Đến lúc đội kỵ binh của Kỷ Trác Vân tới được thành Nghiêm Châu, trời đã nhá nhem. Bọn họ gọi vệ binh thủ thành, yêu cầu mở cổng thành cho vào, Kỷ Trác Vân theo quy tắc lấy lệnh bài đại diện cho thân phận ra.
Một tiểu binh trẻ tuổi vội vã vào thành thông báo, nhưng Kỷ Trác Vân đợi đến canh ba, cổng thành Nghiêm Châu vẫn đóng chặt, một vài lưu dân muốn vào thành cũng bị đuổi đi.
“Tướng quân, chúng ta không thể đợi nữa, các huynh đệ đã chịu nhiều cực khổ, vượt hiểm nguy mới tranh thủ được ít thời gian, không thể lãng phí như vậy. Thứ sử Nghiêm Châu chắc chắn là sợ chết nên không dám mở cổng, chúng ta nhanh đi tìm thành khác thôi.” Một trưởng kỵ binh nói.
Hắn vừa dứt lời, rất nhiều quân lính kêu gào, tất cả mọi người đều đã bôn ba cả đêm, mệt mỏi sợ hãi khiến bọn họ suy sụp, sắp không chịu nổi nữa rồi.
Kỷ Trác Vân nhìn những binh lính đã vào sinh ra từ với mình, trên khuôn mặt trẻ trung hiện lên vẻ mệt mỏi, buồn thương. Bởi vì quyết sách sai lầm của hắn đã khiến hơn nửa binh lính phải trả giá bằng tính mạng, hắn phải liều chết bảo vệ những người còn lại.
Hắn mang theo đội kỵ binh tiếp tục xuôi xuống phía nam, ven đường đi qua Mục Châu và Khâu Châu, dù bọn họ có thương lượng thế nào cổng thành cũng không mở. Lúc này đã qua hơn một ngày sau trận đánh bất ngờ với quân Tề Dự, những binh lính bị thương không kịp cứu chữa lần lượt tử trận.
Dù sao đây cũng là lần đầu tiên Kỷ Trác Vân chỉ huy quân đội, nhìn cục diện sầu thảm thế này, trong lòng hắn vừa lo vừa giận. Hắn vạn lần không nghĩ tới Thứ sử của những tòa thành này vì tư lợi, không muốn bị liên lụy nên không thèm để ý đến sống chết của bọn họ.
Nhưng Kỷ Trác Vân không biết là, trong hai năm nay, những Thứ sử ở biên thành đã thần hồn nát thần tính với chuyện chiến tranh, hơn nữa thổ phỉ và lưu dân quấy rầy, khiến bọn họ khổ không nói nổi, nào có tâm lực tiếp nhận thêm một đội quân thất bại. Huống chi ai biết trong đội ngũ có người của Tề Dự quốc hay không? Nhìn vào vết xe đổ của thành Hào Châu, bọn họ cũng biết, đến thời điểm cấp bách cũng chỉ có thể dựa vào quân thủ thành, trông cậy vào quân cứu viện của triều đình đúng là nằm mơ giữa ban ngày. Cho nên, ba thành liên tiếp không mở cổng cũng không phải không có đạo lý.
Lúc đội quân của Kỷ Trác Vân tiếp cận thành Hào Châu, truy binh đã đuổi kịp bọn họ, nhưng vì quá ít nên bị tiêu diệt. Trên mặt mỗi kỵ binh đều mang hàn ý và sự quyết tuyệt, trong lòng sáng như tuyết, nếu cổng thành Hào Châu không mở ra, nơi
này sẽ là nơi an táng của bọn họ.
Mái tóc đen của Kỷ Trác Vân rối tung, khuôn mặt thang thương, hai mắt đỏ ngầu, sau khi nói rõ thân phận với binh lính thủ thành thì bắt đầu chờ đợi. Cả đội ngũ không ai nói một lời, yên tĩnh, nghiêm túc, trang trọng, chờ sống hoặc chờ chết.
Lúc cổng thành sơn đỏ loang lổ từ từ mở ra trước mắt họ, tất cả mọi người như chào đón một cuộc sống mới. Họ thúc ngựa chạy vội vào, tiến vào trong thành ngay ngắn trật tự, không làm kinh động đến bách tính.
Lần đầu tiên Kỷ Trác Vân và Hàn Cẩm Khanh gặp nhau trong một quán nhỏ đơn sơ ở Hào Châu. Hai người cùng ngồi xuống, uống rượu tán gẫu, vì tuổi tác cũng tương đương nên khi nói đến việc triều chính cũng không thiếu điểm chung. Dù sao Hàn Cẩm Khanh cũng có kinh nghiệm dốc sức làm việc chốn quan trường nhiều năm, lại lớn hơn mấy tuổi, nhiều kiến thức hơn so với Kỷ Trác Vân sinh ra trong thế gia. Thường thường là Hàn Cẩm Khanh nói, Kỷ Trác Vân gật đầu phụ họa. Vì vậy mà từ tôn trọng lúc đầu, Kỷ Trác Vân trở nên tín nhiệm Hàn Cẩm Khanh.
Đội ngũ kỵ binh ở Hào Châu được chăm sóc tốt, bắt đầu tiến hành thao luyện mỗi ngày. Những vệ binh đóng giữ thành Hào Châu được Thứ sử cổ vũ nên có rất nhiều người gia nhập đội kỵ binh, bắt đầu thao luyện. Trong thời gian ngắn, một đội ngũ mấy trăm người đã lên đến hơn hai ngàn người.
Hàn Cẩm Khanh bày mưu nghĩ kế, sau nhiều lần mật đàm với Kỷ Trác Vân đã lên một phương án đánh úp hoàn chỉnh. Mùa xuân năm chín mươi mốt Hưng Hòa vương triều, Hàn Cẩm Khanh và Kỷ Trác Vân dẫn đội kỵ binh lúc đấy đã gần ba ngàn người, mang đồ ăn ba ngày, tử chiến đến cùng, thành công đánh úp quân chủ lực của Tề Dự quốc, khiến quân địch tổn thất nghiêm trọng.
Sau chiến dịch này, thanh danh của hai người đại chấn, danh chấn triều đình và dân chúng. Thánh thượng vui mừng, Kỷ Trác Vân được ghi công, Hàn Cẩm Khanh nhanh chóng được triệu về kinh thành, chức quan thăng hai cấp. Rất nhiều binh lính thủ thành tham gia trân đánh cũng được ban thưởng, sau đó họ đều tự nguyện ở lại Hào Châu đóng giữ, quân lực trong thành từ đó lớn mạnh hơn rất nhiều.