“Tái bắc khai hành điện, song lâm vạn hách tùng. Vân phong song tháp lĩnh, yên tỏa khánh chùy phong.
Phiêu miểu tầng loan tiếp, bàn hồi khúc kính trọng. Hồng trần nan đáo xử, hà sự bất tòng dung.” (1)
Khi Dận Chân đi tìm nước suối thì phát hiện một khu rừng bí mật trong
thung lũng nhỏ ở Sư Tử Câu, những buổi chiều nhàn rỗi, chàng và Vân Yên
sẽ dắt Truy Vân và Dạ Sư từ cửa sau hoa viên đến khu rừng xanh mướt
thanh tĩnh bên dòng suối đó đi dạo, đến khi đổ mồ hôi thì để ngựa bên
cạnh, quỳ chân bên suối uống nước rửa mặt.
Nước suối chảy róc
rách, trong veo có thể thấy đáy. Qua mặt nước Vân Yên nhìn thấy rõ ràng
khuôn mặt hai người, vừa giống như chiếc gương phản chiếu nụ cười, vừa
giống như một tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc này mãi mãi. Nàng kìm lòng
không đậu muốn vươn tay ra chạm vào, nhưng lại ngập ngừng, rồi thu tay
về.
Dận Chân thấy Vân Yên ngây người liền ôm lấy nàng hỏi sao
vậy. Vân Yên khép mắt, quay mặt đi, trên khuôn mặt vẫn treo nụ cười chỉ
tay vào mặt nước.
- Chàng xem đi.
Dận Chân thấy nàng cười mới yên tâm, quay đầu nhìn mặt nước, trong đôi mắt đen tuyền
dần xuất hiện nét cười, bàn tay rộng lớn cũng di chuyển từ cánh tay Vân
Yên đến bên gò má và tai, để đầu nàng gần sát với mình, mắt không hề
chớp mà nhìn mặt nước, ngâm nga:
- Một đôi trời sinh, một cặp đất tạo.
Vân Yên nghe câu này, suýt nữa bật cười thành tiếng, mở to đôi mắt vô
tội. Người bên cạnh nhìn thấy qua mặt nước lập tức giả bộ trừng mắt một
cái, bóng hình trên nước cũng trừng mắt, Vân Yên cười híp mắt vội vàng
gật đầu đồng ý, người bên cạnh mới cong khóe môi lên, không che giấu nổi hạnh phúc.
Vân Yên dần dần thả lỏng người, dựa đầu mình vào
đầu chàng, yên lặng ngắm bóng hình hai người dưới dòng suối, cảm nhận
tiếng chim hót hương hoa thơm trong khu rừng nhỏ, nước suối tỏa lên từng luồng khí mát dễ chịu, và người bên cạnh trao nàng tĩnh nghĩa vẹn tròn.
Giờ phút này, nếu như, mặt nước là máy ảnh kỹ thuật số vượt thời gian
và không gian đến đây, thì có thể chụp lại toàn bộ khoảnh khắc đẹp nhất
này. Chờ cho đến khi đầu bạc, chờ cho đến lúc cuối đời, sẽ không trở
thành những ký ức ố vàng.
- Chân, nếu có thể mang bức tranh trên mặt nước này về thì tốt biết bao.
Dận Chân rất ít khi nghe thấy nàng gọi một chữ “Chân”, giọng nói êm ái
giống như con mèo nhỏ dùng đệm chân mềm mại chạm vào lòng bàn tay mình.
Chàng thân mật vuốt ve vành tai Vân Yên, thỉnh thoảng day nhẹ thùy tai nàng.
- Ừm... bức tranh này đã khắc sâu trong tim tướng công rồi, lát nữa trở về, chúng ta sẽ vẽ ra, được không?
Vân yên vốn tưởng mong muốn của mình không thể thực hiện được, nhưng
nhờ câu nói của chàng, nhờ cách làm rất tình cảm này đã giải quyết mọi
chuyện.
Nàng tinh nghịch cong khóe môi, giả bộ đau khổ:
- Được thì được, nhưng sở trường của chàng là thư pháp chứ đâu
phải hội họa, nếu vẽ mình thành mặt mâm mũi tẹt thì làm thế nào đây?
Lời vừa dứt, một bàn tay lớn nghịch ngợm trong nháy mắt chạm vào mặt
nước, nước suối mát lạnh bắn lên tung tóe. Vân Yên giật mình kêu lên một tiếng, bắt đầu té nước lại. Khuôn mặt người nào đó cũng đầy bọt nước,
nhưng vẫn tốn hơi thừa lời cười nói:
- Nói ai mặt mâm, ai mũi tẹt?
Vân Yên vừa che mặt cười, vừa hắt nước về phía chàng, rồi định đứng dậy bỏ chạy thì bị chàng tóm lấy kéo về phía mình. Chàng mặc kệ vạt áo đã
ướt một nửa, đôi môi mỏng định hôn xuống, Vân Yên vội vàng chống tay lên lồng ngực chàng, khuôn mặt nhỏ nhắn ửng đỏ, trên hàng mi vẫn còn vương
những giọt nước li ti, dưới ánh nắng giống như một viên thạch anh rực
rỡ:
- Ai cắn trước thì người ấy con cún con.
Mắt Dận Chân thẫm lại, đè thấp giọng thầm thì:
- Không biết ai đêm qua khóc không ngừng, còn cắn vai ta một cái...
Sắc mặt Vân Yên thoắt cái đỏ rần rần, vừa xấu hổ vừa tức giận đẩy mạnh chàng ra để đứng lên.
Không ngờ Dận Chân cứ thể mà ngã xuống suối, nửa trên bờ nửa dưới nước, hai tay cũng chống về phía sau, trên khuôn mặt vẫn mang theo nụ cười,
phong thái ung dung thoải mái, phong độ không hề bị giảm.
Vân Yên đứng trên bờ đỏ mặt lườm chàng, người nào đó thật là... xấu xa!
Dận Chân cong khóe miệng, chậm rãi giơ một bàn tay về phía nàng, nhìn nàng mà không nói gì.
Vân Yên hơi nhếch môi nắm lấy tay chàng, cuối cùng trong ánh mắt cũng
mang theo ý cười, định kéo chàng dậy, lại bị chàng dùng lực kéo xuống
nước cùng, nước bắn tung tóe, trên đầu trên mặt đều bị ướt.
Hai người đều ướt như chuột lột, cuối cùng dựa vào nhau cười thành tiếng sảng khoái, hơi thở cũng giao hòa vào nhau.
Hoa trong gương, trăng trong nước, chỉ có cái ôm ấm áp khi giấc mơ nửa đêm quay trở về mới đủ bù đắp những điều quý báu.
Những ngày hè này, Dận Chân và Vân Yên luôn ở bên nhau, trong Sư Tử Câu nhỏ bé, trong non xanh nước biếc vùng tái ngoại mênh mông, cuộc sống
của họ là thời khắc tuyệt đẹp nhất không thể nào quên.
Dận Chân từng nói nơi nào có Vân Yên thì nơi ấy chính là nhà, nhưng đối với nàng thì có phải không? Thứ nàng ôm ấp và trao cho chàng là ngôi nhà nơi
chân trời góc bể, cũng là ngôi nhà mà kiếp trước hay kiếp này nàng đều
không dám ước mơ.
Thời tiết nóng nực dần dần qua đi, đến hạ
tuần tháng bảy, Khang Hi bỗng nhiên nhận được tin tức Khoa Nhĩ Thấm Đạt
Nhĩ Hãn Thân vương Ban Đệ bị thương khi đi săn, xét về tình nghĩa và
chính trị, ông quyết định khởi hành tuần du thảo nguyên trước. Dận Chân
từ hành cung trở về thông báo cho Vân Yên, nàng vội vàng thu dọn đồ đạc
tùy thân của hai người, ngày hôm sau đoàn người cùng đội ngự giá của
Khang Hi bắt đầu lên đường đi về phía thảo nguyên lớn ở tái ngoại, quãng đường ước chừng vẫn như thế, nhưng tốc độ nhanh hơn trước đây. Do tuần
du các nơi trên thảo nguyên, nên đường đi khá vất vả, vì vậy Hoàng thái
hậu vẫn ở lại hành cung Nhiệt Hà, chờ Khang Hi quay về đón Trung Thu.
Ngày hai mươi mốt tháng bảy, dừng chân tại Ca Lạt Hà Đồn. Ngày hai mươi hai, dừng chân tại núi Lạt Môn Cát. Ngày hai mươi ba, nghỉ chân
tại Bác Lạc Hòa Đồn. Ngày hai mươi lăm, nghỉ chân tại Trương Tam Doanh. Ngày
hai ngươi bảy, dừng chân tại vùng Mục Lộc Ca Lạt Thấm Ngang A.
Trên thảo nguyên cuối hạ, ngay cả chim chóc và cây cỏ cũng ra tình cảm
bịn rịn quyến luyến không bao giờ hết. Khang Hi mang theo các hoàng tử
đến gặp vương công quý tộc của các bộ lạc Mông Cổ, xử lý những việc cần
thiết.
Trong tiềm thức Vân Yên cố gắng tránh không chạm mặt với Bát Bối Lặc Dận Tự. Cả ngày nếu không phải đi bộ hoặc chờ trên xe ngựa, thì nàng luôn ở trong nhà bạt Mông Cổ chờ Dận Chân về. Thỉnh thoảng
nhòm qua cửa sổ nhìn phong cảnh thảo nguyên, cảm thấy nơi đây đẹp vô
cùng.
Không đến mấy ngày, khi sắp đến khu vực thảo nguyên Khoa
Nhĩ Thấm, Khang Hi lại nhận được tin tình hình của Đạt Nhĩ Hãn Thân
vương Ban Đệ chuyển biến xấu, đoàn người ngựa đi thâu đêm không ngừng
nghỉ nhanh chóng đến phủ Khoa Nhĩ Thấm Thân vương. Bước chân Khang Hi
không dừng, mang theo các hoàng tử vào phủ.
Khang Hi thăm Ban
Đệ xong thì lệnh cho thái y đi theo cùng phải dốc sức chữa trị, đồng
thời đích thân phong con trai trưởng của Ban Đệ là La Bố Tạng Cổn Bố là
minh trưởng (2) Triết Minh (3). Vị La Bố Tạng Cổn Bố này chính là Đại
Vương tử đứng đầu trong cuộc thi đấu vật nhiều năm trước, tên mụ là Mộ
Nhân.
Mối quan hệ thân thiết được xây dựng từ máu thịt và
phương pháp chính trị mà hoàng đế Khang Hi dày công tôi luyện đã giúp
thảo nguyên Khoa Nhĩ Thấm biến nguy thành an trong lúc nguy hiểm, khiến
họ rất xúc động.
Đêm đầu thu trên thảo nguyên, gió lạnh thổi vi vu, màn đêm rộng lớn bao phủ khắp thảo nguyên mênh mông, nhưng ngay cả
một ngôi sao trên bầu trời cũng không có, ánh trăng cũng trở nên ảm đạm
buồn bã.
Vì đã đi suốt đêm, ngựa và người đều cắm trại ngay
trên thảo nguyên gần phủ thân vương, thị vệ bận bịu, Vân Yên cũng không
giúp được gì, liền ôm bọc hành lý nhỏ của mình và Dận Chân đứng lui sang một bên, giống như con thú nhỏ không có nơi về.
Cuối cùng cũng được vào nhà bạt Mông Cổ, nàng thu dọn một lượt, trời đã tờ mờ sáng.
Khi Dận Chân quay về sắc mặt mỏi mệt, trong mắt đầy tơ máu, nhưng vẫn
quan tâm hỏi han sức khỏe nàng. Vân Yên hôn lên má chàng, đỡ chàng ngồi
xuống, giúp chàng cởi giày rửa mặt, sau đó hai người mới ôm nhau lên
giường ngủ.
Mấy ngày ở Khoa Nhĩ Thấm, vết thương của Ban Đệ dần chuyển biến tốt hơn, Khang Hi cũng thường tới thăm ông ta, nhưng lại có phần bất mãn với công chúa Hòa Thạc Đoan Mẫn ngày càng ngang ngược. Đầu tháng tám, Khang Hi trở về, La Bố Tạng Cổn Bố cũng đi cùng để chuẩn bị
tham gia lễ hội đi săn mùa thu sau Trung Thu.
Ngày mười ba
tháng tám, đoàn người và ngựa về đến hành cung Nhiệt Hà. Hành cung do
Hoàng thái hậu làm chủ, Hòa phi Qua Nhĩ Giai thị đã lo liệu tất cả ổn
thỏa cho Trung Thu, bầu không khí náo nhiệt sôi nổi.
Tết Trung
Thu, trong đại sảnh chính cung tổ chức yến tiệc ăn mừng vô cùng lớn. Đây là lần đầu tiên Vân Yên được vào điện đường trung tâm của sơn trang.
Là một nô tài không đáng coi trọng, từ đầu đến cuối Vân Yên luôn dè đặt cùng với Tiểu Thuận Tử yên tĩnh đứng sau lưng Dận Chân hầu hạ. Khang Hi cực kỳ vui vẻ, vừa chúc mừng Hoàng thái hậu, vừa thể hiện sự vinh sủng
đặc biệt với Khoa Nhĩ Thấm, trước lúc khai tiệc ông ta đã gọi con trai
trưởng của Đạt Nhĩ Hãn Thân vương Ban Đệ là La Bố Tạng Cổn Bố tới ngồi
cùng với các hoàng tử, cũng là chỗ ngồi cách chủ tọa gần nhất.
Nhiều năm trước vì nhìn từ xa nên Vân Yên không thấy rõ tướng mạo của vị tiểu vương tử Mộ Nhân này, vậy nên không có ấn tượng gì, nhưng lúc này
La Bố Tạng Cổn Bố đang ngồi cạnh Bát Bối Lặc Dận Tự, khi quay mặt qua
đây, Vân Yên liền hít vào một hơi khí lạnh, bên tai vang lên ong ong.
(1) Bài thơ “Nhiệt Hà nhàn vịnh thất thủ kỳ nhất” của Ái Tân Giác La Dận Chân. Tạm dịch nghĩa:
Đến cuối cùng ải bắc, cửa sổ đối diện muôn khe suối.
Mây mờ phủ kín hai dãy núi, khói phong tỏa khánh gõ đỉnh núi.
Núi non trùng điệp ẩn hiện nối tiếp, như con đường nhỏ ngoằn ngoèo.
Bụi trần khó chạm đến, hà cớ sao không ung dung?
(2) Minh trưởng: người đứng đầu khu vực hành chính Mông Cổ thời
Thanh (Minh là tên gọi khu vực hành chính tự trị Mông Cổ, bao gồm kỳ,
huyện thị).
(3) Triết Minh: Tên tắt của “Triết Lí Mộc Minh”, tên cũ của khu tự trị Nội Mông.