu quyết định chuyển tới kinh thành.
Sáng sớm, trước khi xuất phát, tất cả mọi người đều đang kiểm kê lại vật tư, xem có mang thiếu đồ gì hay không.
Chẳng tốn nhiều sức, Hiên Viên Võ xách hai rương gỗ rất to, sải bước, tiến về phía đoàn xe.
Nhìn thấy hai rương gỗ này, quản gia đang làm công tác kiểm kê đồ đạc trở nên khó xử.
Tuy rằng có một trăm chiếc xe nhưng vẫn còn rất nhiều đồ không thể mang theo, hai rương này lại đựng những thứ Quận chúa không cần nữa: sách Quận chúa đã đọc, chỗ nào cũng bán, không phải bản giới hạn; một vài món đồ chơi hồi Quận chúa mới tới, cô đã không thích từ lâu, ném vào nhà kho, chẳng thèm động tới.
Bây giờ, vị này còn xách ra đây làm gì?
Hiên Viên Võ cố chấp nói: “Tất cả những thứ này đều phải mang đi.”
Quản gia giải thích với anh: “Võ thiếu gia, đồ vật trong rương này toàn là những thứ Quận chúa bỏ đi, không cần thiết phải mang theo.”
Hiên Viên Võ mặc kệ, hoàn toàn không nghe lọt tai một từ nào cả: “Sách của Quận chúa, phải mang theo, quần áo cũng phải mang theo, còn cả đồ chơi của Quận chúa nữa, đều phải mang theo.”
Không được bỏ đi bất cứ một món đồ nào của Quận chúa, chẳng may bỗng nhiên cô thích lại những thứ đó thì sao bây giờ?
Hiên Viên Võ cực kỳ “vững chắc”[2], một khi anh đã quyết định thì hoàn toàn không thèm nghe ai khuyên bảo.
Quản gia: “……”
Nếu không phải vì Quận chúa bồi dưỡng ngươi, ngươi cho rằng ta sẽ nhiều lời với một thứ tử ngu ngốc như ngươi ư?
Quản gia chỉ có thể kiềm chế lửa giận trong lòng, đi bẩm báo Trung Dũng Hầu.
Trung Dũng Hầu nhàn nhạt trả lời: “Tùy nó đi.”
Nếu đứa con thứ do thị thiếp sinh ra này có thể ôm chặt “đại thụ” Quận chúa Bình An thì cũng coi là một loại phúc phận.
Nhìn thấy quản gia cột chặt hai chiếc rương lên xe ngựa, Hiên Viên Võ mới hứng khởi rời đi.
Đi trên sân viện, bà vú Tống vui quên trời đất[3], vừa đỡ Đường Hoan, vừa nói: “Khoảng mười ngày, nửa tháng là tới kinh thành, lễ cập kê của Quận chúa, Vương phi có thể tự tay chuẩn bị rồi. Lúc đó, chắc chắn sẽ làm chấn động toàn bộ kinh thành!”
Đường Hoan: “……” Làm màu thì phải trả giá, cô am hiểu sâu sắc
đạo lý này.
“Một nhà có con gái, trăm nhà hỏi[4], không biết có bao nhiêu vị công tử vương công quý tộc sẽ khuynh đảo vì Quận chúa đây?”
Tuy tính tình Quận chúa nhà mình hơi quái đản một chút, nhưng, bà vú Tống đã tận mắt nhìn cô trưởng thành nên bà chẳng cảm thấy có vấn đề gì cả, bà coi cô như đứa con của mình vậy.
Đường Hoan: “……” Nhiều người khuynh đảo thì có tác dụng gì, chẳng may cô gả cho người khác, boss phản diện sẽ ra sao?
Khi Đường Hoan đi qua, Hiên Viên Võ mới bước ra từ sau gốc đại thụ, anh cảm thấy không vui.
Một nhà có con gái, trăm nhà cầu.
Trước kia, phu tử đã dạy qua câu này, anh cũng lờ mờ hiểu nghĩa.
Hiên Viên Võ rầu rĩ không vui, trạng thái này của anh kéo dài đến tận lúc xuất phát. Khi anh nhìn thấy có tên phu xe muốn lên đánh xe cho quận chúa thì lập tức nổi giận, vội vàng đi qua. Cậy có ưu thế về chiều cao, anh xách cổ áo người ta, kéo xuống, sau đó, anh ngồi lên đầu xe.
Anh cũng chẳng thèm quan tâm xem huynh đệ nhà mình nói gì đằng sau…
“Nhìn thằng ngốc kia kìa, nó thật sự coi bản thân nó thành tôi tớ!”
“Quả thật làm mất mặt Hiên Viên gia. Tuy nó chỉ là thứ tử nhưng dù gì cũng mang mác thiếu gia họ Hiên Viên, ấy vậy mà việc của hạ nhân, nó đều làm hết!”
“……”
[1]cập kê: cập(及) là đạt tới; kê(笄) trâm cài; Theo Kinh Lễ, người con gái thời xưa khi đến tuổi 15, thì làm lễ cài trâm, tỏ là đã đến tuổi lấy chồng.
[2]Ở đây, tác giả dùng tử trục(轴): ngôn ngữ địa phương của phía bắc, dùng để chỉ một người hay để tâm vào những chi tiết nhỏ, nghiêm túc, không biết lươn lẹo và cứng đầu, khi đã quyết định việc gì thì không nghe ai khuyên bảo.
[3]Hoan thiên hỷ địa(欢天喜地): vui trời mừng đất → chỉ trạng thái vô cùng vui vẻ.
[4]一家有女百家求, 一馬不行百馬憂: Một nhà có gái, trăm nhà hỏi, một ngựa không đi, trăm ngựa lo.