* Sống vì tình yêu
Trích dẫn: Xuân về hoa nở, ngoài những đóa hoa nở rộ kiều diễm nhất, là những cô nương đợi ngày khoe sắc.
Mùa xuân năm nay, trong cung lại bắt đầu tuyển tú nữ, các thiếu nữ trong độ tuổi đẹp nhất xuất thân từ gia đình quan viên đều muốn tham gia đợt tuyển này. Những chuyện như thế này vốn dĩ cách Vân Yên quá xa, tuy là cùng độ tuổi, nhưng không liên quan gì đến nô tài tiện tịch.
Mạng sống của nàng chỉ viết trên một cái tên, chính là Ái Tân Giác La Dận Chân. Nàng là tài sản riêng thuộc về người này, sống là người của chàng, chết cũng làm ma của chàng.
Vân Yên vẫn chỉ một người một phương trong Tứ Nghi Đường, an phận thủ thường, chân không bước khỏi cửa một bước. Nghe nói lần này tuyển tú cũng chính là tuyển phúc tấn cho Thập Tam A Ca, chỉ chờ mãn hạn hiếu một năm là vào cửa.
Dận Tường vẫn hay chạy tới Tứ Nghi Đường, gần đây lại càng thường xuyên hơn. Mỗi lần đến đều hỏi Dận Chân vấn đề này, lại còn có vẻ ngượng ngùng. Dận Chân dường như rất hiểu cảm giác của Dận Tường lúc này, thường thường mỉm cười.
Hai người vẫn hay ngồi trên bàn ghế đá trong sân vừa đánh cờ, vừa nói chuyện.
Vân Yên lúc nào cũng đứng bên cạnh hầu hạ, cũng dần dần hiểu ra. Xem ra cậu chàng đến tìm Tứ A Ca là để tư vấn tâm lý, tư vấn tâm lý trước khi thành thân là điều rất cần thiết, có anh trai thật là tốt.
Mẫu phi Mẫn Phi của Dận Tường đã qua đời, tú nữ do hậu cung chọn đương nhiên không kỹ càng chu đáo bằng chính mẹ ruột của a ca.
Dận Tường dường như vẫn chưa quen với chuyện này, hay không biết là do không thuận mắt, nên không muốn lấy phúc tấn sớm như vậy.
Dận Chân cười đưa tay vỗ nhẹ lên mu bàn tay Dận Tường, ý bảo đệ cứ yên tâm, còn có Tứ ca ta.
Vân Yên đang châm thêm trà cho hai người, nhìn thấy cảnh anh trai vỗ nhẹ lên mu bàn tay em trai, hai người đối mặt, nét mặt vô cùng dịu dàng thân mật. Không khỏi cúi đầu, trong lòng lặng lẽ ghi lại bức tranh thân thiết ấm áp này. Thật tốt.
Dận Tường nhìn thấy Vân Yên, có hơi xấu hổ, vội vàng tìm chủ đề nói:
- Vân Yên, có rảnh thì qua phủ ta, ta dạy ngươi cưỡi ngựa.
Dận Chân nâng mắt nhìn Dận Tường:
- Tay nàng không tốt.
Dận Tường sờ sờ mũi, cười:
- Vậy ngươi xem ta cưỡi ngựa.
Vân Yên nhịn không được nhếch môi muốn cười, vẫn rất phối hợp đồng ý.
Hơn nửa tháng sau, Qua Nhĩ Giai thị được chỉ hôn cho Thập Tam A Ca làm trắc phúc tấn, Thư Thư Giác La thị được chỉ hôn cho Thập Tứ A Ca làm trắc phúc tấn. Cuối năm sẽ cử hành hôn lễ. Các hoàng thân quốc thích đều được ban thêm tú nữ vào phủ để làm phong phú hậu viện, nhưng riêng Tứ phủ và Bát phủ đều không có người mới tiến vào.
Thời tiết dần dần nóng lên, Dận Chân từ trước đến nay vẫn sợ nóng. Vân Yên mỗi lần nấu xong canh đậu xanh đều thêm vào một vài bông cúc non vào, thanh nhiệt giải độc, bổ phổi sáng mắt. Bưng bát sứ Thanh Hoa mát lạnh đặt trên bàn chờ chàng về uống. Dận Chân không thích ăn đồ ngọt, nhưng canh đậu xanh với mùi vị thanh đạm vừa đủ lại phù hợp với khẩu vị chàng. Mỗi ngày sau khi hạ triều uống một bát canh đậu xanh hoa cúc đã trở thành thói quen của chàng
Bởi vì thường ngày Dận Chân thích ngồi thư giãn trong sân đánh cờ hoặc viết chữ, mà nắng càng lúc càng gắt, nên mỗi khi gần đến mùa hè chàng đều tỏ ra khá bất mãn. Vân Yên suy nghĩ, rồi cùng với mấy người Tiểu Thuận Tử và Tiểu Ngụy Tử dựng một giàn hoa gần chỗ bàn ghế đá chàng hay ngồi, cho hoa tử đằng bao phủ lên trên, để mặc cho nó leo lên, nhìn cũng có thú vị riêng.
Dận Chân nhìn giàn hoa tử đằng hoàn thành, bỗng có hứng thú ngâm một bài thơ:
“Nhất sinh tung tích tại yên hà, bất thực điều tang bất chủng ma.
Thúy bách chước lai thanh đái diệp, cổ đằng đam khứ tử thùy hoa.
Ca trường thì dẫn viên khuy huyệt, quy vãn thường thừa nguyệt đáo gia.
Bút chỉ vân sơn vi hoạt kế, na tu chi tửu chúc câu xa.” (1)
Dận Chân nhàn nhã cầm một quyển sách ngồi dưới giàn hoa, Vân Yên đứng bên cạnh cầm quạt phe phẩy.
Dận Chân bỗng nhiên ngẩng đầu hỏi Vân Yên có biết truyền thuyết cây tử đằng không. Vân Yên lắc đầu nói không biết.
Chàng hơi ngửa đầu nhìn giàn hoa, thốt ra mấy chữ:
- Cây và đằng, vì tình mà sống, vì yêu mà chết
Đôi mắt đen tuyền của chàng mang theo ý cười hờ hững,
- Trồng thêm một giàn nho nữa đi, ủ rượu.
Vân Yên hơi mím môi, cúi đầu nói vâng.
Mùa hè, Dận Chân mỗi ngày đều tắm gội, Vân Yên mỗi ngày đều giúp chàng thay quần áo, chà lưng tắm rửa sạch sẽ, người này càng ngày càng quyến rũ. Còn Vân Yên hàng ngày vẫn như thường lệ đến nhà tắm dùng cho hạ nhân tắm rửa, đã thành thói quen.
Có một ngày, vừa hầu hạ Dận Chân tắm rửa lên giường xong, Vân Yên liền đến phòng tắm dành cho hạ nhân. Sau khi tắm gội xong, buộc chiếc yếm lên, mặc áo trong vào, thì có một người bỗng nhiên đẩy cửa ra. Then cửa phòng tắm dành cho hạ nhân vốn không tốt lắm. Người đó thấy cửa bị đẩy nhưng không mở thì càng đẩy mạnh hơn, trong nháy mắt then cửa cũ bị phá hỏng, cửa phòng tắm bị mở ra, là một gã sai vặt!
Vân Yên ôm áo mặc ngoài nhìn về phía cửa, chuyện xảy ra đột ngột nên nàng giật
mình kêu lên một tiếng. Một vài nha hoàn và gã sai vặt xung quanh nghe thấy tiếng hét vội vàng xông đến, phát hiện ra là một gã sai vặt uống say đẩy nhầm cửa nhà tắm nam nữ! Vân Yên vẫn chưa hoàn hồn, may là nàng đã mặc áo trong, nếu không ở thời cổ đại này có phải nàng sẽ bị nhốt vào lồng heo sau đó thả trôi sông? Chỉ thử nghĩ đến thôi mà da đầu đã run lên.
Mặc kệ nước trên mái tóc vẫn còn đang nhỏ giọt, Vân Yên vội vàng đi về Tứ Nghi Đường, cả quãng đường luôn cảm thấy hoảng sợ. Trời tối đen như mực, bước chân Vân Yên rất nhanh, giống như đang vùi đầu chạy.
Vừa chạy vào trong sân, bỗng nhiên trước mặt có một người ôm nàng vào ngực.
Hơi thở quen thuộc mà sạch sẽ hòa lẫn với hơi thở Vân Yên, trong phút chốc nàng bình tĩnh lại từ sợ hãi vừa rồi, muốn rời khỏi lồng ngực của chàng.
Dận Chân chỉ mặc một chiếc áo trong hơi buông nàng ra, tay phải vuốt nhẹ lên lọn tóc còn ướt đẫm của nàng, rồi ôm trọn cơ thể bên trong chiếc áo mỏng manh.
Dận Chân nhìn gò má hơi tái nhợt của nàng, vừa đau lòng lại vừa tự trách, nhẹ nhàng nói:
- Không sao rồi, đừng sợ.
Vân Yên đẩy ngực chàng ra, vội vàng lắc đầu nói không sao.
Tục ngữ nói, đánh chó phải nhìn mặt chủ. Nô tài cũng giống như thế, có chủ tử quyền thế, đi đến đâu người khác cũng không dám coi thường. Trong tứ phủ, chủ nhân không thể mạo phạm nhất đương nhiên là Tứ gia. Mặc dù Vân Yên vẫn luôn khiêm tốn cung kính, Tiểu Thuận Tử và Tiểu Ngụy Tử cũng luôn hòa nhã dễ gần với người bên ngoài, nhưng dù gì cũng là nô tài thân cận bên người Tứ gia, người ngoài không thể đụng vào được.
Ngày hôm sau, Dận Chân không cho phép Vân Yên tới phòng tắm cho hạ nhân, bảo Vân Yên tắm rửa ngay trong phòng tắm ở Tứ Nghi Đường, nơi nàng thường dùng để đun nước.
Dận Chân khi tức giận lên thì không dễ nói chuyện, gã sai vặt say rượu đẩy nhầm cửa phòng tắm suýt nữa thì mất mạng, Vân Yên khó khăn nói nhỏ mấy tiếng, cũng không xảy ra chuyện gì. Cuối cùng gã sai vặt bị Cao quản gia đánh bốn mươi gậy, chỉ còn lại hơi tàn bị đuổi khỏi phủ.
Ngày bình thường, bởi vì tiểu Hoằng Huy cũng thích canh đậu xanh hoa cúc Vân Yên làm, nên sau khi Hoằng Huy học bài xong, Vân Yên sẽ mang một chén tới chính phòng cho đích phúc tấn Na Lạp thị và tiểu Hoằng Huy. Thế nên mỗi ngày tiểu Hoằng Huy đều mong đợi tới giờ tới lớp, bởi vì tới lớp xong là tan học, hết giờ học thì có canh đậu xanh của Vân Yên uống.
Khi ở cùng Hoằng Huy, Vân Yên phát hiện thơ tiểu Hoằng Huy thích đọc phần lớn là của Đào Uyên Minh "Thái cúc đông li hạ, Du nhiên kiến Nam sơn. (2)" (Hái cúc bên giậu đồng, thư thái thấy núi Nam.) cùng với sự thoải mái của Lý Thái Bạch "Nhân sinh đắc ý tu tận hoan, mạc xử kim tôn không đối nguyệt. (3)" (Người sinh đắc ý vui tràn đi, Chớ để chén vàng trơ với nguyệt.) Những bài thơ không bị trói buộc trong ý cảnh thằng bé đều thích, rất có tế bào lãng mạn và đơn thuần của Thập Tam thúc nó.
Dưới sự chăm sóc tỉ mỉ của Vân Yên, Tiểu Thuận Tử và Tiểu Ngụy Tử, vào cuối hạ, nho trên giàn đã chín hẳn, Vân Yên đứng trên ghế cẩn thận hái từng chùm xuống. Rửa sạch từng chùm. Từng quả nho giống hệt viên ngọc, chạm vào đầu ngón tay thật đáng yêu.
Khi Dận Chân hạ triều quay về đọc sách, Vân Yên đứng bên cạnh tỉ mỉ lột từng quả nho cho chàng ăn.
Dận Chân ăn một quả, ngẩng đầu lên nói chua.
Vân Yên chợt nhớ mình vẫn chưa nếm thử, trên khuôn mặt có phần áy náy. Sợ Dận Chân bị chua, vội vàng lột một quả rồi đưa vào miệng mình.
Vừa chạm vào lưỡi đã vô cùng ngọt ngào khoan khoái, giống như một viên ngọc trượt vào cổ họng, dư vị kéo dài.
Vân Yên ngẩng đầu khó hiểu nhìn Dận Chân, thấy chàng quay đầu lại, đường cong dưới cằm tuyệt đẹp, khóe môi hơi cong lên.
Sao lại có người như vậy?
– HẾT CHƯƠNG 56 –
(1) Bài thơ “Tiều” (Củi) trong tập thơ “Ung Để tập” của Ung Chính.
(2) Bài thơ “Ẩm tửu” của Đào Uyên Minh.
(3) Bài thơ “Tương tiến tửu” của Lý Bạch.