Nửa Chén Rượu

Gió Thu


trước sau

Mai táng xong ba cỗ thi thể đã là giờ Dần.

Lúc khắc bia cho đồ tể ta do dự rất lâu, cuối cùng chỉ khắc sáu chữ “Mộ của thích khách vô danh” giống hệt hai cỗ thi thể kia. Ta chôn bọn họ ở ngoài thành Trường An, để họ trở thành nắm cát vàng bên dòng Vị Thủy, sau này có gió mát trăng thanh làm bạn.

Lúc quay về ta trông thấy Phương nương tử vẫn bất chấp lệnh cấm đi lại ban đêm, đi khắp nơi tìm chồng. Cô con gái lớn của nhà họ Phương nhẹ nhàng khuyên mẹ về nhà, nhưng chưa nói cho mẹ biết sự thật đồ tể họ Phương đã chết. Người tuần phố ban đêm phát hiện ra hai người thì lạnh lùng đuổi họ về nhà.

Trở về nhà là lúc trời sắp sáng.

Ta tìm thấy Thạch Thu Phong trong một con hẻm vắng. Hắn dựa vào góc tường, nửa người đẫm máu, yếu đến nỗi không có sức nở một nụ cười với ta, thế nhưng đôi mắt hắn lại rực sáng như vừa niết bàn trùng sinh.

Bên tay hắn là nửa chén rượu còn lại, đêm qua lúc ta mới gặp hắn, hắn cũng uống nửa chén rượu trước khi rút đao, như thể đó là một nghi thức.

Thạch Thu Phong giơ tay ra hiệu ta đưa chén rượu cho hắn.

Ta không thể không nhắc nhở hắn, “Uống rượu sẽ khiến vết thương của ngươi nặng thêm.”

Hắn cười mệt nhọc, “Ta biết.”

“Sao phải uống nửa chén rượu sau khi thu đao?” Ta hỏi.

“Chúc mừng sống sót qua tai nạn.” Hắn đáp.

Ta nhìn vào mắt hắn, “Vậy vì sao trước khi rút đao lại uống nửa chén rượu?”

“Lỡ như có đi không về, trước khi chết đã được vui vẻ.”

Hắn cười cười, “Đây là chuyện sư phụ dạy ta, ông nói sống chết chỉ là chuyện nửa chén rượu, đừng để quá mức.”

Lúc nói câu này ánh mắt hắn lạnh lùng hờ hững, trong đôi mắt thiếu niên không có vẻ lặng lẽ bình thản, không có vui mừng cũng chẳng có luyến lưu.

Ta thấy hắn dùng bàn tay nhuốm máu run rẩy nhận ly rượu, “Người ngươi nói là Tông chủ Mai Tông?”

“Không phải ông ta.” Hắn nói, “Sư phụ của ta là đao khách Mạc Bắc.”

Chuyện hỗn loạn trên giang hồ cũng chỉ là chút thị phi, ân oán tình thù, qua bao năm vẫn chẳng đổi thay. Chỉ có điều thiếu niên có ân báo ân, có thù báo thù năm ấy đã trở thành người đánh mất trái tim, vừa nhớ nhung đồng đạo bị giang hồ chôn cất bởi những yêu hận tình thù, vừa dùng một tay che trời mai táng thiếu niên ôm yêu hận tình thù trên giang hồ.

Hai mươi năm trước, có đao khách Mạc Bắc một mình xông xáo đi vào Trung Nguyên, liên tiếp đánh bại mấy hiệp sĩ Trung Nguyên, cuối cùng thua dưới kiếm của công tử nhà họ Hoài – Hoài Vô Nhai. Người trước từ nay không gượng dậy nổi, người sau thành danh sau trận chiến này, gây chấn động giang hồ. Hai mươi năm trôi qua, sau khi đao khách buồn bực qua đời, một đệ tử của đao khách Mạc Bắc kế thừa y bát lại đến Trung Nguyên, lập lời thề đánh bại người năm đó làm sư phụ buồn bực không vui.

Công tử Hoài gia ngây ngô ôm một bầu nhiệt huyết năm ấy, bây giờ đã trở thành gia chủ nhà họ Hoài làm mưa làm gió trên giang hồ. Sau khi phát hiện đệ tử của đao khách liên tục đánh bại mấy danh đao Trung Nguyên là không ổn, thì từ chối không gặp đệ tử của đao khách, đồng thời phong tỏa tin tức danh đao Trung Nguyên bị đao khách Mạc Bắc đánh bại.

Đệ tử đao khách rơi vào đường cùng đành phải hỏi thăm nơi ở của gia chủ nhà họ Hoài khắp nơi. Hắn vô tình phát hiện ra những kẻ cầm quyền âm thầm vơ vét của cải, vì mưu tài mà giết hại người khác, thế là hắn lấy thân phận đệ tử ngoại môn của Mai Tông âm thầm lẻn vào Mai Tông Giang Bắc có quan hệ mật thiết với nhà họ Hoài. Từ lúc bắt đầu công bố bí mật của Mai Tông, chỉ trong vòng nửa năm đã lật úp một nửa thế lực mà gia chủ nhà họ Hoài lung lạc để thống nhất giang hồ.

Sau khi bị thương nhẹ, đệ tử đao khách tiến về nơi ở của gia chủ nhà họ Hoài ở Trường An, định bụng chữa khỏi vết thương sẽ dựa vào bí mật mình nắm giữ ép gia chủ nhà họ Hoài ra mặt, cùng hắn đường đường chính chính phân cao thấp. Không ngờ gia chủ nhà họ Hoài đã sớm thăm dò hành tung của hắn, phái đệ tử môn phái chính đạo và sát thủ truy giết dọc đường, đến thành Trường An chưa đầy hai ngày, đệ tử của đao khách đã bị thương nặng.

“Người Trung Nguyên đều dễ thay đổi vậy sao?” Thạch Thu Phong hỏi, “Hay chỉ có mình Hoài Vô Nhai thôi?”

Ta nhìn vết máu khắp nửa người hắn, “Có lẽ vậy.”

“Người Mạc Bắc không như thế.” Hắn nói, “Từ trước đến giờ chúng ta vẫn luôn một dạ đến già.”

Câu chuyện cũ không dài chẳng ngắn, làm sao Thạch Thu Phong có thể so với Thanh Bạch Nhãn Nguyễn Tịch thời Ngụy Tấn. Đó cũng chỉ là một câu chuyện ân oán tình thù kéo dài hai đời phổ biến trên giang hồ mà thôi.

Nghe xong ta cười, “Ngươi cổ hủ hơn ta nghĩ khá nhiều.”

Thạch Thu Phong lơ đãng, “Người cổ hủ tất nhiên phải làm chuyện cổ hủ.”

Tiết Vô Y dùng thù lao giết Binh Bộ Thị Lang mời Thẩm đại phu quen biết đến khám bệnh. Ông thấy Thạch Thu Phong thì thẳng thắn lắc đầu, “Tiếc cho bộ xương tốt này, nửa tàn phế.”

“Không còn cách nào sao?”

“Đến đây chặt cánh tay trái.”

Thạch Thu Phong gật đầu, “Chặt đi.”

Thẩm đại phu vội vàng đến nên không mang theo Ma phí tán, lúc đao chém xuống Thạch Thu Phong không rên một tiếng, mặt mày trắng bệch, tay phải nổi gân xanh, bẻ gãy tay vịn ghế làm bằng gỗ lê, cuối cùng cũng ngất đi.

“Tính mạng không còn gì đáng ngại nhưng vẫn phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, không thì hắn sẽ thật sự tàn phế.” Lúc đi Thẩm đại phu lạnh lùng bảo, “Mười năm trước Tiết Vô Y bị thương cũng là ta chữa, bây giờ lại thêm một tên nữa. Ta không hiểu rốt cuộc mấy người giang hồ các ngươi vì cái gì mà không màng sống chết.”

Lúc Thạch Thu Phong tỉnh lại trời đổ mưa to.

Hắn nhìn ra ngoài cửa sổ, nhếch môi cười, “Trung Nguyên các người mưa nhiều thật.”

Tiết Vô Y đứng dậy rời đi, “Ta sẽ sắp xếp người đưa ngươi rời khỏi Trường An bằng đường thủy, ngày mai ngươi có thể đi.”

“Ta đã nghe nói về ngươi, sát thủ độc hành Huyết Đao Tử Tiết Vô Y ở Trường An.” Thạch Thu Phong gọi hắn lại, “Nghe nói mười năm trước kẻ cầm đầu nhóm người phục giết ngươi chính là Hoài Vô Nhai, đó cũng là lần cuối cùng lão khiến ngươi bị thương nặng. Ngươi không muốn báo thù rửa hận sao?”

Tiết Vô Y dừng bước nhưng không quay người lại, “Giang hồ này đã đủ loạn rồi.”

Thạch Thu Phong cười, “Không loạn thì đâu phải giang hồ.”

Gương mặt hắn tái nhợt, chẳng có chút máu nhưng đôi mắt lại sáng kinh người, khiến ta nhớ đến đôi mắt thoáng chốc sáng tỏ lúc ông lão hồi quang phản chiếu mà ta nằm mơ thấy hôm trước.

Tiết Vô Y cũng chẳng quay đầu lại, cứ thế rời đi.

Ta đi đến trước cửa sổ, trông thấy Tiết Vô Y làm rơi thanh đao mà Tô Thu Trì đưa cho y nhiều năm về trước, đó là thanh đao đi theo y mười năm không rời. Ta xuống lầu định gọi y quay lại thì đã thấy Tiết Vô Y không màng mưa to như trút nước, nhanh chóng đi xa, gần như là chạy trối chết, trong thoáng chốc y đã biến mất giữa đêm đen.

Lúc ta tìm đến chỗ Tiết Vô Y ở, y một thân một mình ngồi trước bàn, ngạc nhiên nhìn chằm chằm bức họa chân dung Tô Thu Trì treo trên tường, ánh mắt mê man trống rỗng.

Cả căn phòng trống vắng âm u, chỉ có mỗi ánh nến leo lắt.

Ta gọi y mấy câu y mới bừng tỉnh, thấy thanh đao trong tay ta thì sửng sốt, hồi lâu mới lấy lại tinh thần.

Lúc rời đi Tiết Vô Y gọi ta lại.

“Nhạn Cửu.” Đáy mắt y ảm đạm mơ hồ, phản chiếu ánh nến đang nhảy nhót, “Đôi khi ta nghĩ, nếu ngày ấy ta ở lại quê cũ, không ôm những chí khí hư ảo kia đến Trường An thì có phải bây giờ sẽ thoải mái tự do hơn không?”

Thoải mái tự do, đây là một cụm từ hết sức buồn cười, thế mà lại có vô số người chạy theo như vịt.

Ta vẫn nhớ cái đêm mười năm trước, Tiết Vô Y ôm thi thể lạnh như băng của Tô Thu Trì ngửa mặt lên trời thét dài, hận thù đỏ mắt, nghiến răng nghiến lợi thề phải báo thù rửa hận, tuyệt đối không buông tha cho ai giết hại Tô Thu Trì.

Lại một đêm mưa, Tiết Vô Y bị mấy chục người giang hồ phục giết, lúc ta chạy đến nơi trông thấy Hoài Vô Nhai đang dùng chân chậm rãi nghiền ép tay phải của Tiết Vô Y, cười nói ung dung, “Ngươi nói xem, nếu ta đạp thẳng xuống, có phải từ đây trên giang hồ không còn Huyết Đao Tử Tiết Vô Y tiếng tăm lẫy lừng nữa không?”

Đầu Tiết Vô Y bị Hoài Vô Nhai dẫm dưới chân, lệch sang một bên, mắt y nhìn thẳng vào ta, ánh mắt trống rỗng tịch mịch, nước mưa cuốn theo bùn tùy ý chảy xuôi qua mặt y.

Thiếu niên không thể không cúi
đầu trước ân oán tình thù trên giang hồ. Thiếu niên chưa già mà đã bị giang hồ mai táng, liều mình vùng vẫy cũng chẳng thể nhìn thấy bầu trời.

Lúc quay về ta thấy Thạch Thu Phong đang lật sách trước án, hắn giơ quyển Đông Pha toàn tập trong tay lên, “Nhạn cô nương cũng thích Tô Thức*?”

“Người Mạc Bắc cũng biết chữ của Trung Nguyên?” Hắn đúng là khiến ta bất ngờ.

“Cuối năm quan nội đại loạn, cha ta là nho sinh chạy trốn đến Mạc Bắc, khi còn bé ông có dạy ta chút thi thư.” Thạch Thu Phong cười như thiếu niên ngây ngô chưa hiểu sự đời, “Cha ta không thích Tô Thức, ông cảm thấy cả đời ông ta cố tình làm bậy, ông thiên vị Lục Phóng Ông*, còn dạy ta lòng phải mang muôn dân trăm họ như Lục Phóng Ông. Đến cái tên của ta cũng do Lục Phóng Ông ban tặng, cô đoán xem là câu thơ nào.”

“…Giang thượng thu phong lô địch thanh?” (Gió thu trên sông lay lau sậy réo rắt.)

Đây là câu thơ nằm trong bài thơ Bệnh Tư của Lục Du.

“Sai.”

“Thu phong liệp liệp hán kỳ hoàng.” (Gió thu thổi cờ Hán màu vàng bay phần phật.)*

Đây là câu thơ nằm trong bài thơ Thu Sơn Đồ của Lục Du.

“Vẫn sai.” Hắn cười vô cùng gian xảo, “Là Thiết mã thu phong Đại Tán quan.” (Ngựa sắt cưỡi gió thu vượt Đại Tán)*

Đây là câu thơ trích trong bài Thư phẫn của Lục Du.

“Cha ta một lòng một dạ muốn về Trung Nguyên nhưng cũng chỉ ôm chí hướng mà thôi. Ông còn ngăn cản không cho ta luyện võ, nói cái gì mà thà làm một thư sinh chứ không muốn làm Bách phu trưởng, cuối cùng sa vào buồn bực sầu não rồi qua đời giống Lục Phóng Ông. Ta lại thích Tô Tử, dù cuộc đời lắm chông chênh vẫn phóng khoáng hào sảng như cũ.” Thạch Thu Phong buông sách, nhấc Mi Tiêm Đao gác trên án lên: “Cô thích câu thơ nào của Tô Thức nhất?”

Ngoại trừ lúc còn bé, ông lão không màng nam nữ khác biệt, ép ta đến học đường đọc sách thì đã rất nhiều năm rồi không có ai thảo luận chuyện này với ta.

“Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xử. Quy khứ. Dã vô phong vũ dã vô tình.”* Ta nói. (Ngoảnh đầu nhìn trông nơi quạnh quẽ. Rời bước. Không mưa không gió cũng chẳng hanh.)

Đây là câu thơ trích trong bài thơ Định Phong Ba (Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh) của Tô Thức (Tô Đông Pha), mọi người có thể tìm đọc cả bài trên thivien.net).

“Là câu này à?” Hắn hơi thất vọng, “Ta thích câu ‘Ký phù du vu thiên địa. Miểu thương hải chi nhất túc’ (Gửi tấm thân phù du vào trời đất. Ta chỉ như hạt thóc giữa biển xanh.) trong Xích Bích Phú nhất. Tuy Tô Thức không phải người luyện võ, nhưng lại là hiệp khách trong đám văn sĩ, lấy bút làm đao, tô điểm giang sơn.”

Ta nhìn ống tay áo bên trái trống rỗng của hắn: “Nhưng mặc dù Tô Thức phóng khoáng lại không giữ được vẻ phóng khoáng ấy cả đời.”

“Vậy thì có làm sao?” Thạch Thu Phong cười rộ lên, “Bắt ta phải sống cả đời uất nghẹn như Lục Phóng Ông, đến già cũng chỉ có thể cảm thán lòng đang ở Thiên Sơn mà thân ở Thương Châu, còn chẳng bằng học Tô Thức hào sảng phóng khoáng, sống đời tự do. Án thơ Ô Đài* thì có làm sao, qua đời trên đường về Bắc thì có làm sao? Chẳng phải con người sống cả đời chỉ mong cầu tự do phóng khoáng như vậy sao? Nếu không được như thế, thì người đâu phải là người mà chỉ là con chó săn của kẻ khác mà thôi.”

Thoải mái tự do, lại là thoải mái tự do. Không biết lúc Tô Thức lưu lạc ở Đam Châu có từng nghĩ, nếu như lúc trước không vì thoải mái tự do nhất thời mà làm việc cẩn thận tỉ mỉ thì đâu đến nỗi tuổi già bị tịch thu tài sản, cả nhà chịu tội lưu đày đến Đam Châu, sống ở vùng đất man hoang, không có ngày ngẩng mặt lên?

Cây đàn ba dây của hắn được dựng thẳng bên cạnh án.

Ba dây đàn kéo căng thẳng tắp, thân đàn phủ da rắn bóng loáng cổ xưa, là một cây đàn ba dây đã nhiều năm tuổi. Ta nhớ đến cây đàn mới tinh bị gãy và nhét vào xó tường trong tháp Đại Nhạn, từ lâu đã phủ bụi trần.

“Là của sư phụ ngươi?” Ta hỏi.

“Của cha ta.” Thạch Thu Phong nói, “Lúc rời khỏi Mạc Bắc chẳng có gì tốt để mang theo. Nhà ta nghèo chỉ có bốn bức tường nên chỉ mang theo đao của sư phụ và đàn của cha.”

Nói xong hắn thoáng quay người lại, ngạc nhiên hỏi, “Sao cô biết đàn không phải của ta?”

“Nhìn ngươi không giống người biết chơi đàn ba dây.” Ta đáp.

“Vậy ta giống ai?”

“Mãng phu.”

Một tên mãng phu đơn độc vượt núi băng đèo.

Thạch Thu Phong cười to, cười đến nỗi người nghiêng ngả, mắt sáng ngời như tuyết. Ngừng cười hắn hỏi, “Chỗ này của cô có rượu gì ngon?”

“Rượu mơ, Thiêu Đao Tử, rượu hoa cúc, rượu hoa lê.”

“Sao toàn là rượu nhạt thế… lấy Thiêu Đao Tử đi.” Thạch Thu Phong xoay người định ngồi xuống, chợt dừng lại hỏi, “Ngày thường Tiết Vô Y thích uống rượu gì?”

“Rượu mơ.”

Ánh mắt hắn lộ ra vẻ thất vọng, “Còn cô thì sao?”

“Ta không uống rượu.”

“Vì sao?”

“Hễ đã say rượu một lần thì rất dễ bị nghiện.” Ta nói

“Mấy người Trung Nguyên các cô đúng là chẳng thú vị. Ở Mạc Bắc, bất kể là nam hay nữ đều uống rượu mạnh để sống.” Thạch Thu Phong nhận chén rượu, ngửa đầu đổ vào miệng, “Ngày trước sư phụ ta thường nói, rượu mạnh ắt có chỗ nóng người.”

Hết chương 3.

Chú thích:

1. Tô Thức, hiệu là Đông Pha cư sĩ nên còn được gọi là Tô Đông Pha. Tô Đông Pha là một nhà thơ, nhà văn, nhà thư pháp, họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đời Tống. Ông được mệnh danh là một trong tám đại văn hào lớn của Trung Quốc trong suốt 7 thế kỉ. Tính tình ông cương trực, ít giữ mồm giữ miệng nên sự nghiệp chính trị lắm thăng trầm.

2. Lục Phóng Ông là tên hiệu của Lục Du – một vị quan và nhà thơ của Trung Quốc thời Nam Tống. Lục Du mất năm 85 tuổi, khi mất vẫn ôm nỗi hận không thể nhìn thấy đất nước được thu hồi (lúc này Trung Quốc bị nhà Kim xâm chiếm).

Một câu chuyện khá thú vị về Lục Du, đó là năm 20 tuổi ông kết hôn với người vợ Đường Uyển (con của cậu), nhưng vì mẹ ông không thích con dâu nên hai người đành phải chia xa. Ông đã làm rất nhiều bài thơ nói về mối tình ngắn ngủi và trắc trở này. Đến năm 75 tuổi (lúc này Đường Uyển đã mất), ông còn làm bài thơ Thẩm Viên (Vườn Thẩm) để tưởng nhớ người xưa, đây là một bài thơ tình rất nổi tiếng.

Có một bộ truyện ngôn tình viết dựa trên câu chuyện tình này tên là Đường Uyển sống lại (Cuộc sống mới của Đường Uyển) dệt một cái kết đẹp cho người chồng sau của Đường Uyển với nàng. Bộ truyện này khá hay, mọi người đọc thử xem nhé, ngày xưa mình từng đọc và rất ghét Lục Du nhu nhược, nghe lời mẹ  (Link đọc: https://freecookiesfortoday.wordpress.com/truyen-cua-rua/muc-luc-duong-uyen-song-lai/)

3. Án thơ Ô Đài là vụ án văn thơ do Ngự Sử Đài xử lý. Tô Đông Pha là một nhà chính trị theo Cựu đảng do Tư Mã Quang dẫn đầu. Ông là người chỉ trích mạnh mẽ nhất tân pháp của Tân đảng do Vương An Thạch dẫn đầu. Năm Nguyên Phong thứ 2, một số người trong Tân đảng đã vạch lá tìm sâu những bài văn thơ do ông sáng tác, gây tác động để Ngự Sử Đài vạch tội ông “công kích triều đình”.

Ông bị giam trong ngục hơn trăm ngày. Vua Tống Thần Tông anh minh sáng suốt không nghe lời gièm pha, sau đó ông bị biếm thành Phó sứ đoàn luyện Hoàng Châu, trở thành một đại thần bị lưu đày.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện